- Ca khúc phổ thơ
- Làng tôi bên dòng Ô Lâu
Làng tôi bên dòng Ô Lâu
VÕ THỊ KIM THANH
Có một ngày bạn bè rủ anh một chuyến thăm dọc dòng Ô Lâu. Không nhớ những ai đã rủ anh đi, nhưng khi về chắc đã uống nhiều, thấy cứ líu ríu kể anh đã đi dọc một dòng sông lạ lẫm, quanh co giữa hai miền quê Quảng Trị và Thừa Thiên, đẹp mơ màng, sông trong veo và bờ xanh mượt mà. Rồi hôm sau thấy ghi ghi chép chép, gõ thùng đàn ra bài hát này. Nhưng có vẻ dường như chưa hài lòng lắm với tác phẩm của mình. Với anh, những dòng sông như có một sức thu hút mãnh liệt.
Dòng Ô Lâu không thu hút mới là lạ, dọc triền đôi bờ là tre xanh mượt mà, đồng ruộng bao la, nước trong ngần mà nuôi dưỡng nên những ngôi làng đôi bờ thơ mộng “bên ni Hội Kỳ bên tê Phước Tích”, những ngôi làng từng hình thành đã hàng trăm năm, với sự tồn tại của hàng ngàn ngôi nhà rường cổ kính được bao bọc bởi những hàng rào bằng cây chè tàu xanh tươi mát rượi. Làng Phước Tích nay ngày càng đẹp lên bởi được đầu tư du lịch, xứ này nguyên được gọi là “kẻ đôộc” vì hành nghề gốm. Những con đường gốm thanh nhã và sang trọng bao quanh làng đang dẫn dụ du khách. Còn ngôi làng “bên ni” với cái tên kiêu sa Hội Kỳ vốn rất hiền hoà lãng mạn cũng nhà cổ, hàng rào chè tàu mướt mát. Mảnh đất khói lửa Quảng Trị hầu như bị huỷ diệt hết dấu tích cổ bởi cuộc chiến tàn khốc, nhưng ngôi làng này thì không. Thế nhưng trong thời bình này lại dường như đang bị mai một dần, mỗi lần MF láng qua là mỗi lần thấy mất đi vài chặng hàng rào chè tàu, thế vào đó là những bức tường bê tông hiện diện khô khan bên những luỹ tre xanh vẫn còn may mắn được “thướt tha bên trời”, nghe đâu nhiều ngôi nhà đã “xống áo” lên phố. Trách chi thỉnh thoảng đâu đó ở các tỉnh thành, nghe người ta khoe nhà rường “tui mua được ở miền Trung”.
Dường như ca khúc này có ảnh hình của câu chuyện tình bên dòng Ô Lâu trong câu ca dao:
“Trăm năm còn lỗi hẹn hò/ Cây đa bến nước con đò khác xưa/ Con đò đã thác năm xưa/ Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người" …
Sông Ô Lâu thăm thẳm trôi, trôi ngược rồi trôi xuôi, dùng dằng quanh hai mảnh đất như lưu luyến một cuộc tình quấn quýt sâu nặng, nhưng rồi đành xuôi chảy để đến tận cùng chẻ ra như xẻ thân cho đủ trả nợ đời ba đào mà trở thành phá “Tam - Giang” mênh mông!
Bản nhạc của NGUYỄN TRỌNG TẠO
(Photo: Nghia Nguyen Chinh)