TIN TỨC
icon bar

Một thành phố, muôn tấm lòng

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-24 11:39:17
mail facebook google pos stwis
320 lượt xem

 NGUYÊN HÙNG

Sài Gòn! Cái tên ấy, dù đã sang trang lịch sử để thành Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với bao người, vẫn ngân vang trong tâm thức như một khúc tình ca bất tận. Sài Gòn –  Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố của những tầng lớp thị thành cuộn chảy, của hàng triệu mảnh đời xuôi ngược, của những ước mơ ấp ủ dưới ánh đèn lung linh và tiếng còi xe hối hả. Người ta nói, đây là nơi của những cơ hội, của sự năng động không ngừng nghỉ. Nhưng với tôi, và có lẽ với rất nhiều người đã sống, đã yêu và đã sẻ chia cùng thành phố này, Sài Gòn –  Thành phố Hồ Chí Minh còn là một dòng sông nghĩa tình, chảy xiết và bền bỉ qua bao thăng trầm.

Tôi nhớ lần đầu tiên đến Sài Gòn – cái cảm giác vừa háo hức vừa lo âu, giữa biển người xe ngược xuôi. Đang loay hoay tìm cách đi giữa một đô thị lạ lẫm, tôi đã được một anh xe ôm chỉ đường, rồi còn nhận chở giúp về nhà ông chú họ ở Chợ Lớn mà chỉ lấy đúng tiền xăng. Một ly cà phê đậm đà, một lời dặn dò thân tình như người thân lâu ngày gặp lại – tất cả đã gieo vào lòng tôi một thứ tình cảm không gọi tên được, chỉ biết rằng, mình sẽ yêu nơi này lâu dài.

Chất nghĩa tình ấy không phải là những tấm biển hào nhoáng, không phải là những công trình cao ngất trời. Nó nằm trong hơi thở của phố, trong ánh mắt của người, và bùng lên mạnh mẽ nhất khi thành phố oằn mình trước thử thách. Không ai có thể quên những ngày Sài Gòn chìm trong cơn đau bởi đại dịch COVID-19. Phố thị im lìm, không còn tiếng rao hàng ngọt lịm, không còn những dòng xe bất tận, chỉ còn tiếng còi cứu thương với những chiếc xe trắng bịt bùng. "Khi nào phố sẽ hết lặng câm, và tiếng còi cứu thương thôi xé lòng trong đêm vắng? Khi nào những bước chân vội vã của áo blouse trắng sẽ được thay bằng tà áo thướt tha giữa phố đông? Khi nào biển cấm nhường chỗ cho cụ già móm mém dắt cháu lẫm chẫm qua đường? Và khi nào thành phố mở toang cánh cửa của mình, đón trở lại nhịp sống hoa lệ, sầm uất, vui tươi như chưa từng trải qua cơn đau? Những câu hỏi ấy, đến giờ, vẫn chưa thể ngừng ngân lên trong lòng tôi." – những câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm can của mỗi chúng ta, day dứt khôn nguôi.

Nhưng cũng chính trong nỗi đau ấy, "chất Sài Gòn" – chất nghĩa tình, nhân ái – đã tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết. Đó là những "chuyến xe 0 đồng" lăn bánh không ngừng nghỉ, mang theo hơi ấm của những tấm lòng; là "gian hàng 0 đồng", "ATM gạo" xếp hàng ngay ngắn như những điểm tựa vững chãi cho người khốn khó. Những y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu kiên cường giữa lằn ranh sinh tử, và cả hàng ngàn, hàng vạn tình nguyện viên, từ những cô cậu sinh viên đến những cụ già tóc bạc, không quản ngại hiểm nguy, dấn thân vào tâm dịch để hỗ trợ, chăm sóc những mảnh đời yếu thế. Tinh thần "người Sài Gòn không bỏ ai lại phía sau" không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể, là hơi thở của cả thành phố. Các nhà thơ Huệ Triệu, Trần Mai Hường và nhà văn Phương Huyền được vinh danh "Nhà văn nữ ấn tượng" của Hội Nhà văn Việt Nam trong các năm 2022 và 2024 không chỉ vì tài năng văn chương, mà vì họ đã dùng ngòi bút, tiếng nói của mình để kêu gọi, để gieo những hạt mầm yêu thương, biến "việc nên làm và cần làm" thành dòng chảy sẻ chia lan tỏa khắp nơi.

Chất nghĩa tình ấy không chỉ bộc lộ trong hoạn nạn, mà còn len lỏi trong từng ngõ hẻm, từng nếp sống thường nhật của thành phố. Đó là quán cơm 2.000 đồng đã tồn tại vài chục năm, là tiệm sửa xe không công cho người nghèo, là những góc phố nhỏ âm thầm đặt những thùng nước uống miễn phí. Sài Gòn vốn là đất lành chim đậu, nơi người tứ xứ tìm về lập nghiệp. Và chính sự cởi mở, bao dung của người Sài Gòn đã khiến những mảnh đời từ khắp mọi miền đất nước tìm thấy một "quê hương thứ hai" ấm áp. Một cái vẫy tay giúp đỡ người lạ trên đường, một lời hỏi han ân cần khi thấy ai đó gặp khó khăn – những hành động nhỏ bé ấy đã dệt nên tấm thảm nghĩa tình rộng lớn của thành phố này.

Trong các câu lạc bộ văn học cơ sở – những "mái hiên văn chương" trải khắp các quận huyện – tôi gặp không ít người tuổi đã ngoài bảy mươi vẫn miệt mài sáng tác, sinh hoạt đều đặn. Với họ, mỗi vần thơ là một lời cảm ơn thành phố, là một nén nhang chữ nghĩa tri ân mảnh đất đã cưu mang mình. Trong đại dịch, các CLB ấy trở thành cầu nối nhân ái: người góp tiền, người nấu cơm, người viết lời động viên gửi đến tuyến đầu. Văn chương, khi gắn với đời sống, đã trở thành phương tiện kết nối cộng đồng mạnh mẽ.

Và không thể không nhắc đến những trái tim văn chương của thành phố. Trong những trận lũ lụt thảm khốc với biết bao tang tóc ở miền Trung và Tây Bắc, khi biết đồng bào mình đang oằn mình trong nước lũ, các cháu bé không còn quấn áo, sách vở để đến trường, các nhà văn cùng bạn bè người yêu văn chương ở Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngần ngại đứng ra quyên góp. Vẫn là từ các nữ sĩ Trần Mai Hường và Phương Huyền, hàng chục ngàn cuốn vở, hàng tấn dụng cụ học tập đã được gửi ra vùng lũ, mang theo không chỉ vật chất mà còn là tình cảm và tri thức, là hy vọng cho những mầm non đang gặp khó khăn. Không chỉ hướng ra bên ngoài, lòng nhân ái còn được thắp lên ngay trong chính mái nhà văn chương. Khi nhà thơ trẻ Trần Đức Tín gặp tai nạn tưởng chừng phải nằm liệt giường nhiều năm, khi nhà thơ Mạc Tường Vi bị tai biến trong điều kiện kinh tế khó khăn, cộng đồng những người cầm bút, bằng việc hỗ trợ tái bản tác phẩm và “chiến dịch bán sách qua mạng” hay những lời kêu gọi chân thành, đã chung tay góp sức, tạo nên những điều kỳ diệu. Tình đồng nghiệp, tình bạn hữu đã vượt lên trên mọi gian nan và bất hạnh, chứng minh rằng văn chương không chỉ là những con chữ, mà còn là trái tim kết nối những tâm hồn.

Các nhà văn TP. HCM đi Cà Mau thăm nhà thơ Trần Đức Tín đã hồi phục kỳ diệu sau 6 tháng dưỡng thương với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp - Ảnh: N.H.

Mới đây thôi, trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị và đón mừng Đại lễ 30/4 lịch sử, một lần nữa, chất nghĩa tình và lòng yêu nước của người Sài Gòn lại bừng sáng một cách đặc biệt. Hàng triệu đồng bào từ khắp mọi miền đất nước đổ về, đường phố bị phong tỏa, cuộc sống ít nhiều bị đảo lộn, nhưng lạ thay, trên gương mặt người dân thành phố, chỉ thấy nụ cười và sự hoan hỉ. Nhiều khách sạn, công sở, thậm chí là những nhà dân bình thường, đã vui vẻ mở cửa, trải chiếu, sẵn sàng sẻ chia nước uống, không gian chờ đợi cho du khách. Những tiện nghi cá nhân nhường chỗ cho sự tiện lợi chung, tự nguyện và hân hoan. Chính sự rộng lượng, bao dung và ý thức cộng đồng cao ấy đã góp phần tạo nên một Đại lễ “kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” với kỷ lục về số người tham dự nhưng không để xảy ra bất kỳ sự cố mất an ninh trật tự nào. Sau khi lễ kết thúc, nhiều sinh viên học sinh và dân cư Thành phố đã tự nguyện chung tay cùng các chiến sĩ công an nhặt gom rác, trả lại khuôn mặt sạch đẹp cho đô thị đông dân nhất nước. Điều đó chứng tỏ một điều: người Sài Gòn không chỉ thuần hậu mà còn có lòng yêu nước rất đặc biệt và dễ lan tỏa, biến mỗi cá nhân thành một phần của sự kiện trọng đại của quốc gia, đồng thời là chủ thể gìn giữ bình yên cho thành phố.


Người Sài Gòn cùng các chiến sĩ công an nhặt rác ở quận 1, sáng 30/4. Ảnh: Ngọc Ánh

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố không ngừng vươn mình ra biển lớn, hội nhập và phát triển. Nhưng điều làm nên sức sống bền bỉ và vẻ đẹp độc đáo của thành phố này chính là nền tảng của lòng nhân ái, của sự sẻ chia, đùm bọc. Chất nghĩa tình ấy không chỉ là truyền thống mà còn là nguồn lực nội sinh vô giá, giúp thành phố vượt qua mọi giông bão, tiếp tục vững bước trên con đường phát triển, xứng đáng với tên gọi "Thành phố Hồ Chí Minh" – một biểu tượng của lòng yêu nước, yêu dân.

Tôi yêu Sài Gòn –  Thành phố Hồ Chí Minh, không phải vì một đô thị hiện đại với những con phố nhộn nhịp, những địa chỉ văn hóa thân thiết, mà bởi vì nơi đây, nghĩa tình luôn là ngọn lửa ấm áp, là mạch nguồn không bao giờ cạn, thắp sáng những tâm hồn, và là niềm tin vững chắc cho một tương lai tươi sáng của thành phố này.

Có thể rồi đây, tôi sẽ lại rời thành phố này trong một chuyến đi xa. Nhưng hành lý mang theo, chắc chắn sẽ có một thứ không thể thiếu: chút nắng vàng trên vòm lá me xanh, mùi cà phê buổi sớm, và tình người chan chứa giữa lòng đô thị. Thành phố ấy, tôi gọi tên bằng cả sự yêu thương: Sài Gòn – nơi nghĩa tình neo đậu.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bão tan cây còn đau – Truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh
“Bão tan cây còn đau của Nguyễn Đức Hạnh là một tác phẩm khiến độc giả không thể dửng dưng.
Xem thêm
Một người âm thầm nâng giọng hát quê hương
Nguồn: Tạp chí Sông Lam số tháng 5/2025
Xem thêm
Trước bóng tiền nhân – Ký của Nguyên Hùng
Nguồn: Tạp chí Sông Lam số 53, tháng 5/2025
Xem thêm
Hành trình ánh sáng
Bài đăng báo Thanh Niên
Xem thêm
Ngô Thị Thu Thủy - Người phụ nữ FUJIWA truyền cảm hứng
Ngô Thị Thu Thủy và thương hiệu Fujiwa là niềm tự hào của đất nước, của Thành phố Hồ Chí Minh, minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của người Việt trên thương trường quốc tế.
Xem thêm
Đi để trở về: Hành trình Phan Rang và những người bạn cũ
Chuyến tàu ký ức đang đưa chúng tôi trở về Phan Rang – nơi từng in dấu một thời tuổi trẻ, nơi những tháng ngày rực lửa của Tổ quốc hòa cùng bước chân đầy nhiệt huyết của những sinh viên khóa 15C Đại học Thủy lợi Hà Nội.
Xem thêm
Gạc Ma - 37 năm nhìn lại: Bài học lịch sử và mối lo hiện hữu
Kỷ niệm 37 năm sự kiện Gạc Ma và Lẩn thẩn trước mộ Nguyễn Du
Xem thêm
TP. Hồ Chí Minh - Thành phố của lòng nhân ái
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Phú Yên – Nơi văn hóa, thiên nhiên và tình người hội tụ
Bài đăng Tập san Hội Cựu học sinh - Sinh viên Phú Yên, số Xuân 2025
Xem thêm
Đà Nẵng – ngọn sóng xanh giữa trời Xuân Ất Tỵ
Tản văn đăng báo Đà Nẵng số Xuân 2025
Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm