TIN TỨC
icon bar

Chánh án - Truyện ngắn của Huệ Hương Hoàng

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-22 21:00:21
mail facebook google pos stwis
8508 lượt xem

HUỆ HƯƠNG HOÀNG

Nhung gật đầu lạnh lùng chào người thợ làm vườn, rồi bấm khóa để đóng cánh cổng lại sau lưng chị ta. Chị thợ làm vườn quần ống cao ống thấp, dắt chiếc xe đạp cà tàng chở một bì vỏ lon bia, chai lọ nhặt nhạnh được khi chăm vườn,  khép nép đi tập tễnh ra xa một đoạn, mới lên xe đạp đi. 

Khu vườn rộng cả 5 ngàn mét vuông, với ngôi nhà 3 tầng ở giữa, xung quanh cây cối um tùm cả hoa cỏ lẫn cây cổ thụ, đẹp mà lạnh lẽo. Cũng như cuộc sống của chị hiện nay, và cũng như gương mặt của chị từ khi cha sinh mẹ đẻ.

Nhung đã 54 tuổi. Là Chánh án tòa án một thành phố lớn. Năm mười bảy tuổi, chị đã xinh đẹp nổi tiếng trong làng, với dáng cao ráo, mái tóc dài, làn da trắng xanh, và khuôn mặt kiêu kỳ. Bọn trai làng nhiều đứa thích chị, cũng có đứa nói: lấy con đó về làm vợ, lỡ bà gia ốm đau, nó không cho nổi bát cháo loãng đâu. Chị đem lòng yêu một người con trai trong làng lớn hơn chị 5 tuổi, rồi bỏ nhà theo anh vào ở trong bưng. Khi chị tới, anh có nói: “Nếu em vào đây vì lý tưởng cách mạng, thì vào. Còn chỉ vì anh thì em quay về đi”. Chị nói: “em chỉ vì anh thôi”. Rồi chị cứ ở lại. Hai người cưới nhau. Sinh được một đứa con gái. Chị đưa nó về gửi ông bà ngoại. Năm 1975, đất nước thống nhất, anh làm phó bí thư thành ủy, chị làm một nhân viên trong tòa án của thành phố. Lúc đầu chỉ là làm cán bộ hành chính, chuyên lo việc mua bán vật tư cho cơ quan, kiêm thủ quỹ. Dần dần, với cái bằng đại học tại chức, lại có bóng dáng của ông chồng uy lực đứng sau, chị tiến dịch lên phó phòng, trưởng phòng, rồi lên đến chánh án. Có việc gì khó khăn trong xử lý là chị thường về hỏi ý kiến anh. Chị thường nói: “em vậy chớ  mà cứng cỏi hơn anh; may anh làm cái phó bí thư, chứ anh mà làm nghề xử án như em, thì anh tha tội hết cả”. Anh nói: “Dù là đứng trước tội phạm. mình cũng cần đem cái lòng nhân từ ra mà xét đoán. Nếu có thể mở cho người ta một con đường, thì mình nên mở”.

Ở cái thành phố này, người ta rét chị. Nhất là đám dân đen lỡ dính pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người trong thành ủy và ủy ban lại rất nể chị, vì chị được việc. Sẵn sàng giúp đỡ họ. Có người ơn chị cả cái sinh mạng của con họ. Chị giúp họ, nhiều khi vì cái túi quà có cái phong bì dày cộp làm chị không thể đừng, nhưng cơ bản nhất là chị giúp họ để họ ủng hộ chồng chị. Chồng chị vững, là chị vững, con gái, con rể của chị cũng vững. Hồi đầu, chị hay nói với anh những chuyện như vậy.  Nhưng sau này, bị anh phản đối nhiều, chị im lặng làm. Không nói nữa.

Hai vợ chồng tuy khác nhau như nước với lửa, nhưng có lẽ duyên nợ kiếp trước, nên vẫn hạnh phúc. Chị lạnh lẽo, không quan tâm gì đến họ hàng nhà chồng, nên họ cũng cả đời không đến thăm chị. Nhưng với chồng, chị chu đáo như với công việc cơ quan, làm tròn bổn phận cơm nước, lo cái quần cái áo cho anh.

Rồi anh bị ung thư. Trước khi mất, anh nắm tay chị nói: Em ở lại, dạy dỗ con Hạnh cho nó nên người. Tuy nó lấy chồng rồi, cũng phải nhắc nhở nó biết cái đạo đức, tình cảm mới là quan trọng. Chứ tiền bạc, công danh rồi cũng phù phiếm thôi em. Chị nghe, gật đầu cho anh yên lòng, nhưng thầm nghĩ: ổng đến lúc chết còn  mơ mộng như trên trời.

