TIN TỨC
icon bar

“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-09-05 11:17:46
mail facebook google pos stwis
1405 lượt xem

NGUYỄN THANH

Khoảng giữa thập niên 1970, ở Nam bộ có phong trào in lại những tác phẩm văn học nổi tiếng từ trước 1945 hay thơ văn của những tác giả cách mạng. Tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, thơ truyện của những tác giả kháng chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Thẩm Thệ Hà, Trần Quang Long, … được in lại theo hình thức roneo, và bày bán tại các vỉa hè chợ cũ Sài Gòn. Bên cạnh đó, một số bài thơ hay của thi sĩ nổi tiếng thời tiến chiến như: Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Kiên Giang, T.T.Kh,… được in chính thức theo loại cánh bướm xếp gọn ba tờ giá rẻ, dễ phổ biến, được bày bán tại sạp báo như : Tương tư, Hành phương Nam, Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Hai sắc hoa ti-gôn… Với những bài thơ của T.T.Kh, tiểu biểu là Hai sắc hoa ti-gôn, nhà thơ ẩn danh đã gợi lại cho người yêu thơ một giai thoại thú vị trong văn học nước nhà.

Hơn tám mươi năm qua,  bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ. Mãi cho đến hôm nay, dư luận vẫn băn khoăn không biết nhà thơ ẩn danh T.T Kh là ai và  ‘người ấy’ của tác giả cũng chưa ai biết rõ trong khi bốn áng tình thư tha thiết lâm ly vẫn chưa hết làm chạnh lòng bao người trong xã hội thi ca. Tổng cộng có 4 bài thơ của T.T. Kh đăng báo,  trong đó bài đầu tiên “Hai sắc hoa ti-gôn”là nổi tiếng nhất nhiều người thuộc lòng, được các nhạc sĩ Trần Trịnh, Anh Bằng phổ ra ca khúc (1958) cùng tên tên do các danh ca Hòang Oanh, Thanh Lan trình bày…, hiện nay vẫn còn sử dụng. 

Người ta còn nhớ, vào đầu mùa Trung Thu năm 1937, trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy  do Vũ Đình Long làm chủ bút tại Hà Nội, có đăng truyện ngắn “Hoa Ti-gôn” của nhà văn Thanh Châu (1912-2007). Hơn một tháng sau, tòa soạn nhận được một phong bì dán kín trong đó chỉ vỏn vẹn có bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” bên dưới ký tên T.T. Kh…, do một thiếu phụ đẹp khoảng 20 tuổi, dáng nhỏ bé, vẻ thùy mỵ, nhưng có nét mặt u buồn, mang đến gửi cho chủ bút tờ báo. Đây là lần duy nhất người thiếu phụ ấy xuất hiện. Sau đó, T.T.Kh gửi tiếp đến tòa soạn báo này một bài thơ nữa có nhan đề : “Bài thơ thứ nhất” và bài thơ “Đan áo” có ghi đề tặng riêng Thâm Tâm gởi đăng tờ Phụ nữ thời đàm (1938). Và vào ngày 30 tháng 10 năm 1938, T.T.Kh gửi đăng thêm “Bài thơ cuối cùng” cũng trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Như vậy là có tất cả 4 bài thơ của T.T.Kh.      

Thiên tình sử lâm ly ngang trái theo nhiều người nghĩ là được hình thành từ truyện ngắn “Hoa Ti-gôn” của nhà văn Thanh Châu.  Đó là chuyện tình buồn của một nghệ sĩ: Họa sĩ Lê Chất mượn cớ đi tìm cảnh đẹp sáng tác để tìm lại một thiếu nữ yêu kiều chàng mới gặp chiều hôm trước. Khi đạp xe ngang qua một biệt thự cũ tường mái rêu phong, tình cờ chàng bắt gặp một cô gái dưới giàn hoa ti-gôn. Thiếu nữ mặc áo cánh lụa, đôi má hồng tươi với vẻ đẹp đài các rất hiếm hoi, khiến ai trông thấy một lần là không sao quên được. Thiếu nữ vô tình, mãi tới khi sắp vào nhà, mới trông thấy có người đứng nhìn lén mình. Từ đó, hôm nào chàng họa sĩ cũng đạp xe vào làng Mọc nhưng thiếu nữ thấy động là lẫn vào nhà ngay. Lê Chất được gặp nàng vài lần nữa rồi thôi, ngôi nhà hình như vắng người, chỉ còn thấy có một bác cao tuổi cuốc cỏ ở trong vườn. Nỗi nhớ nhung cứ ngày ngày triền miên đến với chàng họa sĩ cả trong giấc mơ. Một mùa đông trời se sắt lạnh, họa sĩ Lê Chất mang giá vẽ đi sáng tác ở vùng Vân Nam phủ. Trong một bữa tiệc đông vui tấp nập khách mời, chàng chợt gặp lại người xưa. Đã tám năm qua, chàng quên sao được khuôn mặt người mình thầm thương trộm nhớ. Mai Hạnh là tên người thiếu nữ, và nàng đã lấy một người chồng quyền thế giàu sang. 

Những ngày sau, cuộc tình lãng mạn nẩy nở. Nàng hay đến chỗ trọ thăm chàng. Hai người yêu nhau và như sống trong cơn mê. Mai Hạnh dù cố chống chọi lại với cuộc tình ngang trái nhưng sau cùng nàng cũng nhận lời cùng Lê Chất sắp đặt để cả hai người cùng trốn đi xa. Nhưng cuối cùng sợ người đời khinh bỉ, họ hàng hai bên bị tai tiếng, Mai Hạnh đành nén nỗi đau thương trong lòng từ chối chàng. Cuộc tình chấm dứt. Bốn năm sau, chàng họa sĩ đa tình Lê Chất được báo tin: nàng đã mất.

Từ sau ngày đặt lên nấm mộ người yêu những dây hoa ti-gôn màu máu với hình quả tim vỡ cho đến cuối đời, cứ đến mùa hoa ti-gôn nở, không buổi sáng nào chàng không mua một ôm hoa ti-gôn tươi thắm về để thay cho hoa cũ trong phòng vẽ của chàng…

*

Bài thơ đầu tiên Hai sắc hoa ti-gôn gửi đăng trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy (năm 1937) của T.T.Kh đã gây sóng gió ngay trên văn đàn về nội dung trữ tình đặc biệt mà nhất là về tác giả ẩn danh của bài thơ này. Sáng tác theo thể loại thơ mới bảy chữ gồm 11 khổ, mỗi khổ 4 câu, tổng cộng 44 câu theo phong cách thơ tứ tuyệt, giai điệu phảng phất sương khói Đường thi nên đọc dễ cảm. Bài thơ được T.T.Kh sáng tác theo lối thơ tự thuật, nói về tâm sự của mình, một thiếu nữ phải đau đớn trải qua một cuộc tình éo le ngang trái. Bi kịch đầy tính lãng mạn này được đặt trong bối cảnh không gian có giàn hoa ti-gôn được coi là biểu tượng của một cuộc tình tan vỡ. Tưởng cũng nên biết hoa ti-gôn là loại hoa dây, hoa nhỏ bé, xinh xắn với đầu cánh hoa màu hồng nhạt, gần cuống hoa màu trắng. Hoa ti-gôn được du nhập từ phương Tây, tên gọi là antigone (Anh/Pháp) thuộc giống dây leo, thân cành mỏng manh, lá nhỏ mỏng gần giống lá nho (la vigne: cây nho/ tiếng Pháp) nên được nhiều người gọi là hoa nho. Ta được biết có không ít nhà thơ mượn hình tượng của loài hoa khác khi sáng tác :hoa chanh (Nguyễn Bính, Quang Dũng); hoa đào (Vũ Đình Liên); hoa bưởi (Phan Thị Thanh Nhàn), hoa cau, hoa bần (Kiên Giang), hoa mai (Ngũ Lang)… Trong truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu, nàng là một cô gái ngây thơ, sống hồn nhiên, coi màu trắng của hoa tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung: “Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn/ Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn/ Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc/ Tôi chờ người đến với yêu đương/ Cho nên cười đáp màu hoa trắng/ Là chút lòng trong chẳng biến suy”. Trong khi đó, chàng là một tâm hồn lãng mạn đa cảm đa sầu, lại nhìn dáng hoa hình tim vỡ với tâm trạng lo lắng cho mai sau về một tình yêu không trọn: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/ Thở dài trong lúc thấy tôi vui/ Bảo rằng: “Hoa dáng hình tim vỡ/ Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.  Hai sắc hoa ti-gôn - bài thơ đầu tiên - là sự hoài niệm về một tình yêu đằm thắm, lãng mạn với bao nỗ lo lắng băn khoăn của hai người đang yêu về một tương lai .    

Bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn : Khởi đầu nói lên sự lo lắng ở mai sau cho tình yêu giữa hai người cùng nỗi nhớ đến tâm trạng người ấy khi biết mình đã sang sông: “Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ/ Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu/ Gió về lạnh lẽo chân mây vắng/ Người ấy ngang sông đứng ngóng đò/…Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi ! người ấy có buồn không/ Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ/ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng. “ Bài thơ thứ nhất : Những ngày sống gượng trong nỗi cô đơn tâm hồn bên người chồng nghiêm  ở vườn Thanh: “Ở lại vườn Thanh có một mình/ Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh/ Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo/ Yêu bóng chim sa nắng lướt mành”; “Biết đâu tôi, một tâm hồn héo/Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi”. Bài thơ đan áo : T.T.Kh đã chuyển cung làm thay đổi giai điệu: từ thơ mới 7 chữ sang lục bát truyền thống để chân tình thổ lộ nỗi đau đớn xót xa đầy nước mắt trong cuộc sống gia đình không hạnh phúc: “Ngoài trời mưa gió xôn xao/ Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm/ Ai đem lễ giáo giam em/ Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời”. Bài thơ cuối cùng chứa đựng lời hờn giận trách móc người ấy, thông điệp cuối cùng về sự chia tay: “Là giết đời nhau đấy biết không/ Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung/ Giận anh anh viết dòng dư lệ/ Là chút dư hương điệu cuối cùng”.                                                                               

Trong thực tế, người ta biết ‘Con trai chỉ hình thành viên ngọc quý khi phải chịu đau đớn ngậm dị vật trong miệng’. Ta có thể nói đau thương là mảnh đất màu cho kiệt tác của tài hoa. Chỉ trong đau khổ, T.T.Kh mới viết nên được những vần thơ lâm ly đẫm lệ làm người đọc đau đáu cháy lòng.

Được nói nhiều đến bốn bài thơ tình nổi tiếng trên là vấn đề tác giả , tức là lai lịch của T.T.Kh và người ấy được tác giả nhắc đến trong thơ là ai. Trước hết,“Người ấy” là một phiếm chỉ đại từ mang ý nghĩa rất mơ hồ nhưng rất tình tứ, để chỉ ‘người tình xa vắng’ nghe khá não ruột, cũng được nhiều văn nghệ sĩ sử dụng (Nguyễn Trọng Quản, Khái Hưng, Song Hảo…)

Ở trong thơ T.T.Kh, dường như tất cả những điều được nhiều nói đến về tác giả từ trước tới nay đều là những giả thiết, chưa có gì chắc chắn. Trước tiên, hai nhân vật chính trong bốn bài thơ tình bi thương là tác giả bài thơ và người ấy, đối tác tình cảm của nhà thơ. Chân dung người thương của T.T.Kh chỉ hình dung ra được là một chàng nghệ sĩ tài hoa, phong thái lãng tử giang hồ, sống cuộc đời xê dịch, không cùng quê quán với tác giả: “Thuở trước, hồn tôi phơi phới quá/ Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương/ Bỗng nhà nghệ sĩ từ đâu lại/ Êm ái trao tôi một vết thương…”// Người xa xăm quá, tôi buồn lắm/ Trong một ngày vui pháo nhuộm đường”. Lời thơ tự nhiên, thành thật nghe rất dễ thương, làm theo thể loại thơ mới 7 chữ, nhạc điệu uyển chuyển du dương, mang mang sương khói Đường thi nên dễ len vào hồn người đọc. Ta biết về chàng chỉ bấy nhiêu đó thôi.

Điều làm nhiều người muốn biết chính thức T.T.Kh là ai ? Có người bảo đó là tên tắt của Trần Thị Khánh, người yêu của nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, tác giả bài thơ “Tống biệt hành” được đưa vào chương trình ngữ văn Trung học phổ thông. Người khác (nhà văn Thế Nguyên) cho T.T.Kh là bút danh viết bớt chữ của nhà giáo-nhà thơ yêu nước Thẩm Thệ Hà (1923-2009) có tên thật là TThành Kỉnh, cũng có người đọc là Thâm Tâm Khánh, kết hợp theo lối giản thể giữa hai tên Thâm Tâm và Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Có người tự nhận T.T. Kh chính là người yêu của mình, sau đó viết tiếp thêm những bài thơ sau bài Hai sắc hoa ti-gôn như Nguyễn Bính (Cô gái vườn Thanh), Thâm Tâm (Màu máu ti-gôn) hoặc khẳng định mình là T.T.Kh tức tác giả những bài thơ trên : Thâm Tâm (1917-1950), Nguyễn Bính (1918-1966),…

Theo Nguyễn Vỹ (1912-1971), nhà thơ-nhà báo nguyên soái của Tao đàn Bạch Nga và chủ bút tạp chí Phổ Thông, với những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc đời hoạt động văn nghệ khi còn ở miền Bắc trước 1945, đã khẳng định T.T. Kh chính là nhà thơ Thâm Tâm, đồng quan điểm với một số nhà nghiên cứu khá như : Nguyễn Tấn Long… Trong  khi đó có người cho T.T.Kh là cô Trần Thị Khánh nào đó hoặc là giai nhân Phạm Thị Sứ của đất Hà thành hay Trần Thị Vân Chung, người yêu của nhà văn Thanh Châu, tác giả tuyện ngắn “Hai sắc hoa ti-gôn”, nguồn cội của những bài thơ tình ký với bút danh T.T.Kh từng gây sóng gió làng văn một dạo nào. Dù sao, ta cũng có thể nói, mối tình giữa T.T.Kh và người ấy là một trong những mối đẹp nhất tình hiện hữu trong văn chương : “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở” (Xuân Diệu) .             

 “Tất cả qua đi, chỉ còn lại văn hóa” (Tout s’oublie, seule la culture reste) là cái vĩnh hằng của con người, trong đó có nghệ thuật văn chương. Cho đến hôm nay, những vần thơ bất hủ của T. T. Kh dù chưa hẵn là kiệt tác, cũng đã đi vào văn học sử và trái tim của công chúng yêu thi ca. Nhà phê bình Hoài Thanh cũng có ý kiến : Có kẻ không ngần ngại cho những bài thơ ấy là áng thơ kiệt tác.

Đốt lò hương cũ, tìm lại dư hương nghệ thuật của một thời vang bóng, thiển nghĩ ta cũng không nhất thiết phải băn khoăn về nguồn cội nhân thân của một tác giả -như kiểu điều tra hình sự - mà vì một lý do nào đó rất cần sự yên ổn cho tâm hồn, T.T.Kh đã cố ý ẩn danh khi khai sinh ra đứa con tinh huyết của mình. Có lẽ điều cần có là những phút lắng đọng tâm tư để thưởng thức trọn vẹn giai điệu ngọt ngào và hương sắc ngọt ngào những áng tình thư của T.T.Kh. Hôm nay trân trọng ca ngợi kiệt tác và tài hoa của T.T. Kh, có lẽ ta hãy tạm quên đi mọi băn khoăn về lai lịch nhà thơ, để trả lại tất cả về vị trí đặc biệt của một huyền thoại văn chương.  

8. 09.2019
Nguồn: Báo Văn nghệ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm