TIN TỨC
icon bar

Andrei Voznesensky - Kiến trúc sư của thơ Nga hiện đại

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-30 08:02:20
mail facebook google pos stwis
3693 lượt xem

NGUYÊN HÙNG

Andrei Voznesensky là nhà thơ độc đáo và tài năng. Ông vốn là người có ý thức về thời đại, là người mang tham vọng về tính đa trị của hình tượng, là nhà thơ đầy chất trữ tình. Sự nghiệp sáng tạo của ông được đặc trưng bởi những sự kết hợp cô đọng và lối ẩn dụ, phóng đại với vốn tân ngữ phong phú. Ông không giống bất kỳ một nhà thơ nào khác. Voznesensky là người làm việc nhiều, nghiêm túc và đã xuất bản hơn mười tập thơ.

A.Voznesensky sinh ngày 12 tháng 5 năm 1933 tại Moskva trong một gia đình công chức khoa học. Năm 1957 tốt nghiệp đại học kiến trúc Moskva. Những bài thơ đầu tiên được đăng vào năm 1958. Năm 1960, hai tập thơ và trường ca của ông lần lượt được xuất bản: “Parabol” và “Bức khảm”. Tiếp theo sau đó là các tập “Vũ trụ” (1964), “Sự cám dỗ” (1979), “Bản năng” (1981), “Nước Nga, thơ ca” (1991), “Thơ - Trường ca - Văn xuôi” (2000), v.v…

Phương tiện ưa thích nhất của A.Voznesenski là lối ẩn dụ, phóng đại, còn thể loại chính là thơ tự sự trữ tình, ballad và kịch thơ. Andrei Voznesenski giành sự chú ý đặc biệt tới giới trí thức, “các nhà vật lý và các nhà thơ trữ tình”, những người lao động sáng tạo. Đóng góp quan trọng nhất của ông không phải ở các vấn đề tâm lý xã hội mà chính là các phương tiện và hình thức nghệ thuật thể hiện chúng.

Kết cấu các cuốn sách thơ ca và các tác phẩm riêng lẻ của A.Voznesensky thường được xây dựng trên các nguyên tắc cấu trúc học, trong đó, khi xây dựng những cuốn sách mới nhà thơ thường chia ra những chương đặc biệt gồm những gì được tuyển chọn từ các tác phẩm trước đó.

Là người cổ súy cho phong trào vì tiến bộ khoa học và kỹ thuật, A.Voznesensky từng là một trong những người đầu tiên cảm nhận được khát vọng mãnh liệt trong sự “yên tĩnh”. Nhà thơ cần sự yên tĩnh để giao hòa vào thiên nhiên, cần yên tĩnh cho tình yêu, để tập trung cho những suy tư về cuộc đời, để hiểu được những cảm xúc đa chiều trong con người. “Oza”, bản trường ca về tình yêu là một tác phẩm liên quan đến sự yên tĩnh dạng đó. Đề tài về phụ nữ tựu trung được thể hiện rất rõ nét trong thơ ca của A.Voznesensky, cụ thể có thể kể đến các tác phẩm “Đám cưới”, “Mùa thu”, “Bài ca Ofely”, v.v…Thiếu tình yêu giành cho phụ nữ và cảm xúc mãnh liệt trước thiên nhiên thì “con người sụp đổ”, và “tất cả các quá trình chỉ là vô dụng”.

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là một trong những đề tài quan trọng nhất trong thơ của Andrei Voznesensky. Đó là những “Ballad của năm 1941”, “Gôia”, “Cái hố”, “Bác sỹ Mùa thu”, v.v…

Đề tài về sự suy đồi xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ, nhưng ý nghĩa tồn tại của nó thì thay đổi theo thời gian: nếu vào những năm 1960-x A.Voznesensky nói về sự suy đồi của những cái xưa cũ, về những hình thức lỗi thời của đời sống và nghệ thuật, thì vào những năm 1980-x và 1990-x ông lại nói về sự suy đồi của các giá trị tinh thần (“Khúc cuồng tưởng của sự suy đồi”).

A.Voznesensky coi thơ ca và nghệ thuật, sự hoạt động quả cảm của giới trí thức Nga và sự phục hưng các giá trị Ki-tô giáo là thứ thuốc giải dùng để chống lại thói vô cảm và sự tàn ác.

Tác phẩm của A.Voznesensky với nội dung tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật của mình đã được đón nhận một cách rộng rãi qua các hý trường, nhà hát, sân khấu. Trên cơ sở tác phẩm của ông, Iu.Liubimov đã dựng vở kịch “Vũ trụ”. A.Rybnikov viết vở rock-opera “Junona và Avos”, và M. Zakharov thì dựng nó tại Nhà hát mang tên “Đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin”.

A.Voznesensky đồng thời cũng không ngại thử nghiệm trong các thể loại nghệ thuật khác như dựng các video mà ở đó thơ được phối hợp với tranh ảnh và thư pháp.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ của A.Voznesensky qua các bản dịch của Quỳnh Hương:
 

SAGA


Tới bình minh em sẽ đánh thức anh

Rồi cứ để chân trần em tiễn anh đi nhé.

Em sẽ không bao giờ gặp lại anh lần nữa.

Em sẽ không bao giờ quên anh đâu.

 

Che chở em khỏi cái lạnh lúc rạng đông

Anh nhủ thầm: «Chúa lòng lành có thấu!

Anh sẽ không bao giờ gặp lại em lần nữa

Anh sẽ không bao giờ quên em đâu».

 

Mặt nước ngã ba sông sóng lăn tăn

In bóng Bộ Hải quân và Phòng chứng khoán

Anh sẽ không bao giờ quên cảnh đó

Dù sẽ không bao giờ được thấy lại nữa đâu.

 

Những cây anh đào tuyệt vọng sạm nâu

Nhựa đổ dòng như lệ rơi bởi gió.

Quay đầu lại luôn luôn là điềm gở.

Anh sẽ không bao giờ gặp lại em đâu.

 

Cả khi ta tái sinh trong kiếp khác

Thêm một lần sống trên Trái đất này

Thì vĩnh viễn với nhau ta lạc mất.

Anh sẽ không bao giờ gặp lại em đâu.

 

Và những hiểu lầm từ trước tới nay

Bỗng trở nên nhỏ nhoi không đáng nói

Trước tiền định của cuộc đời sắp tới

Giữa hai ta là khoảng trống không người.

 

Treo lửng lơ trên cao vời vô nghĩa

Là đôi câu ám ảnh suốt không thôi:

«Ta sẽ không bao giờ quên nhau trong đời.

Ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nữa».


Quỳnh Hương dịch


BĂNG GIÁ ĐẦU ĐỜI

 

Trong cabin điện thoại em gái cóng rồi

Áo khoác mỏng manh không đủ che khỏi lạnh

Khuôn mặt nhỏ đẫm đầy nước mắt

Phấn son trôi không giấu được tái xanh.

 

Dùng hơi thở tạm sưởi từng ngón tay

Giá như băng. Đôi hoa tai cũng thế.

Ngại ngùng trước đường về em đơn lẻ

Con phố vắng người đã phủ một lớp băng

 

Băng giá đầu đời lần đầu tiên em gặp

Băng giá đầu đời từ điện thoại lạnh lùng

Vết băng giá trên má em lấp lánh.

Băng giá phũ phàng từ những người dưng.
 

(Bài đăng tạp chí Tài Hoa Trẻ số 424 ngày 21-6-2006).

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mừng ngày tựu trường của các cháu
Chùm thơ thiếu nhi do Nguyên Hùng chuyển ngữ
Xem thêm
Kẻ trộm thời gian
Truyện ngắn của Abdumominov Abdulloh (13 tuổi), học sinh trường số 102, quận Shayhantahur, Tashkent, Uzbekistan.
Xem thêm
Đàn sếu mùa xuân | Chùm thơ Nga | Nguyên Hùng dịch
Rằng em vẫn nhớ về tôi mỗi ngày...
Xem thêm
Còn mãi một tình yêu | Chùm thơ Nga | Nguyên Hùng dịch
Anh muốn chăng em đi cùng anh/ Để làm anh đắm say, ngây ngất?
Xem thêm
Agnia Barto - Người còn mãi với tuổi thơ
Sách do Agnia Barto viết ra được in với số lượng hàng triệu bản.
Xem thêm
Vladimir Nabokov - một hiện tượng văn chương đặc sắc
Trong lịch sử văn học thế kỷ 20, Vladimir Nabokov giữ vị trí độc nhất vô nhị, là tác giả viết giỏi đồng thời bằng hai thứ tiếng: Nga và Anh. Sinh ra ở nước Nga, ông luôn mang theo mình những hồi ức về quê hương,
Xem thêm
Cheslav Milos - Lương tri và bản sắc tâm hồn Ba Lan
Nhà thơ, nhà văn kiêm dịch giả Cheslav Milos
Xem thêm
Sức sống mãnh liệt trong thơ Louise Glück
Nhà thơ Louise Glück là một tên tuổi còn ít nhiều xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Năm 2004, thơ và một số tiểu luận của bà xuất hiện khiêm tốn trong tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX
Xem thêm
Điểm lại các giải Nobel Văn học trong 10 năm trở lại đây
Từ năm 2010 đến nay, giải Nobel Văn học 2 lần thuộc về tác giả Mỹ (2020, 2016), các tác giả còn lại lần lượt thuộc các quốc gia: Áo, Ba Lan, Anh, Belarus, Pháp, Canada, Trung Quốc, Thụy Điển và Peru.
Xem thêm