Một lần, khi thụ lý một vụ án, chị gặp một anh công an trẻ trong tổ điều tra. Cậu có gương mặt vuông chữ điền phúc hậu, rắn rỏi. Cặp mắt sáng và dáng vóc cao ráo. Chị mời cậu về nhà mình ăn cơm. Gặp con bé Hạnh, hai đứa lập tức ưng nhau, rồi cưới. Cưới xong, con rể ngỏ ý muốn ra ở riêng, nhưng chị thuyết phục chúng nó ở trong nhà cùng bố mẹ. Rồi bằng quyền uy và các mối quan hệ của chồng và của chính mình, chị hỗ trợ đắc lực để một ngày anh con rể trưởng thành, lên đến phó giám đốc Công an thành phố. Những sự hỗ trợ này, chị cũng đủ tinh ý để chỉ cho anh con rể biết một phần. Nhiều việc chị làm cho cậu, chị không hề nói. Chồng chị dặn rằng, đó là danh dự của nó, cũng để nó phải tự vươn lên khẳng định mình, và cái chính là người ta sẽ thấy nặng nề khi đối diện với mình, nếu để người ta mang trong lòng gánh nợ ơn huệ nhiều quá.

Cách đây 7 năm, chị được một anh chàng “xã hội” tặng một con chó Bỉ. Anh ta nêu lý do: để nó trông nhà cho chị, chứ nhà chị biệt thự, vườn rộng mênh mông, hệ thống phòng chống trộm điện tử không thể tin cậy. Con chó mới 7 tháng tuổi mà đã cao lớn như một khác thường, với bộ lông vàng óng, hai con mắt đỏ rực và hàm răng trắng nhọn hoắt. Không biết duyên nợ đời nào mà chị thấy mình gắn bó với nó, cứ như nó là con trai chị vậy. Chị vẫn ôm nó trong lòng, vuốt ve, âu yếm, và đặt tên nó là Gộc. Con gái chị hay nói: Khiếp mẹ. Nó hôi như con chuột chù mà mẹ ấp iu nó như với thằng cu Quân vậy- Cu Quân là thằng cháu ngoại chị.

Con  Gộc ăn thịt sống và cơm, mỗi bữa còn nhiều hơn khẩu phần của cả nhà chị gộp lại. Chẳng mấy chốc, nó đã to như một con bê, sủa ông ổng dồn dập khi nhà có khách. Đã mấy lần con chó gây họa khi zồ khách đến chơi, cào ngoàm làm khách rách da thịt, mất hồn mất vía. Còn con bé Hạnh thì xấu hổ, cằn nhằn mẹ không nhốt nó cho kỹ.

Chị vốn không có bạn bè thân, quan hệ với anh em cơ quan hay trong chính quyền, cũng chỉ thuần túy là công việc, hoặc quan hệ có đi có lại, nhờ vả lẫn nhau. Chị cũng biết, họ cứ nịnh chị khi chị còn có chức quyền, chứ mai mốt chị nghỉ hưu rồi, họ còn chả nhớ chị là ai. Thậm chí, lơ mơ là họ phản lại chị, sau khi chị đã hy sinh nguyên tắc pháp luật mà cứu giúp con em của họ. Nên chị cũng không bao giờ coi bất cứ mối quan hệ nào trong đời là tin cậy, ruột rà, kể cả anh em ruột của chị. Tin duy có bố mẹ chị thì họ đã chết từ lâu rồi. Vì vậy, càng ngày chị càng gắn bó với con Gộc. Nhất là mấy năm cuối đời nó, khi chồng chị đã mất.

Lần cuối cùng con Gộc gây chuyện là cách đây một năm. Lần này thì hại luôn cả mạng nó.

Lần đó, chị thuê một anh thợ làm vườn về trồng thêm một dãy hoa sứ chạy dọc hai bên con đường chạy vòng vòng trong vườn. Khi anh thợ đang lúi húi, thì con Gộc sổng chuồng xồ ra. Nó hít hít mấy cái rồi ngay lập tức chạy ra phía bên nhà vườn, đè nghiến anh thợ làm vườn ra, làm anh ta ngã lăn quay trong tiếng kêu ông ổng và tiếng thở hồng hộc của nó. Khi đó chị ở trong nhà, chuẩn bị cơm trưa. Nghe tiếng động lạ chạy ra thì anh thợ làm vườn đang lăn lộn trên đất, máu chảy thành vũng, còn con Gộc thì đang lên cơn say máu, ra sức rứt ngoạm những miếng to trên 2 cái cẳng chân của anh. Chị la hét, mắng con chó, nhưng chẳng chút đánh thức nó ra khỏi cơn say. Vừa lúc đó, vợ chồng con gái đi làm về. Dừng xe ô tô lại khi cổng vừa mở, anh con rể rút khẩu súng ngắn, nhắm thẳng đầu con Gộc. Chị la lên thất thanh:

- Không! Con không được bắn nó! Nó chết mất.

Nhưng...: Pằng! Con Gộc đã ngã vật ra không một tiếng kêu. Chị thảng thốt chạy lại ôm lấy con chó, đau đớn kêu lên:

- Mày gi..i..i..ết nó rô..ồi! .

 Anh con rể nói:

- Chứ con không giết nó thì làm sao cứu được anh này?

 Rồi anh gọi vợ giúp một tay, garo băng bó sơ cứu, bế anh thợ làm vườn khi đó đã ngất xỉu, lên xe, chở đi viện. Chị gọi với theo:

- Có gì mà chúng mày phải to chuyện. Đưa cho nó ít tiền, gọi người nhà nó đến chở về là được.

Con rể đi rồi, chị gọi mấy đệ tử ở cơ quan đến, sai họ xử lý việc con chó, chôn cất chú đáo. Nó được họ gọi xe chở ra một nghĩa trang ở ngoại thành. Chị ngồi đợi, chỉ chờ con rể về đến nhà là tuôn ra một tràng:

- Anh chả coi tôi ra gì. Anh biết tôi quý con Gộc như thế nào. Nó như người thân thực sự của tôi. Vậy mà chỉ vì một thằng thợ làm vườn rách rưới, mà anh giết chết nó. Thằng kia cùng lắm chỉ bị thương chớ đâu có chết được. Bị thương thì cho nó ít tiền chữa trị là xong. Còn con Gộc, cả trăm triệu không mua được.            

Anh con rể không nói gì. Chỉ nhìn lại chị một cách ngán ngẩm. Một lúc sau anh ta nói khẽ khàng:

- Kể từ ngày mai, xin phép mẹ, chúng con ra ở riêng.

Thê là từ đó, chị ở trong ngôi biệt thự này một mình. Con gái thỉnh thoảng đưa cháu về chơi với bà một buổi rồi đi. Còn thằng con rể, tuyệt nhiên nó không quay trở lại.                 

 *

Chiều đã tắt nắng. Trên trời, một áng mây còn rực lên một chút ở đường riềm như muốn níu giữ chút hào quang cuối ngày.  Những vạt nắng cuối cùng trên dãy hoa sữa đã chui sâu vào tán lá. Chị dạo bước trên con đường rải sỏi trong vườn. Vừa đi vừa miên man nghĩ đến cuộc họp chiều nay ở cơ quan. Cuộc họp bàn về kết quả của phiên tòa, mà phiên đó, tay thẩm phán do chị cắt cử đã không nghe lời chị. Hắn đã không nghe lời chị thì thôi, lại còn to tiếng cãi lại chị, còn tuyên bố “tui sẵn sàng bỏ nghề, nếu việc xét xử cứ phải theo sự sắp xếp của người khác”.

Vụ án này thực sự phức tạp và nghiêm trọng. Một ông quan rất to ở thành phố, giờ đã ra trung ương, có thằng con trai phá phách khét tiếng. Một ngày, nó mời bạn bè đến nhà dự tiệc sinh nhật. Tiệc sinh nhật ngoài các món bánh, rượu thông thường, còn có món đinh: ma túy và âm nhạc. Đám khách dự tiệc sinh nhật cũng được bài bố theo đẳng cấp: mười thằng con nhà quan chức và đại gia được mời vào trong nhà, lên tầng ba và ăn nhậu, nhảy nhót và phê ở đó. Có 4 thằng khác thuộc diện tép tôm, con nhà nghèo, lâu nay đi theo mười thằng kia để điếu đóm, đêm nay được chúng phân công canh cổng.

Đêm đã khuya, bọn con trai kia ăn, uống đã no nê thì chuyển qua hút ma túy. Một gói bột trắng toát được mở ra, rải thành những sọc thẳng trên tờ giấy A4, và một  chiếc ống hút được cuồn bằng tờ tiền 10 đô đã được một thằng chuẩn bị. Thằng đầu tiên khai màn là chủ nhân bữa tiệc. Nó ngậm cái ống hút, vươn cổ ra, vừa hít vừa đưa đầu cái ống hút chạy dọc cái rãnh bột màu trắng. Đám bột cuộn lên chạy tuột vào trong ống hút như thể bụi sàn nhà chạy vào cái máy hút bụi. Sau khi trao ống hút cho thằng tiếp theo, nó ngửa mặt lên trời, hai con mắt trắng dã mơ màng, người lắc lư theo nhạc.  Được một vòng, một thằng nói:

Thêm một hiệp nữa đi mày. Chưa đã.

Thằng Chủ nhân nói:

- Được thôi. Chúng mày phải được tiếp đốn nồng nhiệt khi đến chào mừng sự kiện thằng tao vĩ đại này ra đời chứ.

Rồi chúng mở nhạc xập xình. Ôm nhau nhảy nhót. Thằng nào thằng nấy mặt mũi như nghê, phê lòi cả hai tròng mắt. Một lúc, một thằng nói:

- Này, mày chiêu đãi hàng mà không chiêu đãi gái. Vậy là tiệc cũng chưa sang đâu nhé.

Chủ nhân nói:

- Chúng mày muốn gái thì ta đi ra ngoài.

Thằng khác lè nhè:

- Ra ngoài thì còn gì thú vị. Tao mệt rồi. Chỉ muốn gái ở đây thôi.

Vừa lúc đó, cửa mở. Mẹ thằng Chủ nhân vĩ đại thò đầu vào:

- Này các cháu. Nhạc mở nhỏ thôi. Kẻo hàng xóm người ta không ngủ được. Thằng Chủ nhân vĩ đại cáu:

- Thôi. Má xuống đi cho con nhờ. Chả phải việc của mình cứ xông vào.

Mẹ nó vừa quay ra, cái thằng nói “thích ở đây” quay sang thằng chủ hỏi:

- Mẹ mày năm nay bao nhiêu tuổi mà còn ngon nhỉ?

Thằng chủ nhân nói:

- Tao cũng không rõ. Ông ba tao cứ đi công tác suốt. Bả ở nhà một mình quanh năm, trong cái biệt thự rộng hoác này cũng trống vắng lắm.

Thằng kia nháy mắt:

- Hay để tao xuống an ủi bả đôi chút?

Thằng chủ nhân đang nghẹo đầu nằm trên sàn, mắt đờ đẫn, trả lời:

- Kệ chúng mày. Làm sao cũng được.

Thằng kia nói:

- Đấy nhá. Mày đã cho phép.

Nãy giờ có mấy thằng đang vừa mơ màng, vừa theo dõi câu chuyện. Khi thằng kia đứng dậy vừa đi ra vừa nói “mày cho phép rồi đó nhá. Tao cũng có làm gì đâu. Chỉ là an ủi mẹ mày đôi chút thôi”, thì ba thằng khác cũng đứng dậy đi theo. Một lúc sau, từ tầng dưới vọng lên tiếng loảng xoảng của đồ đạc bị ném vỡ, tiếng phụ nữ la hét thất thanh, tiếng cười rú điên loạn của lũ đầu trâu. Thằng Chủ nhân vẫn nằm im mơ màng, tai lắng nghe tiếng nhạc. Có vài thằng lay lay nó:

- Này này. Xuống xem thử mẹ mày có sao không?

Nó mơ màng:

- Kệ bả. Cho bả vui vẻ đôi chút.

Khi tất cả đang dần đi vào im lặng, lũ thực khách trên tầng 3 đang say ngủ, và dưới tầng một, 4 thằng đầu trâu đã thỏa mãn trần truồng nằm ngổn ngang trên sàn gỗ,   thì cửa nhà xịch mở. Ông chủ bố thằng Chủ nhân vĩ đại đi vào. Sau khi liếc qua tầng một, ông hầm hầm leo cầu thang lên tầng 3. Cầm cổ áo nó xốc dậy, ông gầm lên:

- Tao chỉ có mày là thằng con duy nhất. Nhưng con như mày thì tao không có còn hơn.

Rồi khi nó chưa kịp hiểu ra chuyện gì, một viên đạn đã xuyên não, đưa nó đi tiếp về cõi xa nào đó. Bọn thực khách xung quanh run như cầy sấy, mặt xanh không còn giọt máu. Thả xác thằng con xuống, ông gọi cho giám đốc công an tỉnh. Một lúc sau, cả bọn bị còng tay, đưa đi. Hóa ra là lần này, ông về công tác ở tỉnh bên. Nhận được điện thoại khóc lóc của bà vợ, ông đã dựng cậu lái xe dậy, đi 2 tiếng đồng hồ để về nhà trong đêm.

Phiên tòa được mở ra. Một số tên trong bọn bị kết tội đã giết thằng con ông, đồng thời hãm hiếp bà chủ nhà. Nên án của chúng phải là tử hình. Vì mười thằng ở trong nhà đều là con quan chức và đại gia, Nhung được chỉ đạo phải tháo gỡ tội cho chúng. Không có cách nào khác, Nhung gọi anh thẩm phán, giao cho anh phải kết tội bốn thằng canh cổng thay cho bốn thằng kia. Tuy nhiên anh không chịu. Vậy nên mới có cuộc họp căng thẳng chiều nay.   

Nhung bấm điện thoại, gọi cho ông sếp:

- Anh ạ. Có lẽ vụ này để em trực tiếp xét xử. Thì mới dứt điểm được. Lại cũng kín đáo nữa. Giờ em nhờ anh chuyển Hà (tên của tay thẩm phán) xuống một tòa án cấp quận. Nhưng để anh ta im miệng cho, thì nhờ anh cho anh ta cái ghế phó chánh án, hoặc chánh án.

Ông sếp bên kia đồng ý ngay. Đàn bà thời nay, tuy đã luống tuổi, nhưng vẫn còn ưa nhìn, nhờ điều kiện sống đặc biệt sung sướng, có sự phụ trợ của hóa mỹ phẩm và các dịch vụ thẩm mỹ. Lại thêm cái vẻ cuốn hút khó tả của người phụ nữ có uy quyền, nên ông ta mỗi ngày mỗi khao khát lân la gần gũi Nhung, và luôn ủng hộ Nhung trong mọi chuyện. Còn Nhung, cũng chả mất gì mà không đong đưa để được lợi.

Sáng hôm sau, Nhung gọi Hà lên phòng chánh án. Chị nói:

- Anh là người mà tôi đã nâng đỡ lâu nay. Tôi rất quý mến tin cậy anh. Nhưng anh phải hiểu cho tôi là vụ này chúng ta không thể làm khác. Sẽ là một chấn động vô cùng lớn, nếu 1 loạt quan chức cấp cao của chúng ta phải chường mặt trên báo vì có con bị xử tử hình.

Hà nói:

- Tôi thấy pháp luật cần phải được tôn trọng. Mạng người cần phải được tôn trọng. Thể diện của mấy ông lãnh đạo quan trọng hơn mạng người sao? Những đứa trẻ tội không đáng chết, chúng ta lại khép chúng vào tội chết thay cho những đứa khác. Có phải là chúng ta đã nhân danh luật pháp để bẻ cong luật pháp hay không?

- Thôi. Anh đừng nói nữa. Chẳng lẽ tôi không hiểu những điều anh nói sao? Nhưng biết làm sao được. Thôi. Để anh không phải khó xử, không phải cắn rứt lương tâm, tôi sẽ đề nghị cấp trên chuyển anh về tòa án quận, làm chánh án. Anh đồng ý cho tôi nhờ. Vì tình nghĩa của chúng ta lâu nay.

 Hà im lặng. Trong lòng rối bời những vướng mắc, cả sự suy tính cho an toàn sự nghiệp của mình, và cả chuyện cơm áo của gia đình.

Một tuần sau, báo chí và truyền hình đưa tin về vụ án động trời. Trong phiên tòa, người ta thấy những bà mẹ, ông bố da nhăn nheo, quần áo nhàu nhĩ quệt tay áo lau nước mắt. Bốn thằng nhỏ nhất trong đám mười bốn thằng bị tuyên án tử hình, gầy gò xanh xao ngơ ngác nhìn về cha mẹ chúng, thất thần hối lỗi.

Trong đám phóng viên báo chí, có vài người thì thầm nói với nhau: ông Hà làm đơn xin nghỉ việc rồi. Không trụ nổi cái nghề tòa án.  

Sáng chủ nhật trời âm u. Nhung ngồi trên ban công nhìn xuống khu vườn lộng lẫy xa hoa. Dãy đèn hai bên con đường chạy vòng vòng trong vườn hắt ánh sáng mờ đục xuống nền đường sũng nước. Tiếng phố phường nghe xa lơ xa lắc. Chị không hiểu vì sao, thấy lòng mình cũng âm u như trời đất vậy. Đã lâu lắm rồi, xứ này vào mùa mưa, và hầu như không thấy mặt trời.  

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm