TIN TỨC
icon bar

Những gia đình văn nghệ “cha truyền con nối”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-22 12:22:59
mail facebook google pos stwis
850 lượt xem

Sông Lam: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, cùng tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không của chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘Cha truyền con nối’ với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.


TỪ NHỮNG ĐÊM TRĂNG THANH Ở LÀNG ĐÔNG PHÁI

Nhạc sĩ Ngô Trí Thậm, sinh năm 1937, là một trong số ít những nhạc sĩ đầu tiên ở Nghệ An được học hành bài bản, sở trường của ông là nhạc giao hưởng – thính phòng. Có thể nói, gia đình nhạc sĩ Ngô Trí Thậm là một gia đình âm nhạc với 03 người con theo tiếp bước cha. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một làng quê giàu truyền thống văn hóa, văn chương, khoa bảng, nơi góp phần nuôi dưỡng tài năng, nhân cách của nhạc sĩ Ngô Trí Thậm và các con ông sau này.


Cha con nhạc sĩ Ngô Trí Thậm, Ngô Thục Khuyên.

Từ sợi dứa khô đến những bản nhạc không lời

Làng Đông Phái là làng quê sinh ra nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng của Nghệ An và đất nước như đạo diễn Cao Danh Giá, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Lê Thái Sơn, nhạc sỹ Tùng Vinh, nhạc sỹ Trần Phúc Tăng, nhà văn – nhà viết kịch Đặng Thanh Hương… Dòng họ Ngô Trí cũng là dòng họ nổi tiếng với gia đình “tam đại tiến sĩ”: Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa (đỗ năm 1592) và Ngô Sỹ Vinh (đỗ năm 1664).

Làng Đông Phái xưa đã từng là cái nôi văn hóa, văn nghệ của Diễn Châu. Những đêm trăng thanh gió mát, mọi người cùng nhau hát dân ca ví, giặm, tuồng, chèo. Điều đặc biệt là trong làng có nhiều người biết chơi các nhạc cụ truyền thống và hiện đại như măng-đô-lin, vi-ô-lông, ghi-ta, sáo trúc, đàn bầu… Các đêm hát dân ca đối đáp vừa là dịp giao lưu, vừa thể hiện tài năng của trai thanh, gái lịch làng Đông Phái.

Bầu không khí văn chương, nghệ thuật của làng đã nuôi dưỡng và hun đúc tài năng ở cậu bé Ngô Trí Thậm. Thuở nhỏ, Ngô Trí Thậm đã có thể tự làm sáo và thổi sáo thành thạo. Ông xin được một cây đàn vi-ô-lông đã hỏng của một người ở làng bên về sửa lại, ông đi hái lá dứa ngô phơi khô, lấy sợi làm vĩ để kéo. Ngô Trí Thậm có những sáng tác đầu đời khi ông mới 16 tuổi, đó là những bản nhạc được ông trình diễn bằng sáo trúc, một trong những bản nhạc đó ông đặt tên là “Nhạc múa dâng rượu”.

Lớn lên, Ngô Trí Thậm được tuyển vào Đoàn Văn công Liên khu V. Từ đó, ông được đi đây, đi đó sáng tác, biểu diễn và giao lưu với nhiều nghệ sĩ ở khắp các vùng miền. Niềm đam mê đã thôi thúc Ngô Trí Thậm vươn lên và đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Năm 1962, ông thi đậu Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi còn là sinh viên, Ngô Trí Thậm đã có một số tác phẩm được chọn làm giáo án giảng dạy cho sinh viên của trường như: độc tấu đàn bầu “Từ lòng mẹ”; Fuyga cho đàn Piano “Mụ chủ và đầy tớ”… Mặc dù nhận được lời mời ở lại trường công tác nhưng Ngô Trí Thậm đã mang khát vọng về quê xây dựng một nền âm nhạc bác học (dòng nhạc chuyên nghiệp, vừa thanh nhạc vừa khí nhạc kết hợp với nhau trong một hệ thống có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt).


Nhạc sĩ Ngô Trí Thậm và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Năm 1966, nhạc sĩ Ngô Trí Thậm về công tác tại Đoàn Ca múa Nghệ An, ông làm nhạc trưởng và viết nhạc cho đoàn. Năm 1968, Ngô Trí Thậm nhập ngũ, ông được giao nhiệm vụ xây dựng phòng trào văn hóa văn nghệ cho Quân khu IV. Thời gian này, ông gặp cậu lính trẻ Nguyễn Trọng Tạo, đồng hương làng Đông Phái, người có chung niềm đam mê thơ ca, âm nhạc. Nguyễn Trọng Tạo đã được Ngô Trí Thậm dạy cho những nốt nhạc đầu tiên. Với tài năng âm nhạc thiên phú, khả năng tự học cao, Nguyễn Trọng Tạo đã dần trưởng thành và khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn cũng như lĩnh vực âm nhạc sau này. Có lần Nguyễn Trọng Tạo nói: trong khu vườn của tôi, tôi sẽ đặt ba bức tượng đó là đại văn hào Nga Puskin, nhà thơ Hàn Mạc Tử và nhạc sĩ Ngô Trí Thậm. Nói vậy để thấy được sự trân trọng mà Nguyễn Trọng Tạo giành cho người anh, người thầy của mình.

Năm 1971, Ngô Trí Thậm trở lại Đoàn Ca Múa miền núi rồi về công tác tại Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh năm 1973. Tại đây, ông dành nhiều thời gian sưu tầm âm nhạc dân gian. Ca khúc của ông thời kỳ này mang đậm âm hưởng dân ca các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An như: “Tiếng hát trong rừng cao su”; “Chiều Quỳ Hợp”; “Nỗi nhớ không tên” (lời thơ Ngọc Dương); “Một chiều với Tương Dương”; “Về Quỳ Châu” (lời thơ Châu Nho)… Sau này ông về làm giảng viên và nghỉ hưu tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Ngô Trí Thậm nuôi hoài bão về khí nhạc (nhạc không lời), bởi theo ông, chỉ có nhạc không lời mới nói hết những gì ông muốn gởi gắm. Chính vì vậy, ca khúc của ông đầy kịch tính, mâu thuẫn, với tính chất là âm nhạc độc lập.

Ngô Trí Thậm là người hiền hậu, khiêm nhường mà cứng cỏi, trí tuệ; ông luôn thẳng thắn, cương trực, tuyệt đối không chịu khuất phục trước sức cám dỗ hay quyền uy. Ông được bạn bè hết mực yêu quý và kính trọng. Ngô Trí Thậm mang trong mình nhân cách một kẻ sỹ xứ Nghệ, điều đó thể hiện trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống của ông. Thế hệ nhạc sỹ Nghệ An thành danh sau này nhiều người đã từng được ông dìu dắt như: Tùng Vinh,  Đình Đắc, Ngọc Thịnh, Phan Thành…

Năm 2016, tập ca khúc: “Nỗi nhớ không tên” của Ngô Trí Thậm, do Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành, đã ra mắt công chúng yêu nhạc.

Nói về tác phẩm của cha mình, nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên chia sẻ: Tác phẩm của ông thường dùng thủ pháp chuyển điệu gần, có khi chỉ là ly điệu, thỉnh thoảng sử dụng những quãng nghịch, hoặc tăng để tạo đột biến về xúc cảm; gây bất ngờ với chuyển điệu xa rồi đưa dần về giọng chính một cách hợp lý, giải quyết được kịch tính làm người nghe thỏa mãn, thích thú. Dù viết về miền xuôi, miền núi hay tình ca thì âm nhạc của ông luôn có hình tượng rõ ràng, không phụ thuộc vào ca từ, đưa được hồn dân tộc vào trong đó.

Theo bước chân cha

Nhạc sĩ Ngô Trí Thậm có bốn người con thì có ba người cùng theo con đường âm nhạc. Con gái đầu là Ngô Thục Yến, sinh năm 1963. Bộc lộ năng khiếu từ nhỏ nên mới 10 tuổi Yến đã được bố mẹ tằn tiện gởi ra học ở Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc). Sau khi tốt nghiệp, chị về giảng dạy đàn tranh tại Khoa Dân tộc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Trong mắt nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên, chị Yến như người mẹ luôn lo lắng, chăm sóc cho các em. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngô Thục Yến phải chắt chiu để học tập. Trong những năm bao cấp, chị Yến phải bớt ăn, bớt mặc mà gửi đường sữa, vải vóc về cho em. Cuộc sống kham khổ đến mức có giai đoạn chị mắc bệnh phù nề và bạc tóc do thiếu chất. Đến nay, Ngô Thục Yến vẫn theo đuổi âm nhạc với niềm đam mê. Chị đã đào tạo nên bao thế hệ học trò, đóng góp cho lĩnh vực âm nhạc dân tộc.


Chị Ngô Thục Yến và em trai Ngô Trí Mạnh.

Người con trai thứ hai của nhạc sĩ Ngô Trí Thậm là Ngô Trí Mạnh, sinh năm 1968. Anh theo học Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, sau đó công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ An. Ngô Trí Mạnh là một tay ghi – ta được nhiều người biết đến nhưng số phận không may mắn, anh mất năm 2011, khi mới 43 tuổi.

Ngô Thục Khuyên là con gái thứ ba trong gia đình. Chị được học hành bài bản và theo nghiệp của bố ở cả hai phương diện: dòng nhạc thính phòng và sáng tác ca khúc.

Ngô Thục Khuyên sinh năm 1973, từ nhỏ, cô bé Ngô Thục Khuyên đã theo cha đi đây đi đó, giao lưu với bạn bè văn nghệ của cha. Qua những buổi trò chuyện, những buổi trao đổi chuyên sâu về âm nhạc mà tình yêu âm nhạc đã thấm vào chị từ lúc nào không biết.

Nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên tâm sự, khi xưa gia đình nghèo lắm bởi lương cán bộ viên chức của bố mẹ không đủ sống, cha chị lại thường xuyên giao lưu với bạn bè, văn nghệ sĩ, họ hàng, đồng hương nên nhà lúc nào cũng đông khách. Khách khứa đến chơi cả ngày, có khi ở lại vài ngày nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mẹ chị đi bán xôi, chị em Khuyên ngoài thời gian đi học thì đi cắt rau, cắt cỏ nuôi lợn, nuôi thỏ. Chị nhớ, có hôm nhà hết thức ăn, gặp khách quý, bố chị thịt luôn cả chú thỏ mà chị rất yêu quý đãi khách. Sự việc ấy làm chị day dứt đến tận bây giờ. Ngô Thục Khuyên từng theo bố đi chụp ảnh lưu động khắp nơi, rồi tự mình đi chụp ảnh kiếm tiền. Hồi ấy, ở Vinh mới chỉ có 4 – 5 hiệu ảnh gì đó, nhà có cái máy ảnh hiệu Zezich là rất oách. Làm được bao nhiêu chị đưa hết cho bố, nhưng với bản tính phóng khoáng, bố chị lại dùng cho việc tiếp khách.


Nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên.

Hồi 10 tuổi, Ngô Thục Khuyên đã được Học viện Âm nhạc về tuyển nhưng vì nhà nghèo nên chị không thể theo học, cú sốc ấy làm chị buồn lắm, đến hôm nay cảm giác nuối tiếc vẫn còn đeo bám chị. Năm Khuyên 12 tuổi, Nghệ An mở lớp năng khiếu 7 năm tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, chị trúng tuyển cùng với khoảng 20 người khác. Đây là lớp năng khiếu của tỉnh nhằm tạo nguồn cho việc đi học và theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp sau này. Năm 1992, chị nhận được giấy báo của Trường Đại học Văn hóa nhưng cũng do cuộc sống mưu sinh mà không đi học được, chị về công tác ở Đoàn cải lương Bông Sen Trắng. Năm 1994, chị đi học Trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó về công tác tại Nhà hát Dân ca Nghệ An, năm 1998 Ngô Thục Khuyên đi học Khoa Lý luận sáng tác – Học viện Âm nhạc Huế.

Ngô Thục Khuyên khâm phục bố mình cả về tài năng lẫn nhân cách nhưng trong âm nhạc thì chị cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng. Chị tự đặt ra cho mình những nguyên tắc nghiêm khắc trong sáng tác nghệ thuật, chị cố gắng để không giống ai, kể cả người bố mà chị luôn trân trọng. Ngô Thục Khuyên cho biết, chỉ cần cảm thấy có chút giai điệu quen quen, do dư âm từ một ca khúc, một bản nhạc của ai đó, thì chị phải dừng lại. Ngô Thục Khuyên vận dụng âm hưởng dân gian đương đại mà không quá phụ thuộc vào chất liệu dân gian. Dòng nhạc mà chị theo đuổi là dân gian – hiện đại.

Đã có lúc phải đối diện với những khó khăn và cả những thị phi của cuộc sống, chị tính đi học kinh tế để chuyển ngành nhưng tình yêu đối với âm nhạc, tấm gương người bố một đời miệt mài hi sinh vì âm nhạc đã níu giữ chị. Với chị, âm nhạc giờ đây không chỉ là niềm đam mê, là lẽ sống, mà hơn thế, như một đức tin. Trải qua bao thăng trầm, âm nhạc là cứu cánh để chị cảm nhận được sự bình an và niềm tin yêu cuộc đời. Chị nói: những lúc buồn nhất, thất vọng nhất, khi mở âm nhạc nghe thì mọi thứ thị phi, buồn bã đều tan biến. Chị tự nhận mình ảnh hưởng ở bố đức tính trung thực, thẳng thắn, chính vì vậy trong công việc chị là người quyết liệt.

Khuynh hướng sáng tác của Ngô Thục Khuyên thiên về nhạc không lời, ấy là đam mê, là triết lí sống của chị. Nhưng những năm gần đây chị đã chú trọng hơn trong sáng tác ca khúc. Được bạn bè động viên, chia sẻ, chị đã tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc của tỉnh, của quốc gia và đạt được nhiều thành tự đáng kể. Chị đã có một số bài nghiên cứu tham gia các hội thảo âm nhạc như: Đưa dân ca vào trường học; Có một đỉnh núi khuất sau những tầng mây; Âm nhạc Nga trong đời sống người Việt …

Tâm sự với chúng tôi, Ngô Thục Khuyên luôn tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ, nơi mà bầu sinh quyển văn hóa tràn ngập, đi vào huyết quản của những thành viên trong gia đình chị, nuôi dưỡng anh em chị đi theo con đường nghệ thuật. Hình bóng và khí chất của cha, của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và những tiền bối trong dòng họ, quê hương luôn nhắc nhở chị, nâng đỡ chị trên con đường âm nhạc. Chị đã phấn đấu sống và sáng tác và làm việc sao cho xứng đáng với người cha mang cốt cách một kẻ sĩ xứ Nghệ của mình.

HỮU VINH (Tạp chí Sông Lam)

(Ảnh: nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên cung cấp)

Mời nghe ca khúc hay:

Tháng Ba lại đến | Nhạc Ngô Trí Thậm

Bài viết liên quan

Xem thêm
Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm