- Thơ nhạc Nguyễn Lê Trung
- Tình yêu nối đôi bờ
Tình yêu nối đôi bờ
TÌNH YÊU NỐI ĐÔI BỜ
Thơ: Nguyễn Lê Trung
Nhạc: Lê An Tuyên
Thể hiện: Đinh Trang Sao Mai & NSƯT Nguyễn Quang Hưng
Phối khí: NSƯT Nguyễn Quang Hưng
Clip: Hoàng Xuyên
Thể hiện: Ca sĩ Vũ Thắng Lợi & Bùi Lê Mận
Clip: Hoàng Xuyên
Lời bình của BÍCH THẢO:
“Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều!”.
Lời hỏi ngây thơ, nhỏ nhẹ và đầy trong sáng của trẻ cũng chính là nỗi lòng của những người con xa quê nơi đất khách, là tâm thức hướng vọng không nguôi nghỉ của những người con xa xứ luôn đau đáu nghĩ về quê hương. Với nhà thơ Nguyễn Lê Trung, nhạc sĩ Lê An Tuyên, quê hương là sự hiện diện máu thịt qua những ký ức về dòng sông, về chuyến đò chòng chành ngày đông với đôi bờ đợi chờ mưa nắng. Sự đồng điệu tiếng lòng của nhà thơ và nhạc sĩ đã dâng hiến cho người nghe một bản hòa tấu âm nhạc trong sáng, trẻ trung nhưng cũng đậm đà, da diết tình yêu quê hương hòa trong tình yêu đôi lứa. Ca khúc được mở đầu bởi những âm điệu thiết tha, trong sáng và kết thúc bằng khúc khải hoàn ca, là sự hợp xướng của tình yêu đôi lứa được đơm hoa kết trái, là những ước vọng của lứa đôi nay được cập bến bờ, mơ và thực trộn lẫn vào nhau, hòa hợp với nhau và gặp nhau ở một kết thúc đẹp còn hơn cả giấc mơ. Xuyên suốt ca khúc là 2 hình tượng đẹp: DÒNG SÔNG VÀ CÂY CẦU.
Có lẽ với nhà thơ Nguyễn Lê Trung và nhạc sĩ Lê An Tuyên, đây là những hiện thân cụ thể, gần gũi và gắn bó nhất về quê hương, dòng sông và cây cầu là máu, là thơ, là nhạc và là một phần không thể thiếu của tâm hồn. 2 hình tượng quen thuộc trong ký ức này đã được nhạc sĩ và nhà thơ nâng bổng thành hình tượng nghệ thuật vừa mơ, vừa thực, lại lung linh ảo diệu giữa cuộc đời. Dòng sông quê chính là phép thử của 1 tình yêu lớn, vừa là nhân chứng cho tình yêu đôi lứa bởi “em bên này – anh bên kia”, vừa là dòng chảy cảm xúc tuôn trào không ngừng nghỉ của anh & em về ước vọng 1 cây cầu nối nhịp. Dòng sông vừa hòa vào dòng nhớ, dòng đợi, dòng thương của anh và em nhưng cũng là nghịch lý bởi nó tạo ra sự ngăn cách “xa vời vợi”. Sự xa cách về mặt địa lý của dòng sông lại chính là ngọn lửa thổi bùng những cảm xúc yêu thương, mong nhớ của đôi lứa đang yêu. “Sao mà xa vời vợi/ Sao mà xa cách thế” vừa như than, vừa như có ý trách móc của đôi lứa về nghịch cảnh địa lý. Tuy nhiên, chính sự xa cách này là sự nung nấu và làm trỗi dậy mạnh mẽ tình yêu, sự thôi thúc của con tim. Và chính lúc ấy, hình ảnh đẹp của ca dao, dân ca “bắc cầu giải yếm” được nhà thơ Nguyễn Lê Trung và nhạc sĩ Lê An Tuyên đưa vào một cách tài tình và đúng lúc, xuất hiện đúng logic mong ước của cô gái tạo ra một phép màu - “để người bên em”. Tình yêu muôn đời vẫn vậy, nó cũng như dòng sông luôn chảy trôi những cảm xúc bất tận về nguồn, từ quá khứ đến tương lai đều vang vọng khát vọng bên nhau. Chất liệu dân ca, ca dao đã được nhạc sĩ và nhà thơ vận dụng một cách nhuần nhuyễn và tài tình. Dòng sông đã giữ, đã chất chứa trong mình bao kỷ niệm của lứa đôi theo thời gian, từ cảm xúc nhớ chuyển sang cảm xúc thương: “thương con đò ngang ngày đông… chòng chành”. Một hình ảnh thôi nhưng đủ để gợi lên bao cảm xúc chân thực tự đáy lòng cô gái đang yêu. Nhiều người sẽ tự hỏi, liệu con đò ở đây có phải là bóng dáng chàng trai trong tâm tưởng cô gái? Con đò là phương tiện để kết nối tình yêu, đưa chàng trai đến với cô gái? Hình ảnh chòng chành của con đò lại đặt trong bối cảnh ngày đông khơi dậy trong tâm thức người nghe bao nỗi niềm khó tả, về sự khấp khởi, lo âu cho số phận tình yêu, có cái gì như là một dự cảm mong manh giữa cuộc đời sông nước. Chỉ những người đang yêu, đang thấp thỏm đợi chờ mới có những cảm xúc như vậy. Cái tài của nhà thơ, nhạc sĩ khi chắt lọc được những hình ảnh đắt giá như vậy và đưa vào ca khúc “Tình yêu nối đôi bờ” là ở chỗ đó. Chỉ sử dụng 4 từ “nắng mưa đợi chờ” mà người nghe cảm nhận được tình yêu đôi lứa trong quãng dài của thời gian, có cả niềm mong nhớ đằng đẵng đã được thử thách, được dòng sông minh chứng. Từ cảm xúc nhớ, rồi thương tất yếu sẽ trở thành khát vọng, đấy chính quy luật của tình yêu, của lòng người và hình ảnh CÂY CẦU xuất hiện.
Khác với dòng sông – một hình ảnh gần như bất biến về sự tồn tại vĩnh hằng thì CÂY CẦU trong ca khúc lại đi từ ảo mộng, từ quá khứ, từ ước vọng đến hiện thực lung linh. “Cầu dải yếm” là cây cầu trong tâm tưởng, là khát vọng, là niềm mong ước của những người đang yêu, là cây cầu ước lệ ngàn đời của cha ông về tình yêu đôi lứa. Gần gũi hơn 1 chút, hình tượng cây cầu đã bắt đầu bước từ địa hạt mơ sang thực qua hình ảnh “nhịp cầu” bắc qua dòng sông xanh để rút ngắn khoảng cách, xuất hiện trong khao khát, niềm mong nỗi nhớ của cô gái khi nắng mưa mong đợi chàng trai. Và không thể đẹp hơn, còn hơn cả giấc mơ, kết thúc ca khúc là hình ảnh nhịp cầu mong đợi đã thành hiện thực, đã nối những bờ vui, là ước vọng ngàn đời của những đôi lứa yêu nhau nay trở thành hiện thực. Âm hưởng khải hoàn ca của ca khúc chính là sự viên mãn của tình yêu đôi lứa, là sự kết tinh và hòa quyện giữa giấc mơ và hiện thực. Đôi bờ vốn đã mơ mộng, mến thương nhưng nay có thêm hình ảnh cây cầu lung linh sắc màu vui tươi, nối nhịp thì sự hoàn hảo của một bức tranh đẹp, một kiệt tác của tạo hóa và con người đã được hun đúc, kết tinh, nó đẩy cảm xúc của tình yêu đôi lứa lên cao “hạnh phúc dâng tràn”.
Cái riêng hòa vào cái chung, dòng cảm xúc riêng tây của nhà thơ Nguyễn Lê Trung đã được nhạc sĩ Lê An Tuyên đồng điệu đến nhất thể, trở thành tiếng lòng của muôn triệu con người mỗi khi nghĩ đến quê hương, nghĩ đến dòng sông và tình yêu đôi lứa. Cái hoàn hảo của thiên nhiên, cái lung linh ảo diệu của dòng sông là có sự hiện diện của những nhịp cầu, là có cả khát vọng và sự vun đắp, đơm hoa kết trái của tình yêu đôi lứa. Có lẽ vì thế mà khi thưởng thức một ca khúc vui tươi, trẻ trung và tha thiết như “tình yêu nối đôi bờ” người nghe cảm nhận và lắng đọng được những nhiệt thành của cuộc sống, những cảm xúc nhân văn và tinh tế về tình yêu quê hương máu thịt của mỗi con người, tìm lại chính mình trong những ký ức tuổi trẻ không thể nào quên.
Bình luận