- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
ĐÔI KHI NGỠ CHỈ À ƠI
.
Đôi khi lỡ một chuyến đò
Cả đời vô vọng ngóng chờ qua sông
.
Đôi khi lỡ chạm gai hồng
Giật mình chợt nhớ mình trồng phong lan!
.
Đôi khi vờ bị lạc đàn
Hạc bay theo bóng vịt ngan cuối trời
.
Đôi khi ngỡ chỉ à ơi
Đời cho ta gặp được người tâm giao
.
Nguyên Hùng
_________
Luận giải của Ngã:
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Bởi lục bát chuyển tải khó lắm. Nhưng khi đã chuyển tải được, thì nó bật lên cái tài của thi sĩ. Ai cũng biết lục bát kén người. Và Nguyên Hùng đã được kén như Vua kén rể. Ở rể lục bát thì vất vả rồi, nhưng ăn ở đúng thời đúng vận thì luôn được thăng hoa...
Mà có lẽ chỉ đôi khi thôi...
Vâng, cái "đôi khi" thật ghê gớm chứ không phải thường đâu. Biết thế, nhà thơ chỉ viết vỏn vẹn có tám câu thôi; nhưng là bốn cặp châm ngôn có sức thuyết phục người đọc khó tính.
Châm ngôn thơ thứ nhất, nói về chuyến đò đời. Nếu vô duyên gặp từ "lỡ" thì lỡ cả đời. Nó nhắc ta phải biết nắm vận hạn của mình, phải biết chớp thời cơ trong mọi việc. Thành bại của đời người nằm ở đây, đừng đổ lỗi cho số phận. Tôi cho đây là câu chăm ngôn tích cực, có thể giúp nhiều người biết lúc nào phải qua sông...
Châm ngôn thơ thứ hai đặc biệt hơn. Đây là vấn đề không đơn giản, trong khi mình trồng phong lan kia mà, sao lại chạm phải hoa hồng gai? Nó cũng là một trong những vấn đề lớn mà con người có khi không trả lời nổi. Tại sao, và tại sao, tôi sống tốt mà lại gặp nhiều điều bất như ý vậy?
Để trả lời, nhà thơ kéo chúng ta vào quy luật vay trả, hay đúng hơn là quy luật nhân quả của Phật giáo. Nếu có tìm hiểu về Phật học, chúng ta sẽ ngộ ra rằng, quy luật nhân quả là vô cùng bình đẵng và công bằng với tất cả mọi người. Dĩ nhiên, gieo gì gặt nấy. Nhưng đời một con người do vô minh che lấp, có khi ta gieo những điều thiện và điều ác xen kẽ mà không biết. Nếu ta được quả báo tốt là do cái nhân thiện lành; còn nếu ta nhận quả xấu là do cái nhân ác từ kiếp nào đó. Bây giờ quả ác đã chín, trong khi chúng ta cũng đã gieo nhân lành. Nhưng nhân lành chưa chín thành quả mà nhân ác đã chín, nên ta thấy như "đôi khi" trồng phong lan, mà phải chịu gai hồng đâm tứa máu là vậy! Có gì khó đâu, chăm ngôn thứ hai có tác dụng giải quyết những vấn nạn dường như quá khó trở thành dễ dàng. Vậy ta hãy an nhiên mà sống gieo nhiều hạt thiện lành hơn...
Châm ngôn thơ thứ ba vô cùng sâu sắc. Vừa như thật, vừa như chơi trong cái bi hài vốn tiềm ẩn ở thế gian. Hạc và vịt ngan lẫn lộn, công phượng và gà qué khó phân. Thế thì kẻ sĩ phải làm sao đây?
- Phải "vờ" thôi, như Súy Vân giả dại, như Câu Tiễn nếm phân, như Hàn Tín lòn trôn giữa chợ. Và có thể như Lưu Bị giật mình rơi đũa trong tiệc rượu luận anh hùng, nhân có tiếng sấm trước mặt Thừa tướng Tào Tháo đa mưu túc trí hơn người. Vì thế, đôi khi người tài như kẻ ngốc. Thánh nhân cùng với thằng ngu lẫn lộn, mới thoát khỏi tai ương....
Cuối cùng là châm ngôn thơ có yếu tố bất ngờ. Trong khi ta không hy vọng, không đặt vấn đề thì may mắn không mời mà tới. Trong đối xử à ơi, dãi đãi với người cho qua chuyện lại gặp được người tâm giao. Thế mới biết cái "đôi khi" ấy là cái ta đã gieo với tấm lòng chân thật nhất. Ví như ta ra tay cứu người mà không hề có lòng mong cầu đáp trả.
Ngày nay quả ấy cũng đến như vậy, không cầu mà được, nó là vô không. Nói theo thuật ngữ Phật giáo là "bố thí ba la mật", nghĩa là làm phước mà không hề khoe khoang, không hề mong cầu sự đáp trả. Đó mới là tình thương, xuất phát từ lòng từ bi chân thật của đạo pháp, cầu cho chúng sinh muôn loài....
[xigun 27.10.24]
NGUYỄN THÁNH NGÃ