TIN TỨC
icon bar

Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-05 12:16:27
mail facebook google pos stwis
598 lượt xem

NGÔ ĐỨC HÀNH

Trên khuôn mặt thông minh của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, người nào đã gặp đều nhận ra nét suy tư. Vậy nhưng, cũng trên khuôn mặt nam tính ấy, luôn ăm ắp, rộng lượng, hàm tiếu, có một năng lượng sống, năng lượng chữ mang tên ông. Cách đây một năm, nhà thơ Trần Mạnh Hảo trình làng cuốn Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ, NXB Hội Nhà văn năm 2022, sau nhiều năm không in. Tuyển tập dày 455 trang, khổ lớn 16×24, bìa cứng, có chỉ nhắc, bỗng nhiên sốt, tạo nên “hiện tượng Trần Mạnh Hảo” về phát hành. Tập thơ còn là tiếng lòng, là trăn trở của nhà thơ về Tổ quốc – một hình tượng xuyên suốt trong thơ ông.
 


Chân dung nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Tại tọa đàm thơ bên lề Ngày Thơ Việt Nam năm 2023, được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong tham luận có dẫn trường hợp Trần Mạnh Hảo để kết luận: “Bạn đọc không quay lưng với thơ, vấn đề là nhà thơ viết gì tâm thức bạn đọc cần nói hộ”. Cho đến nay, tác phẩm Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ đã bán được 5.000 cuốn, một con số nhiều người mơ ước”.

Vấn đề là thơ đừng “quay lưng” với bạn đọc, “quay lưng với dân tộc nhà văn sẽ thất bại”, như nhận định của nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2023). Hẳn nhiên, từ “quay lưng” không đồng nghĩa với “đi ngược” mà nên hiểu là phải bám vào đời sống, thân phận con người.

Tiếng thơ Trần Mạnh Hảo là tiếng thơ cất lên từ khổ đau, ước mơ mang tên “phận” và chưa bao giờ hết nguôi ngoai vì đất nước.

Dường như khi xuất hiện trên thi đàn, Trần Mạnh Hảo đã nhận về mình “sứ mệnh” ghi lại những nỗi buồn, ông có khá nhiều bài thơ về trạng thái cảm xúc, tinh thần này. “Ru buồn”, “Nỗi đau”… trong bài thơ Hỏi buồn, tạm gọi là bài thơ “hỏi”; ông hỏi cỏ, hỏi gió, hỏi núi, hỏi họa mi, hỏi dòng sông, hỏi nắng về nỗi buồn. Tất cả đều có nỗi buồn.


Nhà thơ Ngô Đức Hành trao tặng ảnh cho vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Trần Mạnh Hảo là người chịu khó đối thoại. Ông luôn đối thoại với mình, đối thoại với vô ngã. “Tôi giấu tôi vào đâu”, “Tôi tìm bóng tôi”, “Trốn vào mẹ”, “Thực ra tôi”, “Tìm hồn”, “Lá vàng tôi”… là những lát cắt vô ngã.

Đọc mảng thơ tự sự này, những ai có cơ hội hẳn nhớ bộ phim nghiệp vụ của cơ quan An ninh Liên Xô cũ (KGB) có tên Bảy bước ra khỏi chân trời thời những năm đầu 80 của thế kỷ trước. Bộ phim phản ánh và kiến giải về những năng lượng ngay trong bản thể mà con người không dễ phát hiện ra mình. Trong văn hóa Phương Đông, nhất là kinh Phật đã có con số 7, với tư cách là sự hoàn hảo nhiếp thâu cả vũ trụ.

Trong những lần “đối thoại” với vô ngã ấy, có lúc Trần Mạnh Hảo hỏi cỏ cây, nước lửa… về mình. Đến lúc hỏi lửa, thì “Lửa gật đầu:/ ta sẽ giấu ngươi vào khói/ khói giấu tôi vào tro/ tôi trở về chốn cũ/ hư vô…”, (Tôi giấu tôi vào đâu). Phải chăng, đó là sự giác ngộ về bảy bước của một hoa sen, tỉnh thức trước cuộc đời tham chấp, gây nên khổ hạnh?


Nhà thơ Ngô Đức Hành (bên trái) cùng nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

“Đời là bể khổ” (Phật giáo), bao gồm những “nỗi khổ” thuộc về quy luật của tạo hóa, những nỗi khổ trần ai, từ cuộc sống ập đến. Tất nhiên, đã là thơ, Trần Mạnh Hảo có những giấc mơ linh sàng, cứu rỗi. Đó là không gian nghệ thuật của thơ ông.

Sao Trần Mạnh Hảo “giàu nỗi buồn” đến thế? Nỗi buồn riêng, nỗi buồn chung; lúc nào ông cũng có “hàng xách tay” là nỗi buồn, ngay cả khi ông đang có mặt tại New York, Rome, Paris hay Bắc Kinh, Thượng Hải… Trong đa chiều canh cánh ấy, bao trùm vẫn là Tổ quốc. Thơ ông bay trên đôi cánh miên cảm về đất nước.

Đổi lại, Trần Mạnh Hảo cũng được đồng cảm, chia sẻ: “Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây/ Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy/ Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng/ Mà cả trời kia xuống hết cây”, (Tôi mang Hồ Gươm đi). Không chỉ ngoài nước, ông luôn “viễn du” cùng nỗi buồn. Choán ngợp trong ông, lộng lẫy nỗi buồn.

Đề từ cho tuyển tập, nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết: “Ôi đất nước, anh đã yêu đến băng hoại cả đời”. Thực ra, đây là một câu trong bài thơ “Nhân xem phim Sám hối nghĩ về Boris Pasternak”. Bài thơ này nhà thơ Trần Mạnh Hảo sáng tác ngày 21/7/1978. Đó là thời điểm đặc biệt của một đất nước vừa ràng rịt nỗi đau để kiến thiết, vừa phải đương đầu với nỗi đau mới ở biên giới hai đầu đất nước.


Trang bìa cuốn “Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ”.


Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cùng bạn bè văn chương tại TPHCM:

Từ trái: Lê Văn Hỷ, Trần Mạnh Hảo, Đặng Chương Ngạn, Nguyên Hùng, Ngô Đức Hành, Đinh Nho Tuấn và Trương Nam Hương

Xin nói qua một chút về nhà thơ, nhà văn Nga (thời Liên Xô) được giải Nobel Văn học (năm 1958) này. Ông tên đầy đủ là Boris Leonidovich Pasternak (1890 – 1960), ông nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, tuy nhiên người Nga lại coi trọng thơ ca của ông. Do áp lực chính trị, Boris Pasternak phải từ chối Nobel Văn học và đến năm 1988 tiểu thuyết Bác sỹ Zhivago mới được phép in ở Liên Xô; tuy nhiên, ông được tôn vinh là: “Hamlet của thế kỷ 20”; “Hiệp sĩ của thi ca Nga”; “Con tin của sự vĩnh cửu”, “Nhà cổ điển không biết mệt mỏi”. Đó là sự tôn vinh cho một nhà thơ lớn của văn học Nga đương đại.

Bộ phim Sám hối của đạo diễn Nga được thực hiện năm 1984, cách đây 38 năm, kể lại câu chuyện của viên thị trưởng Varlam độc ác dã man thời Liên Xô. Khi ông thị trưởng chết, mồ ông liên tục bị quật lên. Người con trai của ông cũng sám hối bằng cách đào mả ông và quăng xác ông xuống vực thẳm. Cuốn phim kết thúc với cuộc tự vẫn của cháu nội ông thị trưởng vì nó sám hối.

Sám hối không chỉ đề cập đến vấn đề số phận con người bị chà đạp dưới lòng hận thù điên cuồng của những kẻ độc tài như Varlam. Bức thông điệp mà các tác giả của bộ phim gửi tới chúng ta là đánh giá thế nào, có thái độ ra sao trước những sai lầm và tội lỗi của chúng ta trong quá khứ và hiện tại?

Có tìm hiểu lại như thế mới hiểu được tư tưởng thơ của thi phẩm Nhân xem phim Sám hối nghĩ về Boris Pasternak:

“Khi nhà độc tài tìm cách bất tử
Dẫu nằm xuống đất rồi anh chẳng được yên đâu
Tôi nhìn thấy Nhân dân ngồi phán xử
Các thời đại đi qua, thơ lặng lẽ bắc cầu…”
(Nhân xem phim Sám hối nghĩ về Boris Pasternak)

Trong 579 bài thơ trong Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ, có 289 bài thơ ngắn, chủ yếu là tứ tuyệt; thậm chí có bài thơ chỉ duy nhất một câu: “Những vỉa hè đỡ lấy cả mùa thu”, (bài thơ này Trần Mạnh Hảo viết năm 1978 về mùa thu Hà Nội). Dù ngắn là một câu, hay dài là trường ca nổi tiếng “Đất nước hình tia chớp” (chương 5), phần lớn các bài thơ trong tuyển tập đều có hình bóng quê hương, cố thổ.

Tổ quốc có khi trực diện được “gọi tên” như Tổ quốc con âm thầm yêu mẹ; Tổ quốc đêm cuối cùng của Huyền Trân; Tổ quốc của tình yêu; Đêm phương Bắc nhớ về Tổ quốc… Cũng có khi Tổ quốc được nói đến bằng các ẩn dụ. Nói vậy để thấy rằng, thống kê được trong tuyển tập không phải không cần kiên trì và trí nhớ tốt. Ngay cả khi làm thơ tình tặng vợ, Trần Mạnh Hảo cũng nói về Tổ quốc. Vợ lúc ấy trở thành nhân vật để ông đồng vọng, đối thoại về Tổ quốc.

Trần Mạnh Hảo yêu quê hương đất nước nồng nàn. Ông yêu đến quyết liệt, biểu cảm mạnh mẽ và sòng phẳng. Đọc thơ, chúng ta biết Trần Mạnh Hảo là người cương trực, thẳng thắn: “Bằng tiếng khóc chào đời như súng nổ/ Tôi đã gọi tên Tổ quốc lần đầu/ Lấy gió bấc làm tã lót/ Người cuốn cho tôi trong một đêm thâu”. Đó là một hành trình của nhận thức và dấn thân. Ông nhập ngũ và trở thành người lính đi hết con đường giải phóng. Thế hệ ông, bao người đã ngã xuống, máu đào nhuộm đỏ lá cờ Tổ quốc:


“Mẹ ở lại với mái nhà dột nóc
Ếch tháng ba kêu xót ruột người già
Mẹ khóc, mùi hoa xoan cũng khóc
Đêm đen từ tro bếp lạnh đen ra
Ôi Tổ quốc
Tiễn con đi mẹ gục xuống hiên nhà”
(Tổ quốc của tình yêu)

“Những người lính ngã trong chiến hào biên giới
Tổ quốc chảy trong dòng máu của mình
Người lính ấy không nhân danh la lối
Họ âm thầm lao tới nhận hy sinh”
(Tổ quốc con âm thầm yêu mẹ)

Tổ quốc trong cảm nhận của Trần Mạnh Hảo từ giản dị đến thiêng liêng, thiêng liêng từ những điều giản dị: “Mẹ ơi, bao người chưa từng nói về Tổ quốc/ Lấy mồ hôi gieo hạt lúa nhọc nhằn/ Tâm hồn họ như khoai vùi trong bếp/ Lúc đói lòng xin được bới ra ăn”, (Tổ quốc con âm thầm yêu mẹ). Bài thơ này, Trần Mạnh Hảo viết ở thời điểm đất nước trải qua một “khúc quanh” bi tráng. Sau năm 1975, “những tưởng đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù”, (lời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tại lễ mít tinh mừng Ngày thống nhất non sông tại TP. Hồ Chí Minh); nhưng không. Chiến tranh biên giới Tây Nam vừa lắng xuống thì xảy ra Chiến tranh biên giới phía Bắc. Những người từng là “đồng chí” đã nã súng vào nhau.

Đặc biệt là, kẻ thù ngay trong chính lòng người đã xuất hiện. Đó là chủ nghĩa thực dụng, vun vén cá nhân, giả nhân, giả nghĩa:


“Có ai đó hay bàn về Tổ quốc
Nằm trong vỏ ốc nói về hy sinh
Ai mặc ấm mà ngồi thương mẹ rét
Trước khi yêu Tổ quốc họ yêu mình
Có kẻ một thời nhân danh Mẹ
Bán quê hương đổi lấy sang giàu
Những chủ tịch, những vương triều như chong chóng
Xoay bên nào lòng mẹ cũng bầm đau”
(Tổ quốc con âm thầm yêu mẹ)

Trần Mạnh Hảo là cựu chiến binh. Thời trai trẻ, ông đã xông pha nơi “hòn tên mũi đạn”, vì thế, ông nâng niu cuộc sống, ông hiểu giá trị của hòa bình. Có lẽ vì thế mà trong thơ ông, dù day dứt, thì vẫn là những day dứt hào sảng. Ông thông tuệ, trí nhớ tuyệt vời, mỗi lần gặp thi hữu, có cơ hội đọc thơ, ông như lên đồng, hóa thân, cảm xúc tươi nguyên như khi sáng tạo văn bản.

“Khi con vừa rời lòng mẹ/ Con đỏ hoe như một cục bùn non/ Có phải mẹ nhặt con lên từ đáy sông Hồng/ Mà hạt phù sa bật khóc?”… “Con mới hiểu vì sao hạt thóc/ Lại mang hình con mắt mỏi mòn trông” (Sông Hồng). Thú thực, khi nghe Trần Mạnh Hảo đọc bài thơ này và những bài thơ khác như Tổ quốc, con âm thầm yêu mẹ; Tổ quốc của tình yêu… tất cả đều chùng xuống, lòng khắc khoải ứa lệ hạnh phúc.

Thật hạnh phúc cho những nhà lý luận phê bình đủ kiến văn, có cơ hội “lặn”, “ngụp” vào thơ ông, tìm ra đủ sắc màu từ các vỉa tầng cảm xúc. Trong thơ Trần Mạnh Hảo,có vẻ đẹp khác biệt về tư tưởng. Tâm hồn Trần Mạnh Hảo đầy lên, đầm đìa tình yêu Tổ quốc. Mảng thơ này của ông xứng đáng được gọi là mảng thơ Dâng, với ý nghĩa mỹ triết.

Nguồn: Tạp chí Sông Lam

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm
Chất lãng mạn trong “Biển cạn” của Nguyên Hùng
Bài viết của cô giáo nhà thơ Triệu Kim Loan
Xem thêm