TIN TỨC
icon bar

Nguyên Hùng - Người vẽ chân dung theo phong cách nhân văn

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-18 07:23:30
mail facebook google pos stwis
300 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

Nhà thơ NGUYỄN THÁNH NGÃ

Tôi có dịp gặp nhà thơ Xuân Sách vài lần, biết cụ có phong cách "vẽ chân dung" được người đời truyền tụng, nhưng tôi không hỏi gì. Bởi hỏi gì để làm gì, trong khi "nét vẽ" của cụ làm xôn xao dư luận một thời. Người cười có, mà người khóc cũng có vv... Dĩ nhiên là sau này, có những kẻ nhái phong cách đó "vẽ ăn theo", nhằm hạ gục đối thủ. Từ lâu, tôi đã cho rằng kiểu đó không nên, nên bỏ ngoài tai tất cả những ngón đòn rẻ tiền của một bộ phận nhỏ những người lợi dụng thơ ca.


Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã tại buổi ra mắt 2 tập sách mới của Nguyên Hùng

Cho đến gần đây, được quen biết nhà thơ Nguyên Hùng, anh là người hiền lành dễ mến. Đặc biệt, thơ anh đầy nhạc tính, nên anh sớm bén duyên với âm nhạc, và trở thành người có thơ được phổ nhạc rất nhiều. Đồng thời anh nhìn đời bằng con mắt nhân văn sâu sắc, hiểu người, hiểu ta, để cho ra đời hàng loạt "bức tranh thơ" mà âm hưởng của nó rất tích cực, đem lại cho người "được vẽ", niềm sảng khoái, an lạc. Theo nhà Phật, chúng ta không nên nhìn con người ở mặt tiêu cực mà cho rằng họ xấu, chúng ta phải nhìn ra cái tốt, cái đẹp của họ để cho cuộc sống đầy ắp những ân cần, đáng sống hơn. Đương nhiên, không có ai hoàn hảo, nhưng theo Tâm lý học, con người