- Nhà văn & Góc nhìn
- Nguyễn Trọng Oánh | Hồi ký của Nguyên Ngọc
Nguyễn Trọng Oánh | Hồi ký của Nguyên Ngọc
NGUYÊN NGỌC
Trong văn học, cũng như trong đời sống, có những con người lầm lũi, suốt đời không một lần chói sáng, chẳng được “Thà một phút huy hoàng…”. Họ lặng lẽ đi qua cuộc sống, lẩn khuất đâu đó trong đám đông vô danh, đầu chẳng nhô cao hơn chung quanh dầu chỉ đôi phần, không một lần to tiếng…, và khi đã đi hết con đường của họ trên cõi dương này thì sẽ mãi mãi chìm đi trong lãng quên. Tài năng của họ, nếu họ có ít nhiều tài năng nào đó, chủ yếu được làm bằng sự cặm cụi, kiên trì, dũng cảm một mình, anh hùng một mình, không ai biết, chẳng cần, chẳng để ai biết.
Nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh (trái)
Ấy thế mà đôi khi chính những con người như vậy lại là người bắt đầu, người tạo nên một thay đổi nào đó, về sau sẽ trở nên rất đáng kể trong văn học, thậm chí cả trong tinh thần xã hội. Bắt đầu một cách lặng lẽ, lầm lũi, và khi cái “mới” đã thật sự trở thành mới, ồn ào, vang dội thì không còn ai nhớ đến kẻ đã bắt đầu ấy nữa. Chính kẻ ấy dường như đã bị đẩy lùi, bị gạt ra bên lề của cuộc đi tới rộn ràng.
Thời Văn nghệ Quân đội tôi có một người bạn thân và chung thủy, vâng, chung thủy, nói thế không sai đâu: Nguyễn Trọng Oánh. Oánh là kiểu người như vậy: một người bắt đầu lầm lũi, âm thầm, “vô danh”.
Ngay cái kiểu chúng tôi quen rồi thân với nhau đã khá là “Nguyễn Trọng Oánh”: không ồn ào, vồ vập, đến với nhau rất chậm, nhưng rồi qua năm tháng, hơn nửa thế kỷ rồi đấy – trời ơi thế mà gần trọn đời người rồi – qua thử thách càng hiểu, càng gần, càng thân nhau hơn. Một người “đồng chí” đích thực, theo cái nghĩa rất xưa của từ này, thời Cần Vương hay là thời gì đó, cũng chí hướng không lay chuyển.
Tôi muốn nói rõ điều này: thời Văn nghệ Quân đội, lớp thế hệ chúng tôi, khi bắt đầu chống Mỹ, ngoài Nguyễn Thi và tôi vốn là dân miền Nam nay trở về chiến trường là chuyện đương nhiên, Nguyễn Trọng Oánh là người miền Bắc chính cống đầu tiên duy nhất xung phong vào Nam, và anh đi rất sâu, rất lâu, đằm mình đến cùng, hết mình, hy sinh tất cả – tôi không nói to tiếng quá đâu – trong cuộc chiến đấu tử sinh ấy. (Nam Hà thuộc lớp sau một ít, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân… là lớp sau nữa).
Ngày nay ở Văn nghệ Quân đội hình như không còn ai nhớ ai nhắc đến điều ấy, vô tình hay cố ý. Oánh bắt đầu lầm lũi; chiến đấu, làm việc, viết, sống lầm lũi, cơ cực; kết thúc cũng lầm lũi, cơ cực. Trong khi các bạn bè anh, rất lắm người chẳng chút nào bằng anh, cứ rộn rã lên tá, lên tướng, lên đủ thứ, hơn hớn.
Hồi ấy, thỉnh thoảng, lâu lắm, tôi đang ngồi làm việc, nghe có tiếng gõ cửa khe khẽ. Mở cửa: Oánh. Cái xe đạp tàng tàng, vứt ngay Bờ Hồ không khóa chẳng ma nào thèm lấy. Bộ quân phục tàng tàng. Cái mũ cối tàng tàng, không có sao: Anh thuộc diện đang sắp bị cho về hưu. Oánh dân xứ Nghệ, lại là cái xứ Nghệ Nghi Lộc, giọng nói nặng trịch, hết sức khó nghe, lại chỉ nói thì thào – tính Oánh vẫn thế, bây giờ sức yếu lắm rồi, càng thì thào hơn. Chúng tôi ngồi nói chuyện ở bộ xa-lông tàng tàng của tôi, vợ con tôi trong nhà nghe chẳng hiểu được gì hết. Chính tôi cũng phải chong tai lên căng thẳng lắm may ra mới hiểu được. Con tôi hỏi:
– Bác ấy nói tiếng Miên hả bố, hay là tiếng Tây Nguyên?…
Anh em chúng tôi ai cũng bảo: Thằng Oánh, cái số nó khổ suốt đời. Trông tướng thì biết: bao giờ cũng thiểu não.
Con tôi đùa:
– Bác Oánh là vụ trưởng vụ lễ tang mà!
Tôi phải mắng cho một trận.
Tôi đi miền Nam 13 năm, gia tài quý nhất lúc ra đi chỉ có một lô sách, trong đó có những quyển rất hiếm (toàn tập Balzac 40 quyển in từ cuối thế kỷ 19 mua được ở hiệu sách cũ dành riêng cho hội viên Hội Nhà văn Liên Xô, nhờ sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh bạn Marian Ktachev), tôi đóng lại thành hai thùng gỗ, nhờ anh Hà Trì giữ hộ với một lời “di chúc”: Nếu mình còn trở về thì trả lại cho mình, mình không trở về thì coi như sung công cho thư viện Văn nghệ Quân đội.
13 năm sau tôi trở về, không ngờ Hà Trì còn giữ được nguyên vẹn (bộ Balzac bị tản lạc là về sau này). Một hôm tôi lẩn thẩn ngồi giở lại đống sách cũ, tình cờ trong một quyển sách rất dày (hình như là cuốn Journal d’un écrivain của Dostoievski) tìm thấy cái giấy mời đám cưới của Nguyễn Trọng Oánh. Trời, chỉ cái giấy mời cưới ấy thôi đã đủ làm sống lại cả một thời! Mẩu giấy nhỏ bằng ba ngón tay. Mà không phải chỉ đám cưới Nguyễn Trọng Oánh. Mời cả hai đám cưới một lúc: Nguyễn Trọng Oánh và Ngọc Tự: đám cưới tập thể. Địa điểm: Hội trường Hội Lạc thiện, tức là cái chỗ cho thuê xe đòn đám ma và quản lý nghĩa trang, bây giờ vẫn còn ở đường Phùng Hưng ấy! Không biết sao ngày ấy anh em Văn nghệ Quân đội chúng tôi lại tổ chức đám cưới tập thể ở cái nơi kỳ quặc oái ăm thế, không thể hiểu nổi.
À, chúng ta toàn là những kẻ vô thần mà!
Tôi còn nhớ rõ, trước hôm đám cưới mấy ngày, có một anh chàng thất chí thất tình thế nào đó, treo cổ chết trên ngọn cây bàng ngay trước cửa Hội Lạc thiện, mãi vài ngày sau trẻ con đi bắn chim mới thấy, người ta vất vả lắm mới dong xuống được…
“Cái số thằng Oánh nó khổ thế”. Đến ngày vui nhất của một đời cũng khốn khổ vậy.
Thời ở Văn nghệ Quân đội Oánh chỉ làm thơ. Theo tôi, thơ Oánh là thơ hay. Hình như đến nay vẫn chưa bao giờ in thành tập. Phảng phất cái không khí hào hùng bi tráng một thời sĩ phu nào đó. Một chất ông đồ xứ Nghệ, giấu kín cái bay bướm ngang tàng trong sự súc tích nhiều lúc đến quá nghiêm ngặt, kiệm từ, kiệm lời. Đọc thật kỹ mới thấm, và phải đọc một mình, trong đêm khuya (ngày xưa thì phải thêm một lò hương trầm nữa). Còn nghe Oánh đọc thì… rất kỳ. Giọng Nghi Lộc khó nghe nhất nước. Anh Mai Văn Hiến họa sĩ thời bấy giờ sống chung với chúng tôi ở 4 Lý Nam Đế thường đùa: “Nghe ông Oánh ngâm thơ cứ hình dung một anh chàng đang đi, nửa người cứ ngã ngửa về phía sau, chực ngã ngửa ra ấy. Cứ muốn chạy tới đỡ ngay cho ông ấy…”.
Cũng lạ: vậy mà ba người thân nhau thời ấy ở 4 Lý Nam Đế lại là Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Trọng Oánh và tôi. Thân một cách lặng lẽ. Sao thế nhỉ. Tôi thì lang bạt và sôi nổi cực đoan. Nguyễn Ngọc Tấn thì đau khổ quằn quại. Oánh lại trầm tĩnh, ít lời.
Kỳ thực, trong Oánh giấu kín một sự kiên định quyết liệt – sau này tôi mới nhận dần ra. Anh cũng là một dạng “cực đoan” dữ dội.
Hồi tôi lâm nạn vụ Đề dẫn, bị ông Tố Hữu đánh tơi bời, Oánh là người duy nhất xông lên cãi, nhưng Oánh không phải là anh chàng hùng biện, bị Chế Lan Viên giật micro đánh nịnh theo Tố Hữu. Oánh vẫn chưa chịu thua, anh viết thư cho ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Bí thư Trung ương Đảng, uy quyền sát phạt nhất nước, xin gặp. Gặp ông Thọ, Oánh nói: “Tố Hữu sai. Nguyên Ngọc đúng”. Chỉ có Oánh mới có gan làm thế…
Ngày Nguyễn Ngọc Tấn và tôi đi vào chiến trường, có hai người bắt tay chúng tôi mà ứa nước mắt. Ông Mạn, ông già công vụ tuyệt vời có một không hai của cơ quan chúng tôi. (Nghe nói hồi B52 đánh Hà Nội ác liệt nhất, anh em đi sơ tán hết, chỉ còn mỗi ông Mạn trụ lại giữ nhà 4 Lý Nam Đế.) Ngày tôi ở chiến trường trở ra, 13 năm sau, ông lại cầm tay tôi, hỏi:
– Còn thằng Tấn đâu?
Lần này thì ông khóc òa.
Người thứ hai là Oánh. Oánh nói, vẫn cái giọng Nghi Lộc nặng trịch và thì thầm ấy:
– Mày đi trước, mấy năm nữa tao sẽ vào…
Oánh giữ đúng lời hứa.
Tôi đi 1962. Tháng 10 năm 1966 Oánh vào. Anh vào B3, tức chiến trường Tây Nguyên. Bấy giờ B3 còn trực thuộc B1 tức là chiến trường Khu 5 chúng tôi. Anh ở B3 mấy tháng, viết một bài thơ dài “Khúc hát một dòng sông”, sau này được dùng làm cốt cho kịch bản một phim tài liệu hay, được Giải Bạc Liên hoan Phim quốc gia, lấy toàn bộ trường ca của Oánh làm lời bình nhưng không hề ghi tên tác giả. Oánh viết trường ca vẫn cái giọng trầm hùng phảng phất một thời sĩ phu ấy. Nhưng người ta chỉ nói đến phim và đạo diễn, khá sôi nổi một thời, không ai biết đến người đã tạo nên cái hồn tráng ca của phim.
Nghe tin Oánh ở B3, tôi điện lên xin Oánh về chỗ chúng tôi (bấy giờ chúng tôi đang ở vùng núi phía Tây Quảng Nam). Nhưng thế lực của chúng tôi, B1, không nặng cân bằng B2 tức là Bộ Tư lệnh Miền ở Nam Bộ. Miền gọi Nguyễn Trọng Oánh vào. Và hình như Oánh cũng thích đã đi thì phải đi cho đến tận nơi xa nhất. Anh đi thẳng luôn vào Nam Bộ, chỗ Nguyễn Thi.
