- Truyện ký - Tản văn
- Cần Giờ – nơi ký ức hóa thơ, nơi hiện tại mời gọi
Cần Giờ – nơi ký ức hóa thơ, nơi hiện tại mời gọi
NGUYÊN HÙNG
Cuối năm Giáp Thìn, đoàn nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi có dịp trở lại Cần Giờ – vùng đất mang trong mình cả khát vọng xanh lẫn dấu ấn lịch sử. Dưới sự dẫn dắt của nhà thơ Huệ Triệu, hành trình không chỉ là chuyến đi thực tế mà còn là cuộc trò chuyện sâu lắng với thiên nhiên và con người nơi đây.
Điểm dừng chân đầu tiên là Đền thờ anh hùng liệt sĩ Rừng Sác – công trình được khánh thành chỉ sau 7 tháng thi công, nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm. Ánh nến lung linh soi rõ những tên tuổi trên bảng vàng, gợi nhớ về hơn 1.500 liệt sĩ đã hy sinh. "Mỗi cái tên là một câu chuyện chưa kể," – ai đó trong đoàn thì thầm.
Từ bến phà, con đò máy đưa chúng tôi đến xã đảo Thạnh An. Chỉ 30 phút lênh đênh, nhưng đủ để cảm nhận sự bình yên khác biệt với phố thị ồn ào. "Cả đời gắn với biển, nhưng chưa bao giờ hết lo toan" - lời một cụ già khiến chúng tôi trầm ngâm.
Đặt chân lên đảo, chúng tôi cảm nhận được sự dung dị, ấm áp của một làng cá nhỏ bé nhưng tràn đầy sức sống. Người dân nơi đây, qua từng thế hệ, đã sống cùng sóng gió, kiên cường bám biển, gìn giữ từng mét vuông rừng ngập mặn để bảo vệ làng chài. Một cộng đồng đùm bọc lẫn nhau, luôn nhường cơm sẻ áo cho nhau khi đói, khi no, lúc hoạn nạn. Nửa đêm người làng chài gọi nhau gấp gáp chở người bệnh đi bệnh viện cấp cứu; các ông bà cô chú láng giềng chung tiền giúp những trẻ của những gia đình neo đơn, khó khăn theo học ở thành phố; cùng nhau lo hậu sự cả công sức và tiền bạc… là những chuyện thường ngày, như miền cổ tích hiện đại, đã để lại ấn tượng khó phai trong ký ức các nhà văn thành phố.
"Một thời nơi đây - vùng biển chết
Bởi đạn bom và chất độc quân thù
Tàn lụi mắm bần, xác xơ sú vẹt
Đất và người bạc xám ưu tư."
***
Trở lại đất liền, hành trình khám phá rừng ngập mặn mang đến một cảm xúc khác lạ. Đi giữa rừng đước bạt ngàn, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác – thế giới của những điều kỳ diệu thiên nhiên. Chỉ cần lặng yên một chút, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của rừng, như lời tri ân những bàn tay đã gieo mầm hồi sinh. Rừng đước Cần Giờ hôm nay là "kỳ tích xanh" giữa lòng thành phố. Những thân cây vươn thẳng như cột chống trời, rễ bám sâu vào bùn – minh chứng cho sức sống mãnh liệt. Khó ai ngờ nơi đây từng là "vùng đất chết" sau chiến tranh. "Tự nhiên bao giờ cũng biết cách hồi sinh đẹp nhất" – một nhà văn trẻ trong đoàn chia sẻ.
Tại Lăng Ông Thủy Tướng, hình ảnh những mô hình "lưới đáy" – dụng cụ đánh bắt truyền thống của ngư dân – khiến tôi bồi hồi nhớ về quê nhà. Lưới đáy, cái tên giản dị nhưng ẩn chứa cả một đời sống gắn bó với biển khơi của người dân ven biển. Ở Cần Giờ, lưới đáy không chỉ là công cụ sinh kế mà còn là chứng nhân lịch sử, gắn liền với những tháng ngày biển cả khắc nghiệt nhưng đầy hào phóng. Nhìn những mô hình lưới đáy tại đây, tôi hình dung được cảnh những người đàn ông giong thuyền ra cửa biển dập dềnh sóng gió trong ánh bình minh, cắm những hàng cọc vững chắc xuống dòng nước mặn, căng lưới đón luồng cá tôm vào mùa. Tiếng sóng vỗ nhịp nhàng hòa cùng âm thanh cần mẫn của đôi tay thợ lưới, tất cả dệt nên một bản giao hưởng mộc mạc mà rung động lòng người.
Cảm giác ấy kéo tôi trở về những ngày xưa nơi cửa biển quê mình. Ở quê tôi, nghề đáy cũng mặn mòi và thân thuộc. Những chiếc lưới căng mình dưới ánh mặt trời, những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt của cha chú, của anh em hàng xóm mỗi lần kéo lưới lên. Tôi vẫn nhớ từng giỏ cá, tôm bạc, tôm thẻ tươi rói mà người làng đáy quê tôi mang về. Mỗi lần cá nhiều, cả làng như được mùa hội. Tiếng cười nói vang cả một góc cửa biển, ánh mắt lấp lánh niềm vui của người dân chài không bao giờ phai mờ trong ký ức.
Bên cạnh Lăng Ông Thủy tướng là chợ cá Cần Thạnh. Chợ không lớn nhưng đầy ắp những sản vật của biển. Những rổ cá, ghẹ, tôm, cua còn tươi rói, ánh lên sắc màu của sự no ấm. Tiếng cười nói rộn ràng của người mua, kẻ bán như tô thêm nét tươi vui cho bức tranh đời sống nơi đây. Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những người phụ nữ lam lũ, vừa nhanh nhẹn chọn hàng, vừa tay thoăn thoắt gói ghém, trong ánh mắt lấp lánh niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Trong một buổi chiều, đoàn nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Cần Giờ ngày nắng gọi. Đây là tập sách chọn lọc các tác phẩm thơ và văn xuôi của hai chuyến thực tế sáng tác vào năm 2021 và 2022, ghi lại những cảm nhận chân thật, xúc động về mảnh đất này. Không chỉ là buổi giới thiệu sách, sự kiện còn là dịp để chúng tôi lắng nghe những chia sẻ quý báu từ lãnh đạo huyện và giao lưu với những cư dân địa phương. Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó chủ tịch Cần Giờ, đã có những chia sẻ một cách khái quát nhưng hàm chứa nhiều thông tin chi tiết và bổ ích về lịch sử phát triển của huyện Cần Giờ, những thách thức và cơ hội của địa phương. Theo vị lãnh đạo huyện, Cần Giờ đón hơn 1 triệu lượt khách/năm nhờ các tour sinh thái. Những dự án như khu dự trữ sinh quyển hay tour sinh thái đang giúp vùng đất này thay da đổi thịt. Các nhà văn đã lần lượt chia sẻ những cảm xúc, những kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình khám phá mảnh đất Cần Giờ dưới góc nhìn của một du khách, của một người viết và những kinh nghiệm thực tiễn trong sáng tác văn chương. Các nhà thơ hào hứng đọc nhiều bài thơ giàu cảm xúc về Cần Giờ. Đến lượt mình, tôi đã chia sẻ bài thơ Người trồng rừng Cần Giờ mà tôi viết tặng gia đình anh Trần Minh Tùng, một gia đình với 3 thế hệ trồng rừng:
“Ba thế hệ thủy chung cùng cây đước
Cho đất này ngút ngát một màu xanh”
Những giọt mồ hôi rơi xuống, những hy sinh thầm lặng của người dân nơi đây để giữ lại màu xanh cho đất mẹ đã làm nên kỳ tích mà không phải đợi trăm năm, như lời “cảnh báo” vào năm 1975 của hai nhà khoa học Mỹ là Pfeifer và Wasting khi đến đây. Họ ước tính rằng phải mất tới 100 năm mới có thể khôi phục lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cần Giờ, với quá khứ đau thương nhưng đầy tự hào, hôm nay đã sải rộng đôi cánh khát vọng. Không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái độc đáo, nơi đây còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, của niềm tin và sự kiên trì của con người Việt Nam.
Cuốn sách Cần Giờ ngày nắng gọi được kết lại bằng truyện ngắn “Chuyện trên biển Cần Giờ” của nhà văn Nguyễn Trường. Chuyện kể rất sinh động về một miền quê Cần Giờ, nơi những con người từ nhiều miền đất hội tụ về đây nhờ truyền thống đại đoàn kết dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.
Buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra tại thư viện huyện. Tập sách "Cần Giờ ngày nắng gọi" như món quà tri ân gửi lại mảnh đất này. Chúng tôi cũng đã có dịp trao tặng địa phương bản nhạc Bay lên Cần Giờ, một trong những sáng tác từ chuyến đến Cần Giờ lần trước, như một món quà tri ân vùng đất này.
Xuân đang về, ánh nắng đầu xuân sẽ tiếp tục gọi màu xanh rực rỡ cho Cần Giờ. Đó không chỉ là màu của thiên nhiên mà còn là sắc xanh của lòng người, của những ước mơ, hy vọng và khát vọng vươn xa. Cần Giờ, mảnh đất nơi biển trời giao hòa, sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những người cầm bút:
Cần Giờ sải rộng cánh bay
Chở niềm khát vọng gọi ngày đầy xuân.
Nguồn hình ảnh tư liệu: Đậu Thanh Sơn, Nguyên Hùng, Huệ Triệu
Biên tập, dựng clip: Nguyên Hùng
Tác giả trao tặng lãnh đạo Cần Giờ bản nhạc "Bay lên Cần Giờ" (thơ Nguyễn Thánh Ngã - Nguyên Hùng, nhạc Đỗ Tiến Lập)