- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Th.s Ngữ văn NGUYỄN DOÃN QUỲNH
Tôi nhận được cuốn sách của em - nhà văn trẻ, học trò Quốc Tuấn, vào một ngày mưa gió tơi bời. Lâu lắm rồi thời gian bị cuốn đi nhanh chóng và gấp gáp khiến đôi lúc người ta ít được rảnh tay mà lần giấy suy tự. Nay được lắng lại để đọc, mà lại đọc tản văn. Thứ chữ nghĩa của hồi cố, của buồn thương dường như đã cũ với đời sống đương đại. Khoảnh khắc đó, thực sự là một trải nghiệm văn học rất thú vị với tôi.
“Cái đẹp là cái hài hòa”. Tôi từng nghe qua câu ngạn ngữ như thế. Và cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách thật hài hòa. Bìa sách được thiết kế trang nhã, đơn giản và rất nghệ thuật. Từ cách bày trí đến khiểu chữ, sự nhỏ nhắn, vuông vắn của kết cấu và bố cục các phần đều được tác giả và nhà xuất bản bày biện rất có nghề.
Mở sách ra là lời cảm ơn! một cách cảm ơn viết với cảm xúc rất “già”. Cái cách cảm ơn của một người trẻ mà như của kẻ đã đi qua nhiều thăng giáng của cuộc đời. Ở tuổi hai tám mà đầy những lật trở, ưu tư. Có lẽ tác giả cũng đã thực sự trải qua những “trải nghiệm tứa máu” như đã biện bạch trong sách. Ở tuổi ba mươi tư Hữu Thỉnh cũng từng viết: “Sấm đã bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Cảm tưởng như mình đã già và đã đau thương, đay đả với đời sống. Thực sự, nếu không biết về con người và tuổi tác thì dễ bị đánh lừa tri giác rằng đây là văn chương của một nhà văn đã tuổi tác.
Quốc Tuấn là một cây viết mà chúng ta có quyền hi vọng về sự triển vọng trong nghiệp văn chương. Vào nghề viết bằng tản văn, một thể văn kén tâm trạng đọc của độc giả. Với ngôn ngữ có lúc tuyệt vọng, lúc mộng tưởng, khi bất ưng đối kháng với đời sống. Có khi khước từ cả sự sống. Thực sự giọng văn đó lâu rồi không thấy có người viết và dám viết.
Chương đầu tiên tác giả gói ghém những kỉ niệm tuổi thơ bên mẹ, cha, gia đình, những vết tích từ quá khứ với Rú Chúa, đồi thông, với nỗi đau lìa đời của bà Nội. Với mảnh đời của người Dì rất số phận. Tôi đặc biệt thích Rú Chúa bởi vì cái chìm mỵ, thần tích, thần bí nơi đó. Cái vùng quê ám mộng cả tuổi thơ lá chanh, lá sả đó đã nuôi sống một con người bước vào đời cũng có lúc cô độc chênh chao, lạ lùng như “cơn chấn động địa chất nào đó đã sinh ra ngọn đồi nằm yên ắng bất động”. “Dì tôi!”, thật hay cho những dòng tản mạn. Một con người, một số phận rất thương cảm đã hi sinh cho sự thể chung. Người Dì luôn nói lời hi vọng và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nước nhà đó cũng có lúc suy tư và bộc bạch những điều thống thiết đầy bi cảm: “Không biết rồi đây những cái cây kia có cây nào nguyện đóng ván hòm cho Dì chăng?”.
Sang chương hai tác giả đã cho thấy mình là “con đẻ” của giáo dục: Nguyện sinh nghề tử nghiệp. Tác giả đã có một trải nghiệm với nghề đầy những “mất mát”. Dường như có lúc Tuấn đã muốn bỏ nghề, Tuấn mất phương thế và trở nên vênh lệch trong thái độ với giáo dục. Nhưng dường nơi Tuấn có đầy đủ những “bản chất” của một người thầy và thời gian khiến Tuấn tự đủ đầy cho một người thầy. Những câu chuyện quanh bảng xanh phấn trắng đã để lại những dư vị xúc cảm có lúc đầy nhân văn, tích cực, lúc trải bày vô số nhức nhối, trăn trở về nghề. Trải bày ra nỗi đơn độc của một con người có khi tự nhận mình là kẻ đứng bên lề, và phản trắc với môi sinh, nơi mà mình đang cộng hưởng. Nhưng sau tất cả tôi vẫn nhận được tín hiệu về sự yêu thương, sự thấu hiểu. Và chắc hẳn Tuấn là một người thầy đã và đang được yêu mến.
Chương “Bút vết trầm cảm”. Tác giả để nguyên những bi cảm tận cùng, những khoảnh khắc muốn lụi tàn, muốn “cắt đứt mối lương duyên nặng nghĩa với đời sống”. Bế tắc tận cùng. Chương này khó đọc, khó cảm, khó tỏ tường cùng tác giả. Tôi thấy được một quá trình “oằn oại” trong đau đớn của em. Quá trình của “con tằm dịu oặt, non tơ bung kén hóa bướm”. Dưới màu mắt Tuấn cảm trạng đời sống đầy ảm đạm, u sầu. Tuấn đã viết như cách để tập chết trên trang giấy mà đặng sống tươi thơm.
Chương Lá diêu bông. Tuấn viết mờ mờ, bay bỗng… tạo ra một tình yêu với một người chị với ngôn ngữ rất “Pháp”: Lãng mạn, nâng giấc, say nồng. Chương sách này Tuấn rất kì công trong dụng ngôn. Ngôn từ, hình tượng đẹp đến độ ước lệ, tượng trưng nhưng với vẽ đẹp rất kiêu sang chứ không phải mang phong vị hoài cổ. Sở dĩ Tuấn viết mờ mờ, không cụ thể về chi tiết, con người có lẽ cũng do “chị đã sang sông”, “đã mồ yên mả đẹp trên nấm mồ hôn nhân một vợ một chồng”. Tuấn không được phép “hữu hình hóa” một cách chân thực về con người ấy, cảnh huống ấy nhưng Tuấn nói đã có những “Chi tiết rất nhân sinh”, rất người xảy ra bên cạnh “cô ấy”. Người đọc đủ hiểu nhân vật đã cư xử như nào trước những giới hạn…Tuấn còn rất trẻ mà, nên không thể không sai lầm, những sai lầm trong tình ái ngọt ngào dễ thứ tha…
Chương cuối là những nghĩ vụn: cách viết rất thơ, tượng trưng, siêu thực, hư ảo và hư ảnh, những suy nghĩ vụn vỡ, vụn vặt, miên viễn xa xôi, mập mờ, hoang liêu, hiển lộ ra cả thế giới nội tâm đầy những ào ạt, mâu thuẫn, đối kháng và đang quá trình hỗn loạn, giao hoan với chữ nghĩa để neo bám, định hình được con người và cốt cách chính mình.
Tuấn còn trẻ, còn nhiều năm tháng cho chiêm trải đắng đót, cho sự sống và cho sự chăm sóc bảng xanh phấn trắng. Hi vọng Tuấn sẽ nhẹ nhàng hơn chút khi diễn đạt cuộc sống. Và hi vọng đời sẽ đối xử vỗ về hơn với Tuấn để tiếng nói của Tuấn trong văn, thơ bớt phần nào những ưu tư rên xiết. Dẫu sao Tiếng sáo mục tử (trẻ chăn dê) đó vẫn cho tôi một trải nghiệm đọc với sự rất thưởng thức. Quả là một bữa tiệc trong mộng mỵ…
Vinh 06/08/2024