TIN TỨC
icon bar

Ngày bình thường mới đầu tiên

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-01 16:01:23
mail facebook google pos stwis
3022 lượt xem

HOÀI HƯƠNG

Tôi muốn hát lên tên Sài Gòn/ Tôi muốn lắng nghe đêm Sài Gòn/ Tôi muốn nói I'm Sài Gòn, you're Sài Gòn, we're Sài Gòn/ Dẫu có đi phương trời nào/ Vẫn nhớ Sài Gòn ngọt ngào/ Muốn nói tôi yêu Sài Gòn, yêu Sài Gòn mãi" - (Sài Gòn Sài Gòn - Châu Đăng Khoa)

Em Hà Nội đêm qua gọi chat messenger:

- Em nghe tiếng nhạc vui quá… Mà sao giờ đã khuya còn nghe rộn ràng vậy? Ngày mai Sài Gòn có gì mới?

Ừ! Tôi đang mở nhạc, để những câu hát tràn ngập tình yêu thành phố do 4 chàng trai trẻ nhóm nhạc Vmusic phủ đầy trong căn phòng nhỏ của tôi. Tôi đang đợi cái khoảnh khắc phút đầu tiên sang ngày mới, tháng mới, kết thúc 4 tháng = 123 ngày Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh "phong ấn" bởi COVID-19. Để đón một bình minh sau cơn mưa mùa, một ban mai xanh trong hy vọng, thành phố ngày mới nắng chan hòa, sẽ trở lại bình thường, dù chỉ là "bình thường mới" trong tình hình dịch bệnh vẫn còn ẩn tàng nhiều nguy cơ bất ngờ khó lường.

TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, nhưng chỉ bán mang về

- Mà lạ, em à. Hai ngày cuối cùng của tháng 9, Sài Gòn mưa rả rích từ tối tới sáng, rồi từ sáng tới gần trưa, nhưng nghe tiếng mưa có gì đó như một chuỗi nhạc, có tiếng lá lao xao chạm vào nhau, có tiếng chim hót líu ríu, có ánh nắng mỏng xuyên qua làn mưa lóng lánh sắc cầu vồng, cảm giác những giọt mưa đang cố gột những nỗi buồn đau suốt 4 tháng trời qua.

Mưa như những giọt nước mắt sau cùng, trong vắt, để trôi qua những xót xa, những nỗi buồn thống thiết tâm can, những nỗi đau vò xé mọi suy nghĩ, đau đến tê cứng đến buốt lạnh với hơn 18.000 nỗi buồn sinh ly tử biệt khó mà nguôi ngoai, khó mà có thể quen với nhữg khoảng trống vắng trong cuộc đời.

Là như mưa muốn mang đi cất giữ 4 tháng thương khó vừa qua, không khác gì thành phố trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, vào một ngăn quá khứ, thêm một trang lịch sử thành phố hơn 300 năm tuổi, để nhìn về phía trước, tái tạo những tia hy vọng ngày mới trở lại bình thường, bình thường như vốn có trong một tâm thế sẽ luôn gìn giữ bảo trọng cẩn mật để không lặp lại thêm một lần nào nữa những ngày "phong ấn" thành phố đầy bi thương tao tác như đã từng.

4 tháng trời, Sài Gòn không một cuộc hẹn hò tình nhân, không có cảnh "chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", dù cây lá vẫn xanh mướt thả gió dài hè phố, hoa vẫn khoe sắc tỏa hương dọc các con đường. 4 tháng trời, café phố cũng như lạc mất phương nào không dấu tích như đã từng nơi đây nhộn nhịp hối hả mỗi sáng, như đã từng nơi này trễ nải đến tận trưa, như đã từng góc kia mê hoặc từ hoàng hôn đến tận nửa khuya… Tất cả cứ như trong cổ tích thành phố bị một pháp thuật làm cho mọi thứ dường như biến mất trống rỗng đến thinh lặng buồn bã.

Những hàng rào chắn dần được dỡ bỏ

Ừ hôm nay, khi bình minh lên, ngày mới đến, một ngày mới như bao nhiêu ngày khác của thời gian, của năm tháng, nhưng lại rất khác thường bởi chính sự trở lại bình thường của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Sáng ngày cuối cùng của mốc thời gian 4 tháng - 123 ngày "phong ấn", lãnh đạo thành phố công bố: TP.HCM sau 30/9 mở cửa từng bước, không đồng loạt ra đường và 13 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động sau 30/9 ở TP.HCM. Chỉ vậy thôi, đã thấy mừng.

Mừng vì những chốt chặn, rào chắn, những sợi dây chăng ngang dọc chằng chịt phố đã được tháo dỡ, đã thông thoáng đường, rộng mở hẻm. Đã nghe lao xao tiếng mở cửa dọn dẹp bày hàng quán xá, đã nghe lanh canh tiếng va chạm của chén ly muỗng đũa những tiệm ăn, đã thấy thấp thoáng những bảng hiệu được trưng treo ra mặt tiền nhà…

Em biết không, mấy ngày nay, mọi người trên FB, các group chat với nhau, rôm rả hẹn hò, ai cũng mong "ngày bình thường mới", gỡ mọi ràng buộc cách ly, phong tỏa, để có thể nhìn thấy nhau, dù vẫn khẩu trang che khuất gần như cả khuôn mặt, dù không thể "tay bắt mặt mừng" như trước, nhưng chỉ bằng ánh mắt, để thấy những tia lấp lánh cười vui, mừng mừng tủi tủi, như xa nhau hàng thế kỷ, như được hồi sinh.

Các bạn trong "Sài Gòn nghĩa tình", là một group xinh xinh gồm hơn 10 nhà văn nhà thơ nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh còn lên kế hoạch cụ thể, mỗi người sẽ nấu một món yêu thích nhất của mình mang đến, góp vào một tiệc "đoàn tụ sum họp" sau 4 tháng trời xa cách trong hồi hộp thắt lòng, mỗi khi một ai đó thông tin khu nhà bị bao vây F0, khu nhà bị "bảng đỏ", để rồi nhắn nhau những câu thương đến đắng đót "chúng mình ráng kiên cường bảo trọng cho đến cùng, đừng ai dính F nha, đã hứa là phải gặp nhau đầy đủ đội hình, không khuyết một ai"…

Bất chợt nhớ lại câu nói ngày trước khi ước một điều gì muốn thành hiện thực, nhiều người hay dùng câu nói là tên một bộ phim điện ảnh Việt Nam nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Bao giờ cho đến tháng 10". Vâng, bình minh ngày mới Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, là ban mai của ngày đầu tiên tháng 10. Là có thể những ước mong "bình thường" sẽ là hiện thực với thành phố. Trở về trạng thái bình thường, nhưng gần như là phải thích ứng với những "bình thường mới", chưa thể là như trước, sau những chấn thương mất mát không hề nhẹ.

Em à, khi đọc mấy dòng chữ của một nhà văn nữ Sài Gòn: "Chúng mình còn phải sống phần đời của hơn 18.000 người ra đi trong đại dịch này, để biết phải sống làm sao cho phải đạo, để trân trọng cuộc sống an bình, trân trọng thiên nhiên, môi trường sống của mình". Có một niềm xúc động nghẹn ngào muốn trào nước mắt. Bùi ngùi, nghẹn thắt, 123 ngày - 4 tháng, COVID-19 không chỉ lấy đi của cải vật chất mà còn đã lấy đi biết bao nhiêu niềm hạnh phúc gia đình đầy đủ trọn vẹn của thành phố.

Sài Gòn hoa lệ đang dần trở lại trạng thái bình thường mới

Bình minh đang dần loang sáng trên thành phố, đã nghe vài tiếng còi xe hơi thả nhẹ nhàng như đánh tiếng chứ không thúc hối thị uy gây chói tai hay làm ai giật mình như ngày trước. Phố vẫn lặng im trong giấc say chùng chình của ban mai, hay phố đang cố tình tận hưởng cái giây phút mở choàng mắt ra, là nghe những âm thanh quen thuộc đang từ từ len lỏi một cách dịu dàng, thong thả vào phố, là thấy hương phố thơm lừng mùi café, mùi sườn nướng, mùi hủ tiếu bánh canh, xôi chả, bánh mì thịt…, mà suốt 4 tháng nay phải nén lòng nhớ đến thao thiết.

Ừ, Sài Gòn ngày "bình thường mới" hình như không có cái vội vã hối hả ồn ào chen lấn như ngày trước, mà hình như đã có một nhịp lơi, như mọi người cố tình nhường nhau, như để tận hưởng, hít hà phố sâu đằm hơn, để thưởng thức cái khoảnh khắc bình an được đi trên phố lâu hơn một chút.

Em à, sẽ còn nhiều thứ mới mẻ cho Sài Gòn trở lại trong tâm thế "bình thường mới".

Kết thúc lá thư này, muốn hát ca khúc "Sài Gòn anh yêu em"- Đức Trí, để tặng hai nhà văn trẻ của thành phố mà tôi rất yêu quý. Chúc mừng nhà văn trẻ đã chiến thắng COVID-19 trở về bình an sau 24 ngày kiên cường "chiến đấu" đúng vào ngày cuối cùng Sài Gòn "phong ấn". Và đặc biệt chúc bạn nhà văn trẻ vừa bị nhiễm đúng vào những giờ cuối Sài Gòn chuẩn bị mở "phong ấn" cũng sẽ chiến thắng COVID-19 và thật bình an trở về.

Ta chào tia nắng mai, chào con phố quen, người xe vẫn đông/ Cà phê buổi sáng thật vui, khu phố thật vui/ Phi thật nhanh, lướt qua thật nhanh phố chợ loanh loanh/ Đâu đây người đi với nhau, cười vui với nhau, cà kê với nhau… Tôi như muốn hát lên câu hát/ Sài Gòn, tôi yêu, con phố thân quen, có bao người tôi mến yêu lần nào đi xa cũng luôn nhớ/ Sài Gòn, của tôi, có quán thân quen những đêm về khuya, dắt nhau lượn vài con phố, ngồi ca hát…".

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Mùa xuân của làng | Bút ký của Nguyễn Trường
Bài đăng Văn nghệ số Tết dương lịch (số 1, ngày 7/1/2023)
Xem thêm
Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Đồi Phượng Hoàng - truyện đăng Văn nghệ số 37+38
Xem thêm
Những tay chơi Hà Thành
Ký của TS Hoàng Quỳnh Anh
Xem thêm
Quà tặng tương lai | Truyện ngắn Nguyễn Trường
Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017
Xem thêm