- Nhà văn & Góc nhìn
- Thơ ca và bản sắc văn hóa phương Nam trong dòng chảy văn học hiện đại
Thơ ca và bản sắc văn hóa phương Nam trong dòng chảy văn học hiện đại
NGUYÊN HÙNG
Năm 2025, trong vòng xoay của thời gian, một lần nữa trở thành dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam. Không chỉ trên phương diện kinh tế - xã hội, đây còn là thời điểm văn học Việt Nam nói chung và văn học Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ.
Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước – không chỉ là nơi hội tụ những dòng chảy văn chương, mà còn là điểm khởi phát của nhiều xu hướng sáng tác mới. Trong sự giao thoa giữa thách thức thời cuộc và niềm tin vào tương lai, thơ ca và văn hóa phương Nam đang định hình một diện mạo văn học giàu bản sắc, góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà.
Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển với nhưng cũng đối diện không ít thách thức như biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng và những khoảng cách về thu nhập. Trong bối cảnh đó, văn học, đặc biệt là thơ ca, trở thành một kênh quan trọng để phản ánh và định hình nhận thức xã hội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mảnh đất vun bồi cho văn học nghệ thuật, sự chuyển động của nền kinh tế cũng tác động không nhỏ đến sáng tác. Thế hệ nhà thơ mới không chỉ khai thác những giá trị truyền thống, mà còn dấn thân vào các chủ đề mang tính phản biện xã hội, từ bất bình đẳng giới, đô thị hóa đến bảo vệ môi trường và bản sắc văn hóa.
Thơ ca và văn hóa phương Nam trong dòng chảy văn học hiện đại
Thơ ca phương Nam không chỉ là tiếng lòng của những con người gắn bó với vùng đất này mà còn là lời chứng nhân lịch sử, kể lại những câu chuyện về khai hoang mở cõi, về tinh thần nhân nghĩa và tình đất, tình người. Trong dòng chảy văn học hiện đại, thơ ca phương Nam đang có những bước chuyển mới, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Một số đặc trưng nổi bật của thơ ca phương Nam đương đại: Giàu chất tự sự và tình cảm: Không chỉ phản ánh nhịp sống đô thị, các tác phẩm thơ còn chứa đựng nỗi niềm hoài cổ, sự gắn kết với thiên nhiên và lòng trắc ẩn; Đậm chất nhân văn: Những giá trị "nhân nghĩa đất phương Nam" vẫn là cốt lõi trong sáng tác của nhiều tác giả; Chịu ảnh hưởng của công nghệ và sự toàn cầu hóa: Thơ không còn gói gọn trên giấy mà đang lan tỏa mạnh mẽ qua ebook, audiobook, diễn đàn văn chương trực tuyến, giúp tác phẩm tiếp cận với đông đảo công chúng hơn.
Những cuộc thi văn học – Cầu nối giữa truyền thống và sáng tạo mới
Những cuộc thi văn chương gần đây do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của văn chương TP. Hồ Chí Minh.
Với hai cuộc thi trong hai năm liên tiếp, Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nên sinh khí mới cho văn chương phương Nam và góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác và phát triển văn học trong cả nước nói chung. Cuộc thi “Truyện ngắn hay - 2022” và cuộc thi "Thơ hay - 2023" thực tế đã trở thành sân chơi văn học cho cả các cây bút thành danh và những tác giả trẻ; đã góp phần kích thích sự sáng tạo, phản ánh tâm thế xã hội qua những ngòi bút đầy cảm xúc và khát vọng…
Riêng cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam – lần 2" (năm 2024) do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức, không chỉ là một sân chơi thơ ca mà còn là nơi tôn vinh tinh thần nghĩa hiệp, lòng yêu nước và sự kiên cường của con người phương Nam.
Hai tác giả đoạt giải cao trong cuộc thi này đã để lại những dấu ấn sâu đậm. Đinh Nho Tuấn, với chùm thơ Khuôn mặt Sài Gòn, Thành phố của tôi và Lòng ta ở trọ, đã khắc họa một Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một đô thị phồn hoa mà còn là chốn dung chứa, sẻ chia và đồng hành cùng bao thế hệ. Các tác phẩm mang đậm tinh thần nhân ái và bao dung của thành phố này. Tác giả Đào Phong Lan, với hai bài thơ Như tung đám lửa lên trời và Di chúc người phương Nam, đã thể hiện triết lý hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại. Cái chết không phải là kết thúc, mà là sự trở về với cội nguồn.
Hai phong cách đối lập – một bên là hơi thở của đời sống đô thị, một bên là sự chiêm nghiệm triết lý sâu sắc – đã tạo nên một bức tranh thơ ca phong phú, khẳng định sức sống bền bỉ của văn chương phương Nam.
Công nghệ và sự đổi mới trong sáng tác thơ ca
Một xu hướng không thể bỏ qua trong thơ ca hiện đại chính là sự kết hợp giữa văn học và công nghệ. Với sự bùng nổ của nền tảng kỹ thuật số, thơ ca không chỉ tồn tại trên giấy mà còn hiện diện trên các ứng dụng, diễn đàn mạng xã hội và audiobook.
Cách thưởng thức thơ hiện nay cũng có những thay đổi lớn. Ebook và audiobook giúp thơ ca tiếp cận đông đảo công chúng hơn, đặc biệt là giới trẻ. Các cuộc thi thơ trực tuyếnmở ra nhiều cơ hội cho tác giả từ mọi miền đất nước và kiều bào nước ngoài. Ứng dụng AI và công nghệ số giúp dịch thuật thơ ca, đưa tác phẩm Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Việc kết hợp thơ ca truyền thống với nền tảng công nghệ hiện đại không chỉ giúp gìn giữ giá trị văn hóa dân tộcmà còn mở ra một tương lai mới cho văn học Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Kỳ vọng vào tương lai thơ ca Việt Nam
Hiện nay, thơ ca không chỉ là tiếng nói cá nhân mà còn mang trọng trách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những tác phẩm thơ về quê hương, tình yêu, nhân nghĩa không chỉ lan tỏa trong nước mà còn dần trở thành cầu nối với bạn bè quốc tế.
Với sự hỗ trợ của công tác dịch thuật và quảng bá văn chương, thơ ca Việt Nam có cơ hội bước ra thế giới, để bạn bè năm châu hiểu hơn về một đất nước không chỉ kiên cường trong các cuộc kháng chiến giữ nước mà còn giàu có về tâm hồn, con người nơi đây rất tình nghĩa, nhân hậu và bao dung…
Năm 2025 mở ra cánh cửa lớn cho sự phát triển toàn diện của văn học nước nhà. Để vươn mình, Việt Nam không chỉ cần sức mạnh kinh tế mà còn cần sức mạnh của văn hóa, của thơ ca, của những câu chuyện được kể bằng trái tim và tâm hồn.
Chính thơ ca – với sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại – sẽ tiếp tục là nơi lưu giữ và lan tỏa tinh thần Việt Nam qua mọi thế hệ.
(Bài đăng báo Văn nghệ số 13, ngày 29/3/2025)
\