- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Đi tìm một từ khóa cho 'Sự im lặng biếc xanh' của Như Bình
Đi tìm một từ khóa cho 'Sự im lặng biếc xanh' của Như Bình
Nhà thơ HỮU THỈNH
In trong trí nhớ của tôi, sở trường của Như Bình là truyện ngắn. Tôi đã có may mắn đưa những truyện ngắn đầu tay của chị đăng lên Báo Văn nghệ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Và chúng tôi đã nhận được những hồi âm tốt từ những truyện ngắn ấy.
Nhà văn Như Bình ký tặng sách cho độc giả tại buổi ra mắt 2 cuốn sách và triển lãm tranh, ngày 19/10/2014.
Từ những truyện ngắn ấy, người ta có quyền đặt cược tình yêu và niềm hy vọng vào một cây bút nữ nhiều triển vọng. Và Như Bình với sự trưởng thành về sau này đã không làm thất vọng sự chờ đợi của bạn đọc.
Sự trưởng thành đã đầy lên đến mức khuôn khổ truyện ngắn dường như không chứa nổi vốn sống và tình yêu của chị. Như Bình viết tản văn. Rồi đến lượt tản văn với không gian tưởng như vô tận của nó cũng đã trở nên chật hẹp trước ngòi bút của Như Bình.
Thế là chị tìm đến Thơ, như tìm thấy một phương tiện màu nhiệm để trò chuyện với chính mình. Một cách để lắng lại, nhìn sâu vào bản thể để tìm được những câu trả lời cho muôn vàn những suy tư không dứt trong hành trình sống và chiêm nghiệm.
Như thế là, với văn xuôi, cuộc sống và thế giới khách quan là đối tượng của hiểu biết, khám phá sáng tạo, thì với Thơ thế giới nội tâm lại là đối tượng để suy tư, chiêm nghiệm, bày tỏ. Một khi tấm gương phản chiếu đã quay vào bên trong thì cảm xúc, ngôn ngữ cũng hoàn toàn thay đổi. Cái được rọi sáng, chẻ nhỏ bây giờ là toàn bộ cái thế giới lộng lẫy, phức hợp làm nên hồn cốt của một đời người.
Vậy, ta đã thấy gì ở trong đó?
Vịn vào những bày tỏ, những thổ lộ vô cùng thành thực của tác giả, ta bắt gặp nỗi cô đơn đang vây bủa, đang tạo ra những áp lực lên tâm hồn chị. Làm cho tâm hồn chị trở nên bất an, hình bóng chị trở nên lẻ loi, không gian sống của chị trở nên quạnh quẽ.
Nhìn thật thấu, nghe thật tỏ, ta nhận ra tên gọi của những áp lực đó chính là nỗi cô đơn. Trong “Sự im lặng biếc xanh” ta gặp không biết bao nhiêu lần Như Bình nhắc đến nỗi cô đơn. Và mỗi lần nhắc đến nỗi cô đơn thơ chị lại thốt lên những lời cào xé vô cùng:
Em phải sống thế nào cho bớt nỗi cô đơn?
Em phải sống thế nào để bớt những dại khờ?
Em phải sống thế nào để vui hơn?
Em phải sống thế nào?
Em phải sống thế nào?
Em phải sống thế nào?
(Trầm cảm)
Những câu hỏi dồn dập, khẩn thiết, rớm máu như những lời kêu cứu.
Kẻ lâm nạn đang cố thoát ra khỏi cảnh ngộ của mình.
Thế giới tâm hồn của tác giả là thế đấy.
Nhưng không phải chỉ có thế.
Còn bao nhiêu khát khao, còn bao nhiêu hy vọng về những gì tốt đẹp đang chờ đợi. Những lời gan ruột mới cảm động và thương cảm làm sao:
Em đã kịp sống đâu
Em đã kịp yêu đâu
(Viết về một nỗi sợ hãi)
Lời thơ thật giản dị nhưng tình cảm thật ai oán. Nếu coi nỗi cô đơn kia là một thảm trạng thì để thoát khỏi nó, những lời tự dặn mình sau đây có thể xem là một giải pháp:
Em cố gắng tốt lên
Chịu đựng
(Nói với anh)
Cứ trong ý tứ mà suy thì “Chịu đựng” khác với “cam chịu”. Chịu đựng là bản lĩnh, cam chịu là buông tay. Trong văn cảnh này, hai tiếng chịu đựng toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính, phải chăng ý nghĩa của “Sự im lặng biếc xanh” chính là ở đó?
Với ý nghĩa việc làm thơ là cuộc trò chuyện với chính bản thân mình, thì cuộc trò chuyện của Như Bình thật là thành thực và cảm động. Thơ chị cho chúng ta hiểu cuộc sống của chị với biết bao cung bậc của tình cảm.
"Pha một ấm hồng trà
Khói dâng buồn nghi ngút
Thở nhẹ một hơi trà
Uống sương đêm tan nốt"
(Uống hồng trà)
"Trong vườn em trái ngọt đã thắm cành
Hoa đã nở hương thơm dìu dặt tỏa
Hạnh phúc đến chật vườn ong bướm hát
Gió ôm mùi hương bay xa"
(Trong khu vườn lặng im của em)
Khu vườn đó chính là tâm hồn của Như Bình đó. Một tâm hồn thật đẹp, vị tha, dâng hiến. Giọng thơ lúc này trở nên dịu ngọt, ấm áp, đầy cảm mến, khác hẳn cái gay gắt, truy đuổi khi nói về nỗi cô đơn.
Người ta bảo thành thật là nghệ thuật cao nhất của thơ ca. Lúc còn trẻ tôi không kịp nhận ra điều đó. Nay về già, tôi thấy đó là một lời bàn hay nhất về Thơ. Đọc thơ Như Bình, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những câu thơ viết như chơi mà làm tôi bâng khuâng, ngơ ngẩn mãi. Chẳng hạn như câu sau đây trong bài “Nói với anh”
"Hoài nghi bản thân
Không đủ tốt"
Đó là những lời tự thốt lên trong cuộc trò chuyện với chính mình. Trong tập thơ “Sự im lặng biếc xanh”, Như Bình không tự giới hạn về một đề tài nào nhất định. Nói thế không phải chị gặp gì nói đó, mà rất có chọn lọc. Đó là người tự do chỉ vâng theo sự mách bảo của trái tim mình. Nhưng viết về bất cứ đề tài nào chị cũng có ý thức để cho chất trữ tình bật lên đủ sức mang được những thổn thức nội tâm của chị.
"Có lúc nào anh nhớ em không?
Biển xanh quá mà mùa hè trong vắt
Em chìm xuống
Không lúc nào tỉnh giấc
Mơ một ngọn gió màu xanh
Hoàng hôn thả mặt trời xuống vớt em lên
Em đỏ ối quả cầu cháy khát"
(Sự im lặng biếc xanh)
Là cây truyện ngắn đã có tiếng, Như Bình bước vào xứ sở của thơ ca khá tự tin. Chị đã tỉnh táo gạt bỏ tính kể lể vốn là thế mạnh của văn xuôi để mau chóng làm quen với tính hàm xúc của thơ, đặc biệt là sự lao động chữ. Chị kiên quyết không giống ai. Đó là điều rất đáng ghi nhận. Gấp tập thơ lại, ấn tượng của tôi còn vương vấn bởi những câu thơ có nhiều tìm tòi, có sức gợi, có khi rất táo bạo. Chẳng hạn như:
"Những bông hoa kiêu hãnh mà tàn
Cánh rụng xuống còn thơm lên mặt đất"
(Không đề)
"Cây cúi đầu tha thiết một màu xanh
Hoa mở cánh hương vào đêm ngan ngát"
(Trong khu vườn lặng im của em)
"Muốn an tảng vầng trăng trong lồng ngực"
(Viết cho anh)
"Những sợi tóc lên men
Kể lể ẩm mốc".
Với "Sự im lặng biếc xanh”, Như Bình đã khép lại chặng đường đầu khi bước chân vào vương quốc của thơ ca. Mong chị tự tin đi tiếp trên con đường đã chọn. Hãy đào sâu vào bản thể hơn nữa. Hãy làm cho cái tôi trở nên lộng lẫy, nguy nga hơn nữa. Bởi vì đi đến tận cùng, cái Tôi sẽ bắt gặp cái ta như người Ta thường nói.
Hà nội 16/10/2024