TIN TỨC
icon bar

Đôi lời về các bức chân dung văn nhân trong tập “Ký hoạ thơ” của Nguyên Hùng

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-17 17:06:48
mail facebook google pos stwis
301 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

PHỐ GIANG

Cuối tháng 8/2024, trong buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh tôi được nhà thơ Nguyên Hùng tặng tập KÝ HOẠ THƠ (81 CHÂN DUNG VĂN HỌC) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý III năm 2024. Đây là cuốn thơ thứ 2 anh “phác họạ” chân dung một số văn nghệ sĩ thời hiện đại và đương đại ở nước ta. Cuốn thứ nhất xuất bản năm 2017 với tên sách là 102 MẢNH GHÉP VĂN NHÂN cũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, chủ yếu là chân dung các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ anh thân thiết quen biết.

Từ hơn 6 năm về trước, ngày đọc xong cuốn thứ nhất, 102 MẢNH GHÉP VĂN NHÂN tôi đã thầm thán phục nhà thơ Nguyên Hùng. Chỉ vẻn vẹn trong một trang sách nhỏ khổ 13.5cmx21.5cm và không quá 10 câu thơ anh đã khắc hoạ được chân dung một văn nhân khá rõ nét cả về diện mạo, tính cách và tầm vóc trong xã hội. Viết chân dung cũng như ký hoạ, thể hiện được thần thái là rất khó. Hơn nữa, với văn xuôi số trang không hạn chế thì còn dễ hơn chút, ở đây lại chỉ gói gọn trong mấy câu thơ. Thật tài hoa!

Phương pháp thể hiện của nhà thơ Nguyên Hùng là lấy tên các tác phẩm điển hình của nhà văn kết hợp một số chi tiết của cuộc đời nhà văn để tạo nên các hình tượng, tạo dựng nhân vật trử tình cho bài thơ. Phương pháp này không có gì là mới mẻ, nhiều nhà thơ đã sử dụng phương pháp này để vẽ chân dung các nhà văn, nghệ sĩ. Cái khó của phương pháp này là phải bố trí sắp xếp tên các tác phẩm của nhà văn làm sao để tạo thành những khổ thơ có tứ, có hồn và toàn bài thơ mang một nội dung gì đó có ý nghĩa trong đời, nếu không khéo, không có tài thì sẽ thành một mớ hổ lốn chán phèo. Phải thừa nhận rằng Nguyên Hùng rất tài giỏi và chịu khó trong vấn đề này. Không phải chỉ dăm ba bài mà anh đã xây dựng thành công hàng trăm bài thơ, hàng trăm chân dung văn nghệ sĩ theo dạng này. Sau khi cuốn 102 MẢNH GHÉP VĂN NHÂN ra đời tôi có hỏi ý kiến một số nhà thơ, nhà văn có chân dung được nhà thơ Nguyên Hùng khắc hoạ trong tập sách thì họ đều phát biểu là khá đúng về họ và rất thích những bài thơ mà nhà thơ Nguyên Hùng đã viết về họ. Tôi cũng may mắn được nhà thơ Nguyên Hùng khắc hoạ chân dung bằng một bài thơ trong tập này. Bài thơ chỉ 8 câu lục bát nhưng anh đã giới thiệu được 6/8 tác phẩm của tôi, đồng thời cũng nói lên được những nét chấm phá về tính cách và cuộc đời chìm nổi của tôi. Anh kết thúc bài thơ bằng hai câu: Ngày lo đê vở phố tràn/Đêm nằm thổn thức non ngàn quê hương. Quá đúng với tôi. Tôi quê ở Hương Sơn – Hà Tĩnh, là một chuyên gia về Thuỷ lợi và môi trường, công việc chính là quy hoạch khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên nước để phục vụ kinh tế dân sinh và bảo vệ môi trường. Sau ngày đất nước thống nhất tôi được điều động vào công tác ở miền Nam, xa quê hơn 2000 cây số nên đúng là ban ngày thì tất bật với công việc chuyên môm, nghiên cứu biện pháp ngăn mặn, xổ phèn, tiêu úng, ngăn lũ, cấp nước ngọt cho Thành phố Hồ chí Minh, Miền Đông Nam bộ, Đồng Bằng sông Cửu Long; tối đến thì đau đáu thắc thỏm nhớ quê. Đúng là ngày lo đê vở phố tràn/ Đêm nằm thổn thức non ngàn quyê hương.

Tôi không quen biết hay hiểu biết sâu sắc tất cả các văn nhân mà nhà thơ Nguyên Hùng đã khắc hoạ trong tập KÝ HOẠ THƠ anh vừa xuất bản nhưng với những nhà thơ nhà văn tôi có quen biết, hoặc có đọc các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của họ thì thấy những bài thơ mà nhà thơ Nguyên Hùng khắc hoạ về họ khá rõ nét và thật dễ thương. Có những bài chỉ cần đọc khổ đầu đã nhân ra, hoặc thậm chí chỉ hai câu đầu đầu là đã biết là ai rồi. Khi đọc đến bài anh viết về nhà thơ Hoàng Cát tôi bỗng giật mình, chỉ mới hai câu đầu: Một chân mất bởi chiến tranh/Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi tôi nhận biết ngay là chân dung nhà thơ Hoàng Cát. Có lẽ trong giới văn nhân và những người yêu văn học đều biết thi sĩ Hoàng Cát bởi câu chuyện về ông và cuộc đời ông đã thành giai thoại trong giới văn chương, trong xã hội. Ông sinh năm 1942, quê ở Nam Đàn – Nghệ An, đến tuổi trưởng thành đi làm rồi vào bộ đội. Năm 1965 vào chiến đấu ở miền Nam. Ông bị thương cụt mất một chân nên năm 1971 được giải ngũ và về làm việc ở một nhà máy tại Hà Nội. Ông có năng khiếu về văn học, vừa làm thơ vừa viết văn xuôi và nhiều tác phẩm đã được đăng báo, tạp chí. Năm 1973 ông viết truyện ngắn CÂY TÁO ÔNG LÀNH và được đăng trên báo Văn nghệ. Do những suy diễn lệch lạc của một số người, trong đó có những người có chức quyền trong làng văn về truyện ngắn này nên ông bị mất việc làm và bị “treo bút” 15 năm liền. Trong 15 năm đó nhà thơ Hoàng Cát phải lăn lóc vất vưởng trên vỉa hè, làm đủ nghề để kiếm từng đồng cắc nuôi bản thân và phụ giúp vợ con. Những ai đã biết ít nhiều về nhà thơ Hoàng Cát đều không khỏi thương xót ngậm ngùi khi nghĩ về cuộc đời quá ư khổ cực của ông. Nhà thơ Nguyên Hùng thật là tài ba khi hình tượng hoá cuộc đời lăn lóc khổ sở của nhà thơ Hoàng Cát bằng hành động tàn nhẫn vô lương tâm của “ai đó” là “bẻ” luôn cái chân còn lại của nhà thơ. Bởi vậy khi đọc hai câu thơ trên là ta nhận ra ngay đây là chân dung nhà thơ Hoàng Cát. Một chân mất bởi chiến tranh/Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi. Thật khốn khổ, ông Lành ở đây không phải là một con người bằng xương bằng thịt mà là một tác phẩm văn học, một truyện ngắn của chính Hoàng Cát. Thật cay đắng ngậm ngùi. Câu thơ đã tố cáo một cách không nhân nhượng những kẻ cơ hội xấu xa và còn xa gần cảnh báo về tai nạn nghề nghiệp của nghề văn. Tôi thấy đây là một câu thơ rất tài hoa.

Ở một bài thơ khác, chẳng cần đọc hết bài, chỉ đọc hết khổ đầu là ta nhận biết ngay đây là nhà văn Nguyễn Khải:

Người viết rất hay về xung đột

Gặp chuyện bất bình chỉ tránh thôi

Tóc xanh bước lạc trong mùa lạc

Đến bạc đầu đi tìm cái tôi(*)

(*) Những chữ được tô dậm là tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải.

 

Ở đây ta vẫn có thể nhận ra Nguyễn khải không cần phải nhờ các cụm từ xung đột, mùa lạc, đi tìm cái tôi mà chính ý tứ trong khổ thơ này đã bắt được hồn vía và tính cách của nhà văn Nguyễn Khải. Khi đọc KÝ HOẠ THƠ của Nguyên Hùng tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự, chỉ đọc hết khổ đầu là biết tác giả viết về ai rồi như các bài thơ về các nhà thơ Lê Quốc Hán, Trần Đăng Khoa, Trương Nam Hương, Xuân Quỳnh, Nguyễn Trọng Tạo…

Nhà thơ Nguyên Hùng rất giỏi trong việc đưa các chi tiết về thói quen hay các điểm mang tính đặc trưng về tính cách của đối tượng anh viết. Thí dụ, Trần Đăng Khoa tính xề xoà, gặp ai cũng em em, bác bác nên khi đọc Thần đồng nay làm quan/Vẫn em em bác bác/ dáng chú cuội nông dân/mà hoạt ngôn –hóm – sắc! thì biết ngay là Trần Đăn Khoa không lạc vào đâu được. Hay đọc đoạn thơ: Anh đi quá vội quá nhanh/con tim yêu nhạc bỗng thành ngẩn ngơ/Giá anh đừng chặt câu thơ/Câu thơ đã dệt lưới tơ giữ người! là ta nghĩ ngay đến tác giả của bài hát nổi tiếng Ca dao em và tôi và hình dung ngay Nguyên Hùng đang nói về nhạc sĩ An Thuyên. Đọc ba câu Mảnh vườn riêng hạt lại gieo/Người xa, hạt nẩy dây leo lạc dòng/một thời bộ trưởng canh nông… đó là nhà thơ Huy Cận và ta không thể tránh được tíc tắc ngậm ngùi…

Trong tập KÝ HOẠ THƠ của nhà thơ Nguyên Hùng có nhiều bài thơ thể hiện tài ba dùng thơ khắc hoạ chân dung văn nhân của anh như các bài thơ về thơ Hoàng Cát, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh… nhưng tôi thích nhất là bài anh viết về nhà thơ Hoàng Cát. Toàn bài thơ như sau.
 

HOÀNG CÁT
 

Một chân mất bởi chiến tranh

Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi

Tháng giêng dai dẳng nghẹn lời

Cầu ngôi sao biếc nhưng trời chẳng nghe
 

Cảm ơn mưa nắng vỉa hè

Mùa thu nem, chạo, bóng bì chè tươi

Tưởng đâu thanh thản cuối đời

Mà sao khổ nạn cõi người* chưa buông.
 

Chỉ vẻn vẹn 8 câu lục bát mà hiện lên hết cả một cuộc đời khổ cực gian nan và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Hoàng Cát, đồng thời bài thơ cũng gieo vào lòng người đọc một nỗi bùi ngùi xót đắng.

(*) Những chữ viết đậm trong bài thơ là là tên các tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cát.

 

Với thơ về chân dung của nhà thơ Nguyên Hùng, bài anh viết về nữ nhà thơ Trần Mai Hường là bài tôi tâm đắc nhất, nhưng không có trong tập KÝ HOẠ THƠ anh. Ở bài thơ này cuộc đời và tính cách của nhà thơ được thể hiện thật rõ. Tiện thể tôi cũng chép ra đây để các bạn cùng thưởng thức.

 

TRẦN MAI HƯỜNG

 

Em như quả thị nhà ai

Nay còn xanh chát chờ MAI mới HƯỜNG*

Em như NGỌN SÓNG TOẢ HƯƠNG

Đến khi gió nổi tìm phương vỗ về…

 

ĐÓ LÀ EM – gái nhà quê

Hồn nhiên, nồng nhiệt, hội hè thì mau

NGƯỢC ĐÊM vì KHÁT tìm nhau

Để ôm ngực sóng mà đau một mình.

 

MÂY MƯA VỚI CHỮ với hình

NHÁNH BUỒN từ ấy tự mình TRỔ HOA.

(*) Những chữ in hoa trong bài thơ là các tác phẩm của nhà thơ Mai Hường.

Các bạn thấy đấy, đọc bài thơ ta thấy hiện lên chân dung một cô gái nồng nhiệt, mạnh mẽ nhưng cuộc đời cũng không thiếu những nỗi buồn. Ngoài đời, nhà thơ Trần Mai Hường cũng là một người phụ nữ sôi nỗi, tinh nghịch, hóm hỉnh và tốt bụng, luôn tận tình với bạn bè, nhiệt tình và hết lòng với công việc chung… đúng như nhà thơ Nguyên Hùng đã nói trong bài thơ: Hồn nhiên, nồng nhiệt, hội hè thì mau. Tôi quen biết nhà thơ Trần Mai Hường từ mười mấy năm về trước. Một cô gái dí dỏm và tinh nghịch, trong đối thoại thường thích trêu chọc đối phương. Từ “xanh” được xem như là từ khoá của nữ nhà thơ, ngoài đời cũng như trong thơ được nhà thơ sử dụng khá nhiều và dường như thường xuyên. Đôi lúc tếu tếu, Mai Hường hay ví mình như là trái cây còn xanh. Bởi vậy mỗi lần gặp nữ thi sĩ tôi hỏi đùa: “Hôm nay đã chín chưa”. “còn xanh chát lắm!” - nữ thi sĩ vừa cười vừa lắc lắc đầu đáp lại… “thế bao giờ mới chin”. “Còn lâu lắm, lâu lắm…” – Nữ nhà thơ nói thật to rồi khanh khách cười… Thật là dễ thương. Với tính cách nữ thi sĩ như thế nên khi đọc hai câu: Em như quả thị nhà ai/nay còn xanh chát chờ MAI mới HƯỜNG của Nguyên Hùng tôi hết sức tâm đắc.

 

Trở lại với thơ chân dung của nhà thơ Nguyên Hùng, tôi nghĩ là anh đã khá thành công cả tập KÝ HOẠ THƠ và tâp 102 MẢNH GHÉP VĂN NHÂN. Một cách tinh tế anh đã khắc hoạ được khá chân thật và đáng yêu của gần 200 văn nhân nước ta thời hiện đại và đương đại. Trong nhiều bài thơ về các văn nhân, bằng cách bóng gió xa gần anh còn đưa vào được cả những điều không như ý của người trong cuộc làm người đọc phải suy ngẫm và đôi lúc còn thấy thương thương.

Trong hai tập sách về chân dung văn nhân của nhà thơ Nguên Hùng có nhiều bài, nhiều khổ thơ hay và nhiều câu thơ thật tài hoa.

Viết thơ về chân dung rất khó và mất nhiều công sức. Bởi muốn viết được một bài thơ về một nhà văn, nhà thơ nào đó phải biết được khá nhiều về cuộc đời và sự nghiệp cũng như tính cách của đối tượng cần viết thì “chân dung” mới có hồn, mới “giống” như ngoài đời. Với những nhà văn quen biết, thân thíết thì còn đỡ, nhưng với các văn nhân không quen biết hay các bậc tiền nhân thì quả là vô cùng khó khăn trong việc tìm hiểu, thu thập tư liệu. Mất công mất sức lăm. Thế mà Nguyên Hùng đã có đến ngót 200 chân dung bằng thơ của các văn nhân. Thật đáng nể!. Phải cần mẫn say mê lắm mới có được một kết quả lớn lao như vậy. Xin được chúc mừng anh.

Các “bức chân dung” văn nhân bằng thơ của nhà thơ Nghuyên Hùng nhìn chung là khá chuẩn xác và đẹp. Chúng không những là món quà quý giá của nhà thơ Nguyên Hùng tặng các nhà văn, nhà thơ và người thân, gia tộc của họ; mà theo tôi, chúng còn là những tư liệu quý giá về các văn nhân để các thế hệ tiếp tiếp sau này khi tìm hiểu, nghiên cứu về nền văn học nước nhà.
 

Tp. Hồ Chí Minh đầu tháng 9/2024

P.G.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm