- Tin tức văn nghệ
- “Ký họa thơ” với phiên bản tái bản có bổ sung
“Ký họa thơ” với phiên bản tái bản có bổ sung
Sau 2 tháng phát hành, “Ký họa thơ” đã nhận được sự phản hồi đáng mừng từ đồng nghiệp và bạn đọc với hàng chục bài viết công phu của các nhà văn, nhà phê bình trong cả nước. Để có thêm sách đáp ứng nhu cầu của người yêu văn chương, chúng tôi xin phép tái bản “Ký họa thơ” với phần bổ sung là các bài viết tâm huyết – những tư liệu tham khảo giàu thông tin về cuốn sách này.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS, nhà văn Hồ Thế Hà; các nhà thơ nhà văn Kao Sơn, Bùi Sỹ Hoa, Nguyễn Trường, Lê Xuân Lâm, Ngô Đức Hành, Phố Giang, Hoàng Thạch, Nguyễn Thánh Ngã, Xuân Trường, Phan Ngọc Quang, Trần Kim Dung, Trần Quang Khánh, Lê Thanh Huệ, Trần Hà Yên… đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho những bài viết chỉn chu và rất bổ ích.
Trân trọng cảm ơn độc giả gần xa đã ủng hộ và sẽ tiếp tục ủng hộ “Ký họa thơ” cùng tác giả!
SỰ HẤP DẪN VÀ LAN TỎA CỦA TẬP KÝ HỌA THƠ CỦA NHÀ THƠ NGUYÊN HÙNG
PGS. TS NGÔ MINH OANH
Tiếp theo 7 tập thơ đã xuất bản, nhà thơ Nguyên Hùng lại tiếp tục cho ra mắt bạn đọc một tập thơ Ký họa thơ – 81 chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn. Đây là một tập thơ đặc biệt: bằng sự am hiểu của nhà thơ về các văn nhân, bằng tên các tác phẩm, những câu thơ hay của các nhà văn, nhà thơ tác giả đã sáng tạo ra chân dung các văn nhân bằng thơ – một bức vẽ truyền thần bằng thơ với nhiều cung bậc cảm xúc, với những nét vẽ rất riêng về các văn nhân không ai giống ai để khi đọc ta có thể nhận ra ngay từng khuôn mặt nhà thơ, nhà văn.
Ngay sau khi vừa in xong và đến tay bạn đọc, tập thơ “Ký họa thơ (81 chân dung văn học)” đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Các văn nhân quan tâm đến tập thơ xem có chân dung mình trong đó không, nếu có thì xem Nguyên Hùng “vẽ” mình như thế nào? Số đông còn lại cũng không thể không tò mò xem Nguyên Hùng đã phục dựng chân dung các văn nhân như thế nào. Trong số các văn nhân có người đang được đánh giá đa chiều, giờ xem đánh giá của Nguyên Hùng thế nào? Điều này càng làm cho tập thơ mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người, tạo nên sức hấp dẫn và lan tỏa cho tập thơ. Ít có tập thơ nào mà sau khi được in không lâu lại thu hút sự quan tâm và viết bài về tập thơ nhiều đến như thế. Tác giả tập thơ thực sự là một người hạnh phúc khi có nhiều người quan tâm đến đứa con tinh thần vừa mới ra đời của mình. Tuy nhiên, khi được nhiều người “soi” nếu có khiếm khuyết thì cũng không thể giấu.
Nhà văn Kao Sơn viết: “Viết, dùng chữ để vẽ chân dung, một chân dung theo đúng nghĩa đen của nó, lại càng không dễ. Bởi chân dung ấy không thể nhìn bằng con mắt thường mà phải bằng trái tim. Dùng trái tim để nhìn trái tim để rồi để vẽ một trái tim. Thế thì rất cần một dồn nén, mộ chọn lọc tinh xảo. Nguyên Hùng vẫn dựng lại những nhân vật nổi tiếng ấy, vẫn dùng đến những tác phẩm của họ làm chất liệu nhưng theo cách nhìn của riêng anh. Thường là ấm áp, nhân hậu hơn, có sự thấu hiểu về hoàn cảnh, điều kiện và chính vì thế cũng công bằng, hợp lý hơn. Anh ý thức được trách nhiệm của mình và nghiêm túc khi thực hiện trách nhiệm đó”.
Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa nhận xét: “Bút vẽ Nguyên Hùng không dừng lại ở một cách, một kiểu, một chất liệu, một gam màu… mà luôn biến hóa xa, gần, đậm nhạt phù hợp, linh hoạt để ra được chân dung ấn tượng. Để từ đó người viết tin rằng, sau khi vẽ nhanh mà vẫn lột tả cụ thể những đặc điểm riêng của từng “đối tượng”, chính chân dung Nguyên Hùng cũng dần dần hiện lên trong tâm trí của nhiều bạn viết, bạn đọc. Đó là một người thơ chân tình, tin cậy; một sức đọc, sức hiểu sâu rộng và kỹ lưỡng; một tâm hồn đồng điệu và lắng đọng; một bút pháp đa dạng và thu hút…”; “Đối với từng tạng thơ/văn, tạng người, Nguyên Hùng luôn chọn đúng, đắc địa thể thơ phù hợp, dựa trên ấn tượng không phai về một/ nhiều bài thơ cụ thể. Ví dụ bài về Nguyễn Bính với mỗi khổ 4 câu, 7 chữ, nghiêm ngắn mang bóng dáng rất rõ của bài thơ nổi tiếng “Cô hái mơ”; về Huy Cận lục bát uyển chuyển, gợi nhớ bài “Tràng giang”; về Phạm Tiến Duật tự do, phóng túng gợi nhớ bài “Tiểu đội xe không kính”; về Xuân Quỳnh thơ 5 chữ vừa truyền thống vừa mới mẽ, đằm sâu như cách những bài thơ Sóng, Thuyền và biển đến và lưu trong lòng bạn đọc; về Nguyễn Bình Phương tự do, phá cách như nhà văn này xuất hiện ấn tượng, khác lạ trên văn đàn. Nguyên Hùng chỉ biết chăm lo, vun vén, “vẽ”, “tô đẹp” cho bao bạn hữu, không thấy anh… tự họa? Mừng anh tập sách mới, xin mạo muội “ký họa” chân dung Nguyên Hùng từ một câu thơ – nhạc nổi tiếng của anh: Sóng không từ biển bạc/ Sóng quằn đêm cát êm/ Sóng kết duyên thơ nhạc/ Sóng hường môi mắt em”.
Nhà văn Nguyễn Trường thì nhận xét: “Thành công của Ký họa thơ, trước hết là trong tập có nhiều câu thơ hay, khổ thơ hay, đa dạng về thể loại thơ. “Họa sĩ” không những “vẽ” được diện mạo từng nhân vật mà còn thẻ hiện được cái thần của họ qua tính cách , số phận của các văn nghệ sĩ với trái tim nồng ấm, yêu thương”.
Trong một bài viết công phu của mình, PGS-TS Hồ Thế Hà đã kiến giải: “Tôi gọi kiểu viết ký chân dung của Nguyên Hùng là kiểu tái hiện hai cấp đọc văn chương. Bởi vì trước khi sáng tạo một bài thơ chân dung, anh phải đọc hiểu cuộc đời tác giả và đọc hiểu tác phẩm của chính họ, sau đó mới nhào nặn lại thành chỉnh thể bài thơ mới của mình một cách nghệ thuật. Không nhập vai vào hai đối tượng ấy một cách nhuần nhuyễn, tác giả sẽ không tạo nên một “siêu văn bản” mang giá trị tái hiện chân dung nhân vật văn chương một cách bản chất và sáng tạo”. Và ông khẳng định: “Ký họa thơ (81 chân dung văn học) của Nguyên Hùng thật sự là tác phẩm ký họa bằng thơ về chân dung các văn thi sĩ hiện đại và đương đại Việt Nam có giá trị nhận thức và thẩm mỹ. Viết về bạn văn thân thiết, quen biết và cả những người không quen biết mà nhập được hồn mình vào hồn họ để thức nhận và nghiệm suy về lẽ đời, phận mình một cách nhân văn và triết mỹ thì quả thật Nguyên Hùng đã sống hết cái ta của mình với bằng hữu và nghệ thuật sau khi đã trải nghiệm hết cái tôi nghệ sĩ của mình qua từng cảm giác và nhận thức để cuối cùng chúng gặp nhau ở cái đẹp, cái cao cả và giá trị mỹ học của văn chương”.
Trên đây chỉ là một số nhận xét viết về “Tập Ký họa thơ” và tác giả Nguyên Hùng, còn hàng chục ý kiến đánh giá khác ghi nhận sự thành công của tập thơ mà tôi không thể trích dẫn hết. Tôi xin để dành nói về sự hấp dẫn và sức lan tỏa của tập thơ, đặc biệt là trong buổi ra mắt tập thơ vào ngày 2 tháng 10 năm 2024. Một chi tiết nhỏ nhưng cũng thể hiện tấm lòng nhân văn của tác giả tập thơ. Kế hoạch ra mắt tập thơ đã được chuẩn bị và dự định tổ chức vào sáng ngày 18 tháng 9 năm 2024, nhưng thật không may, siêu bão Yagi đã quét qua miền Bắc nước ta gây ra nhiều thiệt hại về người và của cho đồng bào. Trước những đau thương và mất mát này, nhà thơ Nguyên Hùng đã quyết định lùi ngày ra sách đến ngày 2 tháng 10 để nỗi đau từ cơn bão tạm lắng xuống. Anh tham gia vào nhóm nhà văn quyên góp mua 25 ngàn cuốn vở viết và chăn ấm cho các cháu vùng bão lụt ở các tỉnh phía Bắc. Mọi người thì háo hức chờ ngày ra mắt sách, có người không đọc được thông báo hoãn, ngày 18 tháng 9 vẫn mang hoa đến chúc mừng. Buổi ra mắt thơ chỉ tổ chức trong một buổi sáng ngày 2 tháng 10 năm 2024, trước khi bắt đầu, hội trường đã chật kín người, nhiều người đến muộn phải ngồi ghế xúp hoặc phải đứng. Nét mặt ai cũng vui vẻ, háo hức chờ đợi. Số người đăng ký phát biểu lên đến hàng chục làm cho người dẫn chương trình - nhà thơ Trần Mai Hường thật sự lúng túng, biết mời ai, bỏ ai bây giờ. Và rồi buổi ra mắt sách cũng đã diễn ra, mở đầu là phát biểu khai mạc của nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh rồi lần lượt các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trình bày bài viết của mình một cách nhiệt tình, sâu sắc, đánh giá cao những thành công của tập thơ. Thời gian trôi qua lúc nào không biết, đến 11 giờ 30 rồi mà còn nhiều ý kiến muốn phát biểu. Thực sự buổi ra mắt sách là một “hiện tượng” mà không phải tác giả nào cũng được ưu ái như vậy ! Điều đọng lại trong những người tham dự là ngoài chất lượng và sức hấp dẫn của tập thơ, vấn đề còn ở tác giả của tập thơ Nguyên Hùng. Anh là một người thơ hết lòng vì bè bạn, luôn chăm chút tô vẽ cho đồng nghiệp mà ít nhắc đến mình. Nhưng chính từ trong quá trình ký họa của anh về đồng nghiệp đã sáng lên một áng chân dung về anh, như nhà thơ Trần Quang Khánh đã viết:
Trong giấc mơ ta thấy Nguyên Hùng
Đang cặm cụi gọt từ, đúc chữ
Người nghệ sĩ U 70 liếc ngang, ngắm dọc
Cái khuôn nào vành vạnh vầng trăng !
Anh không đẽo chân cho vừa vặn đôi giày
Anh tạc khuôn mặt văn nhân từ sản phẩm ngôn từ-nhân cách sống
Màu đen trắng không nhuộm hồng đậm nhạt
Hiện hình lên trước khúc xạ gương soi.
Người nghệ sĩ chảy cùng dòng lịch sử
Như ngọn cỏ, nhành cây, viên sỏi giữa đời!
Anh vẽ lại chân dung Người Nghệ Sỹ
Hay chính chân dung mình trong sáng hôm nay!