TIN TỨC
icon bar

Vladimir Nabokov - một hiện tượng văn chương đặc sắc

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-30 08:02:53
mail facebook google pos stwis
2737 lượt xem

NGUYÊN HÙNG

Trong lịch sử văn học thế kỷ 20, Vladimir Nabokov giữ vị trí độc nhất vô nhị, là tác giả viết giỏi đồng thời bằng hai thứ tiếng: Nga và Anh. Sinh ra ở nước Nga, ông luôn mang theo mình những hồi ức về quê hương, thể hiện chúng qua hàng chục tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau và xứng đáng trở thành một trong những gương mặt hàng đầu của nền văn học Nga. Đồng thời, ông cũng được coi là nhà kinh điển của nền văn xuôi Mỹ hiện đại, là người mà các nhà văn “bản xứ” như K.Wonnegut, J. Bart, T.Pinchon, T.Sazern tôn vinh là vị tiền bối gần gũi của mình. Với mảng tác phẩm được viết bằng Anh ngữ, dường như Nabokov là nhà văn được sinh ra ở bên kia bờ Đại Tây Dương chứ không phải là một người con của nước Nga.

Có thể nói rằng, Vladimir Nabokov đang giữ một giá trị sáng tạo kỷ lục; và điều đó chứng tỏ một điều rằng, “xuất xứ của nhà văn chỉ là điều thứ yếu, sự nghiệp sáng tạo của anh ta mới là tờ giấy thông hành đích thực”. Với những đóng góp to lớn của mình cho nền văn học thế giới, năm 1974, Vladimir Nabokov từng được đề cử xét tặng thưởng giải Nobel về văn chương cùng với Graham Greene và Saul Bellow.

Rời khỏi nước Nga
 

Nabokov sinh ra trong một gia đình luật sư có tư tưởng tự do, là con cháu của nhà quý tộc V.Đ.Nabokov. Ông nội của nhà văn, Đ.N.Nabokov, từng giữ chức bộ trưởng tư pháp dưới thời Aleksandr II. Mẹ ông, Elena Ivanovna, là con gái của nhà tỷ phú công nghiệp khai thác vàng Rukavishnikov. Tuổi thơ của nhà văn trôi qua ở Peterburg, nơi mà mỗi mùa hè gia đình ông đều đi đến vùng đất riêng của mình ở Batovo. Cạnh Batovo là lãnh địa Thiên chúa giáo rộng lớn và giàu có của người bác, ông V.I.Rukavishnikov, người sau đó đã để chúc thư truyền lại cho cháu mình, nhà văn tương lai. Nơi đây đã khắc sâu trong tâm khảm Nabokov suốt cả cuộc đời về sau. Ngay trước sự kiện Cách mạng tháng Mười Nabokov đã kịp tốt nghiệp trường kỹ thuật Tenishevsky, nơi anh đã đạt thành tích xuất sắc trong cả hai lĩnh vực học văn hóa và thể thao. Năm 1918, chàng thanh niên Nabokov cùng với gia đình sơ tán đến Krưm, sau đó một năm thì rời khỏi nước Nga. Gia đình Nabokov định cư ở Brlin, và V.Nabokov vào học trường Đại học tổng hợp Kembrizsky. Ra trường, Nabokov lập nghiệp tại Berlin trong vòng 15 năm (1922-1937). Sau đó số phận run rủi ông đến Pháp trong hai năm, rồi cùng vợ con đi Mỹ vào năm 1940, ngay trước khi những sư đoàn đầu tiên của phát-xít Đức tiến vào Paris. V.Nabokov ở lại Mỹ trong thời gian gần 20 năm, vừa dạy học vừa viết văn. Năm 1945, Nabokov nhận quốc tịch Mỹ. Tại đây ông đã tạo dựng tên tuổi trước hết với tư cách là nhà côn trùng học chuyên sưu tầm, nghiên cứu về bướm và đã phát triển thú đam mê từ thời thơ ấu này thành một trò giải trí chuyên nghiệp. Đây là một điểm khá thú vị trong sự nghiệp của Nabokov, và sinh thời đã từng có không ít ý kiến cho rằng, thú chơi bướm chẳng qua chỉ là một cách “đánh bóng tên tuổi”, “làm bộ làm tịch” của nhà văn.

Nước Nga trong Nabokov
 

Năm 1959 Nabokov trở về châu Âu và định cư tại Thụy Sỹ cho đến những ngày cuối đời. Dù ở đâu - Berlin, Paris hay Mỹ, V. Nabokov luôn chiếm được vị trí xứng đáng trong văn học. Nước Nga trong ông không giống nước Nga của Bunin, Kuprin, I.S.Smeliev, B. K.Zaitsev. Trong tác phẩm Nabokov không có các thành phố, các làng mạc được chỉ tên, không có những hình tượng nhân vật có thể gọi theo kiểu Nga, cũng không mảy may có sự miêu tả trực tiếp các thảm họa gây chấn động lịch sử dân tộc trong thế kỷ qua. Nước Nga của Nabokov – đó là bóng dáng của một thời thơ ấu hồn nhiên đã mất, đó là thời mà “mỗi lời khẩn cầu, một câu hỏi được ném lên trời thì lập tức sẽ nhận được câu trả lời đầy ngạc nhiên và quý báu”. Nabokov đã viết như thế trong “Massenka” (1926), cuốn tiểu thuyết đã mang đến cho tác giả sự nổi tiếng đầu tiên, và lối ẩn dụ này được ông tiếp tục với nhiều dạng văn phong khác nhau trong suốt sự nghiệp sáng tạo của nhà văn, cho tới bộ sách đồ sộ cuối cùng của mình bằng tiếng Nga là “Những bến bờ khác”.

Nước Nga của Nabokov – đó là một thứ ngôn ngữ riêng hoàn hảo, điều mà ông coi là thế mạnh chủ yếu của mình. Trong lời mở đầu cho tiểu thuyết “Những bến bờ khác”, Nabokov viết: “Năm 1940 tôi quyết định chuyển sang viết bằng tiếng Anh, và điều tai hại là ở chỗ, trước đó trong vòng hơn 15 năm trời tôi viết bằng tiếng Nga, từng để lại dấu ấn riêng lên các “công cụ và trợ thủ” của mình. Khi chuyển sang một ngôn ngữ khác, vô hình trung tôi phải từ bỏ thứ tiếng của Avvakum, Puskin, Tolstoy và các ấn phẩm Nga”. Cuối cùng, nước Nga của Nabokov – đó là nền văn học Nga kinh điển. Về đóng góp của Nabokov trong mảng văn học ngoài tiếng Nga, đã có ý kiến cho rằng, phương Tây chịu ơn ông vì các bản dịch ra tiếng Anh (và một số ra tiếng Pháp) các tác phẩm của Puskin, lermontov, Chiutchev.

Quan điểm sáng tạo của Nabokov
 

Hơn hết thảy, Nabokov căm ghét, căm ghét một cách sâu sắc điều mà ông gọi là “sự tầm thường” trong sáng tạo, khi đưa vào khái niệm này một nội dung rất rộng lớn.

Sự tầm thường – đó là sự xâm hại về mặt đạo đức, triết học, lịch sử đến các lằn ranh có chủ quyền của nghệ thuật. Nabokov đã công kích một cách thù địch những tác giả như Tomas Mann, Andre Malro, thậm chí cả Đostoevsky, và phủ nhận một cách miệt thị nhận định phổ biến về Gogol như là người lên án các tệ nạn xã hội, là người thương cảm “những thân phận bé nhỏ”. Sự tầm thường – đó cũng là đòi hỏi về tính dân tộc trong văn học. Như một họa sĩ, một nhà nghiên cứu văn học và triết học, một giáo sư đại học, Nabokov luôn trong tình trạng đấu tranh không ngừng với các truyền thống của nền phê bình ở nước Nga.

Cuối cùng, sự tầm thường – đó là các chế độ độc tài, được phản ánh một cách sinh động qua các tiểu thuyết: “Giấy mời đến pháp trường” (1938), “Những đứa con hoang” (nguyên bản tiếng Anh là «Bend Sinister»), các truyện ngắn “Hoàng đế” (1933), “Tiêu diệt cuồng bạo” (1936), “Hồ, đám mây, bể nước” (1937), kịch “Sự phát minh điệu Van-xơ” (1938) và trong một loạt tác phẩm khác.

Nabokov - nhà văn Mỹ
 

Các đề tài trung tâm và cơ sở mỹ học chính của V. Sirin (bút danh cho các tác phẩm bằng tiếng Nga của Nabokov) đã tìm được sự kế tục và phát triển trong giai đoạn sáng tạo bằng tiếng Anh của Nabokov.

Ngôn ngữ điêu luyện và độc đáo của Nabokov không chỉ là công cụ và trợ thủ, mà còn là nhân vật trong tất cả các cuốn sách của ông. Người ta đã từng so sánh Nabokov với Joseph Conrad, người cũng trở thành nhà kinh điển của văn học không bằng ngôn ngữ mẹ đẻ (Joseph Conrad là người Ba Lan), nhưng điều đó đã xúc phạm tác giả tiểu thuyết “Lolita”, vì thực tế thì Joseph Conrad có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh tốt hơn nhiều so với Nabokov, và nhà văn này cũng không hề bị chi phối bởi hệ thống của ngôn ngữ sla-vơ.

Về tác phẩm chính được viết bằng tiếng Anh của Nabokov, có thể kể: các tiểu thuyết “Cuộc sống thực của Sebastian Knight” (The Real Life of Sebastian Knight, 1941), “Những đứa con hoang” (Bend Sinister, 1944), “Ngọn lửa xanh xao” (1962), truyện hài Pnin (1957), nhiều tác phẩm hồi ký độc đáo (“Chứng cứ xác thực”, 1951, “Những bến bờ khác”, 1954, “Ơi tri giác, hãy lên tiếng”, 1966).

Theo cách diễn đạt của nhà nghiên cứu văn học Nga N.A. Anastasev (Н. А. Анастасьев), Nabokov là nhà văn của các nhà văn, và sự nghiệp sáng tạo của ông là văn học của văn học, là một thư viện lớn. Trên các trang sách của ông không ngừng vang lên tên tuổi của Shakespeare, Lev Tolstoy, Shiller và Kolridj, Edgar Po và Bodler, Dante và Gotorn, Shekhov và Rembo và hàng loạt các tên tuổi vĩ đại khác. Trong đó, Puskin giữ một vị trí đặc biệt, vì đối với Nabokov, Puskin là một tên tuổi mẫu mực, là nhà thơ vĩ đại, xứng đáng để ông bỏ ra cả chục năm trời dịch ra tiếng Anh trường ca “Evgheni Oneghin”, bản dịch từng gây náo động trên văn đàn và trong dư luận bạn đọc.

Nabokov và Thơ
 

Trong kho tàng văn học của Vladimir Nabokov, ngoài các tác phẩm văn xuôi bằng tiếng Nga và tiếng Anh, còn có một số lượng không nhỏ các tác phẩm thơ bằng tiếng Nga. Trọn cả cuộc đời sáng tạo sống xa tổ quốc, nhưng thơ Nabokov vẫn luôn đau đáu một tình yêu giành cho quê hương đất nước:

Ta không giận vẩn vơ

Không nguyền rủa cũng không van vỉ

Ta vẫn yêu Tổ quốc ta xưa cũ

Như cô nàng từng phụ tình ta.

(Gửi nước Nga - Quỳnh Hương dịch)

Vladimir Nabokov là gương mặt nổi tiếng trên văn đàn thế giới, nhưng do nhiều lý do khác nhau, nên hầu như chưa được độc giả Việt Nam biết đến. Để góp phần giúp bạn đọc có thêm một số thông tin về Nabokov, ngoài những điều khái quát trên đây, sau đây Tài Hoa Trẻ xin giới thiệu một số tác phẩm thơ của ông với các bản dịch của Tạ Phương, Nguyên Hùng, Thu Hương và Quỳnh Hương.

1. ЖУРАВЛИ

.

Шумела роща золотая,

ей море вторило вдали,

и всхлипывали, пролетая,

кочующие журавли

.

и в небе томном исчезали,

все тише, все нежней звеня.

Мне два последних рассказали,

что вспоминаешь ты меня...

24 октября 1918

.

1. Đàn sếu

.

Rừng thưa xào xạc lá vàng

Xa xa sóng biển rộn ràng hòa ca

Lưng trời đàn sếu bay qua

Tiếng kêu giã bạn diết da cháy lòng

.

Bóng chim tan giữa thinh không

Lời yêu thầm thĩ lắng trong tim người

Đôi chim sau rốt nhắn lời:

Rằng em vẫn nhớ về tôi mỗi ngày.

.

(Nguyên Hùng dịch)

.

2.

Есть в одиночестве свобода,

и сладость — в вымыслах благих.

Звезду, снежинку, каплю меда

я заключаю в стих.

.

И, еженочно умирая,

я рад воскреснуть в должный час,

и новый день — росянка рая,

а прошлый день — алмаз.

.

2. Không đề 1

.

Tự do có trong cô đơn

Và ngọt ngào – trong mộng ước.

Giọt mật, ánh sao, bông tuyết

Tôi gom trong một câu thơ.

.

Và sau mỗi đêm hấp hối

Tôi mừng sớm mai sống lại.

Ngày mới - giọt sương thiên đường

Còn ngày qua - hạt kim cương.

.

(Tạ Phương dịch)

.

3. ВЬЮГА

.

Тень за тенью бежит - не догонит,

вдоль по стенке... Лежи, не ворчи.

Стонет ветер? И пусть себе стонет.

Иль тебе не тепло на печи?

.

Ночь лихая... Тоска избяная...

Что ж не спится? Иль ветра боюсь?

Это - Русь, а не вьюга степная!

Это корчится черная Русь!

.

Ах, как воет, как бьется - кликуша!

Коли можешь - пойди и спаси!

А тебе-то что? Полно, не слушай...

Обойдемся и так, без Руси!

.

Стонет ветер все тише и тише...

Да как взвизгнет! Ах, жутко в степи...

Завтра будут сугробы до крыши...

То-то вьюга! Да ну ее! Спи.

.

3. Bão tuyết

.

Bóng tối trên tường dồn bóng tối,

Hãy nằm yên, trằn trọc làm chi!

Gió rên rỉ thì thây kệ gió

Hay mi chưa đủ ấm bên lò?

.

Đêm tai ương...Nỗi nhớ căn lều nhỏ

Mi khó ngủ ư, hay sợ gió rồi?

Đâu phải là thảo nguyên bão tuyết,

Là nước Nga trăn trở lúc tối trời!

.

Nào rú rít, giật rung, gào thét!

Có sức thì ra cứu giúp đi!

Sao thế nữa? Đủ rồi, bưng tai lại...

Sẽ qua thôi, dù nước Nga chẳng bên mi!

.

Tiếng gió rên khe khẽ yếu dần

Rồi lại tru lên... Ôi, thảo nguyên đáng sợ!

Sáng mai ra, băng ngập dày kín cửa...

Bão tuyết cơ mà! Thôi kệ nó, ngủ đi!

.

(Thu Hương dịch)

.

4.

О чем я думаю? О падающих звездах...

Гляди, вон там одна, беззвучная, как дух,

алмазною стезей прорезывает воздух,

и вот уж путь ее -- потух...

.

Не спрашивай меня, куда звезда скатилась.

О, я тебя молю, безмолвствуй, не дыши!

Я чувствую -- она лучисто раздробилась

на глубине моей души.

26 августа 1918

.

4. Không đề 2

.

Tôi nghĩ gì ư? Về những sao băng

Em nhìn kìa, thêm một ngôi, như linh hồn lặng ngắt

Bay vút qua không gian vệt sáng kim cương

Đến tận cùng đường, và lụi tắt.

.

Đừng hỏi tôi, sao rơi nơi đâu

Tôi xin em, hãy lặng im và nín thở!

Tôi cảm thấy ngôi sao đang tan vỡ

Thành muôn tia trong sâu thẳm hồn mình.

.

(Tạ Phương dịch)

.

5. России

.

Не предаюсь пустому гневу,

не проклинаю, не молю;

как изменившую мне деву,

отчизну прежнюю люблю.

.

Но как я одинок, Россия!

Как далеко ты отошла!

А были дни ведь и другие:

ты сострадательной была.

.

Какою нежностью щемящей,

какою страстью молодой

звенел в светло-зеленой чаще

смех приближающийся твой!

.

Я целовал фиалки мая,--

глаза невинные твои,--

и лепестки, все понимая,

чуть искрились росой любви...

.

И потому, моя Россия,

не смею гневаться, грустить...

Я говорю: глаза такие

у грешницы не могут быть!

1921?

.

5. Gửi nước Nga

.

Ta không giận vẩn vơ

Không nguyền rủa cũng không van vỉ

Ta vẫn yêu Tổ quốc ta xưa cũ

Như cô nàng từng phụ tình ta.

.

Nhưng ta cô đơn, ôi nước Nga!

Giờ đây người đã xa ta quá!

Qua mất rồi những ngày ta vẫn nhớ:

Người với ta chung một niềm đau.

.

Tiếng người cười như vang vọng tới ta

Từ thẳm sâu cánh rừng Nga xanh mát!

Dịu dàng quá khiến tim ta đau thắt

Và tràn đầy đam mê trẻ trung.

.

Ta khẽ hôn đóa đồng thảo tháng năm,

Đôi mắt Nga thơ ngây trong vắt,-

Những cánh hoa dường như cũng hiểu,

Long lanh sương đáp lại tình ta...

.

Và vì thế, ơi nước Nga của ta,

Ta chẳng dám bao giờ buồn giận...

Ta luôn nói: Mắt trong veo đến vậy

Kẻ lỗi lầm chẳng có nổi đâu!

.

(Quỳnh Hương dịch).

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Kẻ trộm thời gian
Truyện ngắn của Abdumominov Abdulloh (13 tuổi), học sinh trường số 102, quận Shayhantahur, Tashkent, Uzbekistan.
Xem thêm
Đàn sếu mùa xuân | Chùm thơ Nga | Nguyên Hùng dịch
Rằng em vẫn nhớ về tôi mỗi ngày...
Xem thêm
Còn mãi một tình yêu | Chùm thơ Nga | Nguyên Hùng dịch
Anh muốn chăng em đi cùng anh/ Để làm anh đắm say, ngây ngất?
Xem thêm
Andrei Voznesensky - Kiến trúc sư của thơ Nga hiện đại
Tới bình minh em sẽ đánh thức anh/ Rồi cứ để chân trần em tiễn anh đi nhé.
Xem thêm
Agnia Barto - Người còn mãi với tuổi thơ
Sách do Agnia Barto viết ra được in với số lượng hàng triệu bản.
Xem thêm
Cheslav Milos - Lương tri và bản sắc tâm hồn Ba Lan
Nhà thơ, nhà văn kiêm dịch giả Cheslav Milos
Xem thêm
Sức sống mãnh liệt trong thơ Louise Glück
Nhà thơ Louise Glück là một tên tuổi còn ít nhiều xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Năm 2004, thơ và một số tiểu luận của bà xuất hiện khiêm tốn trong tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX
Xem thêm
Điểm lại các giải Nobel Văn học trong 10 năm trở lại đây
Từ năm 2010 đến nay, giải Nobel Văn học 2 lần thuộc về tác giả Mỹ (2020, 2016), các tác giả còn lại lần lượt thuộc các quốc gia: Áo, Ba Lan, Anh, Belarus, Pháp, Canada, Trung Quốc, Thụy Điển và Peru.
Xem thêm