TIN TỨC
icon bar

Cửa Lò – Ngồi đây ai cũng có đôi

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-05-26 01:21:06
mail facebook google pos stwis
581 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)


Cô giáo Phan Thanh Vân vừa gửi qua Zalo cho tôi bài cảm nhận về chùm 2 bài thơ ngắn Cửa Lò – Cửa Hội, từng được đăng lên blog “Cánh buồm thao thức” từ hơn 15 năm trước. Rất cảm ơn cô giáo Phan Thanh Vân và xin phép được đưa lên trang web riêng để lưu.
 

PHAN THANH VÂN
Giáo viên Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An)

 

CỬA LÒ – CỬA HỘI


1.

Cửa Lò

               càng nóng càng đông

Về đây tránh lửa

                      người không muốn rời

Nắng thiêu

                   ngỡ biển cũng sôi

Một làn gió mặn

                       đất trời đủ nghiêng.

Ba câu đầu của khổ thơ về Cửa Lò mới chỉ là một nhận xét, thông báo một cảm giác (chứ chưa phải là cảm xúc). Cửa Lò nóng, người đông, nắng thiêu đến mức ngỡ biển cũng sôi… Hai chữ “biển sôi” ấy đã đập ngay vào trực cảm người đọc. Thi sĩ như đang muốn tuyệt đối hoá, tột cùng hoá cái nóng ở Cửa Lò? Thế nhưng, dù mới chỉ là nêu nhận xét, câu thơ đã cuốn hút sự chú ý của người đọc bởi sự phát hiện: Cửa Lò càng nóng – càng đông. Phi lí quá! Một sự phi lý - hiển nhiên đến mức ít ai để ý và phát hiện… Câu thơ gợi lên câu hỏi “vì sao thế”?, nhưng nó không đợi trả lời để thành đối thoại mà chỉ là cái cớ để thành dòng độc thoại, bộc bạch tâm tình. Cái phi lí chuyển thành có lý khi câu thơ cuối khép lại bằng “hình ảnh” – Một làn gió mặn đất trời đủ nghiêng.

Trong con mắt của kẻ đa tình, bao giờ và ở đâu họ cũng tìm được cái lí do cho mình tìm đến. Thì ra, nguyên nhân người ta đổ về Cửa Lò là để được tận hưởng cái cảm giác mơn man, âu yếm, bao bọc đến mê hồn của “làn gió mặn”! Nắng càng “thiêu” thì Gió biển càng quyến rũ. Chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đủ khiến cho “đất trời” ngả nghiêng. Thế mới biết nàng gió mặn mòi xứ biển quê tôi có sức mạnh lôi cuốn, vẫy gọi người phương xa đến nhường nào! Câu thơ giản dị …cớ sao mà gợi thế! Có lẽ một câu thơ hay không chỉ hay bởi nó mang sẵn các “tố chất” hay, mà còn vì những gì nó có thể gợi ra để người đọc liên tưởng, suy ngẫm. (Nhưng “đông” chưa hẳn đã “vui”. Ta chưa tìm thấy dấu hiệu gì chứng tỏ người thơ đã “hết mình” với biển, mặc dầu anh rất yêu biển!).

Đến khổ thơ về Cửa Hội, từng câu thơ không chỉ còn là cảm giác mà đã là cảm xúc, nỗi niềm.

 

2.      

Hòn Ngư, Hòn Mắt chung chiêng

Sóng không từ biển - từ miền em thôi

Ngồi đây ai cũng có đôi

Thương về phương ấy một trời một em.

 

Cửa Hội không “đông” như Cửa Lò nhưng ai đã từng sống ở Cửa Hội sẽ nhận thấy Cửa Hội vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ… Biển chiều nay giống như “biển ngày xưa” (trong “Chuyện tình của biển”), không có sóng vỗ bờ… “biển ngây thơ” giống như “biển chưa yêu bao giờ”… Điểm nhấn của bức tranh Cửa hội thuộc về những “nét vẽ” về Hòn Ngư, Hòn Mắt chung chiêngNgồi đây ai cũng có đôi. Cái “hữu tình” của cảnh không làm cho người thơ vui lên mà ngược lại chỉ thêm “chạnh lòng”. Thật bất ngờ, biển không có sóng nhưng lại có một cơn sóng được tạo nên bởi nỗi nhớ từ “miền em” ùa về. Cảm giác càng tinh tế, cảm xúc càng buồn. Biển đẹp đẽ là thế, hiện ngay trước mắt thế, nhưng bỗng mờ đi bởi nỗi nhớ thương về nơi ấy “một trời một em”. Tôi nhìn thấy con mắt đượm buồn của người thơ như đang vọng đến một bến bờ nào đó, rất xa xôi…

 

Hai khổ thơ về Cửa Lò – Cửa Hội vốn đứt đoạn, “nhảy cóc” đã được xâu chuỗi lại tự nhiên khăng khít bởi đó là sản phẩm nhất quán của của một tâm hồn nhạy cảm và một tình yêu mãnh liệt, thiết tha.

Vinh, 2009.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm