- Tin tức văn nghệ
- Nguyên Hùng với tập “Ký họa thơ”
Nguyên Hùng với tập “Ký họa thơ”
VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
Ký họa thơ (81 chân dung văn học) – tác giả Nguyên Hùng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2024, mã số ISSBN: 978-604-383-573-1.
Cuốn sách là tập hợp kỷ yếu văn chương của 81 nhà văn, nhà thơ hoạt động sáng tác trong khoảng từ những năm 40 thế kỷ trước cho đến những năm đầu trong thế kỷ XXI; là thời điểm đất nước chiến thắng 3 cuộc chiến tranh xâm lược và xây dựng Tổ quốc khi họa ngoại xâm vẫn còn; nên đa số các tác giả từng phục vụ trong lực lượng vũ trang. Trong đó, nhà thơ - nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Bùi An Tấn, nhà văn Lại Văn Long… từng hoặc đang là người của ngành công an.
Mỗi tác giả gồm một ảnh chân dung, 1 trang tiểu sử và 1 trang thơ ký họa. Trừ nhà văn Lê Lựu được phác họa chỉ bằng 6 câu thơ, các tác giả còn lại được Nguyên Hùng dành từ 3 đến 4 khổ thơ, không chỉ là sự liệt kê các tác phẩm đã cống hiến cho văn chương nước nhà. Mỗi bài thơ là một bức chân dung văn học và là một bản kỷ yếu ngắn gọn về tác giả, được biểu hiện bằng ngôn ngữ thi ca nên dễ thuộc, dễ nhớ.
Chúng ta khảo sát 2 tác giả được chọn cho 2 thời kỳ.
Về tác giả VĂN CAO – Trang 26. Văn Cao là thi sỹ, nhạc sỹ công tác ở môi trường Công an thời kỳ mới thành lập.
VĂN CAO
Trai Hải Phòng trong một đêm Hà Nội
Hồn mơ màng theo khúc Thiên Thai…
Những bản tình ca như Suối Mơ mềm mại
Như khói như sương như lá ra đời.
Cung đàn xưa gọi mời đàn chim Việt
Cho làng tôi ríu rít những ngày mùa
Trường ca Sông Lô thẳng tiến về Hà Nội
Cùng triệu tim hồng hòa Tiến quân ca.
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Càng ngẫm càng yêu khuôn mặt em
Càng thương những người trên cửa biển
Bạc đầu chờ mùa xuân đầu tiên.
Anh có nghe không những bài ca sống lại
Về bến xuân hát mãi không thôi?
Tự lúc nào trong âm thầm gác tối
Buồn tàn thu ám vận suốt một đời?
Nhạc sỹ tài hoa, trước hết phải có tố chất thi sỹ. Một đêm đàn lạnh trên sông Huế là bài thơ đầu tay của Văn Cao. Sau đó Văn Cao có một số bài thơ như Khuôn mặt em…
Bài thơ liệt kê các ca khúc: Thiên Thai, Suối Mơ, Trường ca sông Lô, Làng tôi… và đặc biệt là Tiến quân ca.
Trước đó Việt Nam cũng đã có quốc ca cũ viết bằng ngôn ngữ nhạc dân tộc.
Do nhu cầu quan hệ với Hoa Kỳ để đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu; Bác Hồ, chọn “Tiến quân ca” làm quốc ca vì giai điệu hiện đại của ca khúc này trong khi vẫn bảo đảm tính cách mạng và trở thành một trong những bài quốc ca có tiết tấu âm nhạc hay của thế giới.
Buồn tàn thu, ca khúc đầu tay của Văn Cao, được ông sáng tác năm 1939, lúc 16 tuổi. Văn Cao là nhà thơ, họa sỹ tài hoa, giỏi võ, từng làm chiến sỹ diệt ác ôn và cuộc đời ông lận đận trong vinh quang đến tột bậc, kể cả lúc còn trai trẻ. Nguyên Hùng chọn ca khúc Buồn tàn thu và kèm theo đánh giá sự nghiệp Văn Cao: “Buồn tàn thu ám vận suốt cuộc đời”.
Mỗi lúc nghe ca khúc Buồn tàn thu, chúng ta thương cho kiếp thi sỹ Văn Cao và bao thi sỹ khác luôn phải gánh nỗi buồn đi cùng năm tháng. Hay nỗi buồn thời gian hóa thành ca từ, thành nốt nhạc và tạo ra thi sỹ, nhạc sỹ?!...
Về nhà thơ, nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền – trang 160. Ông phục vụ trong quân đội cuối thời kỳ chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc.
Con đường có lá me bay
Là nơi anh với tháng ngày mộng mơ
Xa rồi cái thưở ngây thơ
Giã từ phượng vỹ - tình cờ gặp em…
Từ mùa nước nổi sông Tiền
Thương mùa đông giá tận miền đảo mơ
Miệt mài chính luận, bình thơ
Một đêm châu thổ bất ngờ hòa âm…
Bài ca người lính bổng trầm
Bài ca tạm biệt thì thầm lời yêu
Bài ca thành phố ban chiều…
Mỗi bài ca chở bao điều gửi trao
Tâm tài đang độ đỉnh cao
Tiếc thương anh - một ngôi sao sớm tàn
Nhưng người như lá mãi xanh
Cùng hát mãi khúc quân hành bên nhau.
Bài thơ lục bát 16 câu tạo cảm nhận đang ở trong căn phòng với 10 ca khúc của nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền và khép lại bằng câu thơ mở ra tương lai: “Cùng hát mãi khúc quân hành bên nhau”, tất cả là đều là thực thể.
Trong căn phòng này, có tất cả các không gian của Diệp Minh Tuyền, từ thành thị đến nông thôn. Nhà thơ, tiến sỹ Nguyên Hùng thêm cả hải đảo xa xôi giữa biển khơi sóng gió vào, là sáng tạo hợp lý để nối dài sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đến mai sau.
Tuy các không gian này tồn tại ở các điểm thời gian khác nhau do xảy ra suốt chiều dài nửa thế kỷ, đã được nhà thơ nén cả không gian và thời gian để nằm trong hiện tại trước mắt độc giả khi đọc bài thơ... Bài thơ khái quát các sáng tác và cống hiến của cố nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền và chỉ ra sự nghiệp của ông sẽ còn mãi mãi...
Điểm qua 2 bức ký họa hai nghệ sĩ đa tài để phần nào cho thấy các bài thơ không chỉ là kỷ yếu tác giả bằng thơ mà Nguyên Hùng gửi vào đó sự đồng cảm, những sáng tạo trong đánh giá của mình về tác giả. Thơ, bản chất là sáng tạo ngôn từ, sáng tạo hình thức và chuyên chở tình cảm, tâm tư và Nguyên Hùng giấu tư tưởng, triết lý, như cô gái đẹp phải che đi cơ thể tuyệt tác của mình.
Được biết, lần này nhà thơ Nguyên Hùng cho ra mắt một lúc 2 tập sách; bên cạnh “Ký họa thơ” là “Trăm khúc hát một chữ duyên”, tập thơ nhạc chọn lọc gồm 81 ca khúc từ gần 120 ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng. Giải thích về con số 81 của 2 tác phẩm mới, ông cho biết, 81 không chỉ là con số được coi là đẹp mà còn là số nhà của Hội Nhà văn TPHCM, 81 – Trần Quốc Thảo, một địa chỉ thân thuộc của giới văn nghệ sĩ.
Ghi chú: Những chữ viết nghiêng đậm trong bức ký họa trong bài là tên các tác phẩm thơ nhạc của Văn Cao và Diệp Minh Tuyền.
Báo Công An TP. Hồ Chí Minh, ngày 05/10/2024.
Báo Công An TP. Hồ Chí Minh, ngày 04/10/2024.