- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- ‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
NGUYỄN VĂN HÒA
Nhân đọc tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Nguyên Hùng vừa cho ra đời cặp song sinh Ký họa thơ (Thơ, 81 Chân dung Văn học) và Trăm khúc hát một chữ duyên (Thơ - nhạc). Sự ra đời của 2 đứa con tinh thần ấy đã cho thấy Nguyên Hùng là người đam mê mãnh liệt với văn chương. Nguyên Hùng dành tình cảm rất đặc biệt với anh em, bạn bè văn nghệ. Tập sách nào của anh cũng ăm ắp nghĩa tình. Với Ký họa thơ, chứa đựng nhiều thông tin quý về những đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, văn chương chữ nghĩa. (Trước đó, nhà thơ Nguyên Hùng cũng đã có 102 mảnh ghép văn nhân (2017).
Trong các đầu sách đã xuất bản, đã có một số tác giả đã vẽ nên những chân dung của các nhà văn, nhà thơ trong nền văn học. Thậm chí đã có người đã xây dựng nên hàng trăm chân dung. Bằng tài năng, góc nhìn và cách thể hiện của từng tác giả đều có những nét độc đáo riêng. Đôi lúc, người viết lại có những thiên kiến, đánh giá theo cách chủ quan nên chân dung lại trở nên “méo mó”. Với Nguyên Hùng, anh “vẽ” những bức chân dung về các văn nhân bằng một cái nhìn hiền lành, ưu ái, đầy thiện cảm. Do vậy, chắc chắn một điều đọc qua mỗi chân dung mỗi người trong chúng ta sẽ có những rung cảm nhất định.
Ở Ký họa thơ, gồm 81 chân dung được xếp theo thứ tự ABC của tên các tác giả. Họ thuộc nhiều thế hệ, đã thành danh, tên tuổi và tác phẩm của họ đã khẳng định, có vị thế và chỗ đứng trong nền văn chương nước nhà. Vì thế, những tên tuổi này khi liệt kê ra những người yêu thích và quan tâm đến văn chương hẳn đều biết; bởi có thể đã từng được học, được đọc, được nghe hay được nhắc tên ở đâu đó...
Nguyễn Bính, Ngô Vĩnh Bình, Thu Bồn, Hoàng Cầm, Hoàng Nhuận Cầm, Huy Cận, Phạm Ngọc Cảnh, Vũ Cao, Văn Cao, Hoàng Cát, Nguyễn Minh Châu, Quang Chuyền, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Mạnh Đẩu, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Quang Dũng, Nguyễn Duy, Bảo Định Giang, Lê Quốc Hán, Tế Hanh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Mạnh Hảo, Bùi Sỹ Hoa, Ngô Xuân Hội, Nguyễn Trí Huân, Văn Công Hùng, Trương Nam Hương, Chính Hữu, Tố Hữu, Nguyễn Khải, Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập, Văn Lê, Lại Văn Long, Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Sơn Nam, Giang Nam, Nguyễn Duy Năng, Lê Thành Nghị, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lê Thiếu Nhơn, Hải Như, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Bình Phương, Viễn Phương, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Lê Minh Quốc, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Sáng, Kao Sơn, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Lê Văn Thảo, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Hoàng Trung Thông, Đỗ Xuân Thu, Khuất Quang Thụy, An Thuyên, Nguyễn Vũ Tiềm, Chim Trắng, Vương Trọng, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Trường, Trần Văn Tuấn, Thanh Tùng, Diệp Minh Tuyền, Trần Chấn Uy, Chế Lan Viên, Châu La Việt, Hoài Vũ, Lưu Quang Vũ.
Để phác họa chân dung về 81 con người này cũng không phải là điều quá khó nhưng để vẽ đúng, nêu bật được những hồn cốt, nét “tinh” nhất của từng gương mặt văn nhân thì không phải là điều đơn giản. Thế nhưng, đọc hết 81 chân dung trong tập sách này, bạn đọc mới thấy được sự nghiên cứu sâu sắc, nghiêm cẩn và đầy trách nhiệm của nhà thơ Nguyên Hùng đối với từng gương mặt văn nhân. Đây không chỉ tài năng mà còn phải là sự yêu thích, niềm đam mê, sự dày công tìm tòi, đào sâu suy nghĩ... Hội tụ đầy đủ những yếu tố, khía cạnh đó thì Nguyên Hùng mới có thể phác họa đầy đặn, phong phú làm nên nét đẹp và niềm kiêu hãnh riêng ở từng khuôn mặt văn nhân.
Đọc, ngẫm, từng gương mặt văn nhân trong tập sách càng cho tôi thêm nhiều thông tin bổ ích về chính họ. Dường như dưới nét chấm phá của Nguyên Hùng, gương mặt của từng văn nhân lần nữa lại càng được bồi đắp thêm nét đẹp, sự trân trọng, ghi nhận những thành quả mà các văn nhân đã cống hiến cho đời sống văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Hai cuốn sách mới của Nguyên Hùng (Nxb Hội Nhà văn, 2024)
Xin dẫn ra đây một vài ví dụ để chứng thực điều vừa nói ở trên.
Viết về chân dung Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê nổi tiếng một thời, Nguyên Hùng phác họa:
Mười chín thầm mơ cô hái mơ
Tương tư đã biết bấm khuy chờ
Chân quê đồng nội còn lưu dấu
Chanh nở vườn chanh tím ngẩn ngơ
Nam tiến ngày vương hương cố nhân
Đêm nằm nghe tiếng trống đêm xuân
Mười hai bến nước ai còn nhớ
Một thuở trăm hoa nở mấy lần?
Trong bóng cờ bay nhớ đất Nam
Chạnh thương chị Trúc lỡ sang ngang
Một nghìn cửa sổ, đêm sao sáng
Thi sĩ tìm gì giữa đêm hoang?
Tết đến sao người nỡ vội đi
Để lại niềm thương, gió dặn gì
Ông lão mài gươm phun bã khói
“Một mình làm cả cuộc phân ly”...
Hoàng Cầm, nhà thơ nổi tiếng, được giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật năm 2007. Bài thơ Bên kia sông Đuống của ông từng được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở chương trình phổ thông và bài Lá diêu bông đã làm thổn thức bao thế hệ. Người ta cố đi tìm lá diêu bông mà ông nói trong bài thơ nhưng tìm mãi từ ấy đến giờ vẫn chưa biết lá diêu bông là lá thế nào, có phải có lá diêu bông thật ở ngoài đời không hay chỉ là hư ảo?
Sinh ra ở bên kia sông Đuống
Tình thơ bay không dừng bến sông Hồng
Có Kiều Loan với bao niềm vui sướng
Vẫn lên đường tìm mãi lá diêu bông.
Về cõi em để chịu hai lần chết
Men đá vàng in dấu mắt thiên thu
Gót chân xinh không theo về Kinh Bắc
Bao tim yêu xin tự nguyện cầm tù.
Niềm đôi lứa vẫn phiêu diêu câu hát
Nỗi nước non vẳng lời hịch căm hờn:
Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm!
Cái hay ở Nguyên Hùng là anh có sự nghiên cứu kỹ, xâu chuỗi hoạt động, tìm ra điểm nổi bật nhất, “đỉnh cao nhất” của từng gương mặt. Để từ đó Nguyên Hùng phác họa mà người đọc chỉ cần đọc những câu thơ của anh sẽ có cơ sở hiểu rõ về người mà anh nói đến.
Nhà thơ được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam, ở mỗi sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đều có thơ phản ánh nên người ta coi ông là người chép sử bằng thơ. Điều đặc biệt hơn ở nhà thơ này đó là người viết thơ về Bác nhiều, hay và thành công nhất trong nền văn học hiện đại. Ông chính là nhà thơ Tố Hữu.
Từ ấy người đi làm cách mạng
Vần thơ ánh đỏ những hào quang
Việt Bắc mãi ngời theo năm tháng
Người về để lại nhớ mênh mang...
Gió lộng trong lòng bao lứa đôi
Ngày Bắc đêm Nam cảnh chia phôi
Vững tin son sắt ngày ra trận
Máu biến thành hoa đỏ thắm môi.
Ta tiễn đưa người theo chân Bác
Giữ lại cho đời ấm tiếng thơ
Còn vẳng đâu đây lời anh nhắc:
“Sống là cho và chết cũng là cho”.
Trong số 81 gương mặt văn nhân có nhiều người nhà thơ Nguyên Hùng chỉ biết thông qua sách báo, tư liệu. Và cũng có những người là bạn bè thân thiết với ông. Nhưng tất cả nhà thơ “vẽ” lên bằng tình yêu mê đắm, sự trân quý tài năng và phẩm hạnh của người cầm bút. Thơ Nguyên Hùng chân thành, đằm thắm, một cái tôi trữ tình da diết, luôn hướng về bạn bè, người thân bằng sự tin yêu và san sẻ.
Phác họa về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - một người anh, một người bạn thân thiết của mình, Nguyên Hùng đã rất tài tình phóng bút:
Phải lòng quan họ quê tôi
Câu thơ tản mạn một thời đồng dao
Tình yêu như thuở chiến hào
Tên bay đạn lạc phía nào cũng... em.
Rượu trăng nhắm với môi mềm
Cô đơn dốc đến cạn men nỗi buồn
Nặng lòng vận nước, quê hương
Thơ đi cùng với con đường nhân dân.
Không tìm danh vọng nương thân
Không theo điệu nhạc phù vân vỗ về
Bốn mùa khúc hát sông quê
Dạt dào tiếng sóng bùa mê gọi người...
Khi đọc cuốn Ký họa thơ, Tiến sĩ Hoàng Quỳnh Anh cho rằng: “... Những bức chân dung như đã được vẽ bởi một người ra đề khó tính: hãy vẽ giống, đúng nhân vật, chỉ bởi một số sắc màu quy định bởi chính nhân vật ấy. Tưởng sẽ khó thành công, vậy mà, đọc lên chúng ta thấy như ngọn lửa nồng ấm, lấp lánh, hay như những con suối trong lành. Có câu danh ngôn tôi đọc được ở đâu đó: Hãy đối xử với bạn bè của mình như đối xử với những bức tranh mà bạn yêu thích. Nguyên Hùng đã đối đãi với mọi người theo cách đó”.
Ký họa thơ bên cạnh 81 bài thơ Nguyên Hùng viết tặng 81 văn nhân còn có chân dung và tiểu sử của 81 văn nhân đó. Vì thế, tôi cho rằng tập sách sẽ là nguồn tư liệu quý, thật sự bổ ích đối với những người yêu thích, quan tâm và nghiên cứu về lịch sử văn chương Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Nguyên Hùng bộc bạch: “Tôi coi ấn phẩm này như một cuốn kỷ yếu nho nhỏ và hy vọng nó có thể giúp bạn đọc biết thêm hoặc nhắc nhớ tác phẩm của các nhà văn nhà thơ, những người đã có những đóng góp xứng đáng cho nền văn học nước nhà. Hy vọng rằng, cuốn sách sẽ góp một phần nhỏ trong việc cổ động văn hóa đọc, đặc biệt trong điều kiện sách báo in đang bị lấn át bởi các phương tiện nghe nhìn của thời đại công nghệ số”.