- Tin tức văn nghệ
- Đọc và gặp tác giả tiểu thuyết Lốc xoáy
Đọc và gặp tác giả tiểu thuyết Lốc xoáy
NGUYỄN VĂN HÙNG
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng tại cuộc tọa đàm
Anh Võ Minh quê Nghi Thịnh, Nghi Lộc; sinh năm 1952, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau nhiều năm làm người lính trận, góp phần xương máu của mình, năm 1974 anh rời quân ngũ, ra Hà Nội điều trị vết thương với chứng chỉ thương binh ¼, mất sức 81%. Năm 1975, anh thi vào học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, năm 1980 Võ Minh trở thành một kỹ sư điện, là người Việt Nam đầu tiên, vào năm 1984, thiết kế thành công hệ thống điện cho loại cần cẩu 3 tấn trên tàu biển, cần cẩu tháp trong xây dựng… Vài nét sơ sài vậy, để bạn đọc biết một điều, trước khi cầm bút viết văn, anh đã sống và đóng góp rất đáng kể cho sự nghiệp Thống nhất đất nước, bình yên và hạnh phúc cho quê hương, xứ sở.
Tính đến nay, nhà văn Võ Minh đã cho xuất bản ba đầu sách riêng. "Có một thời như thế" (Hồi ký, Nxb. Thanh Niên, 2007, tái bản nhiều lần); "Nghị quyết cây khế" (Truyện ngắn, Nxb. Hội Nhà văn, 2014); và "Lốc xoáy" (Tiểu thuyết, Nxb. Phụ Nữ, 2022). Nghe anh nói, tìm một nơi khai sinh cho "Lốc xoáy" không dễ, cuối cùng sau 4 năm, thật may mắn, Nxb. Phụ Nữ nhận "đỡ đầu" cho anh với 1000 bản sách in ra. Bề dày tác phẩm như thế chưa nhiều, điều dễ thấy là sách anh đã được một số nhà xuất bản ở Hà Nội đón đợi, cùng rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm tìm đọc, quý mến, trân trọng cả về văn chương và người cầm bút. Tôi lật qua "Lốc xoáy", sách chia ba phần: Trời long đất lở - Ma quỷ cõi người - Luật đời nhân quả. Có thể hình dung, ngòi bút nhà văn đã không ngại ngần khi đề cập đến những đề tài, vấn đề rất phức tạp: Cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp và hệ lụy của nó ở miền Bắc nước ta kéo dài cho đến thời kỳ đổi mới sau năm 1975. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội), phần cuối bài giới thiệu tiểu thuyết này, viết đại ý đọc hết bản thảo cuốn sách, thấy bồi hồi, xúc động. Đấy vẫn là một cuốn sách hay, cuốn hút độc giả bởi tính chân thực, góc nhìn riêng, mới về cải cách ruộng đất. Nó xứng đáng tìm được chỗ đứng sang trọng trên kệ sách các thư viện và trong tủ sách gia đình những người yêu sách, quan tâm đến lịch sử nước nhà... Bút pháp, giọng điệu trong "Lốc xoáy" thường đan xen chất hiện thực và hài hước, trào lộng vốn là sở trường của dân xứ Nghệ, khiến bạn đọc lắm khi không nhịn được cười, cười ra nước mắt. Ở phần “Long trời lở đất”, nhà văn để cho đội trưởng đội cải cách Ngô Kiểm dằn giọng thế này, tại cuộc họp giữa đội cải cách ruộng đất với các thành phần cốt cán xã Đức Lộc, chuẩn bị kết án tử hình bốn địa chủ Hàm, Mùi, Năm, Toàn: "Ngoài việc các đồng chí phải tiên phong có mặt sớm nhất vào sáng mai ở đây, chúng ta còn có nhiệm vụ tối quan trọng nữa, đó là từng cá nhân một phải xâm nhập đến từng quần chúng một, để phát động họ tố giác, đấu tố tội ác của các tên địa chủ. Trông thấy ai đứng ỳ ra không đấu tố được thì các đồng chí phải đem những tờ giấy đã viết sẵn đến nhét vào tay họ để cầm lên mà đọc. Nếu họ không biết chữ thì các đồng chí phải đứng ngay sát cạnh nhắc lời cho họ đấu tố. Nói với họ rằng, tất cả những quả thực thu được trong các nhà địa chủ đang để ở đây, sẽ chia theo từng mức, tùy thuộc vào sự hăng hái, tích cực và số lần họ tham gia đấu tố những tên địa chủ này...". Chỉ cần một đoạn văn hơn trăm chữ đã đủ lột tả bản chất giả dối, tàn bạo, trâng tráo của đội trưởng Ngô Kiểm. Bạn đọc cũng hẳn chưa quên cuộc gạ gẫm, mặc cả, đổi tình lấy chức, lấy tài sản một cách “tự nhiên”, hết sức “sòng phẳng”, và cũng hết sức đồi trụy giữa đội trưởng Ngô Kiểm và mụ Mận, một đêm nọ, ngay trên thân xác của hai kẻ thất đức, đầy mưu ma này.
Ngòi bút Võ Minh, từ cuốn "Có một thời như thế" chuyển qua "Nghị quyết cây khế", rồi "Lốc xoáy" (ở đó, như có lần tác giả bộc bạch, là đảo số phận của hai lớp người giàu - kẻ nghèo giữa thập niên 50 Thế kỷ trước, cũng như hậu quả của nó kéo dài nhiều năm sau), bạn đọc thấy rõ ở nhà văn này còn sung sức, không ngại cất công tìm tòi, hiểu biết, dám nghĩ ngợi, dám bứt phá. Sẽ còn nhiều nội dung nhạy cảm, thú vị và cả "hóc búa" nữa, đang chờ người đọc đây đó phát hiện, cảm thông, soi xét, chia sẻ. Một câu hỏi dễ đặt ra với tác giả từ phía bạn đọc chuyên sâu: Về sự kiện lịch sử cải cách ruộng đất sau (từ năm 1953 tới 1956) trên miền Bắc nước ta, đã có quá nhiều đầu sách, chuyên luận, bài viết thuộc nhiều thể loại như Sử học, Chính trị, Xã hội học, Tư liệu, Báo chí, Bình luận, Văn học - nghệ thuật… đề cập đến, trong đó có cả những nhà chính trị, sử học, nhà báo, nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước. Những cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị khoa học nghiêm túc, tâm huyết; cả những câu chuyện riêng tư thấm đẫm vui buồn quá vãng ngoài đời cũng không hiếm. "Lốc xoáy", một cuốn sách văn học, nó đang đứng ở đâu trong dòng chảy sách văn học về đề tài cải cách ruộng đất; nó mang lại đóng góp gì nổi bật, phát hiện gì chưa hoặc còn ít xuất hiện trước đây, cả về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật thể hiện của tiểu thuyết Việt Nam đương đại? Hạn chế của “Lốc xoáy” là gì? Vấn đề nêu ra như thế không khó, nhưng tìm được câu trả lời thỏa đáng thì chắc không dễ chút nào?! Tiểu thuyết “Lốc xoáy” tái hiện lại sử thi của cái hôm qua, của hiện thực Việt Nam nửa sau Thế kỷ XX, theo tôi, nó vẫn thuộc vào kiểu tiểu thuyết “hiện thực chủ nghĩa”, miêu tả giống như hình thức của đời sống với định hướng nhận thức lại, hoặc phê phán nhiều chỗ tới mức quyết liệt. Xét về nghệ thuật, sự xáo trộn các bình diện thời gian (thời gian sự kiện và thời gian trần thuật), vấn đề về “ngôi” và “thời” của lời trần thuật, các “điểm nhìn” trần thuật của nhà văn cũng cần được tính đến và khảo sát kỹ lượng, ở cuốn sách này.
Lần về quê Nghệ mới đây, vào giữa tháng 4/2023, anh Võ Minh có buổi gặp mặt đơn sơ, ấm áp tình cảm với một số nhà giáo, đồng nghiệp, bạn văn bạn báo tại TP. Vinh. Tiện thể, mọi người bàn luôn về cuộc tọa đàm tiểu thuyết “Lốc xoáy” sẽ do Nhà xuất bản Phụ Nữ và Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An phối hợp tổ chức, Chi hội VHNT Thị xã Cửa Lò đăng cai… Nhân gặp gỡ tác giả “Lốc xoáy” lần này, tôi kéo anh Võ Minh ra một chỗ vắng, đặt câu hỏi những lý do căn cốt nào khiến nhà văn chọn viết về đề tài cải cách ruộng đất ở nước mình? Anh không ngần ngại chia sẻ những ý tưởng chắc đã nung nấu bấy lâu: “Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng làm thay đổi 180 độ số phận của hai lớp người giàu và nghèo. Xã hội sau đó được vận hành theo dòng chảy mới, cái được cũng có và cái mất cũng không nên xem nhẹ. Truyền thống và văn hóa của dân tộc có được đều mang tính kế thừa bao đời để lại. Nhân phẩm của một con người cũng được xây dựng từ đấy. Bởi vậy, đối với người lãnh đạo, Bác Hồ từng nói, họ cần có cả Đức lẫn Tài, nếu không thì sẽ gây ra biết bao hệ lụy, nguy hiểm cho chính cuộc cách mạng mà chúng ta đang tiến hành, đang xây dựng và bảo vệ. Có một điều tôi muốn nói ở đây, là tính nhân văn rất lớn ở những người bị hại. Qua bao sóng gió vùi dập, tưởng họ đã nằm tận bùn đen rồi, nhưng không họ vẫn trồi lên được. Điều này minh chứng không có một sức mạnh nào dập tắt được ý chí quật cường khong ngừng vươn lên từ trong hồn cốt được nuôi dưỡng từ truyền thống, gia phong lâu đời của họ. Và khi đã thành đạt, hầu như không một ai trong số đó quay lại trả mối hận thù xưa. Không những thế, họ còn vị tha, giúp đỡ, cưu mang những-kẻ-thù-xưa nữa…”. Vài gợi mở này, tôi nghĩ, sẽ rất cần để bạn đọc chúng ta nắm rõ bản chất, cái đích, cũng là những bài học hết sức nhân bản của cuốn tiểu thuyết mà nhà văn muốn hướng đến, sau gần 500 trang sách. Nhân đây, tôi hỏi anh, có phải nhân vật Minh Quang trong "Lốc xoáy" là một phần hành trạng, hồn vía của Võ Minh ngoài đời đấy không? Minh Quang, trong tiểu thuyết, là con ông bà Năm, xóm Lộc Thọ; hồi cải cách tuổi còn nhỏ, lớn lên vào bộ đội là đồng đội với Hai Trung (con trai ông Ngô Kiểm), cùng vào sinh ra tử, và cuối cùng chứng kiến sự hy sinh của Hai Trung. Nhà văn trích ngang lý lịch Minh Quang, ở phần ba “Luật đời nhân - quả”: "Một trong những người may mắn "sót sổ" được trở về dẫu chẳng còn vẹn nguyên sau chiến tranh. Giờ, Minh Quang đã ra khỏi quân đội, chuyển ngành học năm thứ hai, Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội..."? Anh Võ Minh nghe tôi hỏi, cười vui vẻ: “Vâng, với nhân vật Minh Quang trong “Lốc xoáy”, chắc không có gì sai nếu nói nhân vật này cũng được dựng lên từ cuộc đời, hồn cốt của chính tác giả…”.
Năm 2007, anh cho xuất bản cuốn sách đầu tay “Có một thời như thế” làm nên tên tuổi nhà văn Võ Minh trong lòng bạn đọc xa gần; đến năm 2022, cuốn hồi ký này được Nhà xuất bản Thanh Niên in tới lần thứ 8. Ở phần cuối sách, nhà văn bộc bạch với bạn đọc, tháng 9/1975 anh bước vào giảng đường đại học, hơn 5 năm sau trở thành kỹ sư điện, mở ra một hướng mới cho đời mình. Con đường binh nghiệp đã rời xa, tuy nhiên cái tình đồng đội, đồng chí trong Trung đoàn 271 Anh hùng sẽ không và không bao giờ phai nhạt. Sau cuộc chiến, người còn kẻ mất, người trở về với hai bàn tay trắng, người ôm nỗi đau chất độc da cam với di chứng nặng nề để lại cho không biết bao nhiêu thế hệ sau… Dù khắc nghiệt đến thế đi nữa, người lính vẫn cố vượt lên tất cả, chứng tỏ bản lĩnh, nghị lực phi thường của họ, xứng danh “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Hiểu được tâm nguyện giản dị, sâu xa, thành thật này, bạn đọc chúng ta càng hiểu thêm, thấm thía thêm không chỉ “Có một thời như thế”, mà cả “Nghị quyết cây khế” và “Lốc xoáy” nữa!
N.V.H
Vợ chồng nhà văn Võ Minh tại buổi tọa đàm.
Một vài hình ảnh có liên quan tới hoạt động của nhà văn Võ Minh, tác phẩm của anh, và các đồng nghiệp, bạn đọc tại quê hương Nghệ An.