- Văn học nước ngoài
- Agnia Barto - Người còn mãi với tuổi thơ
Agnia Barto - Người còn mãi với tuổi thơ
NGUYÊN HÙNG
Agnia Barto là nhà thơ thiếu nhi mà ở Nga hầu như đứa trẻ nào cũng biết. Sách do Agnia Barto viết ra được in với số lượng hàng triệu bản. Bà là một người phụ nữ đặc biệt, cả cuộc đời mình bà giành trọn cho trẻ thơ: ngoài việc làm thơ cho thiếu nhi, bà còn tham gia tích cực các hoạt động vì thiếu nhi, bảo vệ thiếu nhi. Nói về bà, R.Gamzatov đã từng viết “bà luôn sẵn sàng đón nhận một thế hệ khi đưa tiễn một thế hệ khác”…
Agnia Barto sinh ra ở Moskva trong một gia đình bác sỹ thú y. Bắt đầu làm thơ từ những lớp dưới ở trường trung học. Từng mơ ước trở thành nghệ sỹ ba-lê và đã tốt nghiệp trường múa.
Agnia Bart bước chân vào lĩnh vực văn chương một cách khá tình cờ. Ở trường trung học, tại kỳ thi tốt nghiệp, Barto đã đọc bài thơ của mình, “Hành khúc đám ma”, với sự có mặt của A.Lunacharsky, nhà hoạt động xã hội đồng thời là nhà nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng. Sau đó ít ngày, Lunacharsky mời cô nữ sinh Agnia đến chỗ ông và quả quyết rằng, cô được sinh ra là để viết những bài thơ vui nhộn.
Năm 1925 Barto được nhận vào làm việc ở Ban biên tập Văn học thiếu nhi của Nhà xuất bản Quốc gia. Tại đây, Barto bị cuốn hút hoàn toàn vào công việc. Bà có dịp được học hỏi nhiều bên cạnh các nhà thơ đàn anh như Maikovsky, Chukovsky, Marshak…
Năm 1937 Barto đến Tây Ban Nha với tư cách là đại biểu của Hội nghị quốc tế về bảo vệ văn hóa. Hội nghị diễn ra dưới các trận ném bom ở Barcelona, trong sự bao vây ở Madrid. Đề tài bảo vệ hòa bình, tình hữu nghị giữa các dân tộc từ đó đã đi vào các tác phẩm thơ ca của nữ thi sỹ.
Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc, Barto thường phát biểu qua đài phát thanh, từng ra mặt trận với tư cách phóng viên của tờ “Komsomolskaia Pravda”. Để viết trường ca về lứa tuổi vị thành niên, những người vì chiến tranh mà phải trưởng thành trước tuổi, phải làm việc và nuôi gia đình, nữ thi sỹ đã cùng họ miệt mài học nghề thợ tiện, thậm chí đạt trình độ của một người thợ thủ công.
Những năm sau chiến tranh Agnia Barto trở thành nhà tổ chức của phong trào tìm kiếm những gia đình bị ly biệt trong chiến tranh, một phong trào có quy mô rộng lớn trong phạm vi toàn Liên bang Xô viết. Chương trình “Tìm người” trên sóng của đài phát thanh “Maiak” đã giúp cho 927 gia đình có được ngày được sum họp sau nhiều năm ly tán. Rất nhiều thư của bạn nghe đài từ khắp nơi được gửi đến Barto và bà trở thành một nhân vật được công chúng ngưỡng mộ.
Trong sự nghiệp sáng tạo của mình Agnia Barto đều đặn cho ra đời nhiều tập thơ. Vào thời gian đầu, đó là: “Những người anh em” (1928), “Cậu-bé-ngược-đời” (1934), “Đồ chơi” (1936), “Chim hồng tước” (1939). Trong khoảng 1940-1950, bà xuất bản các tập thơ “Bé gái lớp một”, “Thành phố chuông”, “Thơ vui”, đồng thời viết kịch bản cho các phim thiếu nhi, như “Đứa con rơi”, “Chú voi và sợi dây”, “Aliosa Ptitsyn rèn luyện tính cách”. Năm 1958, Barto viết một loạt thơ trào phúng rất dày dặn cho thiếu nhi - các tập “Leshenka, Leshenka”, “Ông cháu”, v.v...
Có thể dễ dàng thấy rằng thơ Agnia Barto có một vị trí rất đáng kể trong nền văn học thiếu nhi Nga xô viết. Thế nhưng, đối với độc giả Việt Nam, đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi, bà vẫn còn khá lạ lẫm. Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu dưới đây chùm thơ của bà qua các bản dịch của Nguyên Hùng, Thu Hương và Quỳnh Hương.
Chú gấu
Họ ném gấu xuống sàn
Họ vặt chân của nó
Mặc kệ, em không bỏ
Vì nó tốt lắm mà.
Thỏ con
Cô chủ quẳng thỏ con
Nằm dưới mưa lạnh run
Thỏ không rời ghế nổi
Vì lông ướt hết trơn!
Qủa bóng
Em gái tôi gào khóc:
“Kìa, bóng chìm xuống kênh!”
- Nín ngoan nào, bé ngốc
Bóng rớt kênh, nổi phềnh!
Vệ sĩ là thế
Bé Lida, em trông
Đừng hòng ai ăn hiếp!
Chúng em rất đoàn kết
Em yêu bé rất nhiều
Chỉ khi nào cần chiều
Em tự mình đét bé!
Đến trường
Vì sao đêm nay Pechia
Phải đến chục lần thức giấc?
Bởi vì hôm nay cậu ta
Ngày đầu đến trường đi học.
Giờ cậu không còn trẻ con
Giờ cậu là người khác hẳn
Giờ cậu khoác áo mới coong
Cổ áo bẻ như người lớn.
Tỉnh giấc giữa đêm tối thui
Lúc chỉ mới ba giờ kém
Cuống cuồng, cậu gọi ới ời
Sợ rằng giờ học đã điểm.
Cậu mặc rất nhanh áo quần
Chộp từ trên bàn cặp vở
Bố chạy đuổi theo rần rần
Kịp thời túm tay sau cửa.
Hàng xóm cạnh nhà thức dậy
Đèn đóm lần lượt sáng trưng
Hàng xóm sau tường thức dậy
Để rồi lần nữa lên giường.
Cậu đánh thức cả căn hộ
Đến sáng, chẳng trừ một ai
Thậm chí bà như mơ ngủ
Thấy mình đang lúc ôn bài.
Thậm chí ông như mơ thấy
Mình đang đứng cạnh bảng đen
Nhìn lên bản đồ, sông ấy
Nằm đâu, sao thật khó tìm.
Vì sao đêm nay Pechia
Có đến chục lần thức giấc?
Bởi vì hôm nay cậu ta
Trở thành học sinh lớp một.
(Nguyên Hùng dịch)
------
Người giúp việc
Ta-nhi-a luôn bận rộn
Biết bao công chuyện suốt ngày
Sáng giúp anh mình ăn kẹo
Ăn hoài, đến tận trưa nay.
Em thật sự là rất bận
Nào ăn cơm, nào uống trà
Nào ngồi ở bên cạnh mẹ
Nào đứng dậy ra với bà
"Tối rồi, ngủ thôi, mẹ nhỉ,
Áo em, mẹ tự cởi đi!
Mệt quá em không cởi được.
Mai em giúp mẹ chứ gì!"
.
Bé Sao bằng cao su
Bé Sao bằng cao su
Bé Sao bằng cao su
Mẹ mua trong cửa hiệu
Xinh xinh trông rất điệu
Trong giỏ xách mơ màng.
Xúng xính, rồi ngó nghiêng
Thế là rơi khỏi giỏ
Lem luốc đôi ba chỗ
Phải rửa bằng ét-xăng
Bé gí tay dọa Sao:
- Chớ dại như thế nữa
Nếu không chị giận dữ
Trả Sao cho cửa hàng!
(Thu Hương dịch)
------
Có một lần tớ trót làm vỡ kính
Trong cuộc đời tớ chẳng gặp may
Có một lần tớ trót làm vỡ kính.
Kính cửa sổ dưới mặt trời lấp lánh
Sáng rực và tươi cười,
Còn tớ chơi bóng – hoàn toàn tình cờ thôi!
Thế mà tớ khổ mãi...
.
Từ bấy đến giờ
Từ bấy đến tận giờ,
Hễ tớ chạy xuống sân
Lập tức có ai đó,
Hét sau lưng:
- Này, cẩn thận, kính nhà ai sắp vỡ?
Dù từ cái ngày không may đó
Bao nhiêu là năm tháng đã trôi qua.
.
Cứ hễ tớ thở dài
Lập tức có người quan tâm hỏi:
- Lại gây chuyện gì thế?
Thêm kính nhà ai vỡ hay sao?
.
Không, trong cuộc đời tớ chẳng gặp may
Có một lần tớ trót làm vỡ kính
.
Ngay như ngày hôm qua đấy,
Cô bé xinh xinh bên hàng xóm
Đi ngược chiều, vừa đi vừa nghĩ ngợi
Cơ hội hay quá đi thôi.
Tớ vừa mới định hỏi han,
Thế mà cô nàng
Nhắc lại chuyện kính vỡ đã tám đời,
Dù vẫn không quên sửa đôi bím tóc.
.
Trong cuộc đời tớ chẳng gặp may
Những mảnh vỡ cứ theo tớ suốt.
.
Chắc còn theo đến ngày tớ hai trăm tuổi mất,
Khi lũ chắt bám theo hỏi tò mò:
- Cụ ơi, có phải
Ngày còn là trẻ nhỏ
Cụ lang thang dưới từng cửa sổ,
Với hòn đá trong tay?
Tớ thì đã quên mất, tớ chỉ biết thở dài...
Không, rõ là đời tớ chẳng gặp may
Chỉ một lần tớ trót làm vỡ kính.
(Quỳnh Hương dịch).
Bình luận