TIN TỨC
icon bar

Nhớ những ngày quân ngũ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2025-05-13 08:33:42
mail facebook google pos stwis
107 lượt xem

Nguồn: 

Nhà thơ, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng sinh năm 1955, quê Nghi Lộc, tham gia quân ngũ từ tháng 12/1972 chiến đấu ở chiến trường B, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau giải phóng miền Nam, anh học Học viện Quân y từ năm 1976 – 1982. Ra trường Nguyễn Xuân Dũng được điều động tham gia chiến trường Campuchia từ 1982 đến 1988. Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa năm 1990, anh về công tác tại Bệnh viện Quân y 4, sau này là Phó Giám đốc Bệnh viện. Từ năm 2010 – 2014 là Đại tá – Chủ nhiệm Quân y Quân khu IV. Năm 2008, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú bởi những đóng góp của anh cho ngành y. Nghỉ hưu, anh tiếp tục đóng góp trong ngành y với cương vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Nguyễn Xuân Dũng là hội viên Ban Thơ – Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, anh đã xuất bản một số tác phẩm như: “Chiêm nghiệm”; “Thú với hoa hồng” trong đó có nhiều tác phẩm viết về người lính, viết về những kỷ niệm trong năm tháng quân ngũ đáng nhớ của anh và đồng đội.


Chân dung nhà thơ, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Quân y Quân khu IV.


Nhớ lại những năm tháng quân ngũ, nhà thơ Nguyễn Xuân Dũng không giấu nổi những bồi hồi xúc động về những năm tháng tuổi trẻ, những năm tháng mà anh và đồng đội đã vượt qua muôn vàn hy sinh gian khổ để sống chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Sau này, trong bài thơ “Người lính” anh viết:

“Có bàn chân đạp lên ngọn núi ca
Chẳng hề nghĩ đằng sau tượng đài sẽ mọc
Có giọt máu rơi vào lòng biển đảo
sớm mai xanh thức dậy một vì sao”.

Niềm vui ngày chiến thắng

Vào khoảng trung tuần tháng 4/1975, lúc này tôi được phiên chế về Lữ đoàn Công binh 249, đơn vị tôi tập kết tại khu đồn điền cao su Phú Riềng để chuẩn bị nhận nhiệm vụ quan trọng. Đã đầu mùa mưa, đất miền Đông rải rác những cơn mưa chiều bất chợt. Ở đây yên ắng lạ nhưng mé bên Long Khánh đang diễn ra những trận chiến ác liệt giằng co tại tọa độ lửa Xuân Lộc.

Tôi được phân công ngày hai bữa ngồi bên Radio để nghe và tốc ký những bản tin thời sự nóng hổi của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi soạn lại thành bản tin hàng ngày phổ biến cho cán bộ chiến sỹ.

Thế rồi cái thời khắc chờ đợi cũng đã đến. Đêm 25/4/1975, toàn đơn vị được triệu tập hàng ngũ, xe pháo, khí tài chỉnh tề, trang nghiêm nghe cấp trên đọc lệnh giao nhiệm vụ cho đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngay trong đêm đó, chúng tôi hành quân theo đường Trần Lệ Xuân, cắt Phước Long về hướng sông Đồng Nai. Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là ghép 03 con phà lại để phục vụ chuyển các đơn vị tăng và pháo binh của ta vượt sông Đồng Nai thẳng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn.

Chúng tôi làm nhiệm vụ dưới những làn pháo kích và bom đạn kẻ thù nhưng anh em toàn đơn vị đã anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tại Bến Gáo – Đồng Nai, phà luôn thông suốt để kịp thời đưa quân chủ lực cánh Đông áp sát Sài Gòn, góp phần làm nên ngày 30/4 huyền thoại.

Cho đến ngày 29/4 thì đơn vị chúng tôi đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, chúng tôi mới có dịp chiêm ngưỡng và khám phá miền đất này. Những triền tre bạt ngàn hai bên sông, những đồn điền cây ăn quả mênh mông với những chiếc chòi chất đầy chuối, mít, đu đủ và sầu riêng… Những người lính sau những ngày tháng căng thẳng, gian nan đã chùng lại, say mê trong hương cây hương đất và cho phép mình “hưởng thụ” những giờ phút thanh bình hiếm hoi trong chiến tranh. Dường như vị thơm ngon của cây trái miệt vườn đã làm dịu mát tâm hồn của những người lính chiến nhưng khát vọng cho chiến thắng trong trận đánh cuối cùng vẫn không hề giảm đi.

