TIN TỨC
icon bar

Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-10-24 17:38:22
mail facebook google pos stwis
758 lượt xem

 NHƯ BÌNH

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.

Hai tập thơ lục bát mới của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã góp phần vào bộ thơ đã in ấn và phát hành thành gồm 7 tập thơ của anh cho thấy một sức viết và tốc độ ra sách của nhà thơ thế là quá là “khủng khiếp”. Nhưng chưa hết, trước đó năm 2022 anh vừa khiến văn giới “kinh ngạc” khi một lèo ra mắt bộ tiểu thuyết 8 tập “Cõi nhân gian” viết vỏn vẹn trong 6 tháng mùa giãn cách do đại dịch Covid.


Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành (giữa) tại buổi ra mắt sách.

Xuất thân từ Trường Viết văn Nguyễn Du, thành danh sớm trên văn đàn, nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành từng bỏ trốn văn chương một thời gian dài gần 20 năm để tất tả cuộc người trong những vật lộn mưu sinh. Tưởng như mối tình với văn chương sớm nở chóng tàn, đoạn trường đứt gánh. Thế nhưng, năm 2016 anh đột ngột trở lại văn đàn với 5 tập thơ Lục bát, rồi 8 tập tiểu thuyết, và giờ là 2 tập thơ nữa. Điều này cho thấy chỉ trong vòng 5 năm, Nguyễn Phúc Lộc Thành viết như “người giời” và “lên đồng” với văn chương cũng chả khác chi “người bị giời đày”.

Vì đâu để Nguyễn Phúc Lộc Thành có sự sáng tạo nhanh, dồi dào và “đồ sộ” đến thế. Có phải 20 năm nén lòng sấp ngửa với mưu sinh, với thương trường đã khiến cho bao dồn nén văn chương chỉ chực chờ được bung vỡ. Nhân dịp nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành ra mắt hai tập thơ lục bát mới, Tạp chí Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng anh.


Hai tập thơ mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Tốc độ sáng tạo “gây choáng”

PV: Thưa anh! Cuối cùng thì sở trường của anh là gì? Văn hay là thơ khi liên tục 5 năm lại đây, mỗi năm anh ra một tập thơ khiến văn giới cũng phải kinh ngạc về mối duyên mới và tốc độ sáng tạo gây “choáng” như vậy?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Xin đính chính một chút, 5 năm trở lại đây tôi đã in 7 tập thơ, 2018 có bộ 3 “Giấc mơ Sông Thương”, “Chiều" và "Chân quê”. Năm 2023 tôi in gộp 3 tập “Đồng sen tàn”, “Mùa sấu rụng” và “Tháng Sáu” vào chung tập “Đồng sen tàn”. Và in thêm tập “Mẹ” nữa.

Còn sở trường ư? Tôi không tự mình định rõ được. Khi viết thơ, hoặc văn xuôi, tôi đều thấy ngòi bút trơn tru với tốc độ viết cực kỳ nhanh. Viết bộ 8 tập “Cõi nhân gian”, tôi mất hơn 5 tháng để hoàn thành 7 tập tiểu thuyết, với khoảng gần 2000 trang in khổ lớn 16x24. Và với thơ, tôi cũng sáng tác rất nhanh.

Mới đây nhất, khi viết “Đồng sen tàn”, tôi cũng chỉ mất khoảng 45-50 ngày để hoàn thành từng phần: 36 bài lục bát của phần 1 “Đồng sen tàn”, 36 bài phần 2 “Mùa sấu rụng” và 36 bài phần 3 “Tháng Sáu” (tập thơ có 3 phần trên, gồm 108 bài lục bát, có tên chung là “Đồng sen tàn”, vừa ra mắt mùa thu 2023 này.

Tuy nhiên, xin lưu ý, độ khó của 2 thể loại đương nhiên là khác nhau. Với “Cõi nhân gian”, thì việc quản lý cả trăm nhân vật, liên kết các sự kiện trong một tuyến tính, trong một bố cục chặt chẽ và liên hoàn là hết sức khó khăn. Nó đòi hỏi ngòi bút luôn phải vừa tỉnh táo, khoa học, mạch lạc, khúc chiết, nhưng lại phải viết trong trạng thái thăng hoa, nhằm nuôi giữ ngọn lửa cảm xúc trên từng trang viết. Tóm lại vẫn phải giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” của một nhà quản trị mới quản lý được một số lượng lớn nhân vật như vậy.

PV: Phải nói là quá “khủng khiếp”? Năng lượng đâu để anh sáng tác văn, thơ như lên đồng vậy?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: PGS, TS Hoàng Kim Ngọc, mới đây nhất có nói rằng “gọi Nguyễn Phúc Lộc Thành (NPLT) là nhà văn hay nhà thơ đều đúng. Cả thơ và văn đều hay, đều hấp dẫn...”. Tôi không dám tự nhận mình như vậy. Tôi đã tâm sự với quý độc giả và bạn văn, trong lễ ra mắt 2 tập thơ “Đồng sen tàn” và “Mẹ” của tôi, rằng khi viết văn xuôi, cụ thể là khi viết bộ tiểu thuyết 8 tập “Cõi nhân gian”, tôi viết hoàn toàn bằng cảm xúc, thứ cảm xúc cao trào, thăng hoa, giống như khi mình sáng tác thơ. Nó khiến người viết run lên, sợ rằng nếu không theo kịp diễn biến câu chuyện, tâm trạng nhân vật... thì nó sẽ trôi mất. Khi sáng tác thơ, tôi nhận thấy mình cũng có thứ cảm xúc “lên đồng”, trạng thái giống như viết “Cõi nhân gian” vậy.

PV: Tôi nhớ có lần nhà văn Uông Triều nhận xét thơ lục bát của anh đại ý là một kiểu khác. Đó là kiểu thơ lục bát được ngắt nhịp hiện đại và thiên về nhục tính, giàu gợi cảm, hấp dẫn có sức khơi gợi và liên tưởng. Đó có phải là một cách khôn ngoan nhất của người làm thơ đi sau, và biết né tránh con đường đã dựng những bức tượng đài?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Năm 2016, tôi quay trở lại viết sau 18 năm buông bút, nhưng trở lại với thơ, dù trước đó từ 1994- 1996 khi học khoá 5 Trường viết Văn Nguyễn Du (1993-1997), tôi đã xuất bản 1 tập tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn. Khi đăng những bài thơ đầu tiên lên Facebook, cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo lập tức đã gán cho thơ lục bát NPLT là “lục bát sex-thiền”. Tôi mơ hồ nhận ra mình có thế mạnh khi viết lục bát.


Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

“Cơn gió lạ” với thơ lục bát Việt Nam

PV: Và anh đã đi một lối riêng cho thơ lục bát có tên Nguyễn Phúc Lộc Thành?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Lục bát của tôi phá cách hơn so với lục bát truyền thống. Tôi sắp đặt cấu trúc, nhịp điệu, và sử dụng ngôn từ theo một tư duy mới, tạm gọi là tư duy lục bát mới. Tôi cố tình không thực hiện theo luật bằng trắc của lục bát truyền thống. Tôi ngắt nhịp, tạo nhịp điệu mạnh mẽ hơn so với lục bát cũ, nhằm nhấn mạnh chuyển tải ý nghĩa của câu thơ đến người đọc.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã có một phát biểu rất thú vị trong buổi ra mắt 2 tập thơ “Đồng sen tàn” và “Mẹ”, đại ý: “Lục bát cổ điển thì thường nghe là hiểu ngay, nhưng lục bát của NPLT không chỉ nghe, mà phải đọc, đọc để suy ngẫm, từ đó mới thấy được ý tại ngôn ngoại của câu, của chữ. Bởi nó còn một tầng nghĩa chìm phía dưới câu chữ, bắt người đọc phải kỳ công khám phá...”. Tôi nghĩ anh Nguyễn Việt Chiến đã nói đúng về đặc điểm này của lục bát NPLT.

Lục bát truyền thống thường sử dụng ngôn từ đơn giản, không cầu kỳ (còn gọi là giản dị), từ đó dẫn đến rất dễ đoán nghĩa của câu tám, sau khi đọc xong câu sáu. Một thách thức lớn trong sáng tác lục bát hiện đại, là phải tìm cách đổi mới việc sử dụng ngôn từ, tránh dùng từ dễ đọc, dễ nhớ, êm tai, dễ ghép vần... mà tuyệt đại đa số người viết lục bát hiện nay thường sử dụng.

Điều đó dẫn đến dễ đoán được nghĩa câu tám, sau khi vừa đọc câu sáu. Tôi thường kỳ công tìm những từ mới, người đời khó dùng để hiệp vần, thì tôi sử dụng. Tôi biết chắc chắn, nếu sử dụng thành công các từ khó, mà trước đây người viết lục bát truyền thống không sử dụng, do bị bó buộc bởi tư duy cũ, thì sẽ làm cho lục bát có diện mạo mới. Nếu làm khéo léo, làm giỏi, có khi thành công theo cách bất ngờ.

Lục bát mới mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, thú vị hơn. Cũng vì thế, câu tám sẽ trở nên khó đoán hơn rất nhiều. Việc sử dụng điêu luyện từ láy cũng là một giải pháp tốt trong việc hình thành tư duy lục bát hiện đại. Tư duy lục bát mới, nó tạo cho tôi một khoảng trời lục bát của riêng mình.

PV: Tôi ít khi đọc những bài thơ lục bát sôi sục, táo bạo, thẳng băng, phơi bày, móc hết ruột hết gan để viết như của anh. Phá vỡ cái e ấp, ý nhị, thâm sâu của lục bát “khuôn vàng thước ngọc” truyền thống thực sự anh là một người dũng cảm chăng? Vì sao, với một cá tính thơ hiện đại, nhiều nhục cảm, nồng nhiệt và bản năng thế mà anh lại chọn lục bát – thể thơ cổ điển, khá khó với vần điệu 6/8 để thể hiện?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Nguyễn Tuân cho rằng “Anh là nhà thơ Việt Nam ư? Vậy anh hãy chiềng cho tôi mấy câu lục bát của anh, tôi sẽ nói ngay anh là hạng thi sĩ thế nào?”. Nhiều người bập vào thể loại lục bát, tưởng dễ, nhưng cũng đã oanh liệt hy sinh, trừ một số không nhiều tác giả có thành tựu về lục bát như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ...

Tôi tâm đắc với ý kiến phát biểu của nhà Phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về lục bát NPLT, khi anh cho rằng chọn thể lục bát, viết kiểu mới, NPLT đã liều mình, chứ không phải liều mạng (liều mình là hành động trong tính toán, còn liều mạng nghĩa là làm mà không tính toán - PXN).

Quả thật nhìn lại, tôi cũng thấy mình dũng cảm, khi dấn thân sâu vào địa hạt lục bát với mong muốn làm khác đi, làm mới hơn những gì đã cũ. Đó thực sự là một thử thách. Nó là con đường đầy chông gai và gian nan, bởi dễ đến nửa thế kỷ qua, thi nhân Việt vô số đã thất bại khi làm mới lục bát. Còn đánh giá lục bát NPLT thế nào, tôi nghĩ cái đó dành cho độc giả và cần phải có thêm thời gian.

Chị nói đúng, ở tôi là một cá tính thơ hiện đại, nhiều nhục cảm, nồng nhiệt và bản năng, thậm chí được gọi là “sex- thiền”. Chúng ta đều biết, viết lục bát dễ, ai cũng có thể viết được. Nhưng sáng tác lục bát để được văn giới thừa nhận, một cách rộng rãi, thấy viết hay, thì lại là chuyện... khó như lên giời. Việc “một cá tính thơ hiện đại, nhiều nhục cảm, nồng nhiệt và bản năng” lại “chọn lục bát – thể thơ cổ điển, khá khó với vần điệu 6/8 để thể hiện”, có lẽ lại càng là điều “điên rồ” của riêng tôi, của mình tôi chăng. Bởi về hình thức, để muốn nó nằm trong khuôn 6/8 chật chội ấy, tôi buộc phải có tư duy phá phách khi biểu đạt. Đó là một thử thách cực đại với tôi. Thành công đến đâu còn tuỳ thuộc vào sự tiếp nhận của độc giả và giới chuyên môn.

PV: Liệu lục bát hiện đại có làm mới được lục bát truyền thống và quyến rũ độc giả hơn không? Anh có bao giờ có tham vọng là người mở đường? Hay anh hoàn toàn viết theo bản năng?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người mở đường, nhưng có ý thức, và rất nỗ lực trong việc làm mới lục bát, còn kết quả đến đâu thì xin không luận bàn. Thơ là bản năng, lý trí không can thiệp được. Lý chí chỉ được dùng khi đọc lại để chỉnh sửa, hoàn thiện bài thơ mà thôi. Tôi vô cùng vinh dự khi được nghe nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Kể từ sau “Giấc mơ Sông Thương” ra đời, cách nay 5 năm, đã gọi NPLT là “thi sĩ lục bát””. Dịp “Đồng sen tàn” chuẩn bị ra mắt, anh nhắn cho tôi "chúc mừng một công trình kỳ vĩ. Lục bát NPLT - nhiều người đã gọi thế rồi. Ông làm ra một thương hiệu, hỏi có mấy người làm được điều đó ???. Ông là người “ĐƯỢC CHỌN””...


Từ cuộc đời bước vào tác phẩm

PV: Đời sống doanh nhân nhiều trải nghiệm khắc nghiệt chắc giúp anh có nhiều chất liệu để viết? Tôi có chút tò mò về bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” 8 tập xuất bản năm 2022 khá gây sóng gió trên văn đàn, khiến nhiều lãnh đạo văn chương, nhiều tờ báo chính thống phải vào cuộc bảo vệ?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: “Cõi nhân gian”, xuất bản đầu 1994, vốn là một tiểu thuyết, tôi viết trước ngày nhập học khoá 5 Trường viết Văn Nguyễn Du (1993-1997). Hồi ấy, “Cõi nhân gian” ra đời cũng tạo tiếng vang trên văn đàn. Và nó là cuốn sách, rất vinh dự, khi gần 30 năm nay, được lưu trữ tại 14 trường đại học lớn tại Mỹ, trong đó có Đại học Harvard và Thư viện Quốc hội Mỹ. Năm 2021, dịp giãn cách vì đại dịch Covid, tôi có được quỹ thời gian để viết tiếp những tập sau của “Cõi nhân gian”. Hơn 5 tháng từ 6/2021- 12/2021, tôi đã viết xong 7 tập “Cõi nhân gian”, để nối vào tập 1 (vốn là một tiểu thuyết hoàn chỉnh XB 1994 như đã nói ở trên), thành bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” 8 tập hiện tại.

PV: Chỉ vỏn vẹn 6 tháng giãn cách anh viết 7 tập tiểu thuyết? Nghe thật là “choáng” và khó tin. Anh tự tin quá, hay là quá bản năng để không sợ sách mình viết tốc độ “khủng” như vậy, khi in ra sẽ rất dễ lộ những “gót chân Asin”?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Tôi viết rất nhanh, ngày 1- 1,5 chương, cứ hơn 10 ngày đến nửa tháng, là viết xong một tập tiểu thuyết “Cõi nhân gian”, khoảng 20 chương. Nhà văn Uông Triều, người đồng hành cùng bản thảo “Cõi nhân gian”, đã nhận xét rằng “viết “Cõi nhân gian”, NPLT như “múc” sẵn từ trong người ra vậy, chỉ việc in thành sách”. Đó là thực tế. Tôi viết xong chương nào, chuyển ngay cho thi sĩ Trần Hùng và PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn đọc. Xong chỉ phải chỉnh sửa dấu chấm phẩy, một chút chính tả, hoặc lên dòng, xuống dòng, còn đến 99% không phải sửa, dùng ngay vào việc in ấn, tạo thành bộ sách “Cõi nhân gian” 8 tập với gần 2000 trang giấy khổ lớn 16x24 như hiện nay. Toàn bộ kết cấu truyện, bố cục, nội dung truyện được xây dựng trên cơ sở chất liệu cuộc sống thực tại, mà tôi may mắn được là người trải nghiệm, sống những ngày tháng thăng trầm cùng đất nước, trong giai đoạn Việt Nam đổi mới, xoá bỏ nền kinh tế bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường.

PV: Viết nhanh, viết tốc độ như thế anh không sợ “hết vốn”, hay không còn gì để viết?

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Tôi là một người lính thực chiến trên mặt trận kinh tế, bộn bề thương trường, chứng kiến những thật giả, những cao cả và thấp hèn, vĩ đại và tội đồ, từ đỉnh đến đáy... nên có được nguồn tư liệu, vốn sống dồi dào, phong phú và đặc sắc. Tôi tự tin khi nói rằng, những tri thức tôi có về thương trường, quan trường, đời sống văn hoá - văn chương, những chiêu trò maphia phi chính thống, cả những đen đúa dưới đáy cùng xã hội... chắc chắn không thua kém bất cứ nhà văn nào trên đất nước Việt Nam.

Đây là bộ tiểu thuyết bộn bề sự kiện, chi tiết dày đặc, số lượng nhân vật cả trăm người, và là bộ tiểu thuyết “đã thực sự gây hấn dư luận xã hội và văn giới” như khẳng định trong bài viết của nhà Phê bình văn học Bùi Việt Thắng, và như chị nói.

Tôi viết bộ tiểu thuyết này không có dự đồ sáng tác, không có đề cương, mà viết hoàn toàn do cảm xúc, giống như khi sáng tác thơ, tác giả luôn trong tình trạng phải chạy theo nhân vật, lắm lúc bị nhân vật dẫn dắt đến nghẹt thở, tay viết run lên vì sợ cảm xúc vuột mất. Khi viết bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập này, ngoài cảm xúc như nói trên, tác giả phải phân thân, thêm một con người nữa bên cạnh con người cảm xúc, là con người tỉnh táo, điềm tĩnh đầy lý tính để quản lý, điều hành tốt số lượng nhân vật, các sự kiện, chi tiết trong tác phẩm. Và đương nhiên, bộ sách này 99% là hư cấu, không có nguyên mẫu. Càng không phải là một bộ sách tự truyện của tác giả!

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh năm 1964 tại Hà Nội, từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn học nghệ thuật của người Việt tại Liên Xô năm 1990. Sau đó anh về nước, theo học và tốt nghiệp khóa 5 Trường viết Văn Nguyễn Du (1993 - 1997).
Ở con người Nguyễn Phúc Lộc Thành luôn tỏa ra nhiệt huyết của cái mới và sự sáng tạo nên hầu như tác phẩm nào của anh cũng tạo nên sự gợi mở để trao đổi, luận bình.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm