TIN TỨC
icon bar
  • Nhà văn & Góc nhìn
  • Gởi tình yêu gởi cuộc đời: Bản giao hưởng tình yêu và cuộc sống

Gởi tình yêu gởi cuộc đời: Bản giao hưởng tình yêu và cuộc sống

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-16 06:17:26
mail facebook google pos stwis
791 lượt xem

VÕ THỊ NHƯ MAI

(Nhân đọc tập thơ Gởi tình yêu gởi cuộc đời của thi sĩ dịch giả Đỗ Tư Nghĩa)


Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (trái) và nhà thơ Trần Thoại Nguyên trong một lần cùng ngồi cà phê Đà Lạt

Đỗ Tư Nghĩa (1946-2021) thuộc lớp trí thức miền Nam trong chiến tranh, tốt nghiệp triết học ở Đại học Văn khoa Huế, sau đó dạy triết và tiếng Anh tại Blao (Bảo Lộc) từ trước 1975. Ông là một dịch giả cẩn thận với chữ nghĩa, nhưng có cách sống thanh đạm: đọc sách, dạy kèm ngoại ngữ, làm thơ và dịch những tác phẩm tâm đắc.
Các dịch phẩm đã xuất bản: Con đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda, 2005); Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra (2007); Tự thú (Lev Tolstoy, NXB Văn Hóa Sài Gòn); Tìm lại nụ cười (Philip Martin, 2009); Kahlil Gibran ngọn lửa vĩnh cửu (Barbara Young, 2009); Suy niệm mỗi ngày (Lev Tolstoy, 2016); Khi bố còn thơ (Alexander Raskin, 2020)...

Có lẽ ai cầm trên tay tập sách GỞI TÌNH YÊU GỞI CUỘC ĐỜI cũng không khỏi có chút bồi hồ xao xuyến. Tập thơ gọn gàng khổ giấy nhỏ và tự đánh máy, tự xuất bản lưu hành nội bộ, tặng hai con Đỗ Tư Diễm Thy và Đỗ Hoài Diễm Thư thân yêu. “Suốt đời Bố chẳng có gì để tặng các con, ngoài lòng yêu thương thiết tha nơi trái tim của Bố. Tập thơ này là hơi thở của Bố, dành riêng tặng các con – mong các con sẽ hiểu”

Thay lời tựa là một bài ca dành riêng cho bản thân mình, nó da diết và tha thiết. Là suy tư về cái chết, về sự ra đi của một linh hồn sau một cuộc hành trình không dài mà chẳng ngắn. Cũng như tôi cũng vậy, trước khi được sinh ra thì đã có chiến tranh, vấn nạn, đã có những con đường, hàng cây, câu ca, có biển núi và nhà, và mẹ cha. Những khi ấy, tôi đâu biết mình là ai và hoàn toàn không nhận thức được gì, là tôi chưa hề tồn tại. Và khi một người ra đi thì sao, Đỗ Tư Nghĩa nói như ru, như những lời an ủi bản thân mình và những người ở lại, ra đi là “tay không, như buổi mới chào đời”, “tất cả như một đống tro tàn trong ngọn lửa thời gian”, phũ phàng, định mệnh, quy luật. Khác với khi chưa được sinh ra, tinh khôi, mới mẻ, khi chúng ta ra đi, chúng ta để lại một cái gì đó cho đời, cho người, và ông, hơn ai hết, là từng co chữ, là tâm hồn và nỗi lòng. Gởi lại trần gian với bao khổ đau và hạnh phúc bằng “tiếng hát của tôi như một loài chim, hót lên một lần trước khi vỡ cổ”, “dòng máu đỏ của tôi, mà chính Người đã tiếp cho tôi, như nhựa cây, để đơm hoa và kết quả”.

Với GỞI TÌNH YÊU GỞI CUỘC ĐỜI, Đỗ Tư Nghĩa chọn lối viết tự do nhả chữ thả dòng thong thả như một người nhàn rỗi đi bộ trên triền đồi. Tuy nói như vậy nhưng thơ tự do không phải là thơ không có hình thức, quy tắc. Nó không phải kiểu viết một bài luận rồi vắt dòng mà hình thức cuối cùng của nó là sự cộng tác chặt chẽ giữa từ vựng, dấu câu và phân đoạn. Thơ tự do của Đỗ Tư Nghĩa sử dụng các âm điệu tự nhiên của cách nói thông thường để tạo ra nhịp điệu thay cho cách sử dụng nghiêm ngặt như ta thấy trong các bài thơ niêm luận xưa giờ. Thơ tự do của ông sử dụng nhịp điệu tự nhiên của lời nói để xác định độ dài của mỗi dòng nhằm đưa mỗi ý nghĩ mới đến kết thúc hoặc ngắt nhịp tự nhiên của nó. Các công cụ được sử dụng để làm điều này là ngắt dòng (được thiết lập bằng dấu chấm câu) hoặc enjambment (chèn ngắt dòng chiến lược).  Ông sử dụng thể thơ này để kéo người đọc từ một dòng ngắn sang dòng tiếp theo, nơi suy nghĩ có thể kết thúc bằng một từ có trọng lượng có khả năng khiến người đọc dừng lại để tiếp thu những gì vừa được nói.

GỞI CUỘC ĐỜI bao gồm 24 bài thơ thể tự do khá nhất quán, nhẹ nhàng. MỘT CHÚT CHO TÌNH YÊU gồm 25 bài, chủ yếu là thơ tình tự đáy trái tim và thơ tình thông qua các tác phẩm dịch của ông. Phần sau cùng là bốn bi khúc. Mỗi bài đem lại một thông điệp riêng nho nhỏ xinh xinh với một chút buồn lãng đãng, một chút suy tư trăn trở tình đời nhân thế nhưng ánh lên nét lạc quan dễ chịu và gần gũi. Những bài thơ về cuộc sống thường giúp bạn bình tĩnh hơn, giải trí, động viên, khích lệ, xoa dịu và nâng bạn lên, tất cả những thăng trầm của cuộc đời dường như được tác khả gọn gàng vén khéo vào những bài thơ rất dễ đi vào lòng người. Là một dịch giả làm thơ, một người đã từng học ngành triết hoc và là tác giả của nhiều tác phẩm dịch, chúng ta không ngạc nhiên khi thơ của ông khá giản dị, dễ gần và đọc lên cảm thấy dễ chịu, tôi hình dung tác giả cũng thế. Là một người làm việc trực tiếp với những con chữ, ý niệm, khái niệm, cấu trúc và cơ man nào là sách, có lẽ thơ là nơi ông dựa vào để thể hiện nỗi niềm. Có một số người họ càng hiểu biết về con chữ, lý thuyết, triết học thì dường như họ càng đơn giản hoá các hình thức của ngôn ngữ để chuyển tải những thông điệp gọn gàng và cả những triết lý cao xa.


SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Hai biểu hiện chính của sự tồn tại của con người là sự sống và cái chết. Những vấn đề này làm mọi người ưu phiền qua nhiều thế kỷ vì quá phức tạp để hiểu biết hoàn toàn. Đó là lý do vì sao nhà thơ, là những người hay chiêm nghiệm, lại rất quan tâm đề tài này, phản ánh qua các tác phẩm của chính họ khi muốn chuyển tải thông điệp cá nhân về cái chết và sự sống, có khi cam chịu, trân trọng, trớ trêu hay thất vọng. Sự sống và cái chết gần như là chủ đề bất tận và thiết yếu qua mọi thời đại.

Có một ngày nào đó (p.52)

Những que diêm nhỏ (p.37)

Có ai đủ thời gian để sống (p.27)

Vĩnh biệt cây hoa quỳ vàng (p.17)

Một đôi khi tôi muốn (p.12)

Những điều bình thường (p.11)

Những bài thơ được kể ra của Đỗ Tư Nghĩa phần nào đều liên quan đến sự sống và cái chết. Những bài thơ không có nhiều điểm chung nhưng đều cho thấy con người sống thế nào và những gì xảy ra với họ trên đường đời, suy ngẫm của nhà thơ ra sao. “Có một ngày nào đó”, cái chết sẽ cận kề, sự thực hiện sinh là điều khó tránh. Philip Larkin trong bài thơ Aubade nói lên sự vô nghĩa của tồn tại và hơi thở lạnh lẽo của cái chết qua những dòng thơ chán chường tuyệt vọng của cuộc sống đời thường, thì Đỗ Tư Nghĩa có cái nhìn hoàn toàn khác, rằng tôi rồi sẽ khép mắt, nhưng chim vẫn hót, tình nhân vẫn dìu nhau đi, hoa vẫn nở các cô gái tươi cười, vũ trụ vẫn xanh và bốn mùa kết trái, vẫn còn đó nụ cười nước mắt và thế giới không có tôi thế giới vẫn vận hành.

“Những que diêm nhỏ” đốt lên Cuộc Đời, Tình Yêu, Sự chết, đốt lên để tiễn một người nhưng tìm đâu ra que diêm đốt lên chút lửa cho đời.

Tất cả những gì mọi người có thể làm sau giờ làm việc là thư giãn bằng mọi cách để quên đi những vấn đề của họ. Tuy nhiên, điều này làm cho cuộc sống thực trôi qua, và những bài thơ như vậy cho phép người đọc cảm nhận được điều đó. Bằng cách này, họ có thể hiểu được tầm quan trọng của việc lấp đầy cuộc sống bằng một điều gì đó thực sự quan trọng. Bài thơ của Armitage không phản ánh nhiều ý tưởng này vì nó tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ giữa con người với nhau. Tuy nhiên, nó đề cập đến chủ đề quan hệ gia đình, một trong những khía cạnh quan trọng của cuộc sống hàng ngày.

“Có ai đủ thời gian để sống” là bài thơ nói lên sự vội vã của dòng người được ông quan sát khi ngồi trên quán cafe La Tulipe sát chợ Đà Lạt. Những nụ cười và bước chân, những giọt mồ hôi vội vã của cơm áo gạo tiền, sống nhưng chưa phải sống và đến khi nào thì mới có thể dừng lại lắng nghe nhịp đập trái tim mình. “Một đôi khi tôi muốn” là bài thơ gợi nhiều cảm xúc, muốn tìm được tâm hồn bạn hữu, muốn trải lòng và mở cánh cửa con tim, muốn ngủ yên lặng lẽ hay chỉ là một nắm tro rải khắp bốn phương trời và chỉ mong được một lần được người ấy hiểu được góc khuất tâm hồn mình. Mỗi ngày trôi qua cái chết gần như tiến đến gần hơn, đồng nghĩa với mỗi ngày phải được lấp đầy bởi một điều gì đó có ý nghĩa và sống động.

“Những điều bình thường” gần như là hiển nhiên như: lá xanh sẽ vàng, hoa tươi sẽ héo, mắt biếc sẽ mờ, trái tim sẽ lạnh, đời người nát tan nơi cái chết. Cái chết đồng hành với chúng ta ở mọi lúc mọi nơi và gần như không thể nào tránh khỏi. Tác giả tự hỏi, vì sao con người mãi khóc than cho những điều bình thường như vậy. Phải đạt đến cảnh giới tu hành và thiền định thì ông mới có thể có cái nhìn về sự sống và cái chết thanh thoát như thế.

“Vĩnh biệt cây hoa quỳ vàng” là một bài thơ diễm lệ khi nói về cái chết, là cái Đẹp, là một nụ hoa chưa kịp nở đã vội tàn, có một chút chua chát và thương xót khi nụ hoa được so sánh với những thứ vật chất có thể quy đổi ra tiền, ra thóc. Cái đẹp được nhà thơ phát hiện ra, chăm chút và thổi linh hồn vào một nụ hoa đơn lẻ vắn số, để rồi ông thì thầm an ủi: em hãy ngủ yêu với những giấc mơ của loài thảo mộc – Và trong thiên thu em hãy kiếm nụ cười vui cho mỗi một ngày. Cái chết là không thể thoát khỏi nhưng chúng ta vẫn có trăm nghìn lý do để sống tốt, sống thong dong, bởi vì cuộc sống luôn có một ý nghĩa sâu sắc, và điều cốt lõi là phải duy trì nó. Mọi người phải nhớ về điều này và đủ can đảm để làm những điều thiết yếu thực sự cần thiết.

Nhận thức về vẻ đẹp của cuộc sống và sự hiển nhiên của cái chết là động lực quan trọng nhất đối với hoạt động của con người và bất kỳ sự sáng tạo nào. Sự sung mãn của cuộc sống, tự nhận thức trong sáng tạo và tình yêu trở thành sự “chuẩn bị” xứng đáng cho cái chết. Những người đã nhận thức được sự trọn vẹn của cuộc sống ít sợ hãi cái chết hơn nhiều và nỗi sợ hãi cái chết chỉ là kết quả của một cuộc sống không được viên mãn. Vì vậy, mọi người có trách nhiệm sống cuộc sống của họ cảm thấy hạnh phúc, xứng đáng và viên mãn. Đặc biệt, nhận thức được bản thân mình cả trong các mối quan hệ gia đình và công việc. Thơ của Đỗ Tư Nghĩa về mảng này cho thấy tầm quan trọng của sự tồn tại trong tâm trí và tính tất yếu của sự kết thúc. Không nghi ngờ gì nữa, bi kịch bản thể luận của hữu hạn không thể bị xóa bỏ. Tuy nhiên, để sống với nhận thức của nó có nghĩa là phải mạnh dạn đối mặt với cái chết. Điều này giúp chúng ta dễ dàng trải qua những khó khăn hơn khi biết rằng mọi thứ trong cuộc sống này chỉ là nhất thời. “Em sẽ dừng ở đó như đời người phải dừng nơi nấm mộ xanh”. Vì vậy, giá trị tuyệt đối nằm ở mỗi khoảnh khắc được bao quanh bởi những sự kiện và con người có giá trị. Điều này cần được ghi nhớ để sống một cuộc sống viên mãn và cảm thấy biết ơn vì điều đó.


TIẾNG HÓT VÀ TIẾNG HÁT

Có một loài chim (p.25)

Gởi chim hoạ mi (p.43)

Tiếng hát tôi đang ở đâu (54)

Tiếng hát của những chiều trên sóng (69)

Sẽ có một ngày (97)

Dường như Đỗ Tư Nghĩa luôn có những cuộc trò chuyện độc đáo với loài chim, với tâm hồn những thi sĩ nổi tiếng mà ông ngưỡng mộ. Âm điệu của loài chim và giai điệu của tiếng hát là những điều đẹp đẽ được nhà thơ ghi nhận và thẩm thấu. Tiếng hót lời hát cùng với âm sắc của sự vật và tâm hồn được thể hiện trong âm nhạc, hội hoạ, lời nói. Sâu trong cuộc hành trình mạnh mẽ, âm thanh của loài chinh xuyên qua một khe nước, thông điệp được chuyển tải và nhà thơ ngỡ ngàng quay mặt về cội nguồn. Một tiếng chim đến trong cuộc đời tạo thành khoảnh khắc cháy trong thời gian qua sức mạnh tưởng tượng của thi sĩ. Làm thế nào để các thi sĩ sáng tạo với hình ảnh động vật? Mối quan tâm của họ thế nào và phản ánh điều gì, ẩn dụ ra sao. Ví dụ một số nhà thơ hay viết về thú cưng như con mèo yêu trong lòng chúng ta, con sư tử sợ hãi qua màn ảnh điện thoại. Ngoài ra, tiếng hót của loài chim như một thứ âm nhạc đặc biệt làm lay động hồn người, khuấy động trong ông. “Có một loài chim” chọn mùa đông làm xứ sở cho mình sau khi đã bay suốt mấy phương trời và sống sót sau mấy mùa hỏa ngục. Thân phận và số phận, cái vất vả và nỗi đau thời thế, điều kiện không gian thời gian và định mệnh. “Riêng tặng những con chim hoạ mi trên trái đất”, loài chim thích hót trong đêm, hót cho nỗi cô đơn dưới bầu trời sao lặng lẽ, tránh đi tiếng động ồn ào của ngày. Tiếng hót buồn bã như tiếng lòng thi sĩ, như biết trước về cái hạn hẹp của đất trời. Và, loài chim không thể cất tiếng hót vui vẻ hơn, trong trẻo hơn, bởi vì nó đang ở giữa thời đại điêu tàn. Mượn loài chim để nói lên nỗi lòng của mình và phản ánh thời thế, đó cũng là một điều các thi sĩ thường viết và Đỗ Tư Nghĩa cũng vậy. Từ loài chim, ông nghĩ đến bản thân mình, “Tiếng hát tôi đang ở đâu?”: đang tan loãng giữa thinh không hay theo gió ngàn phiêu bạt, có đậu lại trái tim ai dù chỉ một người. Từ tiếng hát của lòng mình, tác giả liên tưởng đến trái tim Trương Chi, “Tiếng hát của những chiều trên sóng”, tiếng hát nỉ non của chàng, và Mỵ Nương đã chạy theo phù hoa, nhưng trong một lần uống trà, nàng đã khóc khi nhìn thấy bóng chàng, giọt nước mắt như một điều giải thoát cho những khổ luỵ trần đời.


TÌNH YÊU VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đỗ Tư Nghĩa là một dịch giả của nhiều đầu sách giá trị, nhiều tác phẩm kinh điển không dễ dàng gì khi chuyển ngữ, nhưng ông đã làm việc nghiêm cẩn và chăm chỉ, là người viết triết thuyết bằng cuộc đời mình (Lê Đức Dục). Ông ra đi để lại một lượng sách giá trị được bác sĩ thi sĩ Trần Quốc Vĩnh lưu giữ gọn gàng trang trọng tại thư viện sách tư gia. GỞI TÌNH YÊU GỞI CUỘC ĐỜI phần nào cho ta thấy tâm hồn của một dịch giả, một thi sĩ đắm chìm vào trang sách và nảy lòng thương mến yêu quý các nhân vật của mình, ngưỡng mộ những nhà thơ nước ngoài nổi tiếng, cảm động với từng bài thơ câu chữ và tài năng của họ và luôn thì thầm trò chuyện cũng như tương tác với họ trong tĩnh lặng. Chính vì điều này đã ảnh hưởng đến thi pháp cũng như không gian trong toàn tập thơ này, vừa hiện đại, vừa sâu sắc nhưng gọn gàng đơn giản dễ đọc, đồng thời cũng thể hiện tính khiêm tốn, tiện giản của một tâm hồn thơ thấu hiểu quá nhiều cõi nhân sinh tạm bợ nhưng đầy ma mị này.

Gởi Beethoven (p.23)

Mai này em chết đi / Gởi Christina Rossetti (p.59)

Séléné – vầng trăng kiều diễm (p.76)

Gởi John Keats (p.85)

Narcisse – kẻ yêu chiếc bóng của mình (p.100)

Giấc mộng Trang Chu (p.102)

Nhiều người và trong nhiều thế kỷ Ludwig Van Beethoven được công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất đã từng sống. Âm nhạc của ông giống như vũ trụ vĩ đại và trường tồn. Ông đã và mãi mãi là nhân vật quan trọng trong âm nhạc cổ điển với những kiệt tác truyền cảm hứng và khai sáng cho mọi người trên khắp thế giới. Hình ảnh Beethoven tồn tại trong tâm trí hậu thế là sự tổng hợp lan tỏa của những ấn tượng bắt nguồn từ âm nhạc và những đoạn tiểu sử bao gồm rất nhiều huyền thoại. Đỗ Tư Nghĩa là một thi sĩ thần tượng Beethoven như thế: hỡi con chim họa mi vĩ đại, tâm hồn anh đã chảy miên man hát lên bài ca chào cuộc sống, cuộc đời anh như tấm gương soi cho hết thảy những tâm hồn nghệ sỹ.

Nhà thơ thời Victoria Christina Rossetti đã viết “Mai này em chết đi” vào năm 1848 ở tuổi 18 mặc dù mãi đến năm 1862 mới được xuất bản trong một tuyển thơ của tác giả. Bài thơ nói về cái chết và sự tiếc thương, một lời dặn dò người thân đừng lãng phí quá nhiều thời gian than khóc và đau buồn khi nàng qua đời mà hãy tiếp tục sống và không cần phải nhớ gì nàng cả. Đỗ Tư Nghĩa chuyển ngữ bài thơ sang tiếng Việt, và viết tặng nàng Rossetti: Dù tôi chẳng phải là người em yêu, ai cấm được tôi đọc thơ em rồi mãi ngậm ngùi? Dòng thơ em tôi đọc hôm nay đã nuôi tôi như dòng suối mát tôi uống say sưa giữa nắng cháy cuộc đời.

Truyền thuyết về Endymion trong thần thoại Hy Lạp là một truyền thuyết phức tạp và đôi khi khó hiểu. Điều này phần lớn là do không có câu chuyện thần thoại hoàn chỉnh nào tồn tại. Câu chuyện như chúng ta biết ngày nay được xây dựng lại từ các văn bản rời rạc và những đề cập ngắn gọn.

Các nguồn cổ xưa không thống nhất về dòng dõi của Endymion, địa vị của chàng trong hệ thống phân cấp xã hội hay thậm chí là chàng sống ở lục địa nào. Một số câu chuyện miêu tả chàng là một vị vua Hy Lạp, những câu chuyện khác là một người chăn cừu ở Tiểu Á, và một số là một trong những nhà thiên văn học đầu tiên. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các câu chuyện xoay quanh là tình yêu được chia sẻ giữa Endymion và nữ thần mặt trăng Titan, Séléné. Bất chấp nhiều câu chuyện mâu thuẫn, Endymion được nhớ đến nhiều nhất khi ngủ. Vì tình yêu dành cho nữ thần mặt trăng, chàng đã được thần Zeus đưa vào giấc ngủ vĩnh hằng để có thể trường tồn và xinh đẹp mãi mãi. Với truyền thuyết như vậy, Đỗ Tư Nghĩa đã viết một bài thơ diễm kiều về chủ đề này: Hỡi Endymion, ngươi biềt chăng mỗi đêm có một vầng trăng đến hôn ngươi trong giấc ngủ? Hỡi Séléné, sao em có thể gởi trao tình yêu mà chẳng cần đáp lại? Em vẫn còn hạnh phúc vì giữa cuộc đời em đã gặp một bóng hình em có thể yêu thương.

Đỗ Tư Nghĩa đặc biệt quý mến nhà thơ người Anh tài hoa vắn số, John Keats, qua đời ở tuổi 26 vì bệnh lao sau khi chăm sóc anh trai Tom cũng bị bệnh này. Khi ấy, Keats gặp và yêu một người phụ nữ tên Fanny Brawne và anh viết một số bài thơ hay nhất của mình trong khoảng thời gian từ 1818 đến 1819. Theo Đỗ Tư Nghĩa, Fanny Brawne 18 tuổi thông minh nhưng lẳng lơ, nhí nhảnh, tiệc tùng và cũng chẳng yêu thích gì thơ ca, Keats luôn ghen tuông đau khổ và con sâu tình yêu đã gặm mòn trái tim anh. Yếu tố này có vẻ như ảnh hưởng đến suy tư của Nghĩa rất mạnh, tưởng như vì vậy mà cái chết của Keats đến nhanh hơn: Tại sao anh có thể chết vì một đôi mắt biếc, một làn môi, một mái tóc buông lơi, một bông hồng chẳng có mùi hương một trái tim rỗng không một dòng suối cạn.

Đỗ Tư Nghĩa viết bài thơ “Narcisse – kẻ yêu chiếc bóng mình” dựa vào một câu chuyện trong thần thoại Hi Lạp. Narcisse đi săn trong rừng, nữ thần Oread Echo gặp và ngay lập tức phải lòng chàng bằng cách đi theo, đến gần và ôm chầm lấy nhưng chàng đẩy nàng ra, điều này làm Echo tuyệt vọng, lang thang khắp khi rừng cho đến khi héo mòn, chỉ còn lại âm thanh vang vọng. Nữ thần Nemesis biết được nên báo thù bằng cách dẫn chàng đến một hồ nước, chàng thấy hình bóng mình và yêu say đắm ngay tức thì nhưng khi biết đây là sự phản chiếu, chỉ là một chiếc bóng, chàng tự tử và biến thành một loài hoa mang tên thủy tiên.

Trong “Giấc mộng Trang Chu” thi sĩ Đỗ Tư Nghĩa viết: “vì một đôi khi trong giấc mơ hiếm hoi tôi mới thấy được làm người và chẳng thể cười vui khi tỉnh dậy.” Có lần Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm, bướm dập dờn bay lượn, vui vẻ tự tại, làm gì tùy thích. Nó không biết mình là Trang Chu. Đột nhiên anh tỉnh dậy, và nhận ra mộtTrang Chu rắn rỏi và không thể nhầm lẫn. Nhưng không biết mình là Trang Chu mộng hóa bướm hay bướm mộng hóa Trang Chu. Giữa Trang Chu và một con bướm, nhất định phải có sự khác biệt nào đó! Đây được gọi là sự biến đổi của vạn vật. Như trong tất cả các giải thích giấc mơ, những nỗ lực bình luận về ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn này có thể tiết lộ nhiều về những định kiến ​​triết học của chính người giải thích cũng như về chính câu chuyện.


VŨ TRỤ BAO LA VÀ BỐN BI KHÚC

Các nhà thơ nói chung và Đỗ Tư Nghĩa nói riêng thường nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh cũng như những gì diễn ra giữa vũ trụ bao la và nỗi buồn thời thế. Vẻ đẹp ngoạn mục của thiên nhiên thường hấp dẫn họ, như là bầu trời đêm, vì sao và các thiên hà, luôn là chủ thể lãng mạn của thi ca.

Trong khi Keats và Wordsworth đã sử dụng vũ trụ bao la làm những đối tượng chủ nghĩa lãng mạn trong thơ thì Emily Dickenson lại muốn nói đến người yêu xa cách. Ngôi sao bắc cực thường được ví như thiên thần dẫn đường cho con người trên biển cả với hi vọng đến nơi cần đến. Sự bao la của không gian và vũ trụ thường được so sánh với tri thức rộng lớn nằm ở điểm cuối của sự sống và ngưỡng cửa của cái chết. Thi sĩ luôn muốn được chạm vào vũ trụ để rồi cảm thấy mình cô đơn ẩn dật như một đốm nhỏ trên quả bóng, điều này cho thấy trái đất và con người không là gì ngoài một hạt bụi so với chiều rộng của vũ trụ.

“Hỡi em – vì sao Vệ Nữ/ hãy chúc phúc cho tôi/ hãy chúc phúc cho em/ cho những ai/ vẫn tìm kiếm suốt đời/ với con mắt sáng – cô đơn/ trên cuộc hành trình vô hạn.”

“Có khi nhìn trời sao/ tôi ước mơ:/Ước chi mỗi vì sao/là một con người -/ gần nhau trong gang tấc/ nói với nhau/ bằng tia nháy mắt lặng thầm ...”

“Tôi đã cười to/ nhưng tiếng cười có nghĩa gì/ giữa vũ trụ bao la/ giữa cát khô/ giữa hoang vu/ ngàn sa mạc!”

“Có những đêm/cô đơn/ nằm nghe/ cả cuộc đời vỡ vụn/  như tiếng nổ của mặt trời/  trong không gian tâm linh/ cơ hồ như/mặt trời/đã là ảo ảnh.”

“Tôi nhìn lên/ theo ngón tay người kể chuyện/đã thấy/ ba ngôi sao xếp thẳng một hàng.”

Và sau cùng là tình yêu trong thơ và bốn bi khúc. Tôi xin không nói về điều này bởi chiều sâu của nó liên quan đến thời gian và nỗi buồn của thời đại. Đây có lẽ cũng là đề tài mở cho những nghiên cứu và bài viết sau này của những tác giả khác đi tìm hiểu về thơ Đỗ Tư Nghĩa. Tôi ngờ rằng nếu ông còn sống và được quen biết ông, chúng tôi sẽ có thể có những cuộc trao đổi thú vị và tôi có thể lắng nghe ông hàng giờ về thơ ca, về dịch thuật. Tôi tìm thấy tôi và nỗi cô đơn giữa cuộc đời qua thơ ông. Như mặt trời mọc, mặt trăng lặn, bừng lên và lắng xuống, rồi mặt trăng mọc trở lại, lấy đi ánh sáng và rạng ngời trong đêm tối, như nỗi buồn và hạnh phúc trong một đời người. Khi hạnh phúc tràn đầy, sức nặng của nỗi buồn cũng giảm đi rồi nỗi buồn có khi lại chiếm ưu thế, cứ vậy, một hành trình và một chu trình khép kín. Thơ của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa chính là bản giao hưởng tình yêu và cuộc sống, buồn nhưng không hề bi lụy, một nỗi buồn huy hoàng tráng lệ!

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm