TIN TỨC
icon bar

Nguyễn Ngọc Hạnh mắc nợ trần gian trong “Câu thơ mắc cạn”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-10-15 11:26:19
mail facebook google pos stwis
542 lượt xem

NGUYÊN BÌNH

Tôi đọc bài thơ CÂU THƠ MẮC CẠN của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh năm lần bảy lượt với tâm thế khám phá cái vị trí mà câu thơ đã “tát nhẹ” vào anh. Tuy thế, tôi vẫn đoan chắc là “câu thơ” không tát nhẹ vào đôi má nhà thơ hiền lành kia, mà nhắm vào nơi sâu thẳm nhất, mẫn cảm nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất trong tâm hồn anh. Tất nhiên rồi, sau cái tát ấy, huyền thức trong anh bỗng “Sáng bừng” lên, chớp lóe lên tựa động năng của thiên thạch va đập vào ý thức, đảo lộn tư duy có sẵn, thay thế bằng một trường suy tưởng mới đầy ắp năng lượng.

Nếu nói rằng thơ Nguyễn Ngọc Hạnh “trung thành với cảm xúc nhân bản, trở về với bản thể” (Ngô Đức Hành) thì “Câu thơ mắc cạn” là cảm thức thơ mà ta có thể lấy làm cơ sở dẫn dụ để khai thác, phân tích nhận định thú vị này.

Cặp câu lục bát đầu tiên theo tôi là dư chấn của trạng thái ray rứt, từ lâu gậm nhấm tâm cảm, dường như không chịu thỏa hiệp với thực tại. Ý thức bất an co cụm, dồn nén, bỗng nhiên bộc phát bởi sự kích họat của tác động vô hình nào đó, câu thơ bật ra ngay từ giây đầu tiên của cảm xúc:

Lời ru hát lại lần đầu

Đường mòn

Lối nhỏ

Hẹp câu thơ buồn...

Cái gì khiến cho Nguyễn Ngọc Hạnh nhủ lòng phải “hát lại lần đầu” lời ru êm đềm với ánh hào quang của hành trình văn chương khá dày dặn của mình? Đến nỗi tác giả bỗng thấy con đường phía trước trở nên “hẹp câu thơ buồn”. Phải chăng cảm thức thơ, không gian thơ bấy nay chao đảo trong cái vòng tư duy luẩn quẩn, gượng ép, xa rời khát vọng nhân bản? Có phải chính vì lẽ đó mà thi nhân lặng lẽ bỏ rơi mình, lang thang đi tìm chân trời mới trong tâm thế cô đơn để mong hội ngộ cùng thơ: “Núi mờ một bóng đầu truông/Bàn chân lạc bước dặm đường cùng thơ”. Càng đi tìm, nhà thơ càng “lạc lối về” trong sự hoang mang ngờ vực, như chàng Siddhartha trong “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse trước khi thức ngộ:

Cầm hư ảo giữa bến bờ…

Đợi trông

Vừa như có lại như không

Ô hay cái sự đèo bòng cỏ cây

Như là gấp mở bàn tay

Như là sấp ngửa ai bày…

Trần gian

Trầm tích của bao nhiêu lỡ làng, nuối tiếc vì chưa được khai phóng khỏi cái ao bèo tù hãm, thi nhân rơi vào trạng thái say trong tỉnh thức, tâm tư ngổn ngang trăm mối: “Biết là chân thấp trời cao/Vầng trăng phía trước, bèo ao phía này”, có lúc lại đắm chìm vào cõi hoang khai túy lúy say men trời đất khi “dốc cạn trời mây”:

 

Thôi đành lỡ với đò ngang

Đi không cùng chuyến ngỡ ngàng

Chiêm bao

Biết là chân thấp trời cao

Vầng trăng phía trước, bèo ao phía này

Ruột gan cháy xé miệng cay

Tôi xin dốc cạn trời mây...

Rượu tràn

Có những tấu khúc ngôn ngữ mà ta không thể giải mã. Mà thơ đâu có cần giải bày cùng ai. Đến ngưỡng, thơ tự trần tình với thơ, như con thuyền độc thoại với dòng sông, như tâm linh độc thoại với tôn giáo, hay nói giản dị hơn, nhà thơ độc thoại với chính mình, giải bày trong vô thức:

Rượu nào là rượụ trần gian

Câu thơ mắc mớ chi càn khôn đâu

Mắc chi tôi với đêm sâu

Xin đừng cọ rửa vài câu lở bồi...

Ai người đẽo đọt bờ môi

Tôi như vừa mới là tôi sinh thành

Đâu là bả vọng hư danh

Câu thơ mắc cạn giữa vành môi cong…

Những dan díu trần gian kia chẳng qua là những mặc định mơ hồ, bởi: “Câu thơ mắc mớ chi càn khôn đâu” và tôi, tôi chỉ là “Tôi như vừa mới là tôi sinh thành”. Tôi ngưỡng mộ câu thơ này quá, có thể nói là một ẩn dụ vô biên. Vậy đó, tôi là nhân bản, ngu ngơ như đứa trẻ sơ sinh, thơ là tiếng khóc chào đời hồn nhiên, mắc mớ chi mà phải chịu đẽo gọt để: “Câu thơ mắc cạn giữa vành môi cong”. Phải chăng, Nguyễn Ngọc Hạnh “phơi cảm xúc của chủ thể về những nỗi niềm muôn thuở của con người… Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh luôn chân thành với nỗi đau, với bao nỗi buồn của cuộc đời này. Nguyễn Ngọc Hạnh không kiểu cách giả tạo, màu mè với chữ nghĩa, làm dáng cách tân để lừa lọc người đọc…” (Ngô Đức Hành). Nhà thơ phơi phóng tâm cảm của mình trong giây phút thăng hoa và sau cùng là:

Nhiễu nhiên da lột mặt người

Câu thơ tát nhẹ vào tôi

Sáng bừng!

Tôi tin rằng, tia chớp sáng bừng ấy lại là động lực cho Nguyễn Ngọc Hạnh đi tiếp hành trình văn chương của mình mà không phải: Bàn chân vấp bước chân mình/Sắc không chân lại gập ghềnh bờ ao” dù có vẻ như định mệnh ràng buộc nhà thơ “mắc nợ trần gian từ quan niệm về thơ của mình…” (Ngô Đức Hành)      

Chúc nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, một con người luôn “nhân ái, vị tha, thủy chung với bạn bè” (Ngô Đức Hành) vững vàng giữa trần gian này với tâm thế như một câu của Hermann Hesse viết trong bài thơ "Gestutzte Eiche“ (Cây sồi trần trụi): "Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”
 

Bà Rịa, ngày 29/8/2023
NB

 

Câu thơ mắc cạn

 

Lời ru hát lại lần đầu

Đường mòn

Lối nhỏ

Hẹp câu thơ buồn...

Núi mờ một bóng đầu truông

Bàn chân lạc bước dặm đường cùng thơ

 

Khôn ngoan cắt tiết dại khờ

Cầm hư ảo giữa bến bờ…

Đợi trông

Vừa như có lại như không

Ô hay cái sự đèo bòng cỏ cây

Như là gấp mở bàn tay

Như là sấp ngửa ai bày…

Trần gian

 

Thôi đành lỡ với đò ngang

Đi không cùng chuyến ngỡ ngàng

Chiêm bao

Biết là chân thấp trời cao

Vầng trăng phía trước, bèo ao phía này

Ruột gan cháy xé miệng cay

Tôi xin dốc cạn trời mây...

Rượu tràn

 

Rượu nào là rượụ trần gian

Câu thơ mắc mớ chi càn khôn đâu

Mắc chi tôi với đêm sâu

Xin đừng cọ rửa vài câu lở bồi...

Ai người đẽo đọt bờ môi

Tôi như vừa mới là tôi sinh thành

Đâu là bả vọng hư danh

Câu thơ mắc cạn giữa vành môi cong

 

Bàn chân vấp bước chân mình

Sắc không chân lại gập ghềnh bờ ao

Đâu là đất thấp trời cao

Đâu là dấu vết cồn cào đầy vơi

Nhiễu nhiên da lột mặt người

Câu thơ tát nhẹ vào tôi

Sáng bừng!
 

Nguyễn Ngọc Hạnh

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm