- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển thành phố
Phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển thành phố
NGUYÊN HÙNG
Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, khoa học, giáo dục và văn hóa của cả nước – đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức. Trong hành trình ấy, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ có vai trò quan trọng, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ, những người góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa, tạo động lực tinh thần cho sự phát triển bền vững.
Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức họp mặt văn nghệ sĩ, phóng viên, biên tập viên tiêu biểu nhân dịp đầu năm Ất Tỵ 2025.
Thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ và nhà văn, nhà thơ tại TP.HCM
TP.HCM là trung tâm văn học nghệ thuật lớn nhất cả nước, nơi hội tụ đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và phê bình. Thành phố có Hội Nhà văn TP.HCM với gần 500 hội viên, nhiều tác giả tiêu biểu có sức ảnh hưởng trong và ngoài nước. Các tác phẩm văn học từ TP.HCM không chỉ phản ánh hơi thở của cuộc sống đô thị hiện đại mà còn góp phần quan trọng vào nền văn học Việt Nam đương đại.
Bên cạnh đó, đội ngũ này cũng đang đối mặt với một số thách thức:
- Số lượng tác phẩm phản ánh sâu sắc đời sống và con người TP.HCM trong thời kỳ mới vẫn chưa thực sự nhiều.
- Việc chuyển thể các tác phẩm văn học thành kịch bản phim, ca khúc, kịch sân khấu còn hạn chế.
- Công tác dịch thuật và quảng bá văn học TP.HCM ra thế giới chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Những đóng góp nổi bật của đội ngũ nhà văn, nhà thơ
Tác phẩm văn học tiêu biểu: Nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca được sáng tác tại TP.HCM đã tạo dấu ấn lớn, phản ánh tâm tư, tình cảm và sự đổi thay của thành phố trong các giai đoạn phát triển. Những tác phẩm này không chỉ khắc họa bức tranh đô thị sống động mà còn đề cập đến các vấn đề xã hội, nhân sinh quan sâu sắc.
Tác phẩm phái sinh: Nhiều ca khúc, kịch bản sân khấu, phim ảnh đã được chuyển thể từ văn học, tạo thành một dòng chảy sáng tạo liên tục. Các ca khúc phổ thơ, các bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học giúp mở rộng ảnh hưởng của văn chương vào đời sống đại chúng.
Sự tham gia vào công cuộc giáo dục và phát triển văn hóa: Các nhà văn, nhà thơ không chỉ sáng tác mà còn tham gia trao đổi, hướng dẫn thế hệ trẻ yêu văn học, góp phần định hướng tư duy thẩm mỹ và đạo đức xã hội.
Giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tác, dịch thuật và quảng bá văn học TP.HCM ra thế giới
- Nhà nước cần có chính sách và chiến lược đầu tư, hỗ trợ cho các tác giả viết, sáng tác tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Để thực hiện được điều này, cần có Tiêu chí lựa chọn, Quy trình lựa chọn và Hội đồng thẩm định có chuyên môn và am hiểu về văn học.
- Tổ chức hiệu quả các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác cho các nhà văn nhà thơ bằng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ và nguồn kinh phí xã hội hóa. Việc này Hội Nhà văn đã làm khá tốt trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu dựa vào nguồn tiền ngân sách. Trong thời gian tới, Hội Nhà văn cần có chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nhiều hội viên được tham gia các hoạt động chuyên môn này để đội ngũ sáng tác văn học của thành phố có thể nâng cao số lượng và chất lượng các tác phẩm.
- Nhà nước cần hỗ trợ tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học để phát hiện và khuyến khích tài năng. Đồng thời, các hội VHNT và các hội nhà văn cũng cần chủ động tổ chức các cuộc thi văn chương bằng nguồn kinh phí xã hội hóa thu được nhờ sự huy động từ hội viên và các nhà tài trợ. Những cuộc thi văn chương gần đây do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của văn chương TP. Hồ Chí Minh. Với ba cuộc thi trong hai năm liên tiếp, những người làm công tác văn học ở TP. HCM đã tạo nên sinh khí mới cho văn chương phương Nam và góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác và phát triển văn học trong cả nước nói chung. Cuộc thi “Truyện ngắn hay - 2022” và cuộc thi "Thơ hay - 2023" thực tế đã trở thành sân chơi văn học cho cả các cây bút thành danh và những tác giả trẻ; đã góp phần kích thích sự sáng tạo, phản ánh tâm thế xã hội qua những ngòi bút đầy cảm xúc và khát vọng…
Riêng cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam – lần 2" (năm 2024) do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức, không chỉ là một sân chơi thơ ca mà còn là nơi tôn vinh tinh thần nghĩa hiệp, lòng yêu nước và sự kiên cường của con người phương Nam.
- Thành lập các trung tâm dịch thuật văn học: Việc xây dựng một hệ sinh thái dịch thuật chuyên nghiệp giúp đưa các tác phẩm tiêu biểu của TP.HCM đến với bạn đọc quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố qua văn học. Dịch văn học không đơn thuần là chuyển ngữ, mà còn là chuyển tải tinh thần, văn hóa, và tâm hồn dân tộc đến độc giả quốc tế. Vì vậy, công tác dịch thuật cần được quan tâm và hỗ trợ hơn nữa.
- Hỗ trợ xuất bản và phát hành quốc tế: Tăng cường hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế, tham gia các hội chợ sách lớn để đưa văn học TP.HCM đến với độc giả thế giới. Bên cạnh dịch thuật thì chiến lược quảng bá cũng rất quan trọng. Chúng ta cần học hỏi từ các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi văn học được đẩy mạnh qua các sự kiện văn hóa quốc tế, hội sách lớn và đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức xuất bản. Chính nhờ chiến lược quảng bá văn học của Hàn Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc đưa nữ văn sĩ Han Kang đoạt giải Nobel Văn học 2024.
- Phát triển không gian sáng tạo: Tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ có môi trường giao lưu, trao đổi sáng tác với các nền văn học khác trên thế giới. Thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay là niềm hy vọng lớn. Hiện nay ở Việt Nam không ít những tác giả trẻ tài năng. Họ dám nghĩ, dám viết và không ngại thử nghiệm các phong cách mới. Điều quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ họ có không gian sáng tạo, đồng thời định hướng để họ hiểu rằng sáng tác không chỉ là việc kể câu chuyện của riêng mình, mà còn là mang văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
- Ứng dụng công nghệ số: Xây dựng nền tảng số hóa các tác phẩm văn học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và quảng bá văn chương đến công chúng rộng rãi hơn. Chúng ta có thể sử dụng sách điện tử, podcast văn học, hoặc làm video giới thiệu tác phẩm (chọn lọc) để tiếp cận khán giả toàn cầu nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Với những nỗ lực trên, đội ngũ nhà văn, nhà thơ TP.HCM sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời khẳng định vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết luận
TP.HCM cần tận dụng tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Việc đầu tư vào giáo dục, khoa học – công nghệ, văn hóa nghệ thuật sẽ là nền tảng vững chắc giúp thành phố vươn xa, trở thành trung tâm sáng tạo và phát triển hàng đầu khu vực. Để làm được điều này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để trí thức và văn nghệ sĩ cống hiến hết mình cho sự phát triển chung của thành phố.
Trong thời kỳ mới, trí thức và văn nghệ sĩ không chỉ là người đồng hành mà còn là động lực quan trọng, góp phần đưa TP.HCM phát triển mạnh mẽ và bền vững, vươn xa trên trường quốc tế.