- Tin tức văn nghệ
- Biên khu Việt Quế nhìn từ “liên văn hóa”
Biên khu Việt Quế nhìn từ “liên văn hóa”
NGUYỄN THANH TÚ
Năm 1948, đồng chí Chu Ân Lai cử phái viên (Trang Điền) sang gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quân đội Việt Nam giúp đỡ Hồng quân Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn ở vùng sát biên giới Việt Trung. Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, giúp bạn cũng là giúp mình, Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn có nhiệm vụ sang “Giúp giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng vùng Ung - Long - Khâm (huyện Ung Ninh, Long Châu, Khâm Châu)…”.
Chiến dịch thắng lợi, đại diện Biên khu ủy Điền Quế gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn quân đội ta đã “giúp đỡ cho cuộc đấu tranh của biên khu chúng tôi về tinh thần và vật chất” (1). Hiện nay, tại thị trấn cửa khẩu Thủy Khẩu (Long Châu - Trung Quốc) có Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Việt ghi công các Liệt sĩ hai nước hi sinh anh dũng khi tham gia chiến dịch. Sau này trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký của Đại tướng Chu Huy Mân… đều nói một cách trang trọng về Thập Vạn Đại Sơn. Về phía bạn cũng có nhiều tư liệu lịch sử nhưng tiêu biểu hơn cả là sách Đệ tam đệ thất chi đội sử ca ngợi “Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp tác chiến (…), góp sức mạnh một cách vô tư, phát triển tình hữu nghị chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam”. Nhưng trong văn chương thì phải đợi đến sự ra đời Biên khu Việt Quế của Phạm Vân Anh, sự kiện mới được “tiểu thuyết hóa” một cách sống động, chân thực với nhiều cảm xúc tự hào về một giai đoạn quan trọng của cách mạng hai nước Việt – Trung.
Tác giả Phạm Vân Anh (phải) tặng sách cho ông Thân Văn Nhã, nhân vật trong tác phẩm của mình.
Như vậy tính chất của chiến dịch này chính là một “liên văn hóa” - một hướng nghiên cứu đang phát triển mạnh trên thế giới trong thời toàn cầu hóa mạnh mẽ, sâu rộng. Liên văn hóa (intercultural) hiểu một cách khái quát nhất là “cầu đồng tồn dị” tức đi tìm những nét tương đồng trên nền tảng những điểm khác biệt văn hóa. Ngoài sự nhận thức đời sống từ điểm nhìn dân tộc, đa chiều hơn, “liên văn hóa” còn hướng đến những ý nghĩa giá trị phổ quát, nhân loại, tức mẫu số chung (hay là hằng số) của văn hóa toàn cầu. Bản Mệnh lệnh chiến dịch ngày 23/4/1949 cũng đã được khéo léo thể hiện trong tiểu thuyết ở bối cảnh đại quân chuẩn bị xuất chinh, vượt biên giới. Theo đó, Bộ Tổng Tư lệnh nhấn mạnh phương châm hoạt động chính là một biểu hiện của “liên văn hóa” về chính trị: “Trong lúc hoạt động ở Trung Quốc cần đứng trên lập trường đoàn kết hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng dân chủ của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh “bản vị chủ nghĩa”. “Liên văn hóa” biểu hiện cụ thể trong tác phẩm thể hiện ở việc học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển, nâng cao văn hóa dân tộc; kết hợp đồng thời sự tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu văn hóa nước mình; biểu hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, tập trung ở ba phương diện chính là nhân vật, biểu tượng, ngôn ngữ. Biên khu Việt Quế hoàn toàn thỏa mãn ba yêu cầu này.
Hẳn nhiên, tiểu thuyết viết về chiến tranh phải là người lính với những phẩm chất anh hùng, dũng cảm, trí tuệ, giàu đức hy sinh… Đó là những Biên Cương, Trần Bình, Long Xuyên, Lê Ban, Văn Giang, Văn Hai, Lê Giang..., đội quân được miêu tả từ những trang đầu tiểu thuyết “Quần áo mỗi người mỗi kiểu, nhưng đa phần áo nâu, quần buộc túm gấu đề phòng vắt và muỗi dĩn luồn lên trên ống đồng. Gió đồng rừng thổi mạnh kèm theo sương đêm thấm áo làm lộ ra những thân hình gầy gò, khắc khổ, đi như chúi về phía trước. Bàn chân chõe ra, chịn vào mặt đất gợn sống trâu và những mũi đá gồ lên trơn nhẵn dưới bước chân bao người. Vai quàng là một tay nải đùm đề mươi cân gạo hẩm, bộ quần áo cùng dăm thứ tư trang cá nhân lỉnh kỉnh buộc ngang hông, rập rình theo mỗi bước đi. Trên lưng vài người đi đầu mỗi nhóm có thêm khẩu súng trường hoặc tiểu liên, còn lại anh em đều mang giáo nhọn, chĩa mũi sắt sáng loáng trên nền đêm. Nhưng ánh sáng của mũi giáo cũng chỉ là một đốm nhỏ trong hằng hà sa số lân tinh lấp lánh như những vảy bạc vờn múa trên vai người lính… Người nối người, chân bám đất đến sần chai, ứa máu, mắt đăm đăm trong đêm, nhìn ánh lân tinh trên vai đồng đội mình lập lòe như ma trơi phía trước mà dấn bước.”
Nhưng với nhân vật liên văn hóa, có phần hơi khác là sự hội tụ trong hình tượng, không chỉ phẩm chất văn hóa của đối tượng được miêu tả, còn biểu hiện cả “cái tôi” người tả, người kể và các nhân vật liên quan. Đó là sự ánh xạ, sự khúc xạ văn hóa giữa các nhân vật, các chi tiết, hình ảnh. Ví dụ lời than khóc của một nhân vật phụ nữ người Trung Quốc trước những hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam: “Hôm qua các con còn ở nhà mẹ, các con gánh nước cho mẹ, giúp mẹ lợp lại mái ngói xô, dựng lại cho mẹ hàng rào đổ. Rồi các con san đá, đầm đất để con đường vào nhà mẹ khỏi lầy lội… Có các con, mẹ như thấy cuộc đời mẹ thắm lại, mẹ có những đứa con không đẻ, không dưỡng mà lại được cậy nhờ. Vậy mà chưa kịp làm gì để trả nghĩa các con, các con lại đã đi rồi”. Mảnh đoạn miêu tả tiếng khóc của người mẹ giàu tình yêu thương, ân nghĩa, ân tình nhưng chủ yếu để làm nổi bật tình nghĩa “các con” (tức những anh bộ đội Việt Nam) coi dân như cha mẹ, việc của dân là việc của mình. Nhược điểm của tác giả là vẫn còn để nhân vật “làm văn” (mẹ như thấy cuộc đời mẹ thắm lại), câu văn bóng bẩy nhưng hơi gò, thiếu đi chất tự nhiên vốn có!
Tình nghĩa ruột thịt quân đội Việt - Trung được biểu hiện qua nhân vật Sầm Dừn. Trước khi quyết “chết thay” cho một bộ đội Việt Nam (Lý Ban) đang bị thương, Sầm Dừn nói những lời tận đáy lòng, chân thành rất mực: “Bộ đội Việt Nam sang đây chiến đấu kiên cường… giúp bà con biên khu thoát khỏi khổ nạn. Nhưng cũng vì thế mà hy sinh bao mạng người… Anh là giải phóng quân địa phương… Em nằm yên đó... Em còn phải về lại quê hương em”. Sầm Dừn lấy thân mình làm mục tiêu hút những làn đạn của quân thù để bộ đội Việt Nam an toàn. Máu anh đổ xuống không chỉ thay đổi tình thế một trận đánh, cao cả hơn, tô thắm trang sử vàng hữu nghị hai quân đội, hai dân tộc! Hoặc một nhân vật bà mẹ người Trung gốc Việt cưu mang Lý Ban - bộ đội Việt Nam bị thương nặng. Tuy rất nghèo, có người xúi đem nộp “quan đồn lấy tiền thưởng”, nhưng quyết không, bà tự mình đi tìm đơn vị cho Lý Ban, lại gửi những thuốc quý nhất mình có để “bộ đội mau bình phục”. Trong câu nói của người mẹ ấy có cả đạo lý và chân lý: “Người dân biên khu ơn các con không hết, việc ta làm có đáng gì”.
Mối tình Văn Hai - bộ đội Việt Nam và Phùng Lan - cô gái Trung Quốc dù chỉ mới chớm nở nhưng đủ để trở thành một biểu tượng cho tình yêu đẹp vượt mọi không gian rừng núi xa xôi, vượt mọi tập quán, định kiến. Mối tình đẹp như hoa núi, trong như suối nguồn ấy như thách thức, như vượt lên, vươn lên trên hoàn cảnh cực kỳ gian nan, thiếu thốn, cảnh giặc phỉ tàn sát, truy lùng ráo riết; cảnh dân bản nghèo khổ, lam lũ, đói khát… Họ đã kịp trao nhau nụ hôn đầu. Nhưng chiến tranh không cho họ thêu dệt tiếp mối tình tuyệt đẹp lóng lánh sắc màu “liên văn hóa” hai dân tộc, hai đất nước cùng chung chất thơ của núi rừng vùng biên khu. Văn Hai ngã xuống như một anh hùng vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Việt Quế.
Lòng biết ơn của đồng bào Bố Y ở sâu trong rừng vùng biên khu kết thành biểu tượng những chiếc áo chàm, những nắm cơm, những đôi giày rơm. Dù quá nghèo, dù đang cữ đói nhưng họ vẫn mang những gì quý nhất cảm ơn bộ đội Việt Nam đã giải phóng họ khỏi bọn phỉ dã man: “Giải phóng quân Việt Nam đến giúp đất nước tôi, ơn này không gì sánh được”. Ngày chiến thắng chia tay, bộ đội Việt Nam vẫn mặc áo cũ, một cán bộ (Long Xuyên) giải thích với bạn: “Không hẳn là chiếc áo quê hương… Trên áo còn có những mũi khâu, mụn vá của nhân dân biên khu Việt Quế. Còn máu của đồng chí đồng đội, của giải phóng quân địa phương vẫn bám trên sợi vải…”. Đó là biểu tượng liên văn hóa về tình hữu nghị anh em đích thực, trọn vẹn!
Dư âm “liên văn hóa” của chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn còn vọng mãi trong lịch sử qua một sự kiến tạo biểu tượng cảm động là hình ảnh “chiến sỹ giải phóng quân hai nước” cùng hát vang Quốc ca Trung Quốc và Việt Nam. Ai không hát bằng lời thì hát bằng con tim, “đặt tay lên ngực cho đến khi tiếng hát dứt”. Đó là phút giây bịn rịn của đồng bào biên khu khi tiễn Giải phóng quân Việt Nam về nước. Sự bịn rịn ấy được thể hiện bằng hình ảnh thật đẹp, trên hàng chục cây số đường về phương Nam, nhân dân biên khu ôm nông thổ sản, hoa quả để tặng bộ đội. Và bước chân của người chiến sĩ Thập Vạn Đại Sơn đi đến đâu, bà con bẻ cành thông lót đường cho đại quân qua để biểu thị sự yêu thương, trân trọng. Đội quân chiến thắng về qua biên giới bắt gặp “đàn đá thần” – biểu tượng cho tinh thần chống giặc của bà con dân tộc vùng Đông Bắc Tổ quốc: nếu có giặc, đàn đá thần sẽ vang lên, vọng vào núi, theo vào dòng suối báo tin đến mọi bản, mọi nhà chuẩn bị tinh thần, vũ khí đánh kẻ dám xâm lược bảo vệ đất nước. Đó là biểu tượng “liên văn hóa” lịch sử: biểu tượng hòa bình hôm qua - đán đá thần và hôm nay - những chiến sĩ Thập Vạn Đại Sơn!
Hẳn nhiên tiểu thuyết sử dụng thứ ngôn ngữ “liên văn hóa” chú ý tới tính đặc thù vừa chung vừa riêng, là khẩu ngữ, là tiếng lóng, tiếng nhại… Vang lên trong tác phẩm là câu nói của bà con có vỏ ngữ âm vùng biên khu nhưng nội dung nói về bộ đội Việt Nam: “Dịt Nàm chảy à…” (Con Việt Nam à…). Phần Vĩ thanh tạo ra một kết cấu theo lối truyện lồng truyện, cũng là một hình thức “liên văn hóa” thời gian: Vị đại tá chỉ huy Long Xuyên (Việt Nam) hồi tưởng về ngày hôm qua cùng bà con biên khu và quân đội (Trung Quốc) đuổi giặc. Khép lại về bố cục là hình ảnh chiến sĩ quân đội hai nước hội ngộ kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng, nhưng là mở ra một “liên văn hóa” thật đẹp về tình đoàn kết, về viễn cảnh tình hữu nghị mãi mãi bền chặt!
_________
1. Đào Quang Cát: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong quá trình cách mạng hai nước (1948-1979) - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, TL số 1760, tr 3,4.
Nguồn Văn nghệ số 50/2023
Bình luận