- Nhà văn & Góc nhìn
- Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
YÊN LAN (Báo Phú Yên)
Yêu thích văn chương từ tuổi hoa niên, làm thơ và được đăng báo trước khi sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh, có lẽ với ông, thơ như một người bạn mang đến những niềm vui bình dị và trong trẻo, bên cạnh công việc chuyên môn “đậm đặc” khoa học kỹ thuật, đòi hỏi sự chuẩn xác. Ông là tiến sĩ, nhà thơ Nguyên Hùng, tác giả các tập thơ Cánh buồm thao thức, Sóng không từ biển, Bay về phía bão, Dấu chân lục bát, 102 mảnh ghép văn nhân, 108 đoản khúc thơ...
Tiến sĩ, nhà thơ Nguyên Hùng. Ảnh: YÊN LAN
Tiến sĩ, nhà thơ Nguyên Hùng có tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hùng, quê ở Cửa Lò, Nghệ An. Ông từng giảng dạy tại Trường trung học Thủy lợi 3 thuộc Bộ Thủy lợi, tiền thân của Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ. Năm 1988, Nguyên Hùng được tuyển chọn sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ công trình thủy, ông trở về Tiền Giang, tiếp tục giảng dạy. Năm 1996, ông chuyển đến TP Hồ Chí Minh, làm việc tại Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2 (nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2). Trên những chặng đường của một nhà giáo, một tiến sĩ công trình thủy, thật thú vị, thơ luôn đồng hành với ông.
Nhà thơ Nguyên Hùng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban biên tập website Văn chương TP Hồ Chí Minh của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VIII (2020-2025). Không chỉ ra mắt 6 tập thơ trong hơn 10 năm, nhà thơ Nguyên Hùng còn có hơn 100 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có Sóng không từ biển, Bến xưa, Em và biển, Ngày bình yên sẽ đến... và bài thơ sáng tác tại Phú Yên Đến với biển Phú Yên. Ông đang in tập thơ Ký họa thơ (81 chân dung văn học, NXB Quân đội Nhân dân) và tập thơ - nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên (NXB Hội Nhà văn).
Báo Phú Yên phỏng vấn tác giả Cánh buồm thao thức, Sóng không từ biển... về tình yêu mà ông dành cho thơ.
Với tôi, làm thơ được ví như một cuộc chơi, qua đó mình có thêm nhiều bạn bè giới văn chương và người yêu văn thơ. Tuy vậy, tôi luôn ý thức được sự thách thức của văn chương đích thực đối với mỗi người viết và không cố gắng bằng mọi cách để được người đọc thừa nhận.
Nhà thơ Nguyên Hùng
* Thưa ông, điều gì làm cho một tiến sĩ công trình thủy say mê văn chương?
- Một số người cũng hỏi rằng vì sao tiến sĩ công trình thủy mà lại làm thơ? Thực ra tôi yêu thích văn chương từ hồi học phổ thông. Tôi rất thích đọc sách nên góp tiền mua sách về đọc. Hồi đấy tôi được nhà trường đưa vào đội tuyển thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và đoạt giải nhì, dù trước đó tôi ở trong đội tuyển... Toán.
Năm đấy không tổ chức thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, nên tôi không có cơ hội được tuyển thẳng lên đại học. Khi thi đại học, tôi có nguyện vọng vào tổng hợp Văn nhưng nhà trường lại xếp đi thi thủy lợi, cuối cùng tôi vào ngành Thủy lợi. Hơi miễn cưỡng một tí nhưng mà mình học đều nên cũng ổn.
Ra trường, tôi đi dạy tại Trường trung học Thủy lợi 3. Ngoài công việc chuyên môn, tôi làm thơ, góp mặt trên báo ở Tiền Giang.
* Ông từng nói rằng với ông, làm thơ như một cuộc chơi. Vậy trong cuộc chơi này, ông được những gì?
- Trước hết là được làm quen với nhiều nhà thơ, từ những người rất nổi tiếng đến những bạn làm thơ trên blog, Facebook. Mình có rất nhiều bạn, ngoài tình cảm thì mình còn học hỏi được từ họ nhiều điều, bởi nhiều người trong số họ là những nhà văn, nhà thơ tài năng, uy tín. Thứ hai là mình đi đây đó, giao lưu với bạn thơ, có nhiều cảm xúc để viết. Đi đến đâu tôi cũng viết một vài bài thơ. Hồi trước, tôi định in tập Dấu chân thơ nhưng vì tập đấy chủ yếu là lục bát, nên tôi đặt tên Dấu chân lục bát.
Sau khi chuyển từ Tiền Giang lên TP Hồ Chí Minh, tôi có 13 năm làm Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2 và 2 năm làm trợ lý tổng giám đốc. Công ty khi đấy có hơn 1.000 cán bộ kỹ sư. Trong quá trình phụ trách kỹ thuật, tôi vẫn tranh thủ làm thơ mỗi khi có cảm xúc, nhất là sau những chuyến đi công tác.
* Ông đã nhiều lần đến Phú Yên, tham gia trại sáng tác văn học cùng các đồng nghiệp. Phú Yên đi vào thơ ông với những cảm xúc như thế nào, thưa nhà thơ?
- Phú Yên đúng như tên gọi “đất Phú trời Yên”, nhưng đấy cũng chỉ là nói về thiên nhiên. Điều mà tôi cảm nhận rất rõ là tính cách của người Phú Yên: rất chân tình, nồng hậu, mến khách. Và điều đấy làm cho khách cũng như những người viết đến đây có cảm tình rất đặc biệt.
Qua 2-3 chuyến đi đến Phú Yên, tôi đã sáng tác một số bài thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, có bài thơ được phổ nhạc. Tôi viết bằng tình cảm, xúc cảm thực sự về Phú Yên. Đồng nghiệp, bạn bè tôi cũng không ngờ là vùng đất Phú Yên, con người Phú Yên lại tạo nhiều cảm hứng cho chúng tôi đến thế.
* Xin cảm ơn nhà thơ!
Nguồn: Báo Phú Yên
Một vài hình ảnh tác nghiệp và hoạt động của nhà văn nhà báo YÊN LAN (Trịnh Phương Trà) tại Trại viết văn Phú Yên 2023 và 2024
Bình luận