- Tin tức văn nghệ
- Những mảnh ghép của cảm xúc
Những mảnh ghép của cảm xúc
LÊ THANH HÒA
Không quảng cáo rầm rộ, không ngôi sao tên tuổi, không tuân theo mô típ kĩ xảo hành động; phim hoạt hình “Những mảnh ghép của cảm xúc” phần 2 của hãng Pixar, với tốc độ nhanh nhất trong 10 phim hoạt hình đã cán mốc hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu và nhận được hàng ngàn lời khen của công chúng và giới phê bình (theo RottenTomatoes). Tất cả là nhờ cốt truyện phiêu lưu trong thế giới nội tâm thông minh, dí dỏm và ngộ nghĩnh, song hành cuộc sống thường nhật giản đơn, quen thuộc với mọi lứa tuổi với thông điệp nhân văn và thời sự về tầm quan trọng của việc cân bằng những cảm xúc khác nhau trong cuộc sống hiện đại. Việt Nam nên học hỏi cách làm phim thiếu nhi có tính hấp dẫn với mọi lứa tuổi để gặt hái thành công như bộ phim này.
Tiếp nối câu chuyện của phần 1, nhân vật chính Riley nay bước vào tuổi 13 tuổi. Nội tâm của em được nhân cách hóa bằng 9 nhân vật là những cảm xúc điều hành từ hệ thần kinh trung ương. Khác với tuổi nhi đồng dễ bị chi phối bởi cảm xúc, trong những tình huống quyết định, cô bé có thể tự ra quyết định, tìm giải pháp một cách độc lập khỏi cảm xúc nhờ vào ý thức về bản ngã được sinh ra từ kí ức, trải nghiệm và niềm tin. Riley đang học giỏi, vô địch khúc côn cầu, có bạn tốt thì tuổi thiếu niên ập đến cùng với cú sốc tâm lý do những thay đổi, xáo trộn của tuổi dậy thì. Riley sắp sửa trở thành học sinh trung học, phải chia tay hai người bạn thân nhất và phải xây dựng các quan hệ mới từ con số không. Một cú sốc lớn bởi ở thiếu nhi thường coi trọng tình bạn hơn tình cảm gia đình.
Trước hoàn cảnh này, cảm xúc Lo Âu thể hiện năng lực dự báo nguy cơ bằng trí tưởng tượng và lên kế hoạch để đối phó. Viễn cảnh Lo Âu vẽ ra càng về sau càng phóng đại quá mức thực tế, nhưng Lo Âu không sai hoàn toàn. Cô thấy phải ngăn ngừa cú sốc cô đơn sắp sửa xảy ra bằng cách tận dụng trại hè để xây dựng quan hệ với các thành viên của đội khúc côn cầu trung học. Ngoài ra, ở Hoa Kỳ có học bổng và chế độ ưu ái tuyển sinh ở nhiều cấp bậc giáo dục cho những học sinh nổi trội về thể thao. Thấu hiểu điều này, Lo Âu chuẩn bị một kế hoạch với mục tiêu gia nhập đội khúc côn cầu trên ngay sau trại hè.
Năng lực dự báo và lên kế hoạch của Lo Âu mang tính trí tuệ nên là ngoại lệ so với các cảm xúc khác, khiến Lo Âu trở thành cảm xúc thượng phong và là một sự bổ sung đắc lực cho khả năng phán đoán và sinh tồn. Nếu có cảm xúc nào khác có hành vi gần giống với trí tuệ thì đó là cảm xúc Buồn Bã, được thể hiện qua việc nghiên cứu bộ sách hướng dẫn để đề xuất đường về cho đồng đội. Trí tuệ của Buồn Bã có thể được lí giải là do bão tố cuộc đời làm con người khôn ngoan và sâu sắc hơn. Song, Riley còn nhỏ nên các cảm xúc chưa đủ khả năng để tự điều chỉnh và điều hòa mâu thuẫn với nhau. Có thể thấy điều này khi so sánh Buồn Bã của Riley: ủ rũ của khi đối mặt vấn đề với Buồn Bã của người mẹ: bình tĩnh, tinh tế, nhạy cảm và khôn khéo. Do sự non nớt, không biết cách giải quyết mâu thuẫn, Lo Âu tống khứ bản ngã, bất đồng với năm cảm xúc cũ, giam biệt họ và độc chiếm quyền điều khiển Riley.
Sự bất cân bằng cảm xúc làm che mờ sự sáng suốt của Riley. Riley bỏ rơi bạn thân, từ bỏ bản sắc của chính mình để lấy lòng đội khúc côn cầu, xem trộm ghi chép của huấn luyện viên. Khi mục tiêu ghi ba bàn thắng dần dần lộ rõ sự phi thực tế, Lo Âu khiến Riley quẫn trí, mất kiểm soát dẫn đến đâm sầm vào bạn thân và bị phạt. Nỗ lực tái kiểm soát Riley chỉ càng làm cơn hoảng loạn trầm trọng thêm. Sự độc chiếm của một cảm xúc đã dẫn đến sự quá tải, khiến Riley không thể chịu nổi và mất kiểm soát, tương đương chứng rối loạn lo âu. Thảm họa trên là phép ẩn dụ sinh động cho các căn bệnh tâm lý đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Khi việc trả lại bản ngã cũ không cứu được Riley, Vui Vẻ nhận ra mình phạm cùng sai lầm với Lo Âu: đó là không có cảm xúc nào có quyền định hình bản ngã của Riley. Cô tháo gỡ bản ngã cũ và để một bản ngã mới đa chiều với nhiều mặt đối lập tự hình thành từ sự bổ sung trăm ngàn kí ức tiêu cực mà Vui Vẻ đã tống khứ để “bảo vệ” Riley. Ngẫm lại, kí ức và cảm xúc bị cho là “tiêu cực” không hề vô ích. Ví dụ như kí ức bị điểm kém sẽ giúp Riley học tốt hơn. Kí ức phạm lỗi khi chơi khúc côn cầu sẽ là kinh nghiệm giúp Riley tránh được lỗi trên. Thậm chí, cảm xúc Ganh Tị hay bị lên án có thể tạo động lực giúp ta phấn đấu để được ngang bằng với các cá nhân thành đạt hơn mình, theo nhà tâm lý học Lisa Damour kiêm cố vấn cho phim. Điều quan trọng là sự cân bằng và hòa hợp giữa các cảm xúc để tránh được tác hại và thu được lợi ích từ các cảm xúc. Đây là điều mà chúng ta cần học hỏi suốt đời để giữ gìn sức khỏe tinh thần trong xã hội hiện đại ngày càng căng thẳng. Như ở cuối phim, khi được thư giãn, ngồi ghế mát xa thưởng thức trà, được an ủi rằng “nguy cơ chưa xảy ra”, Lo Âu có thể hướng sự tập trung của Riley vào những vấn đề sắp tới nằm trong tầm kiểm soát của cô bé, như việc ôn tập tiếng Tây Ban Nha.
Cốt truyện sinh động, dí dỏm nhờ diễn dịch trực quan các thành ngữ tiếng Anh. Ví dụ như dòng suy nghĩ (stream of thought) là một con suối (stream), động não (brain-storm) là một cơn bão (storm) của não (brain), đỉnh Crush-more (crush: người được thương thầm trộm nhớ) nhại theo đỉnh Rushmore của Hoa Kỳ… dễ hiểu và phù hợp với mọi lứa tuổi. Một khoảnh khắc đáng nhớ là lời động viên của cảm xúc Giận Dữ: “ta đã và sẽ còn mắc nhiều sai lầm, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc.”
Thông điệp về việc giữ gìn cân bằng, hòa hợp giữa cảm xúc của phần 1 nay phát triển lên thành một thông điệp lớn hơn: chúng ta chỉ thật sự là chính mình khi có sự toàn vẹn và thống nhất của tất cả các cảm xúc, của các mặt tích cực lẫn tiêu cực trong bản ngã của mình. Tất cả các thông điệp trên là những bài học hay, cần thiết cho cả sự phát triển của tuổi thơ và sự khỏe mạnh, hạnh phúc của mọi lứa tuổi.
Tất cả các cảm xúc trong bộ phim thể hiện cá tính của mình. Câu tiếng Anh trên cùng nghĩa là: hãy thêm không gian cho cảm xúc mới.
Sài Gòn tháng 7 năm 2024
Ghi chú: Những chữ viết xiên là tên cảm xúc được hình tượng hóa thanh nhân vật hoạt hình.
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 7/2024.