Oánh là người ở lâu và gần Nguyễn Thi nhất những năm tháng Nam Bộ chống Mỹ. Anh tận mắt chứng kiến tất cả cách sống, cách làm việc, cách viết, sự anh hùng và tấn bi kịch của Nguyễn Thi, những thế lực đen tối vây quanh hãm hại Nguyễn Thi những ngày ấy. Tôi chưa bao giờ biết rõ chuyện ấy, nhưng hình như tình hình nội bộ văn nghệ ở R, tức là ở miền, cơ quan Trung ương Cục miền Nam, phức tạp rắc rối hơn ở B1 tức Khu 5 chúng tôi.
Bao giờ cũng là mấy tay bất tài mà có thế lực quây nhau lại vây đánh anh tài năng nhất nhưng thường cũng ngây thơ đơn giản nhất. Đến mức Nguyễn Thi đã suýt tự sát ngay giữa cơ quan văn nghệ R. Cái hôm Nguyễn Thi tự chĩa súng vào đầu, mọi người vây quanh nhưng không ai dám xông vào, Thi dọa ai xông vào, anh bóp cò ngay. Oánh cũng ở đấy. Lúc bấy giờ chỉ còn một người ngăn được Nguyễn Thi: Oánh.
Sau này có lần tôi hỏi Oánh:
– Nếu Nguyễn Thi còn sống đến bây giờ, trong thế cuộc này, sẽ ra sao nhỉ?
Oánh bảo:
– Tao đoán chắc nó cũng sẽ như mày, hoặc như thằng Châu.
Im lặng một lúc, rồi Oánh lại thầm thì:
– … Mà cũng là đoán thế thôi…
Còn Oánh, anh sống thế nào những ngày Nam Bộ?
Hóa ra dưới cái vẻ bề ngoài lầm lụi khô khan, cả khô héo nữa ấy (chúng tôi vẫn gọi đùa Oánh: “Ông thần đau khổ”), là một tâm hồn say mê, một thứ “cuồng tín” hết sức trong sạch. Oánh lao vào cuộc chiến đấu như điên. Oánh đi, ghi chép, ghi chép, ghi chép. Ghi chép toàn sự thật. Và bao giờ cũng lao đến nơi ác liệt nhất. Anh “quần nát” Củ Chi.
Và anh bỏ thơ, nhảy sang viết văn xuôi. Tôi cho rằng chẳng phải ngẫu nhiên đâu. Tại sao ngày ấy Nguyễn Thi cũng say sưa ghi chép, ghi chép hối hả như vậy? Vì chỉ có văn xuôi, văn xuôi trần trụi mới mong ghi cho kịp tất cả cái thực tế mênh mông, ngồn ngộn, mới mẻ mà chúng tôi ngày ấy như chợt tỉnh ra, nhận ra ở chiến trường: Nhân Dân. Nhân dân lầm lũi. Nhân dân vô danh. Nhân dân bất tận. Người thực sự làm chiến tranh. Người gánh chịu tất cả chiến tranh. Nạn nhân tận cùng và anh hùng vô danh và vô tận của chiến tranh.
Oánh viết vội viết vàng, chưa ra cái gì cả. Tất cả đều như một cuộc chuẩn bị gấp gáp, khẩn trương, chăm chỉ… cho một cái gì đó về sau này, khi mọi sự đã xong, đã chấm dứt…, tất nhiên nếu đến ngày đó may ra mình còn sống sót. Vốn người đã khô héo, anh càng gầy rộc đi, xơ xác, nhiễm đủ thứ mầm bệnh, mặc kệ! Chất độc hóa học, những cơn căng thẳng đến có thể đứt bung hết thần kinh, một trăm lần thoát chết, chẳng do cái gì hết, chỉ do số may…
Mậu Thân 1968, Nguyễn Thi hy sinh. Oánh phải thay Thi, phụ trách “cái” Văn nghệ Quân Giải phóng Miền. Nên nhớ thời đen tối nhất của chiến tranh miền Nam là thời sau Mậu Thân. Bị chúng nó đánh chạy dạt sang tận Campuchia. Đói, chết, rách nát, tan rã, tháo chạy (có anh tháo chạy ra tận miền Bắc), phản bội, đầu hàng, gượng lên, gục xuống, lại gượng lên… Chính những ngày ấy Oánh lộn lại Củ Chi, cái Củ Chi mà sau này Oánh gọi là Đất trắng. Đất trắng cũng chưa đủ đâu. Đã thành bề mặt của mặt trăng. Những miệng núi lửa sâu hoắm, ban ngày nóng bỏng, ban đêm lạnh tanh. Và cát bụi. Oánh lao vào Củ Chi với một trung đoàn cảm tử quyết ghì trụ lại để cho đại quân có thể rút ra. Cả trung đoàn hy sinh gần hết, chỉ còn lại 16 người, nên khi viết Đất trắng Oánh gọi đó là Trung đoàn 16.
Oánh đi, trụ bám, đánh giặc, ghi chép, ghi chép, đi. Có lúc như một kẻ mộng du. Băng qua cái chết…
Và lần này thì anh gục. “Ông thần đau khổ” 4 Lý Nam Đế ngày nào thành “Ông thần sốt rét”.
Oánh ốm nặng. Đấy là khoảng 1970-71. Anh Văn Phác lúc bấy giờ ở Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Miền điện ra Hà Nội: Yêu cầu 4 Lý Nam Đế cho một người vào thay Oánh, cỡ Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Xuân Thiều…, để Oánh ra Hà Nội chữa bệnh…
Điện đi. Không có điện trả lời. Không ai chịu vào. Đùn đẩy nhau thế nào đó. Nghe bảo có anh nói: “Thí thân tao à?”. Họ đi “B ngắn” thôi. Vào Khu 4, đá qua đâu đó đoạn đầu đường mòn Hồ Chí Minh, một chút Quảng Trị gần gần… Và trên các báo Hà Nội liên tiếp xuất hiện những sáng tác “Từ miền Nam gửi ra”, ký nhiều bút danh là lạ. Chúng tôi trong Nam có đọc, thỉnh thoảng, đoán ra được ngay những bút danh giả ấy là của ai, và thường nói đùa với nhau: “Từ miền Bắc gửi ra… Hà Nội đấy”.
Không ai chịu “thí thân” vào, thì Oánh ở lại.
Cho đến hết chiến tranh.
30 tháng 4-1975. Văn nghệ Quân đội (và bao nhiêu “văn nghệ” khác nữa) tấp nập kéo vào Sài Gòn.
Tôi gặp Oánh tại một ngôi nhà khu Ngã tư Bảy Hiền. Câu đầu tiên, Oánh nói:
– Thằng Thi nhắc mày mãi.
Câu thứ hai:
– Này, phải đi tìm con Thu. Con gái thằng Thi, mày nhớ không?… Hỏi Hà Mậu Nhai may ra mò tìm được.
Người ta vào Sài Gòn tấp nập, vui vẻ quá. Nhưng ai cũng có việc của người ta. Vẫn chưa ai thay Oánh.
Mãi 1976 Oánh mới trở ra Hà Nội. Trở ra, rồi vào lại ngay. Vẫn lầm lũi như xưa. Già hơn nhiều, tất nhiên. Sốt rét liên miên. Vẫn bộ quân phục và cái mũ cối tàng tàng. Càng im lặng và lẩn khuất như một cái bóng.
Tôi trở về 4 Lý Nam Đế gặp anh Vũ Cao, người bạn, người anh mà Oánh và tôi suốt đời quý mến. Tôi hỏi:
– Tôi đi 13 năm, anh em ngoài này có thay đổi gì không anh, anh kể cho tôi nghe đi.
Anh Cao bảo:
– Cậu yên trí, thằng nào thế nào thì bây giờ vẫn thế… Mình có một cái thuyết càng già càng thấy đúng, nhưng mà sai với ông Mác: Con người là không cải tạo được. Thằng nào thế nào thì cứ vẫn thế, chỉ càng đậm hơn lên thôi.
Anh rủ tôi lên nhà, đầu đường Hoàng Hoa Thám, cạnh cái ao có cái xác B52 Mỹ còn nằm đấy. Chị Khang vợ anh đào lên một hũ rượu nếp cẩm chôn từ năm nảo năm nào, rượu nếp cẩm lâu năm đen sánh.
Mấy anh em ngồi uống rượu với nhau. Anh Thanh Tịnh bảo:
– Bây giờ mình mới nói với Ngọc điều này nghe: Ngọc có nhớ ngày Tấn với Ngọc rời Xuân Mai lên đường đi vào Nam là ngày nào không?… Đúng một ngày thứ sáu 13 tháng 5. Vendredi treize… Thôi, còn một đứa trở về là may rồi.
Anh khóc.
Chị Vị, vợ Oánh, là giáo viên ở Nghệ An. Oánh chạy vạy mãi, không sao xin chuyển ra được Hà Nội, ở nội thành. Nhờ đủ cửa, 4-5 năm mới xin ra được Trúc Sơn, mãi trên Hà Tây. Lại chạy xuôi ngược, được chuyển về chỗ Kim Giang, tít trên đường từ khu Cao Xà Lá băng qua Văn Điển. Lại chạy nữa, cuối cùng được chuyển về… Đồng Xa, tức là cái khu xa lơ xa lắc cạnh nghĩa trang Mai Dịch!
Chị đi dạy tiếp được mấy năm, rồi đột ngột đổ bệnh, tai biến mạch máu não, liệt toàn thân, nằm bất động một chỗ. Hai đứa con gái, đứa thì ốm yếu, đứa chưa chồng con …
Oánh cũng đổ bệnh. Sự trả giá của hàng chục năm lăn lộn chiến trường.
Hồi vào miền Nam, tôi cũng bị sốt rét, có phen ác tính tưởng đã đi tong. Được một cô giáo cấp 1 người Ca Dong nuôi mấy tháng ở làng Tất Bỏ, cho uống lá rừng gì đó mà thoát chết được… Nhưng chẳng hiểu thế nào, từ 1971 trở đi bỗng tự nhiên được miễn dịch hẳn với cái thứ ký sinh trùng tai ác ấy, không lần nào bị nữa.
Còn Oánh thì mãi đến hàng chục năm sau vẫn sốt rét, dai dẳng, giày vò. Lại thêm suy tim. Cao huyết áp. Thần kinh. Hai lần anh đã bị ngã, tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim, rồi cũng nằm liệt một chỗ.
Một nhà, chồng nằm liệt phòng trước, vợ nằm liệt phòng sau, thật tình có lúc tôi đã thầm lo khéo Oánh sẽ “đi” trước cả Nguyễn Minh Châu.
Đối với Oánh, từ sau 1975, là một cuộc “chiến tranh” mới. Thật thế. Anh vật lộn với nghèo đói, với bệnh tật, với gia cảnh đã đến mức khốn cùng, với bao nhiêu thứ khác nữa của thế sự, của nhân tình mà tôi biết tâm trí anh luôn giày vò.
Và anh viết.
Bộ sách hai tập Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh (1979-1984) là tiểu thuyết đầu tiên ở ta mô tả bộ mặt thực của chiến tranh như tôi, một người lính, tôi từng được biết ở chiến trường. Oánh xuất bản Đất trắng năm 1979, cùng năm với bản Đề dẫn của tôi. Chắc trùng hợp không hề ngẫu nhiên. Với Đất trắng, văn học viết về chiến tranh ở ta bước sang một bước khác.
Trong văn học ta, cái dòng chảy chiến tranh-anh hùng ca bắt đầu từ sau 1945-46, không dừng lại ở mốc 1975. Nó còn tiếp tục chảy theo quán tính cho đến mấy năm đầu 80, cho đến Đất trắng.
Đất trắng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về một chính ủy sư đoàn đi đầu hàng địch trong những ngày quần nhau ác liệt trên đất Củ Chi. Tôi có biết nguyên mẫu của nhân vật có thật ấy. Anh ta là người Quảng Nam, Khu 5, hồi kháng chiến chống Pháp từng là cán bộ ban tuyên huấn quân khu, cùng chỗ với chúng tôi. Đâu khoảng 1953, quân khu có một đại hội thi đua, có một chị tên là Dung, nhỏ nhắn, xinh xắn, người Hội An, được anh em vun vào, lấy anh cán bộ tuyên huấn kia, hình như đâu có vài tháng trước khi anh ta đi tập kết. Đến chống Mỹ anh ta vào Nam, lấy tên là Tám Hà, từng làm đến Phó ban Tuyên huấn Quân Giải phóng Miền, rồi xuống làm chính ủy sư đoàn… Và đi đầu hàng.
Vợ tôi cũng từng bị Mỹ bắt trong chiến tranh, ở tù Mỹ và chính quyền miền Nam 7 năm. Một trong những kinh nghiệm sâu sắc nhất của cô ấy: những tay đi đầu hàng thường quay lại đánh đồng đội cũ, đơn vị cũ của mình hết sức ác liệt, hơn cả đám cai tù Sài Gòn. Vì hai lẽ: họ cần chứng minh với đối phương; và cũng cần tự chứng minh với chính mình, về sự “đúng đắn” khi bỏ chạy, mà dẫu sao họ cũng còn đầy mặc cảm…
Nguyễn Trọng Oánh không phải là người tài hoa. Trong nghề văn, tôi thường nghĩ, anh thuộc loại người “lấy công làm lãi”. Lấy sự công phu, sự kiên nhẫn, sự trung thực với cuộc sống, lấy trách nhiệm của một người cầm bút quyết không để bị lôi cuốn bởi sự dối lừa của một thứ lãng mạn đèm đẹp dễ dãi, làm chỗ mạnh của mình. Anh đã sống như vậy suốt chiến tranh chống Mỹ, và sau đó cũng viết đúng như vậy. Có phần nào đó, anh là một người lao động trung thực hơn là một nghệ sĩ bay bướm.
Nhưng có lẽ đó chính là cái văn học ta đang cần, đúng vào lúc đó, để dứt khoát cắt đứt đi với “cái thời lãng mạn ấy” (chữ của Nguyễn Khải), để dứt khoát tỉnh táo, cả lạnh lùng nữa, nhìn thẳng vào sự thật (dẫu đó mới chỉ là sự thật của chiến tranh đã qua).
Chiến tranh là như vậy đấy. Cái thời lãng mạn ấy ta từng say sưa hát vang: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”. Chẳng nên phủ nhận tâm trạng hào hùng một thời tráng ca. Tâm trạng ấy là có thật, là một hiện thực. Nhưng còn một hiện thực khác, hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh. Chiến tranh là vậy đấy, là đất trắng, là nhầy nhụa, là hỗn độn, là vô lý, là nghịch cảnh, là phi nhân, là tàn bạo, là cảnh con người căng hết mình lên, lắm khi đến tuyệt vọng, đến muốn đứt tung hết, để cố níu lấy cứu lấy giữ lấy một chút, từng chút cái tính người cho con người, cho chính mình.
Nguyễn Trọng Oánh, lần đầu tiên, đã nói được với chúng ta một cuộc chiến tranh có thực của con người có thực như vậy, cái giá khủng khiếp của chiến tranh và chiến thắng.
Cuốn sách khó đọc, khô khan, không ít chỗ vụng về. Cũng như chiến tranh là khó lắm, khó sống, khô khan, nặng nề.
Tôi không cho rằng Đất trắng là cuốn tiểu thuyết thật hay. Nhưng đó là một cuốn sách Đặt mốc.
Có lẽ không chỉ cho văn học viết về chiến tranh. Chừng nào đó cho văn học nói chung.
Về sau nhiều người sẽ vượt qua Đất trắng. Rất có thể nó sẽ bị quên đi. Nhưng Nguyễn Trọng Oánh là người đầu tiên. Và sớm.
Mãi gần 10 năm sau Nguyễn Khải mới nói se sẽ: “Cái thời lãng mạn ấy”.
Nguyễn Trọng Oánh là kiểu người cầm bút “lấy công làm lãi”, tôi đã nói rồi. Anh lại là kiểu người âm thầm, vô danh, tôi cũng đã nói rồi.
Nhưng còn một điều phải nói nữa: làm được một việc như vậy, đòi hỏi một nhân cách.
Những năm sau này, cái chất cơ bản ấy ở anh càng rõ hơn.
Có những nhà văn thời nào cũng là “thời thượng”. Nguyễn Trọng Oánh không thuộc loại đó. Anh là một cây thông, nhỏ thôi, lẩn lút, nhưng đứng thẳng. Một người cầm bút trung thực.
Không nhiều lắm đâu, những người như vậy.
Thời báo Văn nghệ và Tổng biên tập của nó gặp nạn, Oánh đến nhà tôi hằng ngày. Bao giờ cũng im lặng. Chỉ hỏi mỗi một câu:
– Thế nào rồi, ông?
Thỉnh thoảng, anh đưa cho tôi một bài viết mà chính tôi cũng ngại, đành không đăng được. Gay gắt, quyết liệt quá, và Oánh viết chính luận lại vụng, rất hở sườn.
Ở Văn nghệ Quân đội, Oánh cũng bị coi là loại quan điểm lệch lạc, “phủ nhận quá khứ”, “phủ nhận chiến tranh cách mạng”, v.v. và v.v., là một thứ đồng lõa với tôi.
Chì chiết lên án anh chính là những người hồi 1970-71 từng đùn đẩy nhau chẳng ai chịu “thí thân” vào thay anh ở Nam Bộ, để anh có thể ra Hà Nội chữa bệnh lúc sức khỏe đã kiệt quệ vì lăn lộn chiến trường. Bây giờ anh bị đẩy ra rìa, là một thứ đại tá đang được chuẩn bị cho về hưu, nhà ở mãi tít tận Đồng Xa, vợ con khốn đốn, chính anh cũng khốn đốn.
Tôi vào thăm anh, thấy Oánh đã là một ông già lọm khọm, đi đứng lẩy bẩy, nói năng chậm chạp và càng thì thào, giọng Nghi Lộc càng hết sức khó nghe ra. Anh bảo mới hai hôm trước bọn cướp trấn lột rồi đánh chết người, vứt ở con mương ngay sau nhà anh.
Lần này anh không hỏi chuyện thời thế. Hai đứa ngồi với nhau, nhắc lại chuyện chiến tranh.
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong…
Nhưng đấy là tôi kể hơi sớm. Để đi đến đấy, chúng tôi còn phải qua một đoạn đường khá dài nữa, khúc khuỷu gập ghềnh, dài hơn cả đoạn đường chiến tranh chúng tôi đã đi qua, và có phần còn gập ghềnh cay nghiệt hơn.
Không ai ngờ.
Còn điều này nữa: tôi tin là ở trên đời này có số, có những con người tuyệt tốt nhưng bị số mệnh đày đọa cho đến cùng kiệt nhất quyết không tha: Oánh đấy.
Rút cuộc, anh chị có được một đứa con trai, tên là Thành. Đẹp trai, trắng trẻo, cao lớn, rất thông minh, làm kỹ sư, là niềm hy vọng của cả nhà…
Đã tưởng trời đất cũng còn phải công bằng chứ, phải bù đắp cho Oánh chứ… Thế mà rồi Thành làm việc ở một xí nghiệp, xí nghiệp thất bại, giải tán. Thành tự lập xí nghiệp, nhưng lại bị tai nạn giao thông, đến ba lần. Lần thứ ba quá nặng. Năm năm nằm một chỗ, sống đời sống hoàn toàn thực vật.
Thật ghê gớm số kiếp con người. Một nhà tiểu thuyết đã viết được một cuốn tiểu thuyết đánh dấu, một con người tuyệt đối trong sạch và tốt hiếm có, vậy mà rồi cho đến cuối đời chỉ một ngôi nhà rách nát, ở tận cái chỗ gọi là Đồng Xa, với ba con người đều nằm thực vật hàng chục năm trời, và một con bé lụi cụi ngày đêm chăm cho cả ba…
Oánh mất năm 1993.
Vừa rồi tôi mở Wikipedia tiếng Việt, tìm mục từ Nguyễn Trọng Oánh.
Trang bỏ trắng.
Không một dòng…
Bình luận