TIN TỨC
icon bar

Bạn văn: Nguyễn Khắc Phê | Nguyễn Quang Lập

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-21 12:46:42
mail facebook google pos stwis
1073 lượt xem

NGUYỄN QUANG LẬP

Nguyễn Khắc Phê là nhà văn đầu tiên mình gặp trong đời. Thủa bé thì thấy các nhà thơ Hải Bằng, Nguyễn Văn Dinh, Xuân Hoàng khi các ông về Ba Đồn đọc thơ, chỉ dám đứng xa xa ngắm nghía, không dám tới gần. Anh Phê đã gặp mình một ngày mùa đông năm 1975, nói chuyện với mình, lại ôm vai hót cổ nữa, chỉ chừng mươi phút thôi rồi đi thế mà mình sướng râm ran cả tuần.


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Hồi mình còn là sinh viên, trong lớp có thằng Minh con nhà thơ Viễn Phương, chỉ cần con nhà thơ là mình đã nể trọng lắm rồi, đi đâu cũng khoe tao học với con nhà thơ Viễn Phương. Cái thằng nhà quê như mình được học với con nhà thơ nổi tiếng miền Nam, được đá bóng với con đại tướng, được chơi thân con gái ngài bộ trưởng, óach cực, về quê khoe với tụi bạn suốt ngày.

Chiều chủ nhật mình đi chơi về, thằng Hoan thằng Tuất kéo tay mình mặt mày nghiêm trọng, nói có nhà văn Nguyễn Khắc Phê tới tìm anh hai ba lần, mình đứng ngây người vừa sung sướng vừa tự hào. Bảo đảm cả lớp chẳng có thằng nào được nhà văn đến tìm như mình trừ thằng Minh, bố nó tìm nó là đương nhiên, tự nhiên thấy giá mình lên cao hẳn, hi hi.

Đến chiều tối anh Phê đến, anh mặc cái áo đại cán đã sờn, đội cái mũ lá, đi đôi dép cao su y chang mấy ông cán bộ xã, bụng tấm tắc khen sao nhà văn giản dị thế. Té ra anh ăn mang “giản dị” như thế cho đến già, bất kể lúc nào, ở quê hay ra phố, trên đường hay vào hội nghị, thời bao cấp hay thời đổi mới… bất di bất dịch. Về sau thì biết đó là mốt của các ông đồ xứ Nghệ, ai cũng như ai, cứ áo đại cán, mũ lá, dép cao su vào vào ra ra lóm thóm suốt cả cuộc đời.

Anh vỗ vai mình, miệng thít thít mắt cười rất tươi, nói Lập trẻ hè trẻ hè, rồi giao cho mình cái cặp phần thưởng giải ba thơ Hội văn nghệ Quảng Bình và 22 đồng, nói đây là tiền nhuận bút, tiền giải của ông được 80 đồng, ông X. nhận rồi, ông X. nói quen thân ông, ai cũng tin.

Khi đó mình 20 tuổi, lần đầu tiên trong đời nhận được những đồng tiền do chính mình làm ra, được nhà văn nổi tiếng tìm hai ba lần mới gặp, ôm vai hót cổ gọi bằng ông, được nhà thơ nổi tiếng khoe quen thân với mình, dù khoe là để cuỗm tiền giải của mình thì mình cũng sướng củ tỉ. Tụi bạn học trong lớp nhìn mình ngưỡng mộ lắm.

Thú thật khi đó mình chưa đọc gì của anh Phê, chỉ cái bút kí viết về trại gà Đồng Hới mình đọc hồi lớp 10, rất thích, cái ông lù đù vậy mà viết dí dỏm ra phết. Sau mới biết anh là nhà văn sống chết với đường Trường Sơn, anh đã viết 5 cuốn sách cả thảy, cuốn nào cũng ghi đựơc dấu ấn một thời. Văn học Trường Sơn thời Chống Mỹ thơ có Phạm Tiến Duật, văn có Nguyễn Khắc Phê, cả hai hình như đã vắt kiệt tài năng và sức lực cho Trường Sơn và thu được những thành công không nhỏ, nếu không muốn nói là to lớn.

Mình không ngờ anh Phê là bạn thân của ông bố vợ mình, cả hai đã từng ăn cùng mâm ngủ cùng hầm, sống chết có nhau trên những cung đường chết, toạ độ lửa. Ông bố vợ nhà mình hình như chẳng biết nhà văn Việt Nam nào trừ Nguyễn Khắc Phê, hễ ông nói chuyện văn là y như ông nhắc đến những cuốn sách của Nguyễn Khắc Phê, những cuốn sách ông đã thuộc nằm lòng thời máu lửa. Cứ mở mồm là Nguyễn Khắc Phê nói thế này, Nguyễn Khắc Phê viết thế kia.

Qua ông bố vợ mình mới biết cái ông đội mũ lá, mặc áo đại cán, đeo dép cao su kia té ra thuộc dòng danh gia vọng tộc, con trai đại thân triều Nguyễn, hai lần Phủ Doãn Thừa Thiên, hàm Thượng thư cải cách hương ước khét tiếng một thời. Bốn anh em Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Khắc Phê đều có trí lự phi thường, hết thảy đều nổi tiếng trong trường văn.

Đọc Ngô Minh mới biết cái câu 16 chữ: Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy / Tôn tài đại thịnh / Tôn nịnh đại suy (Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp / Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan / Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh / Tôn trọng xiểm nịnh, ắt đại suy vong) nổi tiếng hơn trăm năm nay là của Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, cha đẻ của Nguyễn Khắc Phê. Kinh. Anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) nói nên đúc vàng 16 chữ kia treo trước cửa Quốc hội để răn dạy muôn dân. Anh Phê cười hì hì, nói chết chết ai lại treo chữ của ông đại địa chủ, vì cha tôi là đại địa chủ nên tôi mới không lấy được cô Dạ nhà anh đấy.

Chuyện Nguyễn Khắc Phê đòi cưới Lâm Mỹ Dạ dân văn nghệ Bình Trị Thiên ai cũng biết. Ngày đó chị Dạ 19 tuổi đẹp mê tơi, mấy ông Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phê tất nhiên là mê tít. Anh Phê thậm chí còn đòi cưới cho đựơc chị Dạ, kẹt vì mẹ chị Dạ không cho, nói con Dạ cũng con địa chủ, anh cũng con địa chủ ai cho lấy, mà lấy rồi sống mần răng nổi.

Mình có hỏi chị Dạ chuyện đó có không, chị Dạ cười cười, nói thì cũng rứa đo, không nói có chẳng nói không. Mình rỉ tai hỏi anh Phê, nói anh tán đổ chị Dạ à, anh cười miệng thít thít, nói ông chê tôi xấu trai không tán đổ chị của ông à. Anh Phê có điệu cười thít thít rất vui, quen anh mấy chục năm rồi, chưa khi nào thấy anh nổi cáu, lúc nào cũng thấy anh cười tít mắt, cái miệng thít thít, bất kể gặp chuyện gì cũng mắt cười miệng thít vậy thôi.

Dạo này về hưu rồi mới thấy anh thong dong, để ý đến chơi bời, mình về Huế lần nào cũng vậy, hú cái là anh vọt tới liền, chứ ngày xưa đừng có hòng, rời cơ quan, hết họp hành hội nghị hội báo là anh lên xe đạp cắm cổ chạy về nhà ngay. Chưa khi nào thấy anh tụ bạ đàn đúm với anh em, tuồng như anh thấy việc ngồi quán xá là vô lý hết sức, anh chẳng rủ ai vào quán cũng chẳng để ai rủ mình, chèo kéo mãi thì anh ghé đít ngồi vào một chút rồi biến liền.

Đi đâu có khát nước cháy cổ anh cũng cố chạy về nhà uống nước chứ chẳng chịu mất cho quán nước một xu, còn bảo vào quán uống chén trà thì anh cười lắc đầu, nói trà ở nhà mình cũng có, vô đó mần chi. Thằng Dương Thành Vũ nói ông Phê kẹt gớm, đến nhân vật ông cũng chẳng cho ăn một bữa ngon. Mọi người cười ầm, thằng nào lừa được ông Phê chi cho một bữa ngon trời sập cái đoàng.

Trêu anh cho vui vậy thôi, anh không thuộc dòng dõi họ nhà kiết, chính xác anh chỉ kiết cho chính anh thôi, bạn bè ai hỏi mượn tiền anh đưa liền, chẳng khi nào hỏi mượn làm gì, khi nào trả. Cũng giống như mấy ông đồ Nghệ khác, anh nghiện chữ, sách đắt mấy cũng mua, mua cả tấn sách miệt mài đọc quanh năm, hết đọc thì viết, viết hết cuốn này sang cuốn khác. Phàm đã nghiện chơi chữ thì thì thấy chơi mấy thứ khác đều tầm phào, thậm chí vô nghĩa, anh kiên quyết không chịu tốn tiền cho mấy trò mà anh cho là vô nghĩa, vậy thôi.

Giống Văn Công Hùng, anh quanh năm làm phó, hết làm phó cho anh Xuân Hoàng đến làm phó cho Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ. Lắm người làm phó chỉ vài năm đã thấy ngứa ngáy khó chịu, anh làm phó bền bỉ ba chục năm vẫn tươi tỉnh như không, ai hỏi thì miệng cười miệng thít, nói mình con đại địa chủ được thế này phúc đức lắm rồi.

Người ta tranh nhau đi nước ngoài dập dập dìu dìu anh vẫn an nhiên không chút sốt ruột, mình nói tại mấy cuốn sách của anh nó yểm ảnh đấy. Anh bảo sao, mình nói Phùng Quán có tập thơ Từ thơ đến huyệt, in xong cái chết liền, Hữu Thỉnh có tập thơ Từ chiến hào đến thành phố, in xong nhảy một phát về Thủ đô, lên ngựa xuống xe hai chục năm đã đời, anh cứ hết Đường qua làng Hạ, Đường giáp mặt trận, vì sự sống con đường thì chỉ có suốt đời quẩn chân chị Rạng vợ anh, đừng có mơ tây tàu mà mệt.

Anh cười hì hì, nói ông nói phải phải. Mấy năm sau anh ra cuốn sách mới có tên là Những cánh cửa đã mở, in xong cái là được đi tây hai ba chuyến, được lên làm trưởng liền. Mình gọi điện cho anh, nói em nói đúng chưa. Anh cười hì hì, miệng thít thít, nói nhưng sắp hưu rồi, lại về làm phó cho mụ Rạng thôi he he.

(Rút từ BẠN VĂN)

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Quanh một bài thơ đoạt giải gây tranh cãi
Chùm thơ, 3 bài, đã giúp tác giả người Thái Tòng Văn Hân, giành giải B trong cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ 2019-2020. Nhưng chính ban giám khảo và người được giải cũng không thể ngờ, một trong ba bài thơ đó lại gây tranh cãi nảy lửa trong dư luận. Đó là bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”.
Xem thêm
Phải kiêu hãnh làm người!
Người Việt Nam chúng ta, ngay trong ngày hôm nay, nếu không có đủ tự tin kiêu hãnh làm người thì đừng nói có thể làm được bất kỳ điều gì, dù nhỏ nhất như tự bưng bát cơm ăn, tự mặc quần áo, tự giải quyết vấn đề cá nhân lặt vặt mà người khác giới hoặc lú lẫn, hoặc mới sơ sinh cần phải hỗ trợ như một lẽ tất nhiên.
Xem thêm
Bùi Phan Thảo: “Khi đời mình cũng cheo leo đồi dốc”
Giờ đây, quê hương Quảng Trị, đã có nhiều tiếng nói thi ca mới, trẻ trung, hiện đại, đa chiều, thế sự… vừa là kế tục truyền thống, mang hơi thở, nhịp điệu cuộc sống mới hôm nay, tiêu biểu chính là Bùi Phan Thảo, thơ anh đang tạo nhiều âm vang và dư ba trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc…
Xem thêm
Một Nhà thơ – Thầy thuốc Nhân dân nặng lòng với chiến dịch phòng chống Covid tại TP.HCM
Một Nhà thơ – Thầy thuốc Nhân dân nặng lòng với chiến dịch phòng chống Covid tại TP.HCM
Xem thêm
Văn học trẻ TPHCM: Chờ đột phá
Tháng 12/2021, Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng. Hiện tại, Hội Nhà văn TP.HCM vừa hoàn tất danh sách đề cử 15 tác giả trẻ gửi ban tổ chức. Đây là cơ hội để nhận diện văn học trẻ của thành phố hiện nay.
Xem thêm
‘Tôi không tin một tác phẩm thiếu thực tế lại chạm được vào cảm xúc con người’
Sau những dự án về biển đảo với những ấn phẩm ra đời song hành cùng các hoạt động xã hội sôi nổi tri ân hậu phương của những người lính Trường Sa, nhà thơ nhà báo Lữ Mai lại tiếp tục đồng hành cùng những cựu chiến binh trong hành trình kiếm tìm đồng đội. Tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nhưng không chỉ có tiếng bom đạn, không chỉ có đau thương mà còn có những cảm xúc ngậm ngùi, hoài niệm trên hành trình đưa hài cốt các anh về đất mẹ. Chư Tan Kra là địa danh đã đi vào lịch sử gắn với những cuộc chiến đẫm máu, nhưng Chư Tan Kra xuất hiện trong thơ Lữ Mai không chỉ là những trận đánh ác liệt, mà còn là một kỉ niệm, nơi tình đồng chí được tôn vinh và sống mãi. Chư Tan Kra mây trắng, tập trường ca mới nhất của chị vừa hoàn thành ngay lập tức đã tạo những hiệu ứng xã hội lan tỏa. Chị cho rằng, thực tế là điều kiện quan trọng để nảy sinh cảm xúc khi viết, chị không tin một tác phẩm thiếu thực tế sẽ chạm đến được cảm xúc của người đọc.
Xem thêm
Nhà văn Lê Văn Nghĩa – sống nghĩa tình, viết nghĩa nhân
Dẫu biết trước ngày nhà văn Lê Văn Nghĩa rời xa chúng ta sẽ không còn lâu. Dẫu biết hơn mười năm qua anh đã kiên cường chống chọi với bạo bệnh. Dẫu biết tình yêu chữ nghĩa mãnh liệt đã giúp anh vượt lên nỗi đau bệnh tật để bền bỉ sáng tác và nhiều quyển sách có giá trị liên tiếp được xuất bản, có những quyển sách được nối bản năm bày lần. Dẫu biết anh đã ở lằn ranh hết sức mong manh giữa sự sống và cái chết. Dẫu biết cuộc đời là hữu hạn…Nhưng, khi tin nhà văn Lê Văn Nghĩa vĩnh viễn ra đi, tôi và bạn bè anh, không chỉ bàng hoàng, tiếc thương, mà còn thấy rõ cái khoảng trống mà một nhà văn sống một cuộc đời nhân nghĩa và viết về nghĩa nhân, để lại.
Xem thêm
Thi sĩ Văn Công Hùng: Gã Pleiku lãng tử
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế (1980),
Xem thêm
Nhà văn Lê Văn Nghĩa giữa biết cười và dám cười
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã ra đi ở tuổi 68, lúc 22h25’ ngày 25/7 tại TPHCM, vì ung thư di căn.
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Khải
Đó cũng là lần đầu tiên mình tin anh Khải khuyên mình chân thành nhất. Trước nay anh nói câu gì mình cũng khả nghi. Anh sống khéo nổi tiếng, chưa chê văn ai nửa câu. Hoặc khen hoặc không chứ chưa bao giờ chê.
Xem thêm
Nhà văn Vũ Hạnh: Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc
Nhắc đến Vũ Hạnh, chắc hẳn bạn đọc sẽ nhớ đến tác phẩm vang bóng một thời như Bút máu.
Xem thêm
Bạn văn: Nguyễn Trọng Tạo
Thời đó anh Tạo nổi như cồn, bài thơ Tản mạn thời tôi sống được cả nước bàn tán xôn xao, đó là bài thơ có cái nhìn mới mẻ và xót xa về đất nước. Nhắc đến văn chương thời kì đổi mới không thể không nhắc đến bài thơ này.
Xem thêm
Nguyễn Trường viết về quê hương và người lính
Nhà văn Nguyễn Trường tên thật là Nguyễn Xuân Trường,
Xem thêm
Chúc mừng sinh nhật Lê Thiếu Nhơn
Làm thơ, viết báo, phê bìnhKiêm vai chủ web, một mình một sân
Xem thêm
Lưu Quang Vũ có tin ở hoa hồng?
Thơ và kịch dưới một mái nhà chungĐều bay bổng tài hoa và khát khao, quyết liệt
Xem thêm
Chữ Xuân Quỳnh tự hát
Chữ Xuân Quỳnh tự hátNhư hương quỳnh tự thơm
Xem thêm
Vĩnh biệt Đại tá nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Vẫn chân chất đứng bên rừng thốt nốt
Xem thêm
Tô Nhuận Vĩ dưới ngòi bút Nguyễn Quang Lập
Anh em lâu ngày gặp nhau không khỏi có chút ngậm ngùi. Ở Huế nhiều người yêu quí mình
Xem thêm
Khi nhà văn Triệu Xuân trình diễn thơ
Nhà văn Triệu Xuân đọc thơ Chế Lan Viên trong bệnh viện
Xem thêm