Chiều ngày 29/4 chúng tôi thu hồi khí tài, trang bị và hành quân vào khu vực Túc Trưng – Gia Kiệm trên đường 20, tìm đứng chân trong các cánh rừng cao su để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Đúng giờ Ngọ ngày 30/4/1975, ngọn cờ hòa bình đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh thần kỳ và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập thống nhất, non sông thu về một mối.

Trưa và chiều ngày hôm ấy, sau khi nhận được tin chiến thắng, chúng tôi ngỡ như sống trong mơ. Ai nấy ôm lấy nhau vui mừng hạnh phúc, những viễn cảnh tươi sáng mở ra. Quanh chúng tôi không còn kẻ thù, chỉ còn là đồng chí, nhân dân và bầu bạn.

Chúng tôi đã uống ladge, hút Rubi quân tiếp vụ, chúng tôi đã cười, đã khóc và hát ngỡ như chẳng còn gì để bận tâm trong cuộc đời nữa.

Những ngày đầu làm bác sĩ


Chân dung nhà thơ, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Quân y Quân khu IV.

Sau giải phóng miền Nam, Nguyễn Xuân Dũng đi học Học viện Quân Y. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều động công tác tại chiến trường Kokong, Campuchia. Trải qua những năm tháng gian khổ ác liệt làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn, anh không thể nào quên những ngày đầu làm bác sĩ. Nhà thơ, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng kể:

Tháng 9/1982, tôi được phân công đi Mặt trận 979 Quân khu 9. Trước khi đi tôi được nghỉ phép để chuẩn bị… Cho đến cuối tháng 12/1982 tôi mới lên đường nhận nhiệm vụ và được điều về Sư đoàn 4 đang đứng chân trên vùng biên giới Campuchia – Thái Lan.

Chuyến tàu thủy tại Cảng Xihanuc – Kokong đã đưa tôi đến căn cứ Sư đoàn tại thị xã vào lúc đã khuya. Tôi đang ngủ gà thì choàng tỉnh bởi loạt đại liên bắn từ bờ. Có tiếng í ới nhốn nháo trên boong tàu nhưng sau đó lại im ắng và con tàu đã cập cảng. Tôi tỏ ra lo lắng trong khi mọi người xung quanh nét mặt vẫn bình thản. Tôi chợt nhận ra mình đang chạm tay vào lông của con thú chiến tranh và tự nhủ phải tỉnh táo, bình tĩnh quan sát và thích nghi để tồn tại…

Mặt trận lúc bấy giờ rất thiếu bác sỹ, thiếu đến nỗi ngay sáng hôm sau, tin có bác sĩ bổ sung đã đến tai Sư đoàn Trưởng khi ông ấy đang có mặt tại thị xã để chuẩn bị cho ngày kia hành quân lên tiền duyên sư đoàn. Ngay lập tức, tôi được triệu tập gặp Sư đoàn Trưởng. Đó là một người đàn ông tầm thước, dáng nho nhã với mái đầu hoa râm và giọng nói êm, thong thả, vừa nghe, trạc chừng trên 50 tuổi. Trông ông như một giáo viên trung học hơn là một nhà quân sự. Mọi người gọi ông là Hai Phong, sau này tôi được biết ông quê Bắc Ninh. Sau khi hỏi han tình hình bản thân, gia cảnh của tôi, ông đã thông báo nhanh tình hình chiến sự, tình hình địch, ta và đặc biệt ông nhấn mạnh đến công tác đảm bảo quân y của Sư đoàn… Cuối cùng ông kết luận: do yêu cầu cấp bách của chiến dịch mùa khô và tình hình thực tế vùng biên, Sư đoàn điều động tôi ngay ngày hôm sau cùng ông hành quân lên cao điểm 259, phối thuộc cùng e20 mở đợt phản kích chiếm lại cứ điểm 259 mà trước đó bị tàn quân Pol-pot chiếm.

Đêm hôm đó, tôi cứ trằn trọc mãi, vừa lo mình còn lạ nước lạ cái, chưa nắm được tình hình chung, vừa lo là bác sĩ mới ra trường không biết mình có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ khó khăn nơi chiến trường ác liệt sắp tới không. Đêm chiến trường yên tĩnh lạ, thoảng chốc tiếng nai toác sau nhà và tiếng đạn nổ từ xa vọng lại nghe gờn gợn một cảm giác bất ổn và nhiều bất trắc… Nhưng rồi tôi cũng chìm đi trong giấc ngủ muộn và mệt mỏi.

Ăn sáng xong, 7 giờ đoàn lên đường. Đoàn gồm 07 người, ngoài Sư đoàn Trưởng còn có trợ lý tác chiến, trợ lý cán bộ, một số trợ lý khác và tôi. Ban đầu, chúng tôi đi bằng xuồng máy mà lính ở đây gọi là bo bo, sau đó chúng tôi đi bộ. Khoảng 2 – 3 giờ chiều thì chúng tôi đến sở chỉ huy tiền phương.

Cũng thật may mắn, trong đoàn có trợ lý cán bộ là đồng hương Nghệ An, anh ấy là Nguyễn Cảnh Hiền, sau này là Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hiền đã giúp tôi rất nhiều trong việc truyền đạt lại kinh nghiệm đi đường rừng, kinh nghiệm nhận biết thủ thuật gài mìn của địch, đặc biệt Hiền đã luôn tìm mọi cách động viên, khích lệ và lên dây cót tinh thần cho tôi qua những câu chuyện thực tế, những mẩu chuyện vui chiến trường đậm chất lính nên tôi dần vượt qua được những căng thẳng, những áp lực và dần trở nên tự tin, hoạt bát hơn.

4 giờ chiều, Sư đoàn Trưởng triệu tập Ban chỉ huy e20 hội ý thống nhất phương án tác chiến cho trận phản kích tái chiếm cao điểm 259 vào giờ G ngày hôm sau.

Về công tác đảm bảo quân y cho trận đánh, tôi được thông báo nhanh là đã có tổ quân y tiểu đoàn theo sát trận đánh gồm 01 y sỹ và 02 y tá. Đứng chân phía sau có đội phẫu e6 cạnh điểm cao 176 cách tiền duyên khoảng 10km. Nhiệm vụ của tôi là thành lập một trạm phẫu ngay dưới chân điểm cao 259. Nói là thành lập trạm phẫu nhưng nhân lực chưa có ai ngoài tôi, chưa có thuốc men trang bị gì mang theo. Tôi vô cùng sửng sốt và thắc mắc nhưng được trả lời sẽ bổ sung tất cả vào sáng ngày hôm sau.

Ngay chiều hôm đó, đồng chí Minh, trợ lý chính sách Trung đoàn và 5 – 6 anh em chiến sỹ vận tải cùng tôi lội qua suối chọn một vị trí phù hợp để dựng lán cho trạm phẫu. Nhá nhem tối, công việc cũng hoàn thành.

Lại đêm thứ 2 mất ngủ, nỗi lo sợ còn nhiều hơn đêm trước vì đêm nay chỉ có một mình sát bên nách địch giữa vùng rừng núi âm u, mênh mông không định hướng không biết đâu là địch đâu là ta. Âm thanh rừng sâu rờn rợn đầy bí hiểm làm bật dậy phản xạ sinh tồn trong tôi. Tôi lặng lẽ đứng dậy mở võng đi ngược lên chừng 10m cách vị trí cũ mắc võng không tăng và chập chờn qua đêm ấy thật khó khăn. Sáng hôm sau, từ phía bên kia suối có tiếng gọi: bác sĩ Dũng, bác sĩ Dũng đâu… Tôi vội vàng nhảy xuống võng và lội sang. Đứng trước tôi là một người đàn ông luống tuổi gầy gò và hơi xanh xao với giọng Nam Bộ đặc sắc: Tôi là Ba Vân, Thiếu tá, Bác sĩ Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn, đến giao nhiệm vụ cho đồng chí, dù chỉ một mình nhưng tôi yêu cầu đồng chí phải hoàn thành nhiệm vụ cấp cứu cho thương binh một cách tốt nhất. Hy vọng trận đánh sẽ kết thúc nhanh và số lượng thương vong sẽ ở mức thấp để đồng chí ít có việc làm. Riêng kế hoạch chuyển thương đã có trung đội vận tải đảm nhiệm, đồng chí cứ cắt cử điều hành tùy theo số lượng thương binh. Nói xong, anh Ba Vân bàn giao thuốc men, trang bị và bắt tay tôi ra về.

Khoảng 30 phút sau, Minh quay lại truyền đạt tinh thần của Trung đoàn, yêu cầu 12 giờ có thể phải tiếp nhận thương binh vì trận đánh sẽ nổ ra khoảng 10 – 11giờ ngày hôm đó. Trung đoàn tăng cường Minh giúp tôi trong công việc tiếp nhận thương binh và làm nhiệm vụ chính sách. Ngay sau đó, tôi và Minh làm công tác chuẩn bị, kiểm tra thuốc men, bông băng và các trang bị khác.

Đúng 11 giờ kém 5 phút, tiếng súng đầu tiên đã phá tan dòng tâm tưởng lộn xộn của tôi, sau đó là tiếng nổ dày đặc của các loại vũ khí mà không thể phân biệt nổi. Trận đánh đã bắt đầu ngay phía trước, ngay trên đầu chúng tôi với khoảng cách rất gần. Lúc này, một cách rất tự nhiên, sự lo âu hồi hộp tan biến, tôi và Minh khẩn trương chuẩn bị để đón thương binh đầu tiên. Tôi phân công Minh tiếp nhận, ghi chép thương phiếu, ghi những xử trí đã tiến hành, tôi sẽ trực tiếp kiểm tra khám, băng bó cố định vết thương, truyền dịch, dùng thuốc và xử trí các cấp cứu tối khẩn cấp…

Đúng 12 giờ 15 phút, thương binh đầu tiên đã về trạm phẫu, cậu ấy tên là Tám, quê huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, bị thương gãy xương cánh tay phải, cánh tay đã được băng bó và cố định sơ sài, máu chảy nhiều làm cậu rất đau đớn. Tôi biết cậu ấy bị choáng nặng và cần được cấp cứu. Tôi nhanh chóng lập đường truyền, tiêm giảm đau, băng bó cố định lại. Sau khoảng 30 phút, cậu ấy tỉnh táo hẳn, đỡ đau, mạch, huyết áp ổn định dần. Tôi lệnh cho tổ vận tải chuyển về tuyến sau để xử trí tiếp. Cậu ấy nắm chặt tay tôi với nét mặt thật xúc động và hỏi lý nhí: Bác sĩ tên gì? Em cảm ơn lắm lắm!

Sau đó, tình hình thay đổi rõ rệt. Thương binh về mỗi lúc một đông, lúc đầu là tốp 02 sau là tốp 03 sau nữa là tốp 5 – 6 người. Chỉ trong vòng hơn 01giờ sau, thương binh đã về trạm với con số lên đến trên 80 người, phân nửa là trung bình và nặng. Tôi và Minh làm việc quần quật, rất căng thẳng, không có thời gian để giải lao và hút thuốc, mồ hôi ướt sũng, chân tay, áo quần bê bết máu nhưng thao tác cứ liên tục, liên tục như một cỗ máy nhằm cứu sống được nhiều thương binh nhất trong khả năng và điều kiện cho phép. Lúc ấy, tôi chỉ biết làm việc hết sức mình, chẳng còn lo âu, sợ sệt và quên khuấy mất là mình đang ở chiến trường và kề cận cái chết.

Khoảng 4 giờ 30 chiều, tiếng súng thưa dần và ngưng hẳn. Núi rừng yên ắng một cách lạ thường, tiếng con suối giường như cũng nhỏ lại bởi mệt mỏi sau cả ngày hối hả, thương binh cũng về thưa và ngừng hẳn. Nhưng ngay sau đó, đội vận tải đưa về 05 cáng thương. Nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của những người lính, tôi linh tính chuyện chẳng lành. Một cậu lính trẻ vừa khóc vừa nói: “Chúng em bàn giao lại cho các anh 05 liệt sỹ ạ”. Người tôi đơ lại như que củi, mặt ngớ ra và lưỡi líu lại đến nỗi không cất nên lời. Tôi chầm chậm đến sát từng võng một để nhìn kỹ từng khuôn mặt những người lính đã hy sinh, những khuôn mặt trẻ măng, đôi mắt nhắm nghiền như đang ngủ sau một công việc nặng nhọc, một cậu có cái má lúm đồng tiền chụm lại như đang cười trong một giấc mơ đẹp. Ôi, hồn nhiên quá, ngây thơ quá và cái chết cũng đến với họ nhanh quá. Tôi lần lượt đưa bàn tay còn dính máu thương binh vuốt lên từng khuôn mặt còn ấm hơi người…

Chiều biên giới xuống thật nhanh, núi rừng cũng thay nhanh bộ trang phục sẫm màu tang tóc. Thương binh đã được chuyển hết, chỉ còn lại các liệt sỹ. Tôi và Minh lúc này mới có thời gian, cả hai nhanh chóng chạy ào xuống suối rửa ráy, thay vội quần áo và tranh thủ sang chỗ trung đội vận tải cách đó khoảng 100m ăn cơm tối, nhưng bất ngờ Minh đề nghị cho cậu ấy trở lên Ban Chỉ huy trung đoàn để hội ý báo cáo. Tôi buột miệng hỏi: “Thế tối nay anh không ngủ đây à?”. Minh trả lời: “Để tôi xin ý kiến chỉ huy”. 07 giờ tối, trời tối hẳn, Minh không quay lại, tôi mệt mỏi, uể oải quay lại chiếc võng của mình cạnh trạm phẫu, lấy khẩu súng ngắn lên đạn, khóa chốt an toàn và ngả lên võng cái lưng đã mỏi nhừ. Tôi kết thúc ngày hành nghề đầu tiên của cuộc đời người bác sỹ quân y ở một không gian đặc biệt, trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đêm ấy, đêm thứ 03 tôi ngủ trên đất nước Campuchia xa lạ. Đêm ấy đã có 05 đồng đội – 05 liệt sỹ, vây quanh canh cho giấc ngủ của tôi.

HỮU VINH
(Theo hồi tưởng của nhà thơ, Đại tá, bác sĩ quân y Nguyễn Xuân Dũng)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng: Nhớ một người thơ tử tế vừa ra đi
Tôi đánh giá Mẹ vào thơ là một bài thật hay trong chùm thơ vào loại hay của Nguyễn Duy Năng, có thể đàng hoàng vượt khỏi lũy tre làng đất Nghệ, để đến với bạn yêu thơ cả nước!
Xem thêm
Chú Năng... | Hồi ức của Thường Kha
Chú Năng ơi, tâm hồn trong sáng của chú – dù nói câu gì cũng chẳng có vẩn đục nào. Chú nói – chỉ để góp thêm tiếng cười, để nối dài những bữa rượu vui…
Xem thêm
Nhà văn Khuất Quang Thụy những quầng sáng trong lam lũ, nhọc nhằn
Bài của nhà văn Sương Nguyệt Minh trên Văn nghệ Online.
Xem thêm
Nhà phê bình Vũ Nho: Tuổi bảy mươi vẫn ham đi tìm cái mới lạ
Những phát hiện mới của Vũ Nho trong công trình “Hồ Xuân Hương Thơ và đời”.
Xem thêm
Nguyên An, người cần mẫn viết chân dung – Tiểu luận của Vũ Nho
Mỗi người viết phê bình văn học có một cách thức, một con đường riêng đi vào thế giới văn chương. Có thể nói Nguyên An là một người thủy chung và có đóng góp quan trọng vào thể loại chân dung văn học.
Xem thêm
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng: Có nụ mừng nụ…
Nguồn: Trang web Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Để văn học Việt Nam cất cánh bay xa?
Bài trả lời phỏng vấn của “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam”
Xem thêm
Phùng Văn Khai - Gương mặt thứ 81!
Bài của Nguyễn Thanh Tú trên Website Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Làm thế nào để văn học Việt Nam vươn ra thế giới?
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Nghệ sĩ, khi đã chín
Nguồn: Tạp chí Tri thức
Xem thêm
Đôi điều về Anh Đức nhân 10 năm người con của An Giang về với đất
Bài viết Đôi điều về Anh Đức nhân 10 năm người con của An Giang về với đất và một số hình ảnh về cuộc hội thảo cùng 2 clip đã được trình chiếu tại sự kiện này.
Xem thêm
Cái đích của nhà văn là viết ra văn
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm