TIN TỨC
icon bar

Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-24 16:37:18
mail facebook google pos stwis
518 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

 

PHAN NGỌC QUANG

Nguyên Hùng là một nhà khoa học nhưng lại yêu thơ đến say lòng. Không chỉ in thơ, anh còn cho ra mắt những tác phẩm độc, lạ khi tạo thêm mối duyên tơ giữa âm nhạc và văn chương, giữa thi sĩ và nhạc sĩ mà bằng chứng là tuyển tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”. Chưa dừng lại đó, với 81 chân dung văn học anh còn cho ra đời cuốn “Ký họa thơ” trình làng để không ngoài mục đích chuyển tải di sản thơ ca đến với độc giả được gần hơn.

Rõ ràng không chỉ yêu thơ, anh còn là người tìm mọi cách để cho thơ được chắp thêm đôi cánh bay giữa khoảng trời văn chương bao la. Cũng vì yêu thơ mà anh yêu cả thi sĩ, những chủ nhân đã làm nên bài ca cuộc đời từ vần điệu, ngôn từ và thể loại. Cầm cuốn “Ký họa thơ” trên tay, bỗng nhiên ký ức tôi lại quay về với thời gian trước đây khi đọc 102 mảnh ghép nhân văn của nhà thơ quê xứ Nghệ. Để có một bài thơ chuẩn xác về một thi sĩ, nhất là thi sĩ lớn là điều không hề dễ. Trước hết đòi hỏi phải có kiến thức đầy đủ về thân thế và đặc biệt là sự nghiệp của họ. Nhưng đó chỉ là cái nền cơ bản để người viết bắt tay vào công việc không hề đơn giản là phác họa chân dung tác giả bằng chính sản phẩm mà họ đã từng làm ra. Nguyên Hùng đã dày công đào xới vào đống tư liệu ngổn ngang của từng con người, mỗi số phận để dựng nên một bức tượng tác giả bằng thơ. Bức tượng đó vừa có hình khối cuộc đời nhưng lại phải có xương thịt của tác phẩm mà các nhà thơ, nhà văn để lại cho hậu thế.

Thực ra sự lắp ghép tên tác phẩm lại với nhau là công việc nhẹ nhàng nhưng để có một bài thơ với những tên tác phẩm được liệt kê có ý nghĩa thì lại là một công việc khác. Đó là điều anh đã làm được. Phải thật hiểu, thật yêu từng đồng nghiệp thì Nguyên Hùng mới phác thảo lên được những bức ký họa mà mỗi khuôn mặt thi nhân đều rất riêng, không bị nhạt nhòa và chẳng lẫn vào đâu được. Dù được xếp sắp theo thứ tự an-pha-bê nhưng tôi vẫn chọn tìm những tác giả quen thuộc để ngắm trước. Tất nhiên không thiếu Tố Hữu, Chính Hữu, Nguyễn Bính, Vũ Cao, Huy Cận, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Viễn Phương, Nguyễn Đình Thi… những cánh chim đầu đàn của nền thơ cách mạng. Một lần nữa, bạn đọc lại được chiêm ngưỡng các khuôn mặt cây đa, cây đề trong làng văn chương kháng chiến ở một góc nhìn và tâm thế mới. Đó còn là một thế hệ nhà thơ trẻ tiếp nối cha anh trong thời kỳ chống Mỹ mà tiêu biểu là Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bế Kiến Quốc, Phạm Ngọc Cảnh … với 1 giọng điệu riêng trong dàn đồng ca lớn. Bên cạnh các nhà thơ quen thuộc, càng tò mò hơn khi bạn đọc được ngắm các nhà văn trong thời đại mới ở các địa phương khác nhau dù trên 3 miền nhưng đều có chỗ đứng vững vàng trong ngôi nhà thơ cả nước: Lê Thiếu Nhơn, Lê Quốc Hán, Nguyễn Bình Phương, Trần Văn Tuấn, Kao Sơn, Bùi Anh Tấn…

Mỗi bài thơ anh viết chính là bản lý lịch trích ngang về thành tựu văn chương mà họ đã gặt hái được trên mỗi chặng đường đời. Bản lý lịch đó được in trên trang bên trái, không ghi chép các thông tin từ trang bên phải mang tính chất thông tấn mà được đắp xây lên bởi những vật liệu văn chương thú vị. Khi tên tác phẩm được anh đưa vào thơ thì dường như nó được sinh ra lần nữa trong bối cảnh và không gian mới để cho mỗi câu thơ đều có ý nghĩa trọn vẹn. Đó chính là công sức lao động và tài năng của đôi bàn tay người viết. Hình như đây cũng là sở trường và cả đam mê của nhà thơ họ Nguyễn. Còn nhớ, mỗi khi đồng nghiệp ra sách, Nguyên Hùng đều có một bản tổng kết bằng thơ dù nói ít nhưng lại chứa được nhiều thông tin trong đó. Tác giả thì cảm ơn anh, người nghe như lòng mình được nói hộ. Tôi nhớ không nhầm, hầu hết các thi hữu từ quen đến lạ đều có một lý lịch văn chương trích ngang, một tờ giấy khai sinh tác phẩm mà do Nguyên Hùng phác thảo. Đó được coi là tấm "danh thiếp văn nghiệp" của bạn bè quanh anh. Từng chân dung hiện lên đẹp bằng nét vẽ đa sắc của ngôn từ, vần điệu.

Có người cho rằng, thơ nay ít người đọc, người ta chán thơ. Nhưng với “Ký họa thơ” thì không thế. Bởi đây là một thư viện nhỏ có thể cầm được trên tay về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của những nhà văn lớn. Rất cần cho những ai yêu thơ, yêu văn chương để tra cứu, để đến gần hơn với những gì mà mình đã từng trân quý trong quãng đời đi học và lúc trưởng thành. Đối với các sĩ tử, thần dân văn chương có thể coi đây là cuốn cẩm nang cần thiết, là bác Google không cần máy tính, điện thoại mà vẫn tra cứu được lại có kết quả nhanh. Nhiều nhà văn tiền bối đã không còn nữa nhưng chắc họ cũng mát lòng khi biết hôm nay cuốn sách ra đời trong diện mạo khác. Nếu sách đến tay thân nhân của họ thì điều đó lại càng quý hơn vì gia đình, dòng tộc các nhà văn lại có thêm bộ sưu tập quý giá trong gia phả văn chương của ông bà mình. Xin cảm ơn tâm người viết.

Mùa Vu lan 2024
P.N.Q

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm