- Văn học nước ngoài
- Samuel Marshak - người kể chuyện cổ tích cho thiếu nhi
Samuel Marshak - người kể chuyện cổ tích cho thiếu nhi
Samuel Marshak (1887-1964) là nhà thơ Nga, tác giả kinh điển của văn học thiếu nhi xô-viết (bao gồm thơ, truyện cổ tích, kịch). Ông là tác giả của nhiều tác phẩm thơ triết học, thơ trào lộng, các áng văn châm biếm chống phát-xít; ông đồng thời là người dịch các tác phẩm nổi tiếng của Burns, Shakespeare, Black và các truyện cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Marshak là dịch giả đã làm giàu nền thơ ca Nga xô-viết bằng những bản chuyển ngữ tài hoa các bản sô-nê của Shakespeare, những bài ca và ballad của R.Burns, W.Black, U.Vordsworth, Dj.Keats, R.Kipling, A.Milton và nhiều nhà thơ Ucraine, Belarus, Lítva, Armenia…
Samuil Marshak sinh ra tại Voronedzh trong gia đình một kỹ thuật viên đồng thời là nhà sáng chế có tài, người luôn ủng hộ các con hướng tới tri thức, quan tâm đến thế giới và mọi người. Thời thơ ấu của Marshak trôi qua tại thị trấn Ostrogojrsk ở Voronedzh. Từ hồi còn ở trường trung học, Marshak đã được thầy giáo ngôn ngữ truyền cho tình yêu giành cho thơ ca cổ điển, qua đó khơi dậy trong anh năng khiếu văn học của một nhà thơ tương lai. Một trong những cuốn vở ghi chép thơ ca của Marshak tình cờ rơi vào tay V. Stasov, nhà nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng Nga, người rất có ảnh hưởng tới số phận của giới trẻ. Với sự giúp đỡ của Stasov anh đã chuyển đến Peterburg, học tại một trong những trường trung học tốt nhất, có điều kiện đọc sách vào bất kỳ lúc nào tại thư viện nơi Stasov làm việc.
Năm 1904, tại nhà Stasov, Marshak làm quen với M. Gorky. Nhà văn Nga nổi tiếng tỏ ra đặc biệt chú ý đến Marshak và đã mời anh đến nhà nghỉ của mình ở Biển Đen. Tại đây Marshak được chữa bệnh, học tập, đọc rất nhiều sách và được gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Khi gia đình Gorky buộc phải rời Krưm vì sự khủng bố của chính phủ Nga hoàng sau cách mạng 1905, Marshak trở lại Peterburg, nơi bố anh cũng vừa chuyển đến làm việc trong một nhà máy gần Nevskaia.
Chính nơi đây Marshak đã bắt đầu những năm tuổi trẻ đầy khó khăn: vừa đến trường, vừa cộng tác với các tạp chí và các tuyển thư văn học. Mấy năm sau, Marshak rời Peterburg đi học ở Anh, đầu tiên là Trường cao đẳng kỹ thuật, sau đó là trường Đại học tổng hợp London. Vào những kỳ nghỉ Marshak thường đi bộ tham quan khắp nước Anh, nghe các bài dân ca của xứ sở sương mù. Và ngay từ lúc đó, anh đã bắt đầu các bản dịch ballad Anh mà về sau đã góp phần làm rạng danh Marshak.
Năm 1904 Marshak trở về nước, làm việc ở tỉnh, lần đầu tiên công bố các bản dịch của mình tại các tạp chí “Những ghi chép phương Bắc” và “Ý tưởng Nga”. Trong những năm chiến tranh, ông tham gia tích cực các hoạt động cứu trợ trẻ em của các gia đình chạy loạn.
Từ những năm đầu của thập niên 20 (1920-x), Marshak tham gia vào việc tổ chức các nhà trẻ ở Krasnodar, thành lập nhà hát thiếu nhi và tại đây bắt đầu sự nghiệp sáng tạo của một nhà văn thiếu nhi.
Năm 1923, trở lại Petrograd, Marshak bắt tay viết những câu chuyện đặc sắc đầu tiên của mình bằng thơ, như “Câu chuyện về con chuột ngu ngốc”, “Cháy”, “Bưu cục”, dịch từ tiếng Anh các bài dân ca thiếu nhi, như “Ngôi nhà Djrek xây”… Thời gian này ông đồng thời là người lãnh đạo một trong những tạp chí thiếu nhi xô-viết đầu tiên – “Robinzon mới”, nơi tập hợp được nhiều nhà văn thiếu nhi tài năng. Marshak là cộng tác viên đầu tiên của M. Gorky, người thành lập Nhà xuất bản văn học thiếu nhi (Detgiz).
Thơ của Marshak viết cho thiếu nhi, những bài hát của ông, các câu đố, những mẩu chuyện và những lời mào đầu cho các truyện cổ tích, những vở kịch cho nhà hát thiếu nhi đã được tập hợp thành tuyển “Truyện cổ tích, bài hát, câu đố” từng được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Năm 1937 Marshak chuyển về Moskva. Trong thời gian những năm 1930-x ông viết truyện trào phúng “Ngài Tvister”, tác phẩm thơ “Chuyện kể về người anh hùng vô danh”, v.v…Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc ông hợp tác tích cực với các tờ báo – mảng thơ trào phúng, văn đả kích của ông đã góp tiếng nói chế nhạo, vạch mặt kẻ thù. Những năm sau chiến tranh, ông cho xuất bản các tập sách thơ “Bưu điện thời chiến”, “Truyện cổ tích”, bộ bách khoa toàn thư thơ ca “Cuộc hành trình vui nhộn từ A đến Z”. Ông cũng dành nhiều thời gian cho công việc dịch Shakespeare, Burns, Black, U. Vordsworth, Dj.Keats, R.Kipling, A.Milton, v.v…
Về các sáng tác kịch của Marshak, có thể kể đến những tác phẩm đặc biệt nổi tiếng, như các vở kịch “12 tháng”, “Những đồ vật thông minh”, “Ngôi nhà mèo”…
Ngoài ra, Marshak cũng đã để lại dấu ấn của mình trong các tác phẩm điện ảnh với tư cách là nhà biên kịch, như “Những chuyện phiêu lưu của chú Tễu” (1937), “Frits trẻ thơ” (1943), “Chipollino” (1973).
Năm 1963, tập “Thơ trữ tình chọn lọc” được xuất bản. Đây có thể được coi là cuốn sách cuối cùng của Marshak.
Là tác gia kinh điển của nền văn học Nga thế kỷ XX được công chúng thừa nhận, yêu mến và tìm đọc, Marshak đã được trao tặng các danh hiệu cao quý nhất: bên cạnh giải thưởng Lê-nin là giải thưởng quốc gia các năm 1942, 1946, 1949, 1951.
Samuil Marshak mất ngày 4 tháng sáu năm 1964 tại Moskva, hưởng thọ 77 tuổi.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu dưới đây chùm thơ – câu đố của Samuil Marshak với các bản dịch của Nguyên Hùng được thực hiện từ nguyên bản tiếng Nga.
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, mời các ông bà giải đố cho các cháu
CHÙM THƠ SAMUIL MARSHAK
(Nguyên Hùng dịch)
1.
Nó ồn ào vườn cây
Nó rào rào ruộng lúa
Em không ra khỏi cửa
Khi nó còn ngoài sân.
2.
Hai càng tay kéo vắt tai
Cặp bánh xe tròn khoanh mắt
Yên ngựa leo sống mũi ngồi
Người già thường cần nó nhất.
3.
Ta đi, “hai đứa” theo ta
Giống nhau như thể chúng là em, anh
Ta ăn, chúng nghỉ dưới bàn
Mỗi lần ta ngủ, chúng “lăn” gậm giường.
4.
Xuân hè áo xống đủ đầy
Thu về cởi áo thân gầy đến thương
Ngày đông giá lạnh, bên đường
Áo lông em khoác, tuyết nhường cho em!
5.
Bước vào nhà trước thềm năm mới
Trông phương phi, đầy đặn, hồng hào
Nhưng mỗi ngày, thân mỗi gầy hao
Cho tới lúc hoàn toàn biến mất.
6.
Chúng tôi chạy đêm thâu
Chúng tôi chạy ngày dài
Nhưng chẳng đi đến đâu
Chẳng bỏ đi nơi khác.
Chúng tôi báo chính xác
Cho bạn cứ mỗi giờ
Bạn ơi, đừng xử ác
Ném làm chúng tôi hư!
7.
Nó mời em vào nhà
Nó tiễn em ra ngõ
Đêm nằm im dưới khóa
Giữ mơ hồng cho em.
------
Đố các bạn là những gì?
Bình luận