TIN TỨC
icon bar

Trần Hạ Vi – Giọng thơ nữ chân thành, bạo liệt và đầy cá tính

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-11-10 16:12:16
mail facebook google pos stwis
352 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Trần Hạ Vi là một gương mặt thơ nữ cá tính, với những vần thơ khẳng định rõ nét cái tôi bản thể trong nhiều mối quan hệ ràng buộc, trách nhiệm với toàn bộ biến động của tâm hồn, tình yêu, những đau khổ, hạnh phúc và cả những khao khát riêng tư... Thơ chị bao giờ cũng là tiếng nói thành thật phát ra từ tâm cảm. Chị nhấn mạnh và đề cao sự chân thật và cá tính sáng tạo trong thơ. Dám sống thật, nói thật những suy nghĩ của mình mà không hề giấu giếm, che đậy. Vì thế, bạn đọc đồng cảm và yêu thích thơ Trần Hạ Vi là vì lẽ đó.

Yêu em đi/ ngoài kia ngày vẫn là ngày/ Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát/ Cuộn trào trong từng cơn khát/ Khát anh khát em/ quằn quại đam mê khát tình… (Tình nhân ơi).

Cho đến thời điểm này, Trần Hạ Vi đã xuất bản 3 tập thơ:  Lật tung miền ký ức (2017); Vi (2020); Phiến Hạ (2024).

Thơ nữ là sự phản ánh tâm hồn, thế giới nội tâm của người phụ nữ, là cách nhìn đời  thông qua lăng kính và trái tim nhạy cảm của người đàn bà. Trần Hạ Vi khao khát biểu hiện cái tôi trước cuộc đời, cái tôi mang tính khác biệt. Vì thế, trong thơ chị hệ từ biểu thị những mong muốn, khát vọng được dùng với tần số cao. Em cần, em muốn, anh có thể,  em không phải, em không ghen, em ngồi, em trốn, lỡ yêu anh, lỡ yêu thơ, em đã đến, em đã đi, anh có thể, em cắn, em là cơn bão, em ngủ thêm chút nữa...

Người qua đường kia ơi/ Anh có thể hôn em một cái không/ Em cần chút lành lạnh thu/ Em cần chút ấm áp anh / Em cần một nụ hôn lơ lửng bờ môi/ Ửng hồng đôi má (Người qua đường kia ơi).

Trần Hạ Vi xác lập cái tôi bản thể mang tính riêng biệt ngay trong việc đặt nhan đề tập thơ, bài thơ: Lật tung miền ký ức; Vi;  Phiến Hạ; Sex và AI; Nút chặn; Nút thắt; Fantasy; Tôi là một trái tim tự do...

Chúng ta ở trong nhau/ Theo Tố nữ kinh/ đó là đạo// Anh cảm nhận em mềm mại/ Em cảm nhận anh nóng rực/ Một đường ống hoan lạc/ Một khúc ca vui mừng/ Và cảm giác cuối cùng/ Bay bổng/ trống rỗng// Có người bảo em làm thơ từ rún trở xuống/ Em cười bảo em viết về những nụ hôn/ Những cái miệng ở trên người/ Những cái hôn sâu/ Như bản năng cuộc sống// Anh bảo gặp em sẽ hôn khắp người rồi 'làm yêu'/ Trong tâm tưởng chúng ta gặp nhau một buổi chiều/ Mùa thu. Lá rụng vàng cánh rừng nhỏ/ Hương đất. hương thịt da. hương lá/ Thảm cỏ giày xéo/ Gót chân em hồng như một giấc mơ/ Thịt da em mềm như một tình cờ/ Nóng rực// Hãy kể anh nghe/ Những giấc mơ thầm kín nhất của em/ Những ngón tay/ Khuôn miệng/ Trước sau trên dưới mái tóc bộ râu ngắn dài// Hãy kể em nghe những tưởng tượng ngông cuồng/ Hoang dại nhất. của anh/ Dây thừng đóng vai kèn trống/ Tay miệng ngực thêm người/ Chúng ta cùng cười/ Trong xạc xào lá hát// Trong một buổi chiều tháng năm/ Yêu nhau trên những vần thơ/ Làm tình cùng chữ/ Fantasy// Ở trong nhau/ Đêm ngày/ Sống đến tận cùng/ Có phải là đạo/ Fantasy ( FANTASY*).

Sáng tạo thi ca, với Trần Hạ Vi là quá trình tái thiết bản thân trong hành trình tìm kiếm, đối thoại, nhìn thấu hết mọi ngõ ngách, góc khuất, nơi thẳm sâu nhất của tâm hồn một cách thành thật nhất. Bởi cuộc sống càng hiện đại, càng tiện nghi thì con người càng dễ rơi vào trạng thái trống trải, cô đơn, lắm lúc lạc lõng, bơ vơ...

sinh nhật có bao giờ là đúng lúc/ yêu nhau có bao giờ là đúng lúc/ bút nhúng mực trăng/ thơm giấy tỏ tình (quà sinh nhật).

Dường như chị muốn bứt phá, giải phóng những trói buộc theo luật lệ cũ, sống một cuộc đời theo đúng nghĩa tự do: làm những gì mình thích, yêu người mình yêu, đến những nơi mình cảm thấy thú vị... Với chị, sống được như thế sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Bởi chị không muốn sống một cuộc sống đơn điệu, lệ thuộc, trói mình trong khuôn khổ... Vì thời gian của đời người có là bao so với thời gian tuần hoàn của vũ trụ. Được sống trên trần gian này, hiện hữu trên cuộc đời thì phải “cháy” hết mình trước cuộc sống và tình yêu. Trần Hạ Vi không thích hời hợt nửa vời, đã làm gì thì phải hết mình, đến nơi đến chốn, đã yêu thì phải vắt kiệt đến tận cùng có thể.

em đã yêu anh/ nhiều hơn em được phép/ ảo không thể hóa thật/ nút chặn của em đâu? (nút chặn).

Ngôn từ trong thơ chị được sử dụng rất mạnh mẽ, bạo liệt nhất là khi viết về tình AnhEm.  Với lối thơ tự do phóng khoáng, nội dung thường gắn liền với những biến động của đời sống tình cảm, khơi gợi tình yêu và nhục dục. Khát vọng của cái tôi nhục cảm được thể hiện một cách ráo riết, mãnh liệt bằng những ngôn từ mạnh, ám ảnh.

- đời anh nhiều ngăn kéo/ em ở ngăn nào - đã biết hay chưa?/ tim anh nhiều chìa khóa/ em cầm chìa nào - đã mở được chưa?/ chiều nay/ em hack bộ não anh/ nhìn thấy/ chùm vông vang vàng ngõ xưa (găn kéo).

- Anh núi lửa trào dâng/ Nhấn chìm em/ rừng nham thạch vẫy vùng/ một ngàn độ C/ ngậm đôi môi chín đỏ/ hương mùa xuân rất gần/ hay hương tóc gió/ Vét cạn hương trời hương đất đẫm hương em// Mùa yêu khát thèm/ rừng rực lửa/ cháy hết men cay bạc gầy dòng sữa/ Còn tuổi nào cho anh/ uống đầy vòm ngực thanh tân/ tấm lưng thon hình chữ S/ anh vo tròn chữ sex/ hay anh đỡ lưng áo Việt Nam// Mùa ngập hoang mang/ nhớ em khắc khoải/ nước nổi trắng đồng/ thuyền không người lái/ con sông sau nhà cảm khái gọi em// Cuộc tình nổi lênh/ em chìm vùng khuất/ trái tim anh từng ngày đau nhức/ thương vận nước cơ hàn/ thương cả dáng quần thoa// Máu và hoa/ em chưa từng/ anh đã qua hơn ngàn ngày chinh chiến/ súng ngửi da thịt người/ anh ngửi giọt mồ hôi em/ thế sự đảo điên/ lòng người đen trắng/ da em trắng hồng/ lấp lánh bên tay// Đừng nghĩ đến ngày mai/ nghe anh khép hờ đôi mắt/ cảm nhận nhau một lần chân thật/ hòa trọn cơn say tình say vận nước điêu linh... (Say).

- Em không phải AI/ Khi em chết đi thơ sẽ biến thành AI/ Sex với anh mỗi ngày (Sex và AI).

Cuồng nhiệt, nóng bỏng, dồn dập sẵn sàng đổi hạnh phúc bằng niềm đau, đổi nụ cười bằng nước mắt. Quyết liệt nhưng dường như đâu đó cũng có nỗi xót xa, thương cảm cho thân phận đàn bà. Bởi yêu đến kiệt cùng, bất chấp tất cả để đến với tình yêu nhưng cái nhận về là đau thương, thất bại...

tình yêu điên cuồng là gì/ sự thủy chung có mang lại hạnh phúc/ sự lạnh lùng/ gạt lừa xảo trá/ những nỗi buồn u hoài day dứt/ tan chảy/ chiếc nút thắt cuồng ngông// yêu kiệt thân vong/ nàng không tin vào những tình yêu thánh thiện/ đã bao lần tự bấu ngực gầy đau điếng/ không hận người/ nhưng vĩnh viễn sống cho mình (Nút thắt).

anh còn tiếc nuối tình yêu người đàn bà/ em không ghen không nổi đóa/ cát xa tuyết xa cát xa tuyết xa (TÌNH CA NOVA SCOTIA).

Nỗi buồn trong thơ Trần Hạ Vi như một ám ảnh thường trực thể hiện qua nhưng hình ảnh, câu chữ mang yếu tố và hơi thở thời đại.

- Em đã đến và em đã đi/ Sau khi nói về cảm giác lành lạnh/ Khi không nhìn thấy chấm tròn avatar của anh/ Dòng Zalo ẩn mặt/ Anh giấu mình sau cơn bệnh hai tuần/ Khi Yagi tàn phá mười mấy tỉnh// Em ở đâu/ Anh sẽ gởi con robot đi tìm/ Trời nắng trời mưa trời trưa trời xế/ Con robot miệt mài/ Con robot siêng năng/ Nhưng chẳng biết yêu// Cà phê Tám Sáu/ Anh đã đi thật nhiều/ Trọn vòng đất nước/ Nhưng chỉ ngồi ở ba quán cà phê/ Đợi em/ Nhưng em không có thật bao giờ/ Em trốn đằng sau dòng Zalo ẩn mặt/ Đằng sau Messenger offline// Mà thôi... / Chiếc lá thu phai trên bàn trà của anh... (Chiếc lá thu phai).

- Anh nhớ em - em biết/ Dù anh chẳng nói đâu/ Sóng điện từ róng riết/ Vượt biển chẳng phai màu// Giận nhau hờn facebook/ Chặn hủy ôi lạnh lùng/ Đêm về người cứ nhớ/ Nhuộm mơ buồn rưng rưng (Tình yêu thời thần giao cách cảm 2).

Nhưng có khi được nhắc đến như một ẩn dụ.

Thiếu một chiếc lá vàng/ Cứ tưởng mùa thu tan// Em nói gì với trời xanh qua kẽ lá/ Sớm nay có một cơn mơ rất lạ/ Trùm phủ em / giữa hai lần mở điện thoại/ trong mắt nhắm lơ mơ// Những con mắt mùa thu rải tràn mọi ngõ/ Mắt đỏ mắt vàng/ Em cầm một chiếc lá xanh chuyển màu lốm đốm / Anh nhìn xem/ Có phải mùa thu tan // Thiếu đi một chiếc lá vàng… (Mùa thu tan).

Thơ Trần Hạ Vi tái hiện nhiều không gian và thời gian với nhiều khuôn diện khác nhau. Đó là khoảng không - thời gian của những nỗi khao khát để nhân vật trữ tình thổ lộ tâm trạng thành thật nhất của chính mình: chìm đắm trong mơ màng, tâm hồn phiêu du trong ái ân hoan lạc.

lần đầu tiên họ yêu nhau/ giữa phút đắm say/ nàng bảo "anh trói tay em đi"/ chàng quờ tay kéo từ trong tủ/ sợi dây thừng bondage thứ thiệt/ thành thạo quấn người nàng/ và nhẹ nhàng/ tạo một nút thắt cuối cùng// như trong phim/ như trong mơ/ như trong tưởng tượng ngông cuồng hoang dại nhất/ chiếc nút thắt mỉm cười/ mở ngõ tâm hồn nàng/ mở cánh cửa cấm đằng sau ngàn cánh cửa cấm/ nghênh đón hoan lạc xác thân/ xâm thực trí não vùng đen sẫm// triệu triệu nơ ron hưng phấn đáp lời/ ngàn dây thần kinh tê dại/ Oh master!/ người tình thứ bảy/ vĩnh viễn khắc ghi (Nút thắt).

Con người trong thơ Trần Hạ Vi là con người đối diện với nỗi buồn và những khao khát bằng một niềm tin mãnh liệt. Do vậy chủ thể trữ tình vừa tự thức được chính mình, tự thức được những gì mình làm, mình hướng đến bất chấp mọi thứ để theo đuổi, khám phá đến tận cùng bản thể.

Tình nhân ơi/ sao anh cứ làm thinh?/ Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi/ Mưa nguồn lũ xối/ Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan (Tình nhân ơi).

Cái hay trong thơ Trần Hạ Vi là dù nói về điều gì, vui-buồn, hạnh phúc-trắc trở, bình yên-bão tố... chủ thể trữ tình vẫn điềm tĩnh, tự nhiên đón nhận và xem đó như một sự tất yếu. Sự hồn nhiên, bình thản, đáng yêu đến lạ lùng!

những kết nối vô thường/ trong cuộc đời huyền nhiệm/ em không phải ảo ảnh xa xanh vời vợi/ em chỉ là/ cuộc đời yêu dấu/ của anh (cuộc đời yêu dấu).

Đổi mới là một đặc điểm tự thân của sáng tạo văn học, nhà thơ phải biết nỗ lực để tự làm mới mình trong quá trình sáng tạo thi ca. Hơn ai hết, Trần Hạ Vi hiểu rõ điều này nên thơ chị bên cạnh những yếu tố truyền thống, chị đã sáng tạo, làm mới cho riêng mình, làm cho thơ mở ra những biên độ mới gây được thiện cảm với bạn đọc.

Trần Hạ Vi không chỉ làm thơ bằng bản năng mà chị còn ý thức sâu sắc được những việc mình làm. Đó là sự hướng tới những giá trị đích thực của nghệ thuật, “món ăn tinh thần cao cấp” trong đời sống đầy trần tục của con người.

Trong thơ Trần Hạ Vi đôi lúc có yếu tố bông đùa, dí dỏm nhưng rất tự nhiên. Và người đọc chắc chắn sẽ nhận ra điều ấy.

Người qua đường kia ơi/ Lỡ yêu anh mất rồi / Lỡ yêu thơ mất rồi… (Người qua đường kia ơi).

Là người mạnh mẽ, cá tính, bạo liệt ngay cả trong thơ và trong đời sống. Đó cũng nguyên nhân dẫn đến tâm trạng buồn và cô đơn.

em ngồi cho trà vào những túi nhỏ/ lá trà khô quắt tự ép mình/ cong queo/ mỗi túi trà như một muỗng cà phê/ như tình nghèo/ như yêu thời bao cấp/ lằn ranh đói khổ vật chất/ tình yêu như con thú dữ/ đôi khi cần bỏ đói/ không thể nâng niu… (túi trà).

Trần Hạ Vi là người phụ nữ cá tính, chịu sự chi phối của văn hóa thời đại mới, hơn nữa chị lại sống và làm việc ở nước ngoài nên rất phóng khoáng, cởi mở. Vấn đề con người cá nhân được chị đặc biệt chú trọng và đề cao. Nhà thơ đối thoại với chính mình, đối thoại với xã hội, nhìn nhận mình từ thân phận cá nhân, bi kịch cá nhân với những bất an, hoang hoải, buồn, cô đơn... chất chứa nhiều suy tư, chiêm cảm.

Chạm vào miên mải vô thường/ Nỗi đau khuấy động vô lường nỗi đau/ Chạm vào nhau... đã nát nhàu/  Câu yêu thương vỡ lào xào trong đêm/ Chạm vào bậc đá rêu thềm/ Đá mềm mại đá tim mềm mại đau/ Lang thang té sấp cầu ao/ Trái tim đánh mất chạm vào rỗng không... (Chạm vào).

Với Trần Hạ Vi, mọi cảm xúc ở trong thơ đều bắt nguồn từ những cảm xúc chân thực trong đời sống mà chị cảm nghiệm được. Trần Hạ Vi đã chọn cách thể hiện riêng, không hề trộn lẫn với bất cứ nhà thơ nào khác. Ở đó là giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, sâu lắng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, bạo liệt, thẳng thắn; thể hiện rõ nét khí chất, cốt cách bản lĩnh của một người đàn bà thông minh, sắc sảo, đa cảm, đa đoan...

Gặp anh là một tình cờ thứ nhất/ Gần anh là một tình cờ thứ hai// Những cuộc gặp mà hình như/ em đều miễn cưỡng// Thế còn yêu anh/ Hẳn cũng một tình cờ?// Và cuộc đời vẫn trăm ngàn sóng xô/ Tách trà chơ vơ cơn biển mặn// Biển chiều nay bão táp của riêng anh*/ Biển chiều nay bão táp của riêng em// Anh đã tình cờ/ Ôm vào lòng một đại dương nước mắt (Như những tình cờ).

Ở bài thơ Song tử 2, sự bộc trực, thẳng thẳn của “em” khi nói về anh, nghĩ về anh, đánh giá anh; “em” cũng tự giãi bày về bản thân một cách thành thật, trực diện mà không hề ngại ngùng, không hề che giấu... Ở đó vừa tồn tại thiên tính nữ là sự mềm yếu, dịu dàng nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự mạnh mẽ, quyết liệt.

Nói ra thì anh dỗi/ Em thấy phần trẻ con/ Trong anh. Non xanh, nghịch ngầm/ Mặc cảm giấu sau đôi kính cận/ Gái bỏ, gái chê// Chúng ta giống nhau lớn lên ở vùng quê/ Giờ chia nhau thêm mặc cảm/ xấu xí, không hấp dẫn người khác giới/ Chúng ta đã cố gắng/ Chúng ta đã làm rất tốt/ Qua thời gian// Em rải tình như lúa/ Anh siêu hút mỹ nữ làng thơ/ Biết chăng tự những trống vắng bơ vơ/ Trên, dưới, trong, ngoài/ Chúng ta cất kỹ// Em nhạy cảm vụn vỡ/ Sống như quyển sách mở/ Đau thương muối xát thẩm thấu hết vào lòng/ Anh lang bạt phiêu bồng/ Tâm thật thà nhân hậu/ Nhưng phải mặc bộ quần áo đẹp nhất/ Đứng hàng đầu/ Long trọng/ Bắt tay hai trăm người// Nói ra thì anh dỗi/ Em thấy phần trẻ con/ Đằng sau phần người lớn/ Đằng sau phần người già/ Đằng sau mái tóc bạc/ Đằng sau những nếp nhăn// Em thương đứa trẻ/ Em thương người lớn/ Em thương người già/ Thương cả những ích kỷ hôm qua/ Và những lời nói cốt giữ gìn mặt mũi// Nói ra thì anh dỗi/ Anh mãi là/ hai đứa trẻ/ của em.

Thiên tính nữ, số phận đa đoan, khát vọng về tình yêu, hạnh phúc... chính là chiều sâu của giá trị thơ nữ. Trần Hạ Vi đã thể hiện trong thơ của mình bằng những nét riêng, qua sự tìm tòi, phá cách theo xu hướng đổi mới của thơ nữ đương đại.

Trần Hạ Vi, sinh ra, lớn lên ở An Giang và hiện đang định cư tại Canada. Là một Tiến sĩ về tài chính nhưng chị lại yêu thích thơ và xem nó như là người bạn tri âm để gửi gắm những vui buồn của cuộc sống, tình yêu và thế sự. Trần Hạ Vi chia sẻ: “Thơ, đối với Hạ Vi như là trang nhật ký cô đọng, giữ lại cho ta những thời khắc và những suy nghĩ vào đúng lúc đó. Qua ngày sau, vài giờ sau, mọi thứ có thể đã khác đi, nhưng giọt cảm xúc tâm tư đó đã hóa thạch thành từng câu chữ, một cách giữ lại một phần của bản thân. Đọc lại thơ, cũng như được sống lại một chút ký ức, một vùng không gian riêng ngày nào… Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn bạn thơ, cảm ơn tất cả những người tình thơ, và trên hết cảm ơn thơ…”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm