TIN TỨC
icon bar

Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-01 18:41:56
mail facebook google pos stwis
2506 lượt xem

NGUYỄN TRƯỜNG

Đoàn đi tìm mộ liệt sĩ lên đồi Phượng Hoàng có năm người, bà Nghề, mẹ liệt sĩ Đỗ Hồng Sơn; bà Dưỡng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh. Hai người đàn ông Vương, Quang - em trai liệt sĩ Sơn.  Ông Thạch, dân địa phương dẫn đường. Tâm trạng nhất là ông Thạch, người đã tham gia bốc bốn ngôi mộ trên đồi Phượng Hoàng về nghĩa trang Cam Lụa.

Trước khi đi vào Quảng Trị, Vượng, người đồng đội với liệt sĩ Sơn đã vẽ sơ đồ đường lên đồi  Phượng Hoàng và địa điểm bốn ngôi mộ thời chiến tranh anh đã tham gia chôn cất. Vương mang theo sơ đồ do anh Vượng vẽ. Càng vào đến nơi Vương càng phục trí nhớ của  Vượng - đi qua chợ Cùa, lội qua con sông Ba Lòng cạn lổn nhổn đá sỏi, qua chiếc cầu đã sập chỉ còn trơ lại những trụ móng xi măng cốt thép. Vết tích của cuộc chiến tranh vẫn còn, trên đồi chi chít những hố bom, dưới đáy nước đỏ như nước cốt trầu. Theo con đường mòn leo lên đồi Phượng Hoàng, hướng bốn ngôi mộ nằm ở phía Tây sông Ba Lòng. Một con suối nhỏ, nước trong vắt chảy uốn lượn quanh các cụm hoa mua, hoa sim nở bông tim tím. Con suối lặng lẽ, trong xanh vậy, một trận mưa bỗng trở nên hung dữ, cuồn cuộn đổ xuống sông Ba Lòng, nước đỏ như máu...

Ông Thạch phăm phăm đi trước. Ông thấp bé, rắn rỏi, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, cách ăn nói của ông ngang tàng, bất cần đời. Ông chỉ bốn chiếc huyệt năm trước ông bốc vẫn còn vương vãi những mảnh ni lông bó hài cốt dưới bóng cây cổ thụ cành lá sum sê. Vị trí ba ngôi mộ thẳng hàng và một ngôi mộ lệch góc cũng đúng như trên bản vẽ của anh Vượng. Không ai nghi ngờ gì nữa. Mọi người thắp nhang và tưởng nhớ đến những người đã khuất. Theo mô tả của anh Vượng:  anh Phúc người cao to, răng vẩu. Anh Minh nhỏ con, còn anh Vinh và anh Sơn người cao gầy.

Bà Nghề  thắp nhang cho con xong ngồi phịch xuống đất, hình như bà không còn sức mà đứng dậy nổi, đôi mắt kèm nhèm của bà đã khóc biết bao lần, tưởng như không còn nước mắt. Bà Dưỡng ôm lấy bà Nghề, nghẹn ngào. Giây phút ấy giống như năm xưa, khi nhận giấy báo tử của con, bà Nghề lên nhà bà Dưỡng, hai bà cũng ôm lấy nhau khóc lóc vật vã. Từ đó hai gia đình luôn đến thăm nhau, họ cùng cúng giỗ cho con một ngày. Trên bàn thờ của nhà bà Dưỡng có ảnh của Sơn, ngược lại trên bàn thờ nhà bà Nghề có ảnh của Vinh. Bà Dưỡng neo đơn nên nhà bà Nghề lo cho bà Dưỡng chi phí cuộc đi thăm mộ con. Hai bà mẹ cùng cảnh ngộ nên càng gắn bó với nhau hơn. Là người mẹ, các bà có linh cảm về con mình rất giống nhau.

Bà Nghề nhớ lại bữa  người con trai út tên Quang thức dậy sớm, nói với mẹ :

- Con mơ thấy anh Sơn về, người cháy đỏ rực, trông sợ quá. Anh trách con, “Tại sao không bảo mẹ đón anh về”. Bà rùng mình, khóc òa lên. Cả nhà động viên bà, đó chỉ là giấc mơ của con trẻ, mẹ đừng nên tin vào chuyện huyền hoặc. Bà tin Quang nói thật, vì giữa Quang và Sơn theo bà, có sự liên lạc thần bí. Hồi Quang 9 tuổi, một bữa cậu cầm tờ báo chạy về giơ ra nói to:

- Giấy báo tử của anh Sơn đây.

Cả nhà tức giận mắng cậu nói dở. Chỉ riêng bà là không. Bà tin con mình đã chết, nó nghiệm vào Quang để con nói nên lời như thế, vì đêm đó bà cũng mơ thấy Sơn về, mặt cháy sém. Tỉnh dậy, bà thức đến sáng.

Hơn tháng sau gia đình nhận được thư của Sơn. Nhưng bà vẫn nói: “Không, tôi vẫn tin là thằng Sơn đã chết rồi” .

Sau này mới biết, thư Sơn viết vào sáng ngày 3 tháng 8 năm 1972, anh gửi anh Trường lái xe mang đi thì buổi trưa hôm ấy địch rãi bom B52 vào hậu cứ, cả bốn anh em đều hy sinh.

 Vương cứng rắn hơn hai người mẹ, anh lặng lẽ nhớ lại lời kể của những người đồng đội với anh Sơn từ mặt trận sống sót trở về. Hình dung qua những lời kể đó, những dòng nhật ký anh viết dọc đường hành quân ra trận chợt vọng về:

“Cuối tháng 7, một cơn bão tràn về, mưa gió mấy ngày, cường độ hoạt động của không quân địch giảm, quân ta tranh thủ chuyển quân và vũ khí xuống cánh nam. Các anh làm việc suốt ngày đêm tới mùng 2 tháng 8, tối hôm đó các anh tập trung ở hầm anh Phúc trung đội trưởng uống trà tới khuya. Mây tan, trời đầy sao, trăng hạ huyền mới mọc, ánh trăng rải nhẹ xuống các đồi cây, một  đêm yên tĩnh và nên thơ giữa lửa khói chiến trường. Anh Phúc nhắc "Ngày mai  nắng to, máy bay sẽ hoạt động mạnh, mọi người phải cẩn thận, ngụy trang lại hầm của mình sau mấy hôm mưa bão”. Sáng mùng 3 xe chở khí tài và thực phẩm vào, anh Trường (nhà ở Chùa Vua) vừa tốt nghiệp lớp học lái xe, đi chuyến đầu tiên. Hai anh gặp nhau sau bốn tháng, bữa trưa anh Sơn mở một hộp thịt mời bạn. Anh Trường đưa cho anh Sơn bao thuốc và cầm thư ra Bắc cho anh. Tiễn bạn lên xe anh quay về hầm nằm nghỉ .

Xe anh Trường về đến tiểu đoàn, B52 rải thảm vào hậu cứ. Từ trên trời hàng trăm quả bom lao xuống, tiếng gầm rít như giông tố, hàng trăm cột khói và lửa bốc lên, tiếng nổ liên hồi vang rền như sấm động. Cả điểm cao 146 và những ngọn đồi xung quanh chìm trong biển lửa. Hơi bom tạo ra một trận cuồng phong cuốn lên khói đen và bụi đỏ mịt mù .

Dứt tiếng bom, người đầu tiên chạy ra là anh Vượng (Thi Sách) và anh Lợi (Tô Hiến Thành). Không thể nhận ra đây là hậu cứ của mình, hàng trăm hố bom nằm chi chít, đất đá bắn tung tóe khắp nơi, cây cối bị chém nát nằm ngổng ngang. Trên sườn đồi những cây dẻ cây tràm bén lửa cháy ngùn ngùn như những bó đuốc, tiếng lửa cháy phần phật, thân cây nổ đôm đốp, khói đen bốc cuồn cuộn.

Trên vạt đất sát bờ suối, chiếc võng của anh Minh quê Thanh hóa bị bom chém đứt, một đầu thõng xuống nước, một đầu mắc lên thân cây. Người anh bị đất đá phủ kín, lúc moi lên, chỉ còn một cái xác không đầu, một mảnh bom chém ngang cổ, máu tuôn ra hòa với đất đỏ thành một vũng nơi anh nằm.

Trong căn nhà hầm của trung đội, anh y tá và anh Lợi đang băng bó cho anh Phúc. Vết thương ở hông rất to và sâu, anh y tá nhét cả một cuộn bông vào nhưng máu vẫn trào ra. Anh kêu khát, Lợi xuống suối lấy một bi đông nước nhỏ vài giọt vào miệng anh. Hai tay anh ghì chặt chiếc bi đông, đôi môi khô tím mấp máy đòi uống nữa. Lợi bảo "Anh uống nhiều lại ra máu, anh cố chịu đựng, chúng em sẽ cáng anh đi viện". Một lúc sau anh thở hổn hển mấy cái rồi lm dần.

Căn hầm của anh Sơn và anh Vinh nằm gần đường, một quả bom rơi bên cạnh, căn hầm xô nghiêng, đất phủ kín bên trên. Mọi người dùng xẻng hối hả đào gần một tiếng mới moi được một lỗ trên nóc. Anh Vượng lách cán xẻng vào, bẩy ra một cây gỗ lát hầm, mọi người xúm lại , lay mạnh, rút được cây gỗ ra . Anh Vượng chui vào, trong hầm nồng nặc mùi khói bom, anh Sơn và anh Vinh vẫn ôm nhau như đang ngủ, người còn ấm nhưng tim đã ngừng đập.

Ngay từ đầu năm 1972 đã có điềm báo chẳng lành. Hai năm trước mẹ về quê đi đám ông Ba Nhỡ, ông ngoại cắt cho một đoạn gốc trầu, bà ngoại dặn phải chăm cho cẩn thận, trầu chết là độc lắm. Anh Sơn trồng ở góc sân, mấy anh em hàng ngày xin nước ngâm giá của nhà bà Toàn về tưới. Trầu bắt rễ nhanh, anh làm cái giàn bằng dây thép cho trầu leo lên tường nhà bác Thi. Anh đi được một tháng, trầu đang xanh tốt bỗng nhiêu lá úa vàng, chết cả giàn trầu”.

Ông Thạch nhớ lại, một tháng sau trận B52 rãi thảm, trung đoàn Thủy quân lục chiến trong đó có ông, tấn công lên đồi Phượng Hoàng. Ngọn đồi chỉ còn loang lỗ hố bom, cây cối bị phát quang, vẫn còn nồng mùi thuốc bom trong gió. Ông cảm nhận được sức hủy diệt của trận bom B52, và ông nhận ra dấu vết của bến phà do công binh Việt Cộng đã từng chiếm giữ để giúp đưa quân vượt sông Ba Lòng, xuống phía Nam tấn công thành cổ Quảng Trị. Ông đặc biệt chú ý đến bốn ngôi mộ, mộ chí là mảnh cây cháy dở. Bốn ngôi mộ nằm dưới gốc một cây cổ thụ đã bị bom đốn gãy ngang lưng, thân te tớp vì bị mảnh bom. Dưới nách một vài cành khẳng khiu, đã bật lên chồi non, mơn mởn như bàn tay che chở cho bốn ngôi mộ bên dưới. Ấn tượng đối với ông chính là bốn ngôi mộ. Đâu ngờ sau hòa bình, nó trở thành định mệnh đối với cuộc đời ông.

*

Mọi người tiếp tục theo ông Thạch về nghĩa trang xã Cam Lụa. Nghĩa trang  nhỏ, nằm bên sườn đồi thoai thoải, rừng thông bao quanh, tạo nên khung cảnh trầm mặc. Nghĩa trang cũng có các ngôi mộ thẳng hàng, đã được xây bê tông, trên đổ cát, nhiều ngôi mộ ghi “Liệt sĩ vô danh”.

Chính quyền địa phương không chấp thuận cho hai gia đình bốc cả bốn ngôi mộ về Hà Nội. Bởi hai gia đình còn lại không có thân nhân đi theo, lại không có giấy của chính quyền địa phương. Cả bốn anh em hy sinh, đã nằm chung với nhau mấy chục năm nay, bây giờ lại chia ra, người đi kẻ ở sao đành. Vương và mẹ thuyết phục mấy ông Hòa, ông Niệm cũng không đồng ý, mặc dù biết họ rất thông cảm, nhưng không vì thế mà họ vi phạm nguyên tắc. Hai gia đình đành bốc hai ngôi mộ của thân nhân mình rồi chia tay chính quyền địa phương ra về. Đi được ba cây số, Quang bàn với mọi người: “Đặt trường hợp mình là người lãnh đạo ở địa phương mình cũng không dám giải quyết sai nguyên tắc. Nhưng nếu chúng ta quay lại, cứ bốc đại hai ngôi mộ còn lại thì chắc họ cũng phải lờ đi”. Mọi người nhất trí cử Vương và anh Quang quay lại. Phần mộ liệt sĩ xây bằng gạch, xi măng, nhưng bên trên đổ cát nên chỉ cần vài phút bới cát là hai anh em nhấc trọn gói hài cốt một cách dễ dàng. Họ đi được bảy cây số thì nghe tiếng xe môtô phóng đuổi theo. Trên xe là ông Hòa và anh Niệm. Hai anh em lo sợ, chắc họ đuổi theo bắt lại. Những đến nơi Hòa dừng xe tươi cười :

- Đây ra đến đường Chín để bắt xe còn xa, chúng tôi ra giúp các bác một tay, các bác cứ để hài cốt lên xe, chúng tôi thồ ra trước. Có hài cốt không ai dám cho lên xe đâu.

 Vương rất cảm động trước sự nhiệt tình của cán bộ địa phương. Họ giúp gia đình hết lòng như thế là còn bởi, trước khi đi vào Quảng Trị, Vương có quen ông Chính ở Bộ Y tế, nhờ ông Chính giới thiệu với ông Đạo, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị nên họ được sở Y tế đón tiếp rất tận tình. Ông Đạo viết thư giới thiệu đoàn với ông Hòa là trưởng Công an xã, kiêm Xã đội trưởng xã Cam Lụa- nơi có ngọn đồi Phượng Hoàng. Họ đi xe ôm vào Cam Lụa đã 9 giờ đêm, gặp chiếc Min cơ chạy ngược chiều, liền vẫy tay hỏi thăm. Hóa ra là ông Hòa. Ông đưa đoàn về nhà, làm gà thiết đãi tử tế. Ông Hòa cho biết trong xã có ông Thạch, tìm được mộ bốn liệt sĩ chôn trên đồi Phượng Hoàng, đã đưa xuống an táng tại nghĩa trang Cam Lụa. Vương rất mừng vì việc mình tìm không ngờ thuận lợi đến thế. Sáng hôm sau ông Hòa mời thêm ông Niệm là trưởng ban Thương binh xã hội xã cùng đến nhà ông Thạch. Nhà ông ở khá xa, sâu trong núi. Họ nhờ ông Thành dẫn đoàn lên đồi Phượng Hoàng.

Khi đoàn ra Đông Hà, gặp lại ông Đạo ở Sở Y tế, Vương hỏi ông :

 - Mấy bộ hài cốt này để ở ngoài sân hay mang vào nhà? (Người ta mê tín không cho đưa hài cốt hay xác người từ ngoài đường vào nhà). Ông Đạo khoát tay:

 - Hài cốt liệt sĩ, cứ đưa vào trong nhà.

 Bốn bộ hài cốt được đặt ở vị trí trang trọng. Ai đó chặt ở đâu khúc chuối và cắm lên trước các liệt sĩ ba nén nhang. Một lúc sau bà con trong khu phố nghe tin kéo đến rất đông. Người nào cũng thắp nhang, chắp tay cúi lạy trước các liệt sĩ. Người dân Quảng Trị dành cho gia đình sự quý mến đặc biệt. Đêm đó, Vương và Quang nói chuyện với ông Hòa, anh Niệm đến gần sáng. Vương mời hai người ra Hà Nội, thăm thủ đô và biết gia đình. Ông Hòa nói ông đã có thời gian ở Hà Nội, chỉ tội nghiệp cho chú Niệm chưa đến thủ đô bao giờ. Niệm đi một mình sợ buồn, cuối cùng hai anh em nhất trí cùng ra Hà Nội với gia đình, mặc dù trên người chỉ có một bộ quần áo. Sự có mặt của ông Hòa, anh Niệm ở Hà Nội lại là điều cần thiết. Số là khi đưa bốn bộ hài cốt ra nghĩa trang Từ Liêm, thì người ta chỉ nhận đưa vô hai bộ hài cốt. Còn hai bộ kia không có thân nhân, làm sao tin được đó là của hai liệt sĩ. Anh Vương, Quang lại phải về Bộ tư lệnh Công binh - đơn vị của các liệt sĩ sưu tầm hồ sơ lưu trữ, xin xác nhận bốn liệt sĩ. Ông Hòa, anh Niệm thay mặt cho chính quyền địa phương xác nhận nơi đã chôn cất bốn liệt sĩ. Nhờ đó nghĩa trang Từ Liêm mới đồng ý đưa thêm hai bộ hài cốt vào vị trí còn bỏ trống và đánh số thứ tự, khắc tên địa chỉ của các liệt sĩ. Lúc chôn xong ba bộ hài cốt thì cũng vừa hết hàng ngang. Bộ hài cốt của anh Phúc lại bị chôn ở hàng khác, y như vị trí những năm xưa anh đã nằm trên đồi Phượng Hoàng.

*

 Sau hơn một năm, kể từ hôm đưa hài cốt anh Sơn về, gia đình anh Vương tiếp anh cán bộ tên Quảng, quê ở Hải Phòng, có người cháu hy sinh ở Quảng Trị và mai táng ở nghĩa trang Triệu Phong. Anh cho biết, đã ghi được ở nghĩa trang Triệu Phong tấm bia mộ khắc tên anh Sơn cùng đơn vị, địa chỉ gia đình. Cả nhà vô cùng ngạc nhiên. Làm sao có sự trùng hợp kỳ lạ vậy. Không lẽ gia đình đã bốc nhầm bốn ngôi mộ ở nghĩa trang Cam Lụa? Bà Nghề càng nghi ngờ hơn khi nhớ lại, lần đó giở bọc hài cốt của Sơn, chỉ có hai chiếc xương tay, xương chân. Bộ hài cốt của anh Phúc chỉ có chiếc đầu lâu, cũng có hàm răng vẩu như đã nhận diện trước. Còn cái bọc của anh Minh thì bé tẹo, nhẹ lắm, chắc chỉ có một ít xương nên không mở ra nữa. Gia đình  mua bốn chiếc tiểu sành, đưa các hài cốt vào từng tiểu một, ghi tên rõ ràng. Vậy mà nay, không lẽ đó là hài cốt của người khác?

Tháng 10 năm 1993, Vương đưa mẹ và bà Dưỡng vào Quảng Trị chuyến nữa. Lần này họ đến thẳng Sở Thương binh Xã hội tỉnh và được đón tiếp rất chu đáo, đưa ra nghĩa trang Triệu Phong. Đúng là có bốn ngôi mộ ghi tên bốn liệt sĩ như anh Quảng đã kể. Trên bốn ngôi mộ đều có lọ hoa tươi, có rất nhiều chân nhang ai đó đã cắm, chứng tỏ các ngôi mộ vẫn có người thường xuyên đến cúng viếng, chăm sóc. Người coi nghĩa trang cho biết, khi khai quật, mỗi bộ hài cốt đều có lọ penixilin bên trong có tấm giấy ghi rõ họ tên, đơn vị, quê quán của liệt sĩ. Nhưng ba lọ kia khi mở ra, ánh sáng chiếu vào đã làm bay mất nét chữ. Chỉ có lọ của anh Sơn được mở ra trong phòng tối nên giữ lại được nguyên vẹn các dòng chữ. Họ đưa cho gia đình coi miếng giấy kẻ carô đã ố vàng vì thời gian. Dòng chữ ghi rõ: “Liệt sĩ Đỗ Hồng Sơn, sinh năm 1951, hi sinh ngày 3 tháng 8 năm 1972. Đơn vị C3, D2, lữ đoàn 219. Quê quán: 22 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội” . Hoàn toàn chính xác! Bà Nghề, bà Dưỡng lại òa khóc, mọi người lại thắp nhang trên các nấm mộ, và ai cũng nghĩ, thôi, các liệt sĩ đã đưa vào nghĩa trang, quanh năm được địa phương nhang khói, như thế cũng yên ổn rồi. Còn bốn ngôi mộ ở nghĩa trang Từ Liêm mà gia đình đã mang về, dù không phải của gia đình đi chăng nữa, hàng năm hai gia đình vẫn đến hương hoa cúng viếng, và coi đó là của gia đình mình. Những người đã ngã xuống cho Tổ quốc thì ai, ở đâu cũng là con em mình.

Không dằn được thắc mắc, Vương hỏi người quản trang, ông vốn là chiến sĩ đánh Thành cổ Quảng Trị:

- Có ai thường xuyên đến viếng mộ của các anh tôi? Anh có thấy đúng không?

Người quản trang nhớ lại:

- Cứ đến ngày rằm, ngày mùng một lại có một đôi trai gái đến dâng hương hoa, chăm sóc cho các ngôi mộ. Tôi cứ đinh ninh là thân nhân của những liệt sĩ...

 Bà Nghề và bà Dưỡng cùng thốt lên:

- Ai vậy nhỉ? Có thân thiết với các con?

Ai cũng nghĩ, nếu cùng thời với anh Sơn, anh Vinh, bây giờ cũng đã thành ông thành bà cả rồi. Đằng này lại là một đôi trai gái mới lớn?

- Hôm nay là ngày 30 âm lịch, nếu các bác ở lại, ngày mai đôi trai gái sẽ đến viếng đó - người quản trang quả quyết.

Bà Nghề, bà Dưỡng, anh Vương, anh Quang, đều đồng thanh:

Chúng tôi sẽ ở lại, may ra gặp lại người thân.

Ngay từ sáng sớm mọi người đều hồi hộp trông thấy đôi trai gái chở nhau trên chiếc xe máy đã cũ. Cô gái ôm một bó hương hoa. Họ đi đến ngôi mộ anh Sơn, đặt hoa, bày trái cây lên đĩa. Cô gái tranh thủ đi dâng hoa lên ba ngôi mộ còn lại. Rồi họ thắp nhang thành kính khấn vái. Chờ cho đôi trai gái làm xong mọi thủ tục, cả bốn người bước ra, bà Nghề lên tiếng:

Con ơi, mẹ rất cảm ơn các con đã đến cúng viếng cho con của mẹ và các đồng đội của nó. Nhưng xin các con nói cho mẹ biết, các con có quen các liệt sĩ này?

Cậu thanh niên và cô gái vô cùng ngạc nhiên nhìn hai bà mẹ. Cậu trai cúi đầu đáp:

Con không quen các chú ấy. Nhưng ba con thì quen... Trước khi qua đời, ba con dặn chúng con ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng đến cúng. Có lẽ ba con đã mang ơn các liệt sĩ đã nằm xuống nơi này.

Bà Nghề nghẹn ngào:

Tiếc là ba các con đã khuất núi, không dặn thêm điều gì. Nhưng thay mặt cho những gia đình các liệt sĩ, cảm ơn ba con, cảm ơn các con rất nhiều.

*

Đôi trai gái ấy là anh em ruột, con ông Thạch- lính trung đoàn Thủy quân lục chiến đã tấn công lên đồi Phượng Hoàng năm xưa.  Ông đã nhìn thấy bốn ngôi mộ chôn dưới gốc cây cổ thụ bị bom chém gãy ngang lưng. Sau hòa bình, với quân hàm trung sĩ, ông chỉ phải đi học vài ngày rồi được trở về địa phương. Vốn quen với súng ống, lại không có nghề nghiệp gì, ông làm nghề đi săn, nhưng thú rừng ngày càng ít đi nên gia đình ông gặp vô vàn khó khăn. Lúc đó tỉnh Quảng Trị có chủ trương thưởng cho người có công tìm được một bộ hài cốt liệt sĩ 50 ngàn đồng. Số tiền này lúc đó tương đương với nửa chỉ vàng. Ông Thạch nhớ đến bốn ngôi mộ trên đồi Phượng Hoàng. Ông rủ thằng Hải, con người chú cùng đi tìm mộ liệt sĩ. Những ngôi mộ bị cỏ dại mọc trùm kín, người khác khó mà phát hiện ra, nhưng nhờ có cây cổ thụ bị bom chém ngàng lưng, ông đã tìm ra bốn ngôi mộ. Hài cốt đều được bọc trong gói ni lông, tuy nhiên thời gian cũng đã đủ cho nó phân hủy hết thịt. Chỉ có bộ hài cốt của anh Sơn được gói trong bọc nilon quá kỹ nên khi ông Thạch mở ra, cái xác còn nguyên vẹn, khuôn mặt liệt sĩ theo thời gian ngả màu   như bức tượng đồng đen. Bỗng ông Thạch nhìn thấy khuôn mặt anh Sơn dần trở nên hồng hào, tươi nhuận như khôn mặt người đang ngủ. Ông ngây người ra một lát, rùng mình, tay run run... Còn thằng Hải thì thét lên, vùng bỏ chạy. Một lát, ánh mặt trời chiếu vào tử thi, da thịt tan biến dần, còn trơ lại bộ xương. Chỉ có hài cốt của anh Minh là không có hộp sọ. Trong mỗi gói hài cốt đều có lọ penixilin, ghi họ tên người, quê quán, đơn vị.

Ông Thạch là người từng trải, xác chết đối với ông hồi chiến tranh là chuyện gặp thường ngày nên ông bình tỉnh. Ông trở về với công việc thực tại của mình. Có được bốn bộ hài cốt rồi ông Thạch nhẩm tính, vậy là ông sẽ được thưởng tổng cộng 200 ngàn đồng. Bằng hai chỉ vàng. Số tiền này đủ cho ông lo cho hai đứa con ăn học, nhưng ông đang cần ba chỉ vàng để mua mảnh đất chừng 400 mét vuông dưới chân đồi Phượng Hoàng của ông Ba Phận đang cần bán. Bây giờ nó ở vùng rừng núi, còn rẻ, mai này giá đất lên cao, dễ gì ông có tiền mà mua được. Mảnh đất đó tốt, có con suối chảy qua, rất thuận lợi cho sinh sống và trồng cây tiêu, cà phê. Nếu có nó ông không còn phải đi săn, sẽ không còn nghèo đói. Muốn thế, ông phải tìm được bốn bộ hài cốt nữa, tìm ở đâu, khi mà trong vùng người ta đã đi thu thập về hết cả rồi. Bí quá hóa liều, ông nghĩ ra mẹo, thôi thì chia bốn bộ hài cốt này ra thành tám bộ. Hài cốt bị bom đánh phá văng tứ tung, làm sao tìm cho nguyên vẹn được. Cái cần phải chứng minh hài cốt này là của bộ đội Giải Phóng. Thì may có các lọ penixilin này làm bằng chứng. Nửa số hài cốt còn lại, ông có bằng chứng bởi các vật dụng kèm theo như dép râu, dây thắt lưng, bi đông, bóp, chén ăn cơm... chôn theo người chết. Ông tập trung tất cả bằng chứng ấy cho nghĩa trang của xã Cam Lụa. Còn đối với nghĩa trang huyện Triệu Phong, thì đã có các lọ penixilin chứng minh, nhiêu đó đủ cho người ta tin ông. Quả nhiên bận đó ông được địa phương biểu dương, kèm theo 400 ngàn đồng tiền thưởng. Ông có tiền nuôi con, lại mua được mảnh đất mà ông mơ ước.

Những ngày sau đó ông luôn trấn an mình rằng đó là hài cốt của phía bên kia, là kẻ thù, một thời ông đã từng đi tìm để tiêu diệt, người sống còn tìm để bắn thì cái xác chết có chi mà phải bận tâm. Tuy nhiên ông vẫn bị ám ảnh về chuyện chia đôi những bộ hài cốt của mình. Có lúc ông nghĩ, các con ông lớn lên là nhờ tiền ông làm ăn thất đức. Còn các con ông, có thể an cư lạc nghiệp được không trên mảnh đất ông đã đánh đổi băng xương trắng của người khác? Nhiều đêm ông mơ thấy khuôn mặt đen của anh Sơn, chỉ một thoáng bộ mặt bỗng biến dạng, trơ ra hốc mắt, hốc mũi sâu hoắm...

Có đêm ông giật mình kêu thét lên làm vợ con ông cũng phải hoảng sợ.

Ông làm vườn, do đào xới ông phát hiện ra những viên gạch cũ, nó là nền của bức tường thành Tân Sở cách đây hơn trăm năm. Con suối chảy qua vườn của ông, xưa chính là con hào dưới chân thành. Ông càng đào bới càng phát hiện ra nhiều bộ xương người lính chống Pháp thời vua Hàm Nghi từ bỏ kinh thành Huế kéo ra đây, ban chiếu Cần Vương. Đây là vùng đất đỏ Ba zan, hễ mưa là nước tứa ra như máu. Ôi cái khu vườn của ông có đủ cả xương người chết thời chống Mỹ, chồng lên xương người chết hồi chống Pháp! Khu vườn có xương trắng, máu tươi cả xưa, cả nay làm ông vừa liên tưởng vừa rùng mình. Nhiều đêm ông nghe trong các hòm, tủ tiếng lộc cộc của các bộ xương người. Không gian vườn nhà ông cứ càng ngày càng nhuốm màu ma mị.

*

Rồi cái ngày đó đã đến, hai bà mẹ và các con bà tìm đến tận nhà ông. Hai cậu có khuôn mặt giống anh Sơn như cùng khuôn đúc. Ông vẫn nhớ khuôn mặt anh Sơn lúc hồng hào như đang ngủ, dù chỉ trong giây lát, nhưng nó quá ấn tượng làm ông không thể quên. Ông thấy tim mình đập mạnh, khó thở, hồi hộp... Nhìn người mẹ khóc con, lòng ông trào lên sự ân hận. Nhưng mọi việc đã qua mấy chục năm rồi, ông không thể thú thật với các bà mẹ khi họ đang nhìn ông với tất cả lòng biết ơn.

Một năm gần đây ông hay bị mất ngủ, lại đau tức ở ngực, khó thở. Bác sĩ khám cho ông, thấy mắt bị tụt xuống, liền chỉ định ông đến khám ở bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm, chụp phim phổi...cho thấy ông bị ung thư phổi giai đoạn ba. Loại ung thư này tiến triển  rất nhanh, chỉ hơn hai tháng sau ông đã ở vào những giờ phút cuối cùng. Trước lúc ra đi ông dặn lại vợ con, rằng ông có ơn với bốn người, nay đang nằm trong nghĩa trang Triệu Phong, ông nói tên liệt sĩ, chỉ sơ đồ bốn ngôi mộ. Ông dặn các con ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng nhớ đến thắp hương cho các anh. Làm được như thế ông mới yên lòng nới chín suối...

Ông Thạch mất đi cùng với chiến tranh càng lùi xa, góp phần tạo ra nhiều huyền thoại…

(Nguồn: Văn nghệ số 37+38)

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm