TIN TỨC
icon bar

Hồn đầy hoa cúc dại

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-06 20:05:55
mail facebook google pos stwis
410 lượt xem

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, sinh ngày 18 – 9 – 1949. Quê quán: xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại chung cư Sam Land, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978.

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC: Từng là phóng viên, biên tập tạp chí Văn nghệ Quảng Bình trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Tốt nghiệp khóa bồi dưỡng viết văn trẻ Quảng Bá, Hà Nội năm 1971. Tốt nghiệp Khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du (1979 – 1982). Tốt nghiệp khóa học 3 tháng Học viện Văn học M.Goorky (Liên Xô cũ) 1988. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, IV. Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, khóa VI. Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam khóa VII.

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thơ: Trái tim sinh nở (1974, in chung với Ý Nhi); Bài thơ không năm tháng (1983); Hái tuổi em đầy tay (1990); Mẹ và con (1995); Đề tặng một giấc mơ (1999); Green Rice (Cốm non, in và phát hành tại Mỹ, 2005); Hồn đầy hoa cúc dại (2007); Thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ (2008). Truyện thiếu nhi: Danh ca của đất (1984); Nai con và dòng suối (1989); Nhạc sĩ Phượng Hoàng (1989); Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi (2006).

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1973. Giải A về đề tài thương binh liệt sĩ – Bộ Nội vụ năm 1973. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1981 – 1983 cho tập thơ Bài thơ không năm tháng. Giải A thơ 1999 của UBTQ LHCHVHNTVN: tập thơ Đề tặng một giấc mơ. Giải thưởng Văn học Cố Đô – Giải A thơ (1998 – 2003), (2005 – 2009) với tập thơ Hồn đầy hoa cúc dại. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
 

HỒN ĐẦY HOA CÚC DẠI (1)

NGÔ XUÂN HỘI
 

Từ Huế, chị Dạ viết thư cho mình:

“Hội ơi,

Chị kiệt sức rồi. Hơn 10 năm chăm sóc anh Tường, bây giờ bệnh tật phát sinh, vây bủa làm chị mòn mỏi dần.

Chị đã vượt qua, vượt qua từng chặng một, hy vọng cuối đường được một chút thảnh thơi. Nhưng số phận không để dành cho chị điều đó.

Bây giờ điều làm chị buồn lo nhất là sự mù lòa. Chị biết nếu bị mù thì sống cũng như chết. Vì vậy chị rất mong được sự giúp đỡ của Hội. Chị nhờ Hội đưa giúp giấy tờ và hỏi giúp chị xem bệnh mắt của chị đã đến giai đoạn bất lực chưa.

Chị đang đi tìm người để giúp đỡ anh Tường khi chị vắng nhà, nhưng thật quá khó.

Cố gắng hỏi giúp chị với…”

Đọc xong, buồn quá, mình ngồi thừ một lúc.

Nhớ lần đầu gặp chị. Tháng 12 năm 1979, khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du khai giảng. Hôm ấy chị mặc chiếc áo măng tô màu kem, da trắng, tóc xanh, gương mặt trông dịu lành như mặt nước hồ thu êm đềm tiếng chim bóng lá, nói giọng Quảng Bình, đẹp vẻ hiền lương. Đến khi ổn định lớp, cánh dân sự bọn mình được bố trí ở trong một căn nhà tranh dài vách trát toóc xi, ba bên là những ao mọc dày bèo tây, rau muống. Chị ở cùng phòng với Nguyễn Thị Đạo Tĩnh - Thủ khoa truyện ngắn báo Văn nghệ 1974 – 1975, cạnh phòng mình. Tính chị mộc mạc, chân tình nên chị em thân nhau ngay. Hồi ấy chị đã có chồng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và hai đứa con gái hột gà hột vịt. Đứa lớn Hoàng Dạ Thư (Líp), 5 tuổi. Đứa nhỏ Hoàng Dạ Thi (Lim), 3 tuổi. Thóc cao gạo kém, ra Hà Nội học, năm đầu chị đi một mình, nhưng vì quá nổi tiếng nên khách đến thăm thường xuyên. Nhiều nhất là các nhà văn nhà thơ nữ, sau đến người hâm mộ và chị em bà con. Với ai chị cũng niềm nở mời ở lại ăn cơm hoặc kéo ra quán ông bà Duẩn trước cổng trường uống nước. Trong số đó mình nhớ nhất chị Minh Út, bạn Đỗ Thị Hiền Hòa, một cựu Thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Tính Minh Út hơi chập. Qua trò chuyện, biết có chị Mỹ Dạ, Minh Út bèn tìm đến gõ cửa. Và mặc dù là khách của Đỗ Thị Hiền Hòa nhưng khi quen được người mình hâm mộ rồi, Minh Út liền chuyển “hộ khẩu tạm trú” sang phòng Mỹ Dạ ngay. Hiền Hòa phát cáu, bảo:

“Mày phải về phòng tao ở để cho chị ấy làm việc chứ!”

Nhưng Út mặc, cứ thế chung nhau với Mỹ Dạ cái giường một cả tháng trời. Sau đó mỗi lần lên Hà Nội, đáo qua Hiền Hòa nói vài câu phải quấy xong Út lại đến tá túc chỗ Mỹ Dạ như một sự đương nhiên. Như người khác Minh Út đã bị từ chối ngay từ đầu, nhưng với Mỹ Dạ lần nào Minh Út cũng được chị cơm nước ân cần, chuyện trò niềm nở không hề có điều tiếng gì. Với người sơ đã vậy, với bạn bè đồng môn chị càng rộng lòng. Mình, Trúc Phương, Nguyễn Hoàng Thu, Hào Vũ ăn cơm ở nhà ăn tập thể trường. Cơm sinh viên đạm bạc, xong bữa mỗi đứa thường mang một bát cơm trắng về, sau đó đi các phòng càn quét. Mỗi bận như vậy chị lại vẫy cả bọn vào, có gì ăn được mang ra bằng hết. Ở liền phòng, mình hay được chị ưu tiên, lúc bát mì sợi, lúc củ khoai củ sắn, rất thích.

Năm sau chị đón hai con và ít lâu sau nữa cả anh Tường cùng ra. Đã từng nghe nhiều giai thoại về anh Tường, chuyện anh với Cu Minh người Vân Kiều ăn cơm, một lúc thấy trong ống mắm lòi ra cái đầu chuột. Anh bèn gắp đưa Cu Minh, bảo: “Cu Minh ăn hộ mình cái này với, mình ăn không quen”. Hay chuyện hồi ở chiến khu, thấy cái áo may ô của anh liền màu với bùn đất quê hương, một anh ở cùng mới lấy xà bông vò kỹ, sau đó nổi lửa đun sôi, giặt sạch. Đến chiều anh đi tìm áo mặc, cầm cái áo lên ngửi qua ngửi lại mấy lần, hơi thì quen mà màu vải thì mới, đành chịu cởi trần, vắt lại lên dây… Mình chú ý quan sát. Danh bất hư truyền. Một lần cái Lim ị mà vợ đi vắng, nghe con gọi, đang ngồi viết anh cũng đành phải đứng dậy giải quyết nội vụ và làm nó gọn lẹ theo cách riêng. Đấy là lấy giẻ vệ sinh cho con, xong, phóng ngay cái giẻ vào chậu bát đĩa vợ đang ngâm ở góc phòng. Chứng kiến trọn vẹn màn chăm sóc con của ông bố đoảng. Mình hãi, từ đó chị có cho gì cũng cẩn thận truy xuất nguồn gốc, biết đúng rau sạch, thịt sạch mới dám động đũa kẻo ăn phải “trung nhân phẩm”(2) của Lim như chơi.

Nhưng đoảng vị, phiêu diêu trong đời sống không chỉ một anh Tường. Chị cũng có cái phiêu, cái đoảng của chị. Trong việc này, hai người là một cặp đôi hoàn hảo. Xong học kỳ một năm thứ nhất, lớp đi viết một tháng. Trước khi về Huế, chị nhờ mình chở ra bưu điện Ô Chợ Dừa, đánh bức điện báo cho chồng và hai con. Nội dung: “Em đang lên tàu!”. Báo hại ba cha con anh Tường. Nhận được điện báo mà mãi không thấy vợ, thấy mẹ về. Ngày nào ba cha con cũng đem bức điện ra thi nhau luận. Cha bảo chắc hôm nay mẹ về. Con bảo mẹ đang lên tàu, nhanh cũng phải mốt, mốt tê mới đến Huế. Cứ thế cãi nhau, con không chịu cha, cha không chịu con, mà ba cha con anh người nào chỉ số IQ cũng cao ngất ngưởng.

Bài thơ “Dù năm dù tháng” anh Tường làm tặng chị, in báo Văn nghệ. Đấy là một bài thơ tình hay, đẹp trang nhã ngay từ những dòng đầu: “Anh hái cành phù dung trắng/ Trao em niềm vui cầm tay/ Màu hoa như màu ánh sáng/ Buổi chiều chợt tím không hay…”. Người họa sĩ làm maket báo chắc cũng thích bài thơ nên mới mi nó đứng độc lập giữa hai trang văn xuôi như thửa ruộng nếp hương giữa một cánh đồng mênh mông trồng toàn lúa tẻ, trông thật ấn tượng. Ngày báo ra, anh cầm lên ngắm nghía một lúc, sau đó thay quần áo, chải gọn đầu tóc, ngồi vào ghế trang trọng đọc. Nhìn dáng điệu của anh lúc ấy, mình tin điều bố mình kể về ông nội mình xưa, mỗi khi đọc sách thánh hiền là trai mình sạch sẽ, buông rèm, phòng đốt trầm, xông nhang thơm như một nghi lễ không thể thiếu. Trong lúc anh đang say sưa đọc, thì M.D của anh, người được anh đề tặng, tay dao tay thớt ngó trang báo qua vai chồng, hỏi một câu xanh rờn: “Bài ni thì được mấy đồng?”. Sau đó tung tăng đi nhặt rau, thái thịt, như không hề biết trên đời này có cái gọi là thơ. Vừa làm vừa khe khẽ hát rất hay bài dân ca Mỹ Clementine: Trên non xanh này, trên non cao này/ Mỏ than đó có dân di cư/ Và trong đám đó, có một gia đình/ Ðẻ gái xinh là Clementine… 

Nếu chỉ nghe hỏi, không nghe hát, hẳn nhiều người sẽ nghĩ bà này lý tài, chỉ biết tiền. Để sống được, chúng ta nói chung cần tiền. Là đầu kéo của một đoàn tàu bốn toa, chị càng cần tiền. Mỗi khi có nhuận bút, chị xòe các tờ tiền như những lá bài trên tay đi dọc thềm nhà hớn hở khoe với mọi người: “Ta có tiền rồi, ta có tiền rồi!”. Trẻ con được kẹo thường ăn ngay, chị được tiền cũng như trẻ con được kẹo, tiêu ngay. Đầu tiên ra chợ mua cái gì đó về sì sụp nấu nướng, mời mọi người cùng ăn. Sau nữa kéo mọi người ra quán cùng uống nước. Sau nữa nữa, hết tiền! Lại hì hục viết, lại chạy đôn chạy đáo hỏi vay mượn ai đó, rất vui. Anh Tường thì khác. Anh sống không cần tiền, chỉ cần nói. Chả vậy mà cái Lim con anh chị, ba tuổi, đã nhận xét về cha: “Ông Tường ni, với mình ông không nói gì cả, với mụ Dạ ông nói hơi nhiều, khi có khách thì ông nói quá nhiều!”

Cùng là nhà văn nhà thơ và cùng nổi tiếng, chồng có cách làm việc của chồng, vợ có cách làm việc của vợ. Anh Tường mỗi khi bắt tay vào viết thường chuẩn bị đầy đủ chè tàu thuốc lá, nghiêm chỉnh áo mão cân đai. Cũng phải, bởi anh chủ yếu viết văn. Còn chị bò toài trên giường “…khi tựa gối, khi cúi đầu…”, viết thơ hay văn đều vậy. Chị chủ yếu viết thơ và văn xuôi cho thiếu nhi, nhưng thỉnh thoảng cũng đá qua vài lĩnh vực khác. Còn nhớ lần chị viết kịch bản phim (mình quên mất tên), mở đầu là cảnh chiến trường, trên trời máy bay Mỹ như chuồn chuồn quần đảo, dưới đất xe tăng chúng lổm ngổm bò. Rồi đạn pháo hạm đội 7 từ dưới biển bắn lên… Viết xong đưa mình xem. Mình cười: “Chị viết thế này phải đưa cho Hollywood may ra nó mới đủ tiền để sắm đạo cụ, chứ xưởng phim truyện Việt Nam lấy đâu ra”. Chị nghe, ngẩn tò te nhìn mình, từ đó không thấy đả động gì đến cái kịch bản phim ấy nữa. Và quay sang thơ.

Chị làm thơ lúc chín, mười tuổi, nổi tiếng sau khi nhận giải Nhất cuộc thi thơ 1972 – 1973 của Tuần báo Văn nghệ. Đến nay báo Văn nghệ đã tổ chức nhiều cuộc thi thơ. Theo mình, đứng về mặt phát hiện tài năng, cuộc thi 1972 – 1973 hoàn toàn sánh được với cuộc thi 1969 – 1970, dù tầm ảnh hưởng không bằng. Bốn tác giả đồng Thủ khoa (Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu), về sau đều là những khuôn mặt sáng giá của thơ Việt hiện đại. Riêng với Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ nổi tiếng trong nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, nhiều bài được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong các nhà trường phổ thông, nhiều sinh viên đại học lấy làm luận văn tốt nghiệp. Thơ chị “…tự nhiên, cứ tưởng thốt ra là thành, không cần sửa chữa nhiều lắm, nhưng đó là sự tự nhiên của một tâm hồn đã chín, của những tứ thơ câm lặng, lãng quên được đánh thức sau “giấc ngủ mặt trời”, lúc mà cái - tôi – nghệ – sĩ được lên ngôi cùng với những giấc mơ phát sáng màu huyền thoại” (Nhà phê bình văn học Hồ Thế Hà)

Nhiều người đã viết về thơ chị. Mỗi người cho một cảm nhận riêng nhưng cùng chung một sắc màu ấy. Nhà văn Nguyễn Đình Thi: “…chị là một nhà thơ vừa có sự hồn nhiên của cây cỏ, đất trời, đồng thời có nhiều suy nghĩ, nhiều nông nỗi về đời người phụ nữ trong cuộc sống hiện nay, với cuộc đời riêng không phải là dễ dàng…”. Nhà thơ Vũ Quần Phương:“… Những cảm xúc của Lâm Thị Mỹ Dạ là cảm xúc chung có tính quy luật của loài người, nhưng nó trở thành mới lạ thuyết phục ta bởi tính cá thể cụ thể.”. Nhà thơ Đỗ Hoàng: “Nhờ trực cảm mạnh, thơ Mỹ Dạ là thơ thốt lên từ sự buốt nhói của con tim, chứ không phải chuyện đời lựa lời mà viết”.

Riêng mình, tâm đắc nhất ở phép so sánh Mỹ Dạ sử dụng trong thơ. Đọc thơ Mỹ Dạ và thơ nhiều tác giả khác, thấy trong thơ Việt đương đại, chưa ai sử dụng biện pháp tu từ này tài tình hơn chị. Này nhé: “Tôi đi giữa phố đẹp xinh/ Như đêm đi đến bình minh… lạ lùng.” Hoặc: “Đã hiện lên những vành nón trắng/ Như khoảng trời trẻ thơ mát êm/ Như cánh cò vỗ nhẹ trong đêm/ Nón trắng tròn gợi về chân trời rộng…” và đặc biệt xuất sắc trong bài Khoảng trời hố bom: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất. Hình tượng đẹp trở thành bệ phóng vững chãi để từ đó những câu thơ vút lên bay lượn:   Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh…”. Chúng ta biết, so sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó để gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc và người nghe. Biết thì biết vậy, nhưng làm được, làm đắt lại là chuyện khác. Và chị làm cái sự khó ấy thật đắt. Thêm một ví dụ nữa, bài Như lá chẳng hạn: Nhìn lá/ Cứ ngỡ là lá ngọt/ Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng/ Lá tươi thắm xua mùa đông rét buốt/ Hỡi chiếc hôn em có là như lá không? Bài thơ này chị viết năm 1980 lúc học Trường Viết văn Nguyễn Du. Đọc Như lá khi đang là bản thảo, nhà thơ Vương Anh – Á khoa cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1969 - 1970 bảo mình: “Mỹ Dạ tài. Ví nụ hôn như lá thì quá tài!...”

*

“Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh đều khổ sở theo cách riêng”. Nhà văn vĩ đại người Nga Lev Tolxtoi  đã viết như vậy khi mở đầu tiểu thuyết Anna Kareninna vĩ đại.

Cách riêng về sự khổ sở của chị, của gia đình chị xảy ra một cách bình thường, dù có đột ngột. Trong lúc chị đang phơi phới trên con đường thơ – đường đời thì tai họa ập đến, bắt đầu bằng cơn đột quỵ của anh Tường. Hôm ấy, 14/6/1998, nhà thơ của chúng ta đang ở Hà Nội, chuẩn bị hôm sau lên máy bay sang Mỹ dự tọa đàm thơ. Anh Tường chồng chị ở khách sạn Faifo Đà Nẵng, xem “1998 Football World Cup – France” cùng bạn bè. Chẳng may tai biến mạch máu não xảy ra, anh hôn mê sâu. Nghe hung tin, chị lập tức hủy chuyến đi Mỹ, bay về Đà Nẵng ngay. Từ đó chị như người mẹ bao dung săn sóc, đút mớm, cơm cháo, thuốc men, xoa bóp, tắm rửa, vệ sinh cho chồng. Trái tim nhân hậu ấy thêm một lần rớm máu. Trăm nghìn thứ việc chưa từng có đè nặng lên vai người phụ nữ làm thơ xinh đẹp. Nghe ai nói ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, dù xa xôi tốn kém đến đâu chị vẫn đưa chồng đến cho bằng được. Hà Nội, Đà Nẵng, Khe Sanh, Long An, thành phố Hồ Chí Minh... không còn sót nơi nào. Nhìn chị tất tả ngược xuôi, bạn bè nhiều người chột dạ: “Biết đâu Mỹ Dạ đi trước ông Tường!”.

Sự chột dạ của bạn bè là điều rất có thể. Được vợ con chăm sóc chu đáo, anh Tường khỏe, minh mẫn, nằm bất động một chỗ nhưng vẫn viết báo, ra sách đều. Trong lúc đó vợ anh “Mỗi năm một tuổi, mỗi năm một già”, lao tâm khổ trí, lao lực ngày đêm khiến bệnh tật bùng phát, vây bủa: viêm khớp, viêm xoang, nhức đầu, bây giờ thêm bệnh về mắt.

Nhận thư chị hôm trước, hôm sau mình mang hồ sơ bệnh án lên Bệnh viện Mắt ở 280 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh gặp giám đốc, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thu liên hệ trước, để khi chị vào đưa đi khám được ngay. Nhưng mắt của chị bị cườm khô, điều những người già thường gặp, mổ thay thủy tinh thể là ổn. Nỗi lo sống cũng như chết rình rập chị ở một căn bệnh khác, bệnh Alzheimer!

Do phải thức đêm chăm sóc chồng, chị bị mất ngủ, dùng thuốc ngủ nhiều. Có lẽ vì vậy mà bệnh xuất hiện? Nó phát triển khá nhanh. Năm trước là những nhớ quên thông thường, năm sau đã thấy mất khả năng thực hiện những vận động sinh hoạt hàng ngày, năm sau nữa thì chị không thể nhớ từ vựng dẫn đến việc thường xuyên dùng sai từ thay thế. Ký ức kém dần, chị không nhận ra những người thân, đi lại không có người dìu hay bị ngã. Mồng bốn tết Đinh Dậu 2017 vừa rồi, mình đến thăm. Chị ngồi trên ghế, không nhận ra mình, hỏi gì cũng không nói, chỉ cười, thỉnh thoảng xòe hai bàn tay ra khoe. Mình nâng đôi bàn tay chị lên mà rằng:

“Chúng ta, người trước người sau rồi ai cũng trắng nợ cuộc đời chị ạ!”

Chị nhìn, không nghe, không hiểu mình nói gì. Buồn quá, trên đường về mình thốt lên đầy cảm khái:

“Ôi Hoàng hậu Nam Phương, sao cuộc đời lại nghiệt ngã với bà đến vậy!” (3)

 2 – 2017
(Nguồn: Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005) ra ngày 23-9-2017)

(1)Tên một tập thơ của LTMD.
(2)Chữ trong phim Trung Quốc: “Tể tướng Lưu gù”, chỉ phân vua.
(3) Thơ LTMD: “Ta như hoàng hậu Nam Phương/ Thản nhiên dạo bước đế vương quanh lầu”

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm
Chất lãng mạn trong “Biển cạn” của Nguyên Hùng
Bài viết của cô giáo nhà thơ Triệu Kim Loan
Xem thêm