TIN TỨC
icon bar

Nhặt lên một nặng trĩu - Văn Công Hùng!

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-06 16:27:01
mail facebook google pos stwis
3402 lượt xem

LÊ HUY MẬU

Tôi gọi điện cho Văn Công Hùng hỏi có đi họp ở Ninh Bình không? Hùng bảo có. Em và bác ngủ chung phòng nhé!

Tôi và Hùng kẻ rừng người bể, kẻ trẻ người già, đọc nhau rồi quen nhau kể đã mấy mươi năm. Thỉnh thoảng có họp hành công tác gì đó mới gặp nhau, nhưng vẫn thường xuyên thông tin liên lạc với nhau trên di động hoặc internet.

Tôi mến Hùng ở nết vui nhộn, nói cười tuế tóa. Hơi quái nhưng là quái dễ thương! Nước Nam ta văn tài nhiều lắm. Nhưng, thời tiết văn chương thì nhiều khắc nghiệt, lúc nắng lúc mưa thất thường, nên giao lưu, tiếp xúc, họp hành với văn nghệ rất dễ bị nhức đầu, sổ mũi... Không hiểu sao, tôi cứ hình dung Văn Công Hùng là một liều thuốc giải cảm công hiệu trong chốn hội nghị cũng như trong chốn văn nhân... Đi họp với hắn, sau một ngày hoặc căng thẳng hoặc tẻ nhạt, cứ làm một viên... Văn Công Hùng là lại thấy tỉnh táo hẳn.

Còn nhớ, giữa ngày hội đua voi mừng giải phóng Tây Nguyên năm nào. Không rõ nguyên do gì mà chúng tôi lại có cuộc hội ngộ văn nghệ nho nhỏ tại phòng làm việc của Phạm Doanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Đắk Lăk. Hôm đó có cả nữ sĩ Võ Thị Hảo. Hùng đi chợ. Tiệc có hai món: Bắp cải và chân giò heo. Do tỷ lệ giữa hai món chân giò và bắp cải quá chênh lệch nên bữa tiệc có phần nghiêng về phía “tiệc thỏ”. Ngày ấy còn bao cấp, khó khăn. Rượu nhắm với bắp cải luộc cũng là một cố gắng lớn rồi. Còn đòi gì nữa! 

Xin nói thêm một chút về cái “nết” mà tôi gán cho Văn Công Hùng. Cái “nết” ấy là do tôi, qua tiếp xúc mà đọc thấy, không có gì đảm bảo là nó đúng với Văn Công Hùng. Cũng do thói quen của kẻ yếm thế, luôn bị thua trong các cuộc chơi. Nên tôi thường thấy yên tâm hẳn khi đối thoại (hay đối diện) với người có cái “nết” như Văn Công Hùng. Hơn thế nữa, phần nào điều đó là do gương mặt hiền lành, thật thà và hơi tếu của Hùng mang lại. Nó tạo cho người ta cảm giác an tâm, không cần phải cảnh giác. Tôi ngẫm ra rằng, thường thì trong một chiến tuyến rõ ràng, cái chính nghĩa, cái sức mạnh sẽ chiến thắng. Nhưng trong đời sống, vấn đề không đơn giản như thế. Có nhiều kẻ năng lực trình độ có hạn, tài năng có hạn mà cái gì cũng được hơn người, cuộc chơi nào cũng giành phần thắng. Có cái được, cái thắng do may mắn, do nhập nhằng của cơ chế bầu bán. Nhưng có những cái được, cái thắng nhờ mưu sâu kế hiểm. Rất nhiều kẻ do không thắng, không hơn ta được một cách đàng hoàng nên phải thắng, phải hơn ta bằng các kiểu chơi bẩn. Thế thì hãi quá! Cho nên chỉ có người nào có cách chơi từ hòa đến thua, không chuộng thắng người, không lấy thắng người làm mục đích các cuộc chơi mới là bạn ta.

*

Văn Công Hùng có lí lịch trích ngang khá đặc biệt: Cha Thừa Thiên. Mẹ Ninh Bình. Sinh ở Thanh Hóa. Học đại học tại Huế. Và sinh cơ lập nghiệp ở Pleiku. Đành thì không ai chọn được cha mẹ, quê hương cho mình. Nhưng sao Văn Công Hùng lại chọn Pleiku làm nơi lập nghiệp? Không tiện hỏi thẳng Hùng, nhưng tôi nghĩ, có ba cách để lí giải. Một là, sau khi tốt nghiệp đại học, Hùng nghe theo tiếng gọi của tình yêu, theo phương châm: “Người yêu ở mô thì thủ đô ở đó.” Hai là, Hùng không thể kiếm được một chỗ làm thích hợp ở thành phố. Và ba là, Hùng là một lãng tử, thích một miền đất mới, có thiên nhiên phóng đãng, có cư dân thuần hậu, chất phác và đặc biệt, đấy là một miền văn hóa còn nguyên sơ, như một vỉa trầm tích quý giá đang cần một nhiệt tình khai mở… Tôi đồ rằng, lí do Hùng chọn Pleiku là lí do thứ ba này.

Trong chiến tranh, tôi đã từng sống và làm đồ bản ở Tây Nguyên gần 5 năm. Chưa thuộc Tây Nguyên trên thực địa là bao, nhưng những tên đất, tên sông, tên núi của Tây Nguyên thì tôi thuộc, thuộc tới mức có thể vào kho đồ bản của phòng tác chiến rút trúng phóc mảnh bản đồ năm mươi ngàn về Cheo Reo, Phú Bổn, Thuận Mẫn hay Buôn Hồ…

Hẹn hò mãi, nhưng cho tới giờ tôi vẫn chưa có dịp theo Văn Công Hùng về uống rượu cần với dân bản ở Gia Lai, chưa một lần được xiêu vẹo trong một quán cóc nơi phố núi chiều sương. Đọc bài viết của cô em đồng hương Nguyễn Thị Anh Đào về Văn Công Hùng, tôi hình dung một Văn Công Hùng băm bổ, hứng lên có thể một mình một xe máy phi tới những bản làng xa xôi làm báo, làm văn. Hùng hơn người ở cái tính xuề xòa, vui nhộn, rất dễ tiếp xúc với dân quê vùng thiểu số. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ồn ào, vui nhộn đó là một sự trầm tĩnh, cần mẫn miệt mài với từng trang viết. Tài năng và lao động là hai cái pê-đan xe đạp của người viết. Tài năng không thay thế được sự cần cù lao động và ngược lại.

Nói tài năng e to chuyện quá, nhưng công bằng mà nói, Văn Công Hùng là một trong số không nhiều nhà văn có năng lực có thể sống được bằng nghề viết. Tôi đã thử lượm lặt một vài số liệu trên chính trang weblog của Văn Công Hùng và giật mình. Cho đến ngày hôm qua (26/3/09) Hùng đã post lên trang blog của mình 414 bài vừa văn, vừa thơ, vừa báo. Chỉ có một số ít trong đó là bài của bạn bè, còn lại là của chính Hùng - mà hầu hết đã in trên các báo. Về văn xuôi -  Hùng đã đưa lên 47 bài phóng sự hoặc bút ký, ghi chép, 20 bài viết tự giới thiệu, 30 bài tạp bút, 19 bài về các vấn đề văn chương và 47 bài chân dung văn nghệ sĩ. Về thơ - Hùng đã post lên 147 bài, trong đó có 2 tập trường ca. Những bài khác chưa đo đếm được, nhưng với 47 cái chân dung thì có thể. Mỗi bài gọn một trang báo là từ 2500 - 2700 từ. Theo đó làm một phép tính nhân đơn giản, nếu in ra là có một cuốn sách ngót nghét 500 trang rồi. Nghĩa là toàn bộ những trang blog có thể in thành 2000 trang sách. Chưa kể hàng chục ngàn lượt viết cảm nhận trên blog nữa. Thật là một con số đáng nể. Tôi giở ngược trang blog của Hùng, thấy bài đầu tiên ghi ngày 6/10/2006, nghĩa là chỉ trong vòng 2 năm rưỡi trở lại đây mà thôi.

Khoan nói đến hay, chỉ riêng việc cứ sống, cứ lượm lặt, quan sát, suy nghĩ về tất cả những vấn đề mà cuộc sống đặt ra, để rồi ghi chép lại, có ý kiến vào đó nhằm gửi tới bạn bè, đồng bào đồng chí cập nhật hàng ngày như vậy đã là đáng nể phục lắm. Tôi đồng ý với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng khi anh nói “Văn Công Hùng luôn lao tâm khổ tứ trong hành trình thong dong và luôn thong dong trong hành trình lao tâm khổ tứ...”

Tôi đã vài lần chứng kiến Hùng lạch cạch với cái laptop. Hùng cũng mổ cò thôi, nhưng nhanh. Những ngón tay Hùng có vẻ thạo thuộc các nốt trên bàn phím chứ không lóng ngóng vụng về như tôi. Và Hùng tỏ vẻ tự hào với trình độ IT của mình lắm.

*

Nhà văn - theo từ điển Pháp - Việt là người viết (écrivain). Viết ở đây không phải là sự chép lại. Viết ở đây là sự sáng tạo. Nhà văn là người lao động sáng tạo. Một công việc cao sang như vậy nhưng người xưa đã cảnh giới những ai có ý định lao đầu vào nghề viết rằng: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Ngay cả những người trong cuộc cũng dạy con cái: “Con ơi chớ lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi! Bạc lắm con.” Ai cũng biết nghề văn là nghề cực nhọc. Ít quyền lợi. Tương lai thì mù mờ mà lại dễ rủi ro. Nhiều bài học nhãn tiền về những rủi ro trong nghề viết còn sờ sờ ra đấy! Nhưng oái oăm thay, làm nhà văn mà cứ chăm chắm lo an toàn cho trang viết của mình thì ai còn cần đến nhà văn làm gì nữa. Thiên chức của nhà văn là phải nói lên khát vọng của nhân dân, của dân tộc mình thông qua các hình tượng văn học. Các nhà văn chân chính, dù muốn, dù không cũng phải chạm tới “kinh mạch” của thời đại. Cho nên, làm nhà văn là phải giữ thăng bằng khi đi trên dây sự thật. Tài năng của nhà văn không chỉ thể hiện ở khả năng sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ mà nhà văn còn cần phải xâu chuỗi được các hiện tượng ngẫu nhiên trong đời sống, tổng kết được thực tiễn và dự báo được tương lai. Đạo đức và lòng tốt thời nào cũng quý, cung trọng. Nhưng chưa bao giờ cuộc sống hết được cái xấu, cái ác. Nguy hiểm hơn là cái “nguỵ đạo đức, nguỵ lòng tốt” luôn tồn tại trà trộn lẫn lộn trong đó, người ngay thẳng không biết đâu mà lường. Bằng con mắt tỉnh táo và bén nhạy của mình, thường thì các nhà văn là người phát hiện được sớm hơn, cảnh báo sớm hơn những người khác. Do vậy, bao giờ nhà văn cũng dễ gặp nguy hiểm hơn những người khác. Khi là nhà báo, Văn Công Hùng thường khá nhạy bén trong việc phát hiện các vấn đề “hot” của đời sống, nhưng thường thì, Văn Công Hùng chỉ giới hạn sự quan tâm của mình trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà thôi. Là nhà thơ, đương nhiên, đối tượng quan tâm phải là cái đẹp trong tự nhiên, trong xã hội và trong mỗi con người. Nhưng ở đời, không phải lúc nào cũng rành mạch mọi điều. Cái tốt cái đẹp cũng phải trải qua những thử thách. Không phải ở đâu, lúc nào nó cũng dễ dàng được thừa nhận, tôn vinh. Thái độ của nhà văn trước thực tại như thế nào là không có đáp số chung. Với Văn Công Hùng, tôi thấy, khi làm thơ thì gã thiên về cái bi, khi viết báo thì gã thiên về cái hài… Và quả gã – rất có chất  “hu- mua” - “hu-mua” một cách có duyên!   

Mỗi nhà văn, theo tôi, đều có một tình trạng “bệnh lý tinh thần”. Có người nặng, người nhẹ. Có “bệnh lý tinh thần” rất dễ thương, nhưng cũng có nhiều “bệnh lý tinh thần” rất khó chấp nhận, thậm chí còn khá nguy hiểm. Thứ “bệnh lý tinh thần nhà văn” của Hùng là thứ “bệnh lý tinh thần” dễ thương. Nó chính là cái “nết” làm nên phong cách nhà văn, và hơn thế nữa, nó đặt Hùng một cách bền vững vào trí nhớ của bạn bè, của người đọc nói chung và của những “ami xinh tươi”để nuôi dưỡng, bón tưới cho nhiệt tình sáng tạo của  gã trong quá khứ cũng như trong hiện tại!   

*

Hùng ra Ninh Bình trước tôi, nhưng lại theo xe Lê Quang Sinh đi du hí ở rừng Cúc Phương. Sáng hôm sau, hội nghị khai mạc được một lúc mới thấy Hùng vào hội trường. Tôi nhắn vào máy Hùng, đùa: Gia lai có chàng Văn Công/ Lông đầu trọc lốc như lông cái đầu/ Chơi tới trước, họp tới sau/ Cái gì cũng chậm chỉ mau cướp cò. Mọi lần, vậy là thể nào Hùng cũng “vè” lại mấy câu. Nhưng lần này thì không, chỉ he he vào trong máy mà thôi.

Hùng bảo: Đã hơn ba mươi năm rồi mà em chưa về thăm thầy cô và bè bạn ở Thanh Hoá.  Em nhờ xe Lê Quang Sinh rồi. Lần đầu về, đi xe Hội Nhà văn cho oách! Bác đi với em nhé!...

Họp vừa bế mạc, chúng tôi bỏ chuyến tham quan chùa Bái Đính để lên đường ngay. Bấy giờ là ngày 24 tháng Giêng năm Kỷ Sửu. Bầu trời miền Bắc âm u. Mưa bụi bay lất phất. Con xe của Trung tâm Văn hóa Hội Nhà văn do chính Giám đốc Lê Quang Sinh lái, chở tôi và Văn Công Hùng hăm hở lăn bánh vào Thanh Hóa.

… Ngôi nhà của người bạn Văn Công Hùng - nơi gặp gỡ nằm ngay bên đường quốc lộ 1. Trước nhà có một cây gạo và một khóm trúc to tướng. Khi xe dừng trước cổng, đập vào mắt tôi là khung cảnh nhộn nhịp, náo nức đầm ấm. Người băm băm, người thái thái, người nhặt rau giống như là quê tôi ngày giỗ chạp cưới hỏi…

 Đọc trong mắt những người bạn cũ của Hùng về một sự ân cần, cảm động của ngày gặp lại, tôi thầm trách Hùng: Vậy mà 30 năm rồi Hùng mới tìm về thăm họ!…

Theo sự hướng dẫn của người bạn cũ, chúng tôi cùng về thăm lại ngôi nhà xưa của Hùng. Nhà xưa không còn. Chỉ còn lại chút ít dấu tích nơi bức tường rêu giáp với nhà hàng xóm! Hùng vốn là dân ngụ cư. Mẹ Hùng, xưa là phó giám đốc nhà máy diêm Thanh Hóa sơ tán về Hậu Lộc. Theo bạn bè Hùng kể lại, khi họ đã lên học cấp 3 rồi vẫn đi chân đất thì lúc đó Hùng đã có dép Tiền Phong trắng, quần si, xe đạp Phượng Hoàng… đáng nể lắm. Thảo nào, khi nhắc tới một “em” nào xinh xinh trong lớp, Hùng lại láu táu: Con ấy nó yêu tao…

Trong khung cảnh ấm cúng này, người ngoài dễ có cảm giác bị thừa ra. Nhưng không. Văn Công Hùng và bè bạn biết cách làm cho tôi và Lê Quang Sinh nhập cuộc thân tình như những người quen cũ.... Và rượu, chính là rượu đã góp phần thu ngắn khoảng cách về tuổi tác, vị trí công tác và những khác biệt khác…

*

Văn Công Hùng hiện là một trong những Phó Chủ tịch Hội thâm niên nhất trong các Hội Văn nghệ địa phương. Tôi đùa rằng: Thôi! Chú bỏ qua giai đoạn phát triển Chủ tịch Hội, tiến thẳng lên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam luôn. Hùng bảo: Em tiêu chuẩn gì cũng đạt, nhưng về Liên hiệp thì còn thiếu “một tý tuổi” nữa bác ạ! Ôi! “một tý tuổi” mà Hùng nói ấy là bao nhiêu? Và, để đạt được một độ tuổi như các vị tiền nhiệm hiện nay thì đúng đó là một thách thức không nhỏ. Và, tôi thật không hình dung nổi, mai này, khi gặp lại, do yêu cầu bác sĩ cần phải bỏ rượu, Văn Công Hùng rút lui vào cõi tu tỉnh rồi, thì các hội nghị toàn quốc về văn nghệ sẽ buồn biết bao nhiêu.? Thưa các bạn!!!

Vũng Tàu, 26/03 - 03/04/2009

Rút từ “Qua sông nhặt bóng, Nxb Thanh Niên, 2022.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
NSƯT Phan Thị Thu Lan, người chở đò thầm lặng
Nghệ sĩ Phan Thu Lan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007
Xem thêm
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Xem thêm
Tạp chí Văn nghệ HTV - Mỗi tuần một nhân vật: Tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Tạp chí Văn nghệ HTV giới thiệu tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Xem thêm
Hương bưởi sau nhà
Bài của Nguyễn Thanh trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Nhìn lại bức tranh VHNT năm 2021 - Chân dung Nghệ sỹ, Đại tá Trần Minh Hân
Trích đoạn chuyên mục Chân dung nghệ sỹ của Truyền hình Hà Nội
Xem thêm
Đặc tình của A25?
Nguồn: FB nhà thơ Mai Nam Thắng
Xem thêm
Biệt khúc nghĩa tình trong bài thơ “Có lẽ nào?”
Bài cảm nhận của nhà văn trẻ Tuấn Trần
Xem thêm
Nguyên Hùng, một chữ duyên bén trăm ca khúc
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng giới thiệu tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên
Xem thêm
Một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Hoàng Cát là thế: Anh cứ yêu bằng trái tim thi sĩ
Bài viết của Vương Trọng & chùm thơ Nguyên Hùng
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
Bài của nhà văn nhà báo Trịnh Phương Trà trên báo Phú Yên cuối tuần
Xem thêm