- Tin tức văn nghệ
- Phim Tết của Trấn Thành
Phim Tết của Trấn Thành
Dịp tết gần đây, khán giả điện ảnh Việt Nam chứng kiến phim Trấn Thành vượt kỷ lục doanh thu trăm tỷ Việt Nam đồng. Tại sao các phim khác đầu tư và dàn dựng công phu với dàn diễn viên khủng lại không đạt được doanh thu khủng…
Hai phim mang tên “Bố già” đều có kỷ lục
Bố già (tiếng Anh: The Godfather) là bộ phim hình sự sản xuất năm 1972 của điện ảnh Hoa Kỳ. Bố già xếp thứ 2 trong Danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ và cũng đứng thứ 2 trong danh sách 250 phim hay nhất của trang web dữ liệu điện ảnh uy tín IMDb. Đây cũng là bộ phim đầu bảng trên các danh sách phim hay nhất của Metacritic và Rotten Tomatoes.
Tên phim đã được Việt Hóa một cách lạ kỳ “Bố già” thay vì phải dịch đúng nghĩa “Cha đỡ đầu” như tên tiếng Anh “The godfather” của phim.
Đây là lỗi dịch thuật tạo định kiến. Từ đó có sự lẫn lộn với phim “Bố già” do danh hài Trấn Thành (Huỳnh Trấn Thành) giám đốc sản xuất, biên kịch, đóng vai chính (Ba Sang) và đồng đạo diễn phim cùng Vũ Ngọc Đãng. Công chiếu ngày 05/3/2021, Bố già là phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại (doanh thu hơn 400 tỷ).
Bố già của Hoa Kỳ là trùm Mafia, Bố già của Trấn Thành (Ba Sang) là người hùng của gia đình mang đầy mâu thuẫn của người Việt Nam và được coi là nhân nghĩa. Đó là cách tận dụng thương hiệu của phim nổi tiếng trên thế giới.
Poster (áp phích quảng cáo) phim Bố già.
“Bố già” có bối cảnh một đại gia đình sống chung trong ngõ phố.
Đoạn đầu phim là những cảnh hài quá mức về sự khác biệt giữa Ông Ba Sang (duy tình, lạc hậu) với con trai một (Quắn) một Youtuber thành đạt, sống duy lý và cảnh ăn nhậu của đại gia đình Giàu – Sang – Phú – Quý mừng con trai bà Giàu lên chức trưởng phòng công ty kinh doanh bất động sản.
Bà Giàu là chị hai (chị cả) có đại lý gạo, tính ky bo, tính toán sòng phẳng quá mức với em ruột (Ba Sang) chuyên giao gạo cho Bà. Bà Giàu luôn tìm cách ép Ba Sang bán lại nhà cho mình để trừ nợ.
Phú hiền lành do bị yếu sinh lỳ, không có con; bù lại có người vợ ngoa ngoắt, dữ dằn, luôn rành mạch trong các mối quan hệ của đại gia đình chồng.
Quý (em út) nghiện ngập, sa đọa, sống nhờ vay nợ xã hội đen và không từ cả việc lợi dụng, trộm cắp tiền của Quắn (cháu ruột mình).
Chỉ có Ba Sang là người nhẫn nhịn, chịu đựng, luôn hy sinh không chút tính toán cho anh em ruột thịt trong đại gia đình mình.
Bị người nhà lợi dụng quá mức, vợ Ba Sang (nhân vật duy nhất không xuất hiện trong phim) bỏ nhà ra đi để lại đứa con trai là Quắn.
Cả nhà rất thương yêu nhau, nhưng vẫn bị mâu thuẫn giằng xé giữa 2 cha con. Ba Sang bị anh em ruột thịt lợi dung quá mức và dù biết rõ điều đó, ông không chỉ chịu đựng mà buộc con mình cũng góp phần tiền bạc vào những phi vụ giúp đỡ vô cùng phi lý. Quắn đòi hỏi cha phải rành mạch, chia đôi đại gia đình: một bên là cô bác, các chú, anh họ - được định nghĩa là họ hàng chỉ vì cách sống lợi dụng vào Ba. Bên còn lại mới xứng đáng được gọi là gia đình, ruột thịt vì yêu thương nhau hết lòng và không lợi dụng nhau... Ba Sang trả lời con: “Đó là gia đình tao Quắn à”. Đây là lỗi ngụy biện lợi dụng truyền thống. Ông phản công lại bằng lỗi ngụy biện khẳng định hậu thức mà ông tưởng là chân lý “Tao nhịn gia đình tao thì có gì là sai?!...”
Quắn mua chịu căn hộ cao cấp, tách gia đình ra khỏi căn ngõ ngày 2 lần ngập nước, nơi cậu không thích bà con ruột thịt của mình. Cậu chấp nhận nuôi bố và em gái với điều kiện bố không mang họ hàng đến căn hộ của mình: “Con kêu Ba ra đây ở là con muốn làm mới cuộc sống cũ của Ba chớ không phải Ba làm cũ cuộc sống mới của con”.
Ba Sang mắc lỗi lập lờ, cứ nghĩ là khẳng định đúng: “Tao cũ mèm rồi!”; ông mời đại gia đình về căn hộ con mình, tự đứng ra tân gia. Mâu thuẫn lên đến cao trào lúc Quý ăn cắp tiền của Quắn trong bữa tiệc. Quắn vạch mặt chú ruột, đại gia đình bao che Quý. Ba Sang đánh lạc hướng: “Mày không vì cha mày mà im đi à. Coi như cho tao mượn của mày ba chục triệu…”. Không chịu nổi bức xúc, Quắn vạch mặt thói đạo đứng giả, lợi dụng cha mình của cả họ hàng. Ba Sang chống trả bằng ngụy biện lợi dụng lòng trắc ẩn: “Giờ thì tao thấm rồi: nuôi con thì dễ, còn con nuôi nó nhục lắm!”.
Bà con bỏ về.
Ba Sang dọn về căn nhà cũ.
Trong phim, hầu hết các lập luận Ba Sang có lỗi ngụy biện nhưng chúng ta dễ chấp nhận do màu sắc duy tình.
Tai họa ập đến với gia đình Ba Sang.
Hài kịch chuyển thành bi kịch:
Ba Sang bị bệnh cao huyết áp biến chứng, cần phải thay thận.
Quắn đang gặp hoạn nạn nhưng vẫn sẳn sàng hiến thận cứu mạng sống của cha. Lấy lý do Quắn đau tim và máu khó đông, Ba Sang kiên quyết không cho Quắn hiến thận.
Bà Giàu không cho con trai hiến thận.
Vợ Phú không cho chồng hiến thận.
Quý bị xã hội đen giết chết trước lúc hiến thận.
Khán giả xem phim và sẽ nhiều lần rơi nước mắt vì giữa sống chết, Ba Sang vẫn khăng khăng không chấp nhận sự hy sinh của Quắn. Ba Sang lún sâu vào lối suy nghĩ duy tình, cho rằng mình phải hy sinh mạng sống cho con. Và chính ba Sang đã làm cho tình hình xấu đi nhanh chóng; khiến cục diện rơi vào hết bi kịch này đến bi kịch khác.
Từ trái sang phải: Quắn (diễn viên Trần Tuấn), Ba Sang (diễn viên Trấn Thành).
Phim “bố già” phơi bày nét xấu của văn hóa họ hàng người Việt
Chúng ta biết, lúc còn nhỏ, dưới tình thương yêu của cha mẹ, anh chị em ruột thịt thương yêu nhau hết lòng. Lớn lên họ xây dựng gia đình và bị chi phối, thay đổi nhanh theo hoàn cảnh, nhất là khi cha mẹ qua đời. Một số ít người Việt Nam thật thà với người dưng, lại dám trộm cắp, lừa đảo với anh em ruột thịt. Là do họ luôn được anh em ruột thịt bỏ qua, làm như không biết, thậm chí, trước cộng đồng, họ còn hết lòng bao che cho các hành vi đó. Theo thời gian, các hành vi lợi dụng sẽ gây hậu quả lên gia đình và họ hàng. Trong những thảm họa này, vợ con tư duy rành mạch, duy lý nhưng người cha vì duy tình, dùng quyền chủ gia đình, bám lấy lý do cần phải bảo vệ anh em ruột thịt của mình để bao che… mặc dù người cha biết mình hành xử như vậy là sai. Sợ mang tiếng xấu với xóm làng, họ buộc vợ con làm ngơ và tiếp đến là phải hành xử như mình. Mọi việc vì thế cứ diễn tiến xấu hơn cho đến khi nó trở thành xung đột trong gia đình; tiếp đến phá vỡ gia đình và tiếp tục tạo ra thảm họa.
Cách sống duy tình của các bậc cha mẹ luôn được xã hội nghèo khó vinh danh; nhưng về lâu dài; góp phần tạo ra thảm họa cho anh em ruột thịt có tính lợi dụng, khiến họ trở nên bê tha, nghiện ngập trộm cắp… góp phần tạo nên tệ nạn xã hội.
Sống duy lý bị lên án là tính toán quá mức, ích kỷ với họ hàng của mình; nhưng góp phần giúp họ hàng xấu tính trở nên tự lập, vững vàng và phát triển.
Trong đại đa số các gia đình nghèo khó, do lớp trẻ sống duy lý, xung đột với lớp già vốn duy tình trong bầu không khí yêu thương và hy sinh hết lòng cho nhau để rồi tạo nên bi kịch do không rành mạch trong tư duy sinh ra lẩn quẩn trong hành động.
Trong phim có 3 nhân vật phụ nữ sáng lên do tư duy của họ rành mạch
Ánh – vợ của Phú, tuy ngoa ngoắt nhưng thương chồng, thủy chung kể cả chồng không có khả năng sinh con. Ánh có tư duy rành mạch, nhưng do thẳng thắn nên mọi ý kiến trở thành trái tai, bị bà con dán nhãn thiếu đạo đức. Chúng ta biết rằng đạo đức là một khái niệm và không phải lúc nào nó cũng là “đạo đức” như mỹ từ. Đôi khi chính những việc làm đạo đức không phù hợp hoàn cảnh đã biến thành “đạo đức giả”.
Cẩm Lệ, chủ tiệm may trong xóm, thẳng thắn, rành mạch; thương cảnh gà trống nuôi con, Cô muốn thành thân với Ba Sang để chấm dứt sự bất công cho Ba Sang.
Cẩm Lệ - diễn viên Lê Giang
Bù tọt (Bé ngân Chi đóng) là một điểm sáng trong diễn xuất.
Bù tọt họ ếch nhái, nhỏ hơn ếch và lớn hơn nhái, Bù tọt có hai sọc xanh ở lưng, lại rất dễ bắt, chỉ cần rọi đèn là nó nằm im cho ta bắt bỏ vào giỏ.
Bù tọt đầu phim là con nuôi của Ba Sang và bị họ hàng đàm tiếu là con rơi.
Giữa phim, Nhàn, (bồ của Quắn lúc Quắn còn học lớp 12) đến tìm con của mình với Quắn là Bù tọt. Do Ba Sang từ chối yêu cầu làm tiền của Nhàn, cô Live stream về việc có con với Quắn làm tan tành sự nghiệp của Quắn.
Vỡ lỡ, Ba Sang mới nói thật Bù tọt là cháu nội.
Ông phải giấu con trai và mọi người suốt 6 năm trời vì lúc Nhàn giao Bù tọt cho Ông là lúc Quắn tự tử không thành do bị Nhàn phụ tình.
…
Bù tọt – diễn viên Ngân Chi
Những lời Ba Sang và Quắn nói về nhận thức đúng với nhau, chỉ là lời nói. Suy nghĩ lại và nhận thức đúng trong gia đình là việc khác hoàn toàn. Do tuổi già và các định kiến, Ba Sang chỉ sửa chữa được sai lầm bằng cách vội vã ra đi về cỏi vĩnh hằng nhằm tạo điều kiện cho Quắn thực hiện những nhận thức đúng cuối đời mà cha con đã kịp nhận ra ở cõi trần thế.
Câu Kết của phim Bố Già, Trấn Thành kêu gọi con cái không vì bất kỳ lý do gì mà tìm cách thay đổi bố mẹ của mình:
“Chúng ta có nhiều thời gian.
Bố mẹ thì không.
Hãy yêu thương khi có thể”.
Chúng ta bỏ qua những lời phê bình về sự ôm đồm, về những hạt sạn trong phim. Tôi xem 2 lần và hiểu những lời phê bình luôn đúng. Tất cả các phim Việt Nam nào không có nhược điểm và các hạt sạn thì cũng không lấy được 400 tỷ đồng và rất nhiều nước mắt khán giả. Trong khi Trấn Thành sinh năm 1987 và là diễn viên hài…
Vậy thì người xem phim tin vào vài lời phê bình điện ảnh hay tin vào những lời bình phẩm lan truyền trên các mạng xã hội đều chỉ đúng một phần. Phần đúng nhất là cảm nhận do bộ phim mang đến cho từng người xem và đúng với chính họ... Nhưng đúng hơn, khi xem phim chúng ta khắc phục sự duy tình trong cư xử với họ hàng và chúng ta cần tiếp cận với tư duy rành mạch, duy lý của lớp trẻ. Hay nói đúng hơn, chúng ta phải tự học cách yêu thương bằng cách: Mọi vấn đề thuộc về tình cảm họ hàng, chúng ta bỏ cảm xúc ra ngoài để tư duy rành mạch. Sau khi nhận thức rõ đúng sai; cân nhắc lại hậu quả hoặc thành quả do xử lý tình huống bằng truyền thống duy tình mang lại; chúng ta mới cho tình cảm xen vào trước khi ra quyết định theo hướng giúp họ hàng tự thân phát triển hoặc tốt lên.
Poster (áp phích quảng cáo) phim Mai.
Công chiếu vào 1 tết, Giáp Thìn (2024) MAI - phim của Trấn Thành vượt mốc doanh thu 300 tỷ.
Đến ngày mùng 5 tết, khán giả xem phim Mai, rạp chật kín người, điều xưa nay chưa từng có với tất cả các phim trong và ngoài nước. Người nhà của tôi xem ngày 8 tết cũng gặp cảnh hết vé phải đặt vào hôm sau.
Mai là tên phim cũng là tên diễn viên chính của phim (diễn viên Phương Anh Đào) sinh ra trong một gia đình nghèo, cha (ông Hoàng – diễn viên Trấn Thành) nghiện ngập cờ bạc. Tuổi thanh xuân, Mai đã phải trải qua một bi kịch khủng khiếp và có con gái. Vì sự việc đó, cô đã phải làm mọi việc để kiếm sống bằng nghề massage. Trong khi thuê nhà trọ, cô gặp Dương (diễn viên Trần Tuấn) con trai một gia đình giàu có, chuyển ra ngoài sinh sống riêng để tìm cảm hứng sáng tác. Dương quyết tâm chiếm lấy Mai chỉ vì thách đố từ người bạn thân. Mai không giống với bất kỳ cô gái nào từng lên giường với Dương, cô tránh mặt Dương, để tập trung vào việc kiếm tiền. Dương xem Mai là cô gái để tìm niềm vui thoáng qua và liên tục thất bại. Tiếp xúc nhiều với Mai, Dương rung động; anh trao đi tình yêu chân thành nhất và mong muốn được ở bên Mai suốt đời. Mai luôn luôn mang trong mình nỗi sợ về quá khứ và người cha nghiện ngập. Mai xem hạnh phúc giống như ngày mai, là thứ vĩnh viễn không bao giờ đến với cô.
Phim đẩy lên cao trào khi ông Hoàng cần tiền đánh bạc đã hợp tác với bà Đào (mẹ của Dương) cùng nhau chia lìa tình yêu trai gái là con của họ. Đây là phân cảnh ngắn gượng ép vì không người cha Việt Nam nào chỉ vì tiền mà bán đứng con gái mình, phá hoại hạnh phúc con mình, cũng là người nuôi và cưu mang mình. Cuộc tình thất bại, ông Hoàng mất, bà Đào do sốc bị bại liệt khiến Mai phải ra đi biệt xứ và Dương lấy vợ theo ý của mẹ.
Từ trái sang phải: bà Đào (diễn viên Hồng Đào), Mai (diễn viên Phương Anh Đào).
Trong 150 phút, Trấn Thành đưa chúng ta vào 2 gia đình: một đại gia và một đại nghèo đất Sài Gòn. Do quan niệm môn đăng hộ đối, những bậc cha mẹ trong 2 gia đình trên góp phần tạo bi kịch cho con trẻ dưới quan điểm yêu thương con cái do họ có quá nhiều kiến thức, tính toán đường đi nước bước hợp với thời hiện đại nhưng vẫn không tránh được hậu quả đau lòng cho con trẻ...
Nhưng tại sao phim Trấn Thành thường có doanh thu vài trăm tỷ? Đó là do khi xem xong, người xem phim giật mình vì những bi kịch trong phim thường xảy ra trong các gia đình từ nghèo đến giàu mà ta đã chứng kiến, thậm chí ngay cả trong gia tộc của mình; tất cả xuất phát từ định kiến dưới sắc màu yêu thương được vũ trang bằng kiến thức hiện đại. Phim luôn đẩy mâu thuẫn đến tột cùng với kết thúc không có hậu như những xung đột trong lòng xã hội Việt Nam để người xem cảm nhận cái giá của yêu thương không phù hợp với định kiến xã hội Việt Nam.
Phim mang đến cho khán giả điện ảnh với nhiều lứa tuổi cảm nhận sâu sắc xã hội đương đại quanh ta, nhưng do mù vì định kiến chúng ta thường không nhìn thấy.
Sài Gòn, tháng sáu năm 2024
LTH
Ghi chú: Những chữ viết xiên là trích nguyên văn lời thoại trong phim.
Nguồn: Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam số 6-2024