- Nhà văn & Góc nhìn
- San bằng những gập ghềnh chồng vợ bằng... thơ
San bằng những gập ghềnh chồng vợ bằng... thơ
PNO - Ngày ấy chị Hương 29, anh Hùng hơn chị 15 tuổi, đã có hai con riêng. Anh là tiến sĩ khoa học, chị chỉ là cô thợ may bình thường, gia đình đạo gốc, muốn cưới chị, anh buộc phải theo đạo…
Cách đây hơn 20 năm, nhà thơ Nguyên Hùng, khi đó thường được mọi người gọi là tiến sĩ ngành thủy lợi, đã dùng bài thơ vui này để đánh đổ trái tim cô thợ may xinh đẹp Mai Hương rồi từ đó “vượt ải” gia đình cô, một gia đình vốn theo đạo gốc. Hai người tạo lập một gia đình hạnh phúc suốt 20 năm qua.
Cho đến tận lúc này, khi đã nghỉ hưu, rời khỏi công việc một công chức để yên tâm theo đuổi đam mê thật sự của mình: làm thơ. Anh vẫn thường nói, điều thành công nhất và cũng là may mắn nhất của đời anh chính là cưới được chị, người phụ nữ đã mang đến cho anh một hạnh phúc bình yên.
Pattaya, Thái Lan (8/2015)
Gửi những yêu thương bằng... thơ
Chuyện của anh chị bắt đầu từ sự quan tâm của một người em họ. Một lần anh Hùng đến nhà cậu em, cám cảnh anh sau bao năm học hành nơi xứ người, về nước thì gia đình mâu thuẫn đến mức phải ly hôn, cơm niêu nước lọ lại hoàn cơm niêu nước lọ, cậu em khẳng định: “Anh phải kiếm cho mình một cô thôi”.
Cũng chẳng xa xôi gì, cậu chỉ vào tiệm may gần nhà của cô thợ may Mai Hương mà bảo, cô ấy hợp với anh đấy. Không nói suông, sau đó cậu em rủ mấy chị em Mai Hương cùng đến nhà anh Hùng chơi.
Vậy là họ quen nhau. Ngày ấy chị Hương 29, anh Hùng hơn chị đúng 15 tuổi, đã có hai con riêng với người vợ trước. Anh đang là một tiến sĩ khoa học, chị chỉ là cô thợ may bình thường, gia đình đạo gốc, muốn cưới chị, anh buộc phải theo đạo…
Những khoảng cách gập ghềnh bày rõ trước mắt, nhưng anh nhẹ nhàng “san bằng” nhờ một bài thơ hồn hậu, mang theo những lời hứa thủy chung. Chẳng biết là nhờ bài thơ hay nhờ cách cư xử chân thành và tấm lòng tha thiết của anh mà chị gật đầu đồng ý làm vợ anh.
Hỏi anh vì sao yêu chị, một người phụ nữ bình dị, khó có thể cảm nhận, thấu hiểu hết những thăng trầm của một người từng trải nhiều nỗi đời, lại đa đoan trái tim thi sĩ như anh, anh chỉ cười: “Chính vì thế mà mình yêu cô ấy. Cho đời giản đơn bớt, nhân hậu hơn và hứa hẹn những bình yên”.
Thật ra, thâm tâm anh lúc đó không chỉ nghĩ lấy vợ cho mình mà còn tìm cho các con một người mẹ thứ hai bao dung, nhân hậu, để sau này dù là con của ai cũng giữ được mối quan hệ gắn bó ruột thịt.
Điều may mắn của anh nhà thơ
Chẳng phải bạn bè hay người thân mà chính người vợ trước của anh Hùng (đã mất vì bệnh cách đây sáu năm) từng nói với anh: “Anh may mắn khi gặp cái Hương!”. Anh chị chia tay vì những hiểu lầm, cuộc ly hôn nhẹ nhàng, êm thắm, không có chuyện tranh giành, chèn ép gì nhau; thậm chí hai người còn nhường nhịn nhau, tìm cách làm sao cho cuộc sống sau này của các con được vui vẻ.
Việc này cũng là cơ sở tốt cho cuộc hôn nhân thứ hai của anh. Anh kể, từ lần đầu gặp nhau cho đến mãi sau này khi đã quen biết, vợ cũ và vợ mới của anh đều cư xử với nhau rất thân ái. Những lần có cưới hỏi hay đám tiệc của gia đình, họ vẫn ngồi chung bàn vui vẻ với nhau.
Có được mối quan hệ tốt đẹp đó một phần là do chị Mai Hương luôn thể hiện tình cảm yêu mến, tôn trọng người vợ trước của anh Hùng. Mà thật ra, vợ trước của anh cũng xứng đáng được tôn trọng, quý mến.
Chị vốn là một phụ nữ đảm đang và sắc sảo. Một tay chị tần tảo lo cho các con khi anh đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Sau khi ly hôn, chị cũng giành phần chăm sóc các con để anh được nhẹ nhàng làm lại cuộc sống mới.
Về phần mình, chị Mai Hương cũng tạo được sự quý mến của người vợ cũ và các con riêng của anh bằng chính sự yêu thương dành cho bọn trẻ. Dù chẳng khá giả gì nhưng chị luôn thích tặng quà cho các con chồng. Là thợ may, quà của chị thường là những bộ quần áo mới cho con gái và sau này là cho các cháu của anh.
Trong cách quan tâm của vợ sau dành cho con riêng của mình, anh Hùng nhận ra rất rõ sự chân thành và những cố gắng bù đắp của chị cho sự thiếu sót trách nhiệm làm cha của anh, chứ không phải chuyện vờ vịt lấy lòng. Người vợ cũ và các con riêng của anh cũng cảm nhận được ngay và đón nhận, đáp trả chân tình đó bằng những quý trọng, yêu thương.
Cách ứng xử đó cũng chỉ là chuyện tất nhiên, bởi bản chất của chị là người trọng tình nghĩa hơn tiền bạc. Chính anh cũng thấy rõ, những gì anh làm được và mang về cho gia đình, chị luôn tiết kiệm vừa đủ cho cả nhà, phần còn lại là lo giúp gia đình bên này bên kia của anh, của chị.
Kê lại những gập ghềnh
Được cái này chắc chắn sẽ phải mất cái khác, là điều anh Hùng hiểu rất rõ khi đặt chị Mai Hương vào những mong muốn về mái ấm mới của mình. Dù là một nhà khoa học nhưng từ thời trai trẻ anh đã thích làm thơ và có tâm hồn rất lãng mạn. Sau khi nghỉ hưu, rảnh tay với nợ áo cơm, anh có thời gian làm thơ, in sách, tham gia các câu lạc bộ thơ văn.
Năm rồi, anh chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là niềm vui, niềm tự hào của anh, nhưng với chị Mai Hương thì lại là những thoáng buồn, thoáng ghen. Chị không thích những bóng hồng thoảng qua trong thơ anh, không thích anh cứ đi giao lưu với những người phụ nữ cùng đam mê như anh.
Thay vì cảm thấy bị trói buộc, mất tự do hay bực bội vì không được vợ thấu hiểu, chia sẻ, anh Hùng lại lấy đó làm lý do để thương vợ hơn: “Chẳng qua là cô ấy mặc cảm thôi. Cô ấy từng nói nghe rất thương: “Em không làm thơ được…”. Hiểu được rồi thì không khó làm cho nhau khỏi đau, khỏi buồn. Anh cố gắng giúp chị yên tâm và vui với đam mê riêng của anh. “Cái gì giảm bớt được thì giảm, chứng minh được thì chứng minh cho cô ấy yên tâm. Vợ chồng mà tự ái so đo với nhau thì khó có được hạnh phúc”, anh nói.
Từ ngày nghỉ hưu, đi đâu anh cũng đưa chị theo. Dù lương hưu không cao, các con lại còn đang ăn học, nhưng anh vẫn tổ chức nhiều chuyến đi chơi để giúp chị thấy vui sống và tự tin hơn. Phong Nha, Kẽ Bàng, Huế, Thái, Singapore, Malaysia, Indonesia… chỉ cần có đủ khả năng tài chính là anh đưa chị theo ngay.
Anh bảo, ngày xưa cô thợ may hiền dịu anh nói trong bài thơ đơn giản và tiếp thu mọi việc không nhạy bén lắm; nhưng từ những nỗ lực của anh và của chính chị, họ đã xích lại gần nhau nhiều hơn, xóa dần được những khoảng cách giữa hai người. Những lúc trong nhà có vấn đề gì, anh thường yêu cầu chị và các con kiên nhẫn giải quyết.
Anh luôn lắng nghe và khuyến khích khả năng tư vấn tâm lý của chị cho chồng, cho con. Đến giờ, khi cùng chị ở nhà trà nước bên nhau, làm thơ và thỉnh thoảng cùng đi du lịch, anh nói, hai người đã thấy ngày càng hòa hợp hơn, một sự hòa hợp tự nhiên đến từ thực tế giải quyết những vướng mắc trong đời sống và từ sự giúp của người này dành cho người kia.
Song Văn (Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn)
Đơn xin làm... con rể
Thưa hai cụ
Con tên là Một Nửa
Cầm tinh con ngựa
Thành phần nông dân
Nay sống độc thân
(Nhưng cũng có nhà để ở)
Nghề nghiệp: vừa thầy vừa thợ
Kinh tế: đủ nuôi một vợ vài con
Tôn giáo thì không
(Nhưng đạo rồi sẽ có).
Thưa hai bác
Chúng con biết nhau chưa lâu
Nhưng cả hai cùng dành cho nhau
Thật nhiều thương mến
Con yêu H. như thuyền yêu biển
H. với con như bến đỗ con thuyền
Con yêu H. thùy mị dịu hiền
Con yêu H. nết na hiếu thảo
Hai bác vui lòng cho con học đạo
Để được làm rể nhà mình nay mai.
Thưa ba thưa má
Con chân thành xin hứa:
Sẽ thương yêu H. trọn đời
Sẽ không làm em buồn bởi những cuộc rong chơi.
Tự đáy lòng
Con xin biết ơn ba má.
Ngày…. tháng …. năm…
Kính đơn
Con: Một Nửa.
Bình luận