TIN TỨC
icon bar

Những mẩu chuyện vui về nhà thơ Xuân Sách | Lê Huy Mậu

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-11 10:26:43
mail facebook google pos stwis
2336 lượt xem

LÊ HUY MẬU

1.   Nhà thơ Xuân Sách với người hâm mộ
 

Nhà thơ Xuân Sách là người sở hữu nhiều chuyện vui về đời sống các nhà văn Việt Nam phía sau trang viết. Thỉnh thoảng, ông lại “thò” ra một chuyện. Chúng tôi xui ông: Bác viết đi! Bán được đấy! Ông cười cười: Sẽ viết, sẽ viết… Nhà văn Trần Đức Tiến bảo ông: Thế bác tưởng bác còn nhiều thời gian lắm đấy à!       

Ông năm nay đã bảy lăm tuổi. Biết không thể nấn ná được nữa, ông bắt đầu cọc cạch cái máy đánh chữ ông sắm được từ thời Pháp thuộc, những dòng đầu tiên tại nhà sáng tác Đà Lạt. Anh em văn nghệ Vũng Tàu biết ông đang “thai nghén” cuốn “Chân dung nhà văn” mới, bằng văn xuôi, nên không dám quấy phá ông.

Một hôm, có một câu lạc bộ thơ ở Đà Lạt, khẩn khoản mời ông tham gia một buổi giao lưu với người hâm mộ tác giả thơ bài “Việt Nam trên đường chúng ta đi” tại Đà Lạt. Từ chối không được, ông rủ thêm một vài anh em làm thơ cùng đi. Tôi bận nên không đi. Nhà thơ Hoàng Quý sốt sắng cầm theo chiếc máy ảnh kỹ thuật số loại xịn để ghi lại những hình ảnh cảm động của buổi giao lưu.

Mãi tới chiều, tôi mới thấy ông về, mặt buồn hiu. Hỏi, thì ông lắc đầu bảo: Bỏ mẹ! Cậu ạ! Toàn các “em” trên bảy mươi cả, rồi ông nheo mắt hóm hỉnh kể: Có một “em” là hậu duệ của Nguyễn Công Trứ - khẩn khoản mời “anh thi hữu Xuân Sách” về nhà em chơi! Bỏ mẹ! (lại bỏ mẹ) - ông cười nheo mắt - cậu biết “em” bao nhiêu tuổi không? Tám mươi sáu.

Đang vui vẻ với ông về buổi giao lưu đáng nhớ ấy thì nhà thơ Hoàng Quý hớt hải chạy về, chìa ra khoe tập ảnh vừa chụp buổi giao lưu giữa nhà thơ Xuân Sách và những người hâm mộ tại Đà Lạt. Tôi thấy có một bức ảnh khá đẹp, chụp giàn đồng ca của khoảng hơn mười “em” U 70, mặc đầm ngắn, đang biểu diễn bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du phổ thơ Xuân Sách. Nhìn bức ảnh, tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng buồn hiu của ông, vừa thấy thương cho ông, và cũng thấy may cho ông, bởi, nếu tấm ảnh này mà lọt vào tay Văn Công Hùng ở Gia Lai, hắn tán tỉnh thêm thắt mắm muối vào, có thể làm vui được cho cả nửa nước, chứ chẳng chơi.
 

2. Nhà thơ Xuân Sách đi giàn khoan
 

Sáng hai sáu Tết năm Bính Tuất (2006), tôi cùng nhà thơ Xuân Sách ra thăm giàn khoan. Đây là lần đầu tiên nhà thơ ra giàn khoan. Vì chỉ đi về trong ngày nên chẳng phải chuẩn bị gì. Sáng sớm, tôi điện thoại hỏi ông: đã có ai chở anh ra sân bay chưa? Ông bảo: Rồi! Đúng giờ, chúng tôi ra sân bay. Mọi thủ tục đều được tiến hành nhanh chóng, thông suốt. Không ngờ, khi ra cửa, cán bộ kiểm tra an toàn mới phát hiện ra nhà thơ Xuân Sách đi dép lê. Ông bảo tôi: Bỏ mẹ rồi! Cứ tưởng đi chơi chứ có họp hành gì đâu mà đi giày! (Mà tôi thấy hình như ông chẳng có đôi giày nào thì phải - tôi chưa thấy ông đi giày bao giờ…).

Tưởng người ta chỉ giải thích quy định an toàn, rồi linh động giải quyết cho ông đi. Ai dè, họ cương quyết mời ông ở lại. Bỏ mẹ tôi! Có hai anh em đi với nhau mà để ông ở lại coi sao tiện. Tôi đâm hoảng. Thế là tôi đem tên tuổi, công lênh, tác phẩm của ông ra thề bồi, lại còn doạ mấy tay kiểm tra an toàn rằng: Đây là khách VIP của Phó Tổng Giám đốc liên doanh dầu khí Vietsovptro T.H…  Tưởng mấy tay kiểm tra an toàn sợ, cho đi, nhưng, họ vẫn cương quyết: hoặc là bác phải kiếm giày đi vào, hoặc là bác quay về, đi chuyến khác…! Trông ông lúc đó thật tức cười. Bình thường ông sắc sảo, hóm hỉnh lắm, nhưng cứ hệ có sự gì rắc rối là y như, trông ông nhợt nhạt, thiếu sinh khí hẳn đi… Tôi tự trách mình: sao mình ngu thế! Suốt ngày ăn nhậu với anh em dầu khí mà cái tối thiểu thế này cũng không biết!

Đang chưa biết tính cách nào cứu ông, thì, bất chợt, tôi nhìn ra phía ngoài phòng đợi, thấy Đào Xuân Mai - một người làm thơ dầu khí đang dán mắt vào kính nhìn chúng tôi. Tôi vẫy Đào Xuân Mai ra cửa, và thật may, Đào Xuân Mai mang giày. Chẳng biết giày có vừa không, nhưng tôi sợ điều không may ấy xẩy ra, nên luôn miệng khen: vừa quá! vừa quá!

Máy bay trực thăng chở cán bộ, công nhân ra giàn khoan là loại máy bay nhỏ, chỉ chở được khoảng hơn hai chục người. Tôi và ông lên muộn. Nên thấy trống chỗ nào thì ngồi vào chỗ ấy. Tôi ngồi phía sau ông. Trông ông khi chụp cái tai chống tiếng ồn vào đầu rất “ngộ nghĩnh”. Giữa những mái đầu xanh, nổi bật lên mái tóc trắng xoá của ông. Những người đi giàn hôm đó, không nhận ra ông - người mà không mấy ai trong số họ, là không từng đọc qua “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” của ông!

Trong đầu tôi khi ấy, chợt nảy ra một ý nghĩ, rất huông, rằng sao thượng đế không nghĩ ra cách tiễn người ta sang thế giới bên kia bắng một chuyến bay vào vô tận, đỡ phải tốn kém ma chay, chôn cất…  Nói dại, không biết có phải vì mái tóc bạc của ông khiến tôi có ý nghĩ đó không?

Chúng tôi được thả xuống giàn công nghệ trung tâm 2 cùng với hai phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam đi làm chương trình xuân Đinh Hợi. Cái   mặt sàn giàn khoan dọc lối đi làm bằng thép đục lỗ, có thể nhìn xuống dưới chân, thấy được cả sóng biển nhấp nhô, tôi thấy nhà thơ Xuân Sách rón rén đặt từng bước chân. Không biết là do ông khớp độ cao gần năm chục mét với mặt biển hay tại đôi giày Đào Xuân Mai chật quá làm ông đau chân?

 

  Blog giàn khoan tuy nhỏ, nhưng lại có nhiều công năng và nó được bố trí một cách zích zắc, lắm lối, lắm ngã chẳng biết lối nào… Nhà thơ Xuân Sách mót tiểu lắm nhưng cố nín. Thấy tôi bước ra khỏi phòng, ông đi theo liền. Này! Đi tiểu chỗ nào ấy nhỉ? Bỏ mẹ! Vào đây không khéo là lạc đấy cậu ạ -  rồi ông cẩn thận dặn thêm - tiểu xong, nhớ chờ tớ, cho tớ về với nhé!  Tôi thầm nghĩ, một nhà văn từng bôn ba khắp các ngả chiến trường từ chống Pháp sang chống Mỹ, ông đã từng dẫn đầu đoàn thanh niên, sinh viên Việt Nam dự festival thế giới, giờ đây, ông đang trở lại làm “thiếu nhi đầu bạc”. Hình ảnh của ông hôm nay sẽ là hình ảnh của tôi ngày mai! Buồn cười lắm! Nhưng, tôi lại chợt nghĩ, tôi đang có may mắn, được đi cùng ông, lưu lại những kỷ niệm về ông khi ông xế bóng!

Trong phòng giàn trường giàn công nghệ trung tâm 2, khi hai phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam đang tác nghiệp, tôi thấy nhà thơ Xuân Sách lơ đễnh nhìn vào mông lung, hai ngón tay trái của ông nhịp nhịp vào thành chiếc ghế xa lông phía sau, hình như ông đang lẩm nhẩm hát bài “cát bụi” của Trịnh Công Sơn thì phải!
 

 3. Nhà thơ Xuân Sách và điện thoại di động
 

Trong dịp lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5 năm nay, xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro tổ chức một chuyến giao lưu và tham quan thực tế miền trung cho cộng tác viên bản tin Vietsovpetro. Nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Tùng Bách và tôi được mời đi cùng. Nhà thơ Xuân Sách đi xe riêng với Phó Tổng Giám đốc T.H. Tôi hoàn toàn chưa biết ông đã có điện thoại di động. Hôm đoàn tổ chức giao lưu với Hội Văn học Nghệ thuật Đà nẵng, đang lúc ốn ào đông vui thì tôi nghe có tiếng chuông điện thoại reo. Phải ra hẳn ngoài hành lang mới nghe được. Đó là điện thoại của chị Tú (vợ nhà thơ Xuân Sách) gọi. “Mậu có ngồi với anh Sách không, cho chị nói chuyện với anh Sách. Cả ngày hôm nay chị gọi hoài mà không thấy anh bốc máy!” Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại chị: “Chị biết anh ở đâu mà gọi?” Chị Tú bảo: “Anh có di động mà!”

Đây là một sự kiện trọng đại. Tôi chợt nghĩ ngay rằng, Tùng Bách lại có đề tài trêu chọc ông đây!   

Tôi bấm nhà thơ Xuân Sách ra hành lang: Chị Tú gọi điện thoại cho anh sao anh không nghe?  Ông hốt hoảng thật sự: Chết bỏ mẹ, tao có nghe nó rung trong túi mấy lần, bà ấy dặn, nhấn nút xanh là nghe, bấm nút đỏ là tắt, sao tao làm đúng như thế mà vẫn không nghe gì cả! Đây! Điện thoại đây, Mậu thử gọi cho chị Tú xem, hay ở nhà có chuyện gì? Tôi cầm cái điện thoại effol loại khuyến mãi biếu không khi hoà mạng. Thú thật là tôi cũng chưa sành loại máy này, bởi màn hình quá nhỏ, và các nút bấm lít nhít rất khó sử dụng. Tôi bảo ông: Để em gọi máy em cho anh nói chuyện, bao giờ về hẵng hay!

Hôm sau, tôi nhờ Tùng Bách kiểm tra máy cho ông. Máy tốt! Ông cười hồn nhiên: Ờ sao nhỉ? Tớ cũng làm đúng như thế mà sao vẫn không được! Rồi ông đút máy vào túi, nói lảng sang chuyện khác.

Ngồi trên xe, Tùng Bách bỗng nảy ra ý trêu chọc ông, nhá máy xem ông có sử dụng được không? Nhưng khi ấy, tất cả mới ớ ra. Không ai trong đoàn có số máy của ông cả!

Khi đọc được những dòng này của tôi, tôi đề nghị nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng ở Gia Lai hãy gạch bỏ tên nhà thơ Xuân Sách ra khỏi danh sách những nhà văn, nhà thơ Việt Nam chưa có di động. Bạn đọc nào muốn biết số di động của nhà thơ Xuân Sách xin liên hệ số máy 064.859.689 gặp chị Thanh Tú. Lưu ý, xin chớ hỏi nhà thơ Xuân Sách, ông không hề biết số di động của mình là thế nào đâu… Hỏi không khéo bị ông mắng cho đấy!
 

4. Nhà thơ Xuân Sách với đường sá
 

Không biết ngoài nhà thơ Xuân Sách, các nhà văn Việt Nam còn có ai lơ mơ chuyện đường sá như ông nữa không? Tôi khuyên, các nhà văn, nhà thơ khi đến Vũng Tàu, hỏi chuyện Xuân Sách, chuyện Đông, Tây, Kim, Cổ, chuyện thế sự, chuyện thời sự… thì được, tuy ông chỉ ngồi một chỗ nhưng chuyện gì, ở đâu ông cũng biết… ngoại trừ chuyện đường sá. Chớ tin ông là thổ công ở Vũng Tàu mà nhầm đấy… đến như nhà ông, nhiều hôm đi uống cà phê về, ông phải lượn đi, lượn lại năm bảy vòng mới tìm ra ngõ nữa là…

Còn nhớ, có lần tôi và ông từ nhà sáng tác về, chợt ông dừng xe lại bảo tôi: Bỏ mẹ! Tớ đi quá đường rồi cậu ạ! Tôi hỏi, thế anh định đi đâu? Ông bảo: Thì về nhà chứ còn đi đâu! Trời đất, nhà anh ở trước mặt chứ đâu! Qua bưu điện, anh rẽ vào XVNT một đoạn là đến! Ông ớ ra: Thế à! Thế mà tớ cứ tưởng quá rồi!

Tùng Bách kể: Có hôm ông đi dự khai mạc ở nhà sáng tác về. Trưa nắng chang chang, đường vắng vẻ, nhà văn trần Đức Tiến bảo ông cứ băng qua bùng binh cho gần. Nhà văn Trần Đức Tiến đi qua không sao, ông đi sau, bị cảnh sát giao thông tuýt còi chặn lại. Bình thường, ông tỏ ra “dũng cảm” lắm. Ông thường bảo, ông không có thời gian để sợ ai nữa! Nhưng chỉ cần có tiếng còi công an là ông mất hết bình tĩnh, tự tin vốn có.

Cảnh sát giao thông yêu cầu ông xuất trình giấy tờ, ông chỉ nói mãi một câu: Cậu kia -  tay ông chỉ theo cái bóng nhà văn Trần Đức Tiến đang dần mất hút phía trước mặt - cậu kia bảo tớ đi!

Nhìn mái tóc bạc phơ của ông, mấy anh cảnh sát giao thông thấy động lòng: Thôi bác đi đi! Nhớ lần sau đừng băng qua bùng binh nữa nhé!

Ông lầm bầm nói với Tùng Bách: Bỏ mẹ! Cái thằng Tiến nó xui dại! Suýt thì bị phạt mất mấy trăm ngàn…!

Rút từ “Qua sông nhặt bóng, Nxb Thanh Niên, 2022.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm