TIN TỨC
icon bar

Nỗi đau sau chiến tranh | Truyện ngắn Phạm Hào Quang

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-12-16 21:24:52
mail facebook google pos stwis
3796 lượt xem

Cánh buồm thao thức trân trọng mời quý vị và các bạn cùng đọc truyện ngắn của một người con xứ Nghệ rất đáng ngưỡng mộ. Anh là thương binh 1/4 (hạng nặng nhất), từng hơn 2 năm trời nằm ở bệnh viện Quân y 175, từng qua 4 lần lên bàn mổ với bệnh án khủng: Vỡ hộp sọ, vỡ gan, gãy xương cổ, gãy xương sườn, liệt tứ chi...

PHẠM HÀO QUANG

Chị họ tôi sinh năm Dần. Ông trưởng tộc (người mê tín nhất làng) khuyên cha mẹ chị đặt cho chị tên Mão. Theo ông thì con gái tuổi Dần cao số, sợ sau này lận đận chuyện chồng con. Đặt tên Mão để người ta tưởng rằng con mình tuổi Mão. Thông gia là mối bang giao thú vị nhất vì vừa hiệp thương hòa bình vừa ngấm ngầm ganh đua không khoan nhượng. Đời mà! Mình phải lừa họ trước khi họ lừa mình.

Nhà nghèo đông em, chị họ tôi thân cò lặn lội mò cua bắt ốc kiếm miếng ăn phụ giúp cha mẹ. Đen đủi gầy gò nhưng được trời thương, lớn lên trổ mã thành thiếu nữ xinh xắn "nghiêng bình đổ nước". Nghe bà hàng xóm ru cháu "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" làm cho tôi cứ lầm tưởng ông nhà thơ nào đó đã nhìn trộm chị Mão tắm ở ao làng.

Mấy chú bộ đội "khu Ba" hành quân qua trạm giao liên làm ửng hồng đôi má mấy cô thôn nữ. Yêu một chú, trăng thanh gió mát hôn vội sau đình. Ông bí thư chi bộ bắt gặp, phấn đấu hơn năm trời mới được kết nạp vào Đoàn.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, xã vét người đi dân công hỏa tuyến. Chị tôi hăm hở lên đường. Mơ lắm... biết đâu vào trong đó "cùng mắc võng giữa rừng Trường Sơn" sẽ gặp được anh bộ đội đã hôn mình ngày ấy.

Ngày trở về mắt trắng môi thâm vì sốt rét rừng, một bên mặt biến dạng vì nghe đâu lãnh nguyên một mảnh bom thay cho đồng đội. Cha mẹ già khuất núi, các em đã dựng vợ gả chồng. Căn nhà lá tuổi thơ, mảnh vườn nhỏ tuổi thơ thằng cháu trời đánh cậy thế đích tôn xây tường ôm hết thảy. Ông tộc trưởng thương tình, cho dựng tạm căn lều phía sau nhà thờ họ.

Trời vẫn thương, sức khỏe chị tôi ngày càng hồi phục. Quá lứa lỡ thì sung mãn tuổi hồi xuân. Dáng đi lầm lũi nghẹn ngào, đôi mắt thăm thẳm nỗi buồn vì tuổi tác đã xế chiều mà chưa có bờ vai nào để dựa.

Xã hội ngày càng thay da đổi thịt, đâu đâu cũng rộ lên phong trào xây dựng "Làng văn hóa". Căn nhà lá của chị tôi cũng đã được thay bằng hai gian nhà gạch. Riêng chị tôi vẫn thui thủi một mình.

Cơn bão số bảy tràn qua gây mưa to gió lớn. Bỗng có tiếng la thất thanh "Ối làng nước ơi, nó hiếp tôi!". Mấy chú dân phòng bỏ bàn nhậu vác gậy chạy về phía có tiếng kêu. Tới nơi, thấy chị tôi xõa tóc ngồi một mình trên chõng tre, đôi mắt nhạt nhòa hình như đang mơ về nơi xa lắm...

- Đứa nào hiếp chị? Đội trưởng dân phòng sừng sộ .

- Có ai đâu. Chị tỉnh bơ.

- Vậy tại sao chị la làng? Chị có biết làng mình vừa đón danh hiệu làng văn hóa không ? Vu khống bậy bạ làm mất thành tích hết ráo !

- Các người ngập ngụa trong ước mơ hoài bão mà vẫn còn thòm thèm. Tôi đang là con người, tại sao tôi không có quyền mơ ước?

***

Ngay ngày hôm sau, chị Mão phải lên xã nộp phạt vi cảnh hai trăm nghìn vì tội la làng bị hiếp. Thực ra chỉ là do chị "ước mơ" được hiếp thôi chứ có ma nào chịu hiếp chị đâu. Hai trăm ngàn cho một ước mơ? Rẻ chán !

Vừa ra khỏi cổng ủy ban, gã đội trưởng dân phòng lù lù xấn tới đòi năm chục ngàn vì cái nồi lẩu đuôi bò bị đàn chó của chủ quán ăn mất. Gã trợn mắt: "Đang ngồi uống rượu ngon lành với đám chiến hữu thì ả ni rửng mỡ la làng ầm ĩ lên, làm tui phải bỏ mâm chạy xuống hiện trường, đến khi về chỉ còn cái tô méo".

Chưa xong, xẩm tối ông tộc trưởng mò tới thẳng thừng đòi lại cái nền đất nơi chị đang ở. Ông ta nhăn nhó: "Hồi trước thấy ả khổ tui làm phước cho ả ở nhờ. Nay ả đỡ rồi thì phải trả lại đất để tui mở quán cầy tơ bảy món kiếm chút tiền nhang khói tế lễ hàng năm".

Buồn đời, buồn người, buồn cho cái nhân tình trồi sụt, chị Mão ứa nước mắt vót vét mớ bát đĩa nồi niêu xoong chảo ra dựng tạm căn lều bên ngoài bờ đê sông Lam.

Mảnh gò nơi chị Mão dựng lều gần bên Hói Cống, một doi đất sát cửa sông do con nước bao năm thăng trầm bồi lở mà hình thành. Hồi trước cũng có vài hộ dân ra đây khai phá để trồng dâu nuôi tằm, nhưng rồi vải vóc Trung Quốc tràn sang rẻ như cho. Lụa dệt ra chẳng ma nào mua cho nên bãi dâu dần dần hoang phế. Đến mùa mưa bão, nước thượng nguồn sông Lam ồ ạt tràn về, mang theo củi khô, xác súc vật và thỉnh thoảng có cả xác người.

Đúng ra thì chị Mão là người thứ hai ra dựng lều tá túc ở đây. Người đầu tiên tìm nơi "đất lành chim đậu" là ông Hoe Mót, một lão nông ngót nghét thất tuần.

Sinh thời, Hoe Mót mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lúc nhỏ lay lắt đầu đường xó chợ, lớn lên làm thợ cho chủ bè khai thác tre nứa gỗ lậu tận Con Cuông. Sơ sẩy trong bữa đốn cây bị gỗ đè dập nát một giò, lê lết về quê tìm họ hàng thì chú bác cô dì đều ngoảnh mặt. Buồn đời sinh tật nhậu nhẹt bê tha. Một bữa Hoe ta say rượu trúng gió nằm bên đê tưởng chết, may sao được ả Chắt Hĩm "gãy gánh nửa chừng xuân" động lòng trắc ẩn, dìu về nhà cho bát cháo hành thị Nở để rồi nên vợ, nên chồng.

Tưởng rằng tí tởn để "thông đái ngon cơm" ai dè trời thương cho kết trái đơm bông được hai thằng con khôi ngô tuấn tú. Thằng anh là cu Nậy, thằng em là cu Nhỏ. Hai cu ngoan hiền lễ phép, học hành sáng dạ thông minh. Làng trên xóm dưới ai cũng ngợi khen, ngỡ như là ông trời có mắt.

Cu Nậy tên khai sinh là Lê Mạnh Hùng, học trường chuyên toán tỉnh Nghệ An. Hơn sáu năm du học ở Liên Xô kiếm được mảnh bằng Phó tiến sỹ vật lý hạt nhân. Về nước thất nghiệp vật vờ, may sao trong một bữa đánh lộn tại quán bar ở Hà Nội, "anh hùng cứu mỹ nhân", va trúng một em ế độ con gái rượu của ngài bộ trưởng. Nhờ chuột sa chĩnh gạo cho nên con đường công danh lẫn tiền bạc thăng hoa như diều gặp gió. Danh thì có cái Trưởng phòng xuất nhập khẩu. Lợi thì xe sang vài chiếc, hai ba cái biệt thự ở Hà thành, vòng vàng đô la xủng xoảng lăn lóc như khoai lang lụt.

Cu Nhỏ tên khai sinh là Lê Mạnh Dũng. Vừa học hết lớp mười hai ở trường Huỳnh Thúc Kháng thì xã gọi đi bộ đội. Ba năm quân ngũ đeo tới lon trung sỹ, ra quân được chuyển ngành về dầu khí dưới Vũng Tàu. Đẹp trai và tham vọng. Bao năm kiên trì phấn đấu mãi chẳng vô được Đảng vì bị cái lý lịch ông bố ngày xưa không rõ ràng nguồn gốc. Cu Nhỏ chẳng vì thế mà buồn lòng, chuyển hướng cua ngay một em gốc tư sản. Nhờ chút vốn liếng ban đầu mẹ vợ cho, cộng thêm cái biệt tài xoay xở trong mấy năm biến động đất đai nóng sốt nên tài sản nghe đâu cũng dư dả lắm. Hiện thời cu Nhỏ là sếp bự trong một ngân hàng cổ phần, vài ba cái rờ-soọc ở Phan Thiết. Hình như đang dự định làm cái sân gôn ở Phú Quốc để có dịp tụ tập bạn bè bàn chuyện làm ăn và thư giãn cuối tuần.

Cứ tưởng như trời đất mãi mãi mưa thuận gió hòa, nhưng cái sự đời nhiều lúc lại oái ăm vì khi được trời thương thì đất lại nổi cơn ganh ghét. Khi hai cu vừa thành gia thất thì bà Chắt Hĩm bất ngờ đổ bệnh. Cu Nậy bận ký kết hợp đồng với đối tác không về được, vội cho người mang cả bao nhân sâm Hàn Quốc nghìn tuổi leo vội chuyên cơ về Vinh. Cu Nhỏ bận khai trương sân gôn ngoài Phan Thiết nên tức tốc gửi chuyển phát nhanh cặp sừng tê giác Nam Phi về mài cho mẹ uống mà bệnh tình mẹ yêu chẳng hề thuyên giảm. Phút lâm chung không có hai con bên cạnh, bà Chắt Hĩm nắm chặt bàn tay thô rám của chồng, ứa nước mắt chỉ về hướng bờ đê sông Lam, nơi ngày xưa có bát cháo hành bốc hơi nghi ngút thơm lừng để cho bà và ông nên tình chồng nghĩa vợ.

Vài tháng sau, bất chợt cơn sốt bất động sản như sóng thần ầm ào từ Nam chí Bắc. Dọc bờ đê sông Lam biển "quy hoạch" treo la liệt khắp nơi. Nào là mai mốt nơi này sẽ có bệnh viện đa khoa to nhất miền Trung, chữa được tất tật các thứ bệnh từ ung thư giai đoạn cuối cho đến nhiễm cô-vít trở nặng phổi đã hóa đá. Nào là đã có liên doanh với nước ngoài xây dựng trường Đại học Quốc tế tầm cỡ Ha-vớt bên Mỹ chuyên đào tạo nguyên thủ cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới... Mảnh vườn cát bạc "chó ỉa phỏng đít" của ông Hoe Mót bỗng nhiên có giá. Xe hơi biển số Hà Nội ra vô nườm nượt. Làng trên xóm dưới rỉ tai nhau chuyến này lão Hoe Mót chắc chắn ngủ trên vàng.

Nhanh hơn điện, chuyên cơ Việt-jét chở cu Nhỏ vừa hạ cánh sân bay Vinh thì siêu xe Lu-xịt hơn mười tỷ của cu Nậy cũng vừa trờ tới. Chưa kịp bắt tay nhau dẫu cho anh em máu mủ tình thâm sau bao ngày xa cách, hai cu đã lên ngay phương án chia chác đất đai. Ban đầu thấy nói nhỏ, một hồi sau thấy nói to, một hồi sau thấy hai cu chuyển qua quyền cước. Cu Nậy vụt thằng em thương yêu của mình một gậy chơi gôn tưởng chừng lòi con mắt. Cu Nhỏ cũng không phải dạng vừa đâu, quất ngay ông anh muôn vàn tôn kính của mình một cán vợt ten-nít vào đầu làm máu me be bét. Ông Hoe Mót lặng câm mặc cho anh em tụi nó đánh nhau, khập khiễng lại thắp nén hương cắm lên bàn thờ vợ, đôi mắt trũng sâu và ứa lệ.

Ngày hai Cu bàn giao đất cho chủ mới cũng là ngày ông Hoe Mót dọn đồ ra bãi bồi dựng lều. Đồ đạc mang theo sơ sài gồm cái bàn thờ vợ và một con chó ghẻ. Ngày cất vó kiếm mớ cá mang vào chợ đê Nghi Thái đổi cho bà tạp hóa lấy vài lô gạo và chai rượu, tối đến nhặt cành củi khô đốt lên đống lửa vừa uống rượu vừa nghêu ngao hát. Tụi nhỏ kháo nhau ông Hoe Mót biết hát tiếng Lào bài "Hoa đẹp Chăm-Pa".

Cô đơn và man mác nỗi buồn, người thì già mà "cái khỉ gió" chẳng chịu già cho. Thi thoảng ngồi uống rượu một mình trên triền đê sông Lam, thấy mấy ả xắn quần mò hến lộ cặp đùi trắng tròn mờ ảo, Hoe Mót bất chợt rùng mình và nấc cụt liền mấy cái....Hối tiếc một thời đi bè ngược xuôi trên sông Lam thơ mộng, ăn bớt một cây gỗ của ông chủ là thoải mái đá phò.

Từ bữa chị Mão ra đây dựng lều, Hoe Mót đỡ cô đơn hơn vì đã có xóm giềng tâm sự. Hôm nào bắt được nhiều cá, Hoe Mót gọi chị Mão sang cho vài con về ăn lấy thơm lấy thảo.

Cho đến một buổi chiều mưa bão, căn lều của chị Mão bị tốc mái, nước mưa ướt hết cả chiếu chăn bếp núc. Bụng đói cồn cào, chị Mão đánh liều sang lều ông Hoe Mót xin lửa về thổi cơm.

- Ông... ông Hoe ơi, cho cháu xin chút lửa.

- H..ừ...m. Vào bếp mà thổi.

Hoe Mót ta trùm chiếc chăn cũ nằm trên chõng tre ngó xuống. Chị Mão nhà mình xênh xang nửa quần nửa váy, "săm lốp" tréo ngoe trật hẳn ra ngoài.

- Ục..ục..xì...xì.

Mải chổng đít thổi than lấy lửa, Mão ta vô ý đánh rắm như súng liên thanh.

- Chết cha tau rồi Mão ơi, mi mần như ri thần bếp nổi giận vật tau hộc máu chết liền dừ. Trời ơi là trời... Hoe Mót thất thanh.

- Dừ mần răng ông Ho ?

- Phải mần cấy chi cho hay hay thì thần bếp mới bỏ qua cho, bằng không tau với mi chết chắc.

- Thì ông mần cấy chi thì mần liền đi, con nỏ biết mô nha.

Hoe Mót vòng tay đỡ lấy tấm thân hầm hập của chị Mão xuống chõng tre. Cá vọt khỏi giỏ, chim được sổ lồng, một già một trẻ quấn quýt mê man như cặp rắn khoang vào mùa sinh sản...

Thói đời, ăn quen nhịn không quen, nhất là lần đầu được ăn cái mà độ sướng của nó rụng rời rung rinh hết các "cơ quan đoàn thể" trong người, dây thần kinh vật vã từ bẹn thốn lên tận đầu đê mê đụng nóc...

Tối hôm sau chị Mão lại "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" sang lều ông Hoe Mót xin thêm mồi lửa.

- Anh Hoe ơi, anh Hoe à, mở cửa cho em xin tý lửa.

Vắng lặng. Căn lều Hoe Mót lạnh tanh một mùi âm khí…

Đám ma ông Hoe Mót lơ thơ mấy bóng người trong chiều đông ảm đạm. Khi hạ huyệt, bất chợt con chó ghẻ tru lên mấy tiếng rồi lăn ra chết. Nước sông Lam bỗng dậy sóng đục ngầu đỏ bầm như màu máu, một đàn chim lạ từ rùng bần Hói Cống xao xác bay lên.

Chị Mão đốt lều, mang cái bụng bầu hum húp theo vợ chồng thằng cháu họ vào Đắc Nông làm rẫy. Bãi bồi bên sông Lam lại hoang vu như xưa. Nghe tụi trẻ trâu đồn Hói Cống có ma, một con ma cụt chân ôm lấy người đàn bà xõa tóc rên ư ử.

Nguồn: FB Phạm Hào Quang

Tác giả Phạm Hào Quang (bìa trái) cùng nhóm bạn đồng hương.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm