TIN TỨC
icon bar

Chữ duyên cất giọng trăm lời ca

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-23 07:19:22
mail facebook google pos stwis
554 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

PHAN NGỌC QUANG

Có thể coi năm 2024 là cột mốc đẹp của nhà thơ Nguyên Hùng (Hội viên Hội nhà văn VN) khi cho ra đời 2 tác phẩm “lạ”. Trong gia tài văn chương của mình, TS Nguyễn Nguyên Hùng đã có 6 tập thơ trên chặng đường sáng tác được coi là lối rẽ thênh thang của một kỹ sư thủy lợi song toàn. Tôi nói 2 cuốn sách “lạ” bởi vì không phải là sách thơ như trước đây mà là Ký họa thơ (81 chân dung văn học) và đặc biệt là cuốn Trăm khúc hát một chữ duyên (TKHMCD) do NXB Hội Nhà văn ấn hành.


Tác giả tập sách và tác giả bài viết (thứ 2 từ trái)

Tôi được bạn bè tặng sách, thơ thì khỏi nói và cả tập nhạc nữa, nhưng tập thơ nhạc chọn lọc như “đứa con tinh thần” lần này của anh thì là lần đầu tiên. Có thể coi đây là một tập nhạc nhưng điều đặc biệt là có bản gốc thơ đi kèm của một nhà thơ và ca khúc phổ thơ của các nhạc sĩ.

Chúng ta đều biết rằng, thơ phổ nhạc có lịch sử từ lâu đời khởi nguồn từ thời đại Phục Hưng mà nổi tiếng là thơ Pháp phổ nhạc cuối thế kỷ 15. Ở Việt Nam, tân nhạc được coi là ngôi nhà âm nhạc đầu tiên để cho thơ ca trú ngụ bằng những ca khúc bất hủ để đời. Ngược dòng chảy văn hóa, từ nền văn học dân gian, thơ và nhạc đã có mối lương duyên từ những bài ca dao, hát ví, hò vè do đặc trưng tiếng Việt giàu âm điệu, nhạc tính.

Tuy chưa gặp gỡ các nhạc sĩ phổ thơ Nguyên Hùng nhưng tôi biết chắc rằng các nhạc sĩ chọn thơ anh để phổ nhạc có lý do riêng của nó. Đó là, trước hết đẹp về hình ảnh và đặc biệt không thiếu tính nhạc. Dù chỉ là những giãi bày cá nhân nhưng thơ chàng trai xứ Nghệ biết chạm đến những cảm xúc và thật sự đồng điệu tâm hồn người đối diện. Bởi thế khi đọc thơ anh, các nhạc sĩ để mắt tới rồi đãi cát tìm vàng và tìm cách “tỏ tình” với thơ để cho ra đời hơn trăm khúc hát.

Thơ phổ nhạc luôn có một đời sống riêng rất đặc biệt bởi ca từ trong ca khúc bước ra từ trang thơ đã được thi sĩ dày công chọn lọc, gọt dũa lại thêm hồn nhạc phả vào nên tiếng vang thêm bay xa. Nhiều bài thơ của Nguyên Hùng không thiếu điệu kiện đó như: Cửa Hội, Biển và em, Cánh buồm tình ái, Lặng thầm một loài hoa… Dựa vào đó, các nhạc sĩ đã cho ra đời các ca khúc từng được biểu diễn trong các chương trình văn nghệ: Sóng không từ biển, Bến xưa, Lời hẹn tình quê, Bảo Lộc khúc tình ca… Cũng giống như bao người làm thơ khác, có thể tác giả quen biết nhiều nhạc sĩ nhưng đó chưa phải là điều kiện đủ để họ chấp bút phổ nhạc cho thơ mình. Cái duyên giữa thơ và nhạc đến từ nhiều phía nhưng trước hết là sự bắt gặp mạch cảm xúc của nhạc sĩ khi đứng trước bài thơ, sự đồng điệu tâm hồn của người viết nhạc và người viết lời. Phổ nhạc cho thơ bắt đầu từ sự tự nguyện chứ không hề có sự thúc ép nào. Có chăng đó là sự thúc ép về xúc cảm theo tiếng gọi của con tim. Đó là khi bài thơ của một cá nhân đã trở thành cảm nhận của đông đảo người đọc, khi những điều thơ cất tiếng là những điều trăn trở từ bấy lâu nay đã bật thành lời. Nói cách khác là nhà thơ đã “rà trúng đài” người thưởng ngoạn và chắc chắn khi “lột xác” thành lời ca thì bài hát cũng đã nói hộ được lòng người.

Những bài thơ của anh được phổ nhạc hầu hết là thơ trữ tình nhưng lại đậm chất tự sự trong đó. Những hình ảnh đẹp như sóng biển, lá xanh, hoa tươi luôn dẫn đường cho cảm xúc đang ẩn náu trong lồng ngực tác giả. Và cao hơn nữa là sự liên tưởng vô cùng độc đáo và bất ngờ giữa hiện tượng, sự vật với triết lý ở đời. Thơ Nguyên Hùng hầu như không hề có lỗi về cách gieo vần, chọn chữ; đây cũng là điểm cộng để thơ anh dễ dàng hóa thân vào 5 dòng kẻ.

Có những tác phẩm âm nhạc “bê nguyên xi” bài thơ của anh nhưng cũng có ca khúc chỉ mượn ý hay vài đoạn hay vài bài. Đó là công việc của người soạn nhạc và còn tùy thuộc vào độ dài ngắn hay mối quan hệ của các bài với nhau. Biết cách quan sát và đánh thức được cảm hứng sáng tác nên thơ anh luôn có mạch tự nhiên không bị ép chữ, ép vần, ép khổ. Đây là cách để chiếm cảm tình được với những nhạc sĩ khó tính.

Thơ – nhạc không chỉ tương sinh mà đôi khi còn tương khắc với nhau. Có nhiều ca khúc tôn vinh được bài thơ hay nhưng có bài hát chỉ làm cho bài thơ đi vào quên lãng. Ngay cả những nhạc sĩ nổi tiếng cũng “vấp” phải chuyện này. Số nhạc sĩ phổ thơ thành bài ca có duyên như Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Phạm Minh Tuấn… không phải nhiều. Họ may mắn vì gặp được những sản phẩm thơ tuyệt tác của Xuân Quỳnh, Tạ Hữu Yên, Phạm Tiến Duật… Và không phải nhà thơ nào cũng có được điều may mắn đó.

TKHMCD của Nguyên Hùng là cuốn sách quý. Như đã nói trên, đây là cuốn sách “lạ” vì có cả phần thơ và phần nhạc đi chung với nhau; đặc biệt tên nhà thơ được đặt lên trước chứ không như các ca khúc khác có khi nhạc sĩ “quên” cả tên nhà thơ bên dưới. Cắt nghĩa về điều này, Nguyên Hùng nói “ca khúc phổ thơ là tác phẩm chung của nhạc sĩ và nhà thơ, nhưng khởi nguồn từ thơ, nên tôi cố ý giới thiệu tên tác giả phần lời trước; ở đây không có ý phân định lời hay nhạc yếu tố nào quan trọng hơn”.

Chúc mừng thơ anh đã gặp được chữ duyên để cất lời thành trăm khúc nhạc. Không phải ai cũng mạnh dạn “khoe” bản gốc bên ca khúc đã được phổ nhạc vì sợ so sánh. Tác giả đã cho chúng ta biết thêm công việc “bếp núc” của người nhạc sĩ khi ký âm lên 5 dòng kẻ bằng chất liệu thơ ca không phải của chính mình. Đối với SV các trường âm nhạc nên coi đây là giáo trình chuyên môn quý giá để làm tài liệu học và nghiên cứu khi thể hiện ca khúc. Hiện nay có không ít ca sĩ rẽ lối bằng cách tự sáng tác ca khúc, hình như đang là trào lưu mà Giáng Son, Phạm Phương Thảo, Hương Tràm… đã thể nghiệm. Trước đó phải kể đến NSND Tường Vy, Quốc Hương, Trần Tiến… là những ca sĩ có bài hát tự sáng tác thành công nhất. Hy vọng cuốn sách cũng sẽ trở thành cẩm nang quý giá cho những ai đang tìm cách lấn sân sang lĩnh vực sáng tác ca khúc.

Tân Phong, 25/06/2024
P.N.Q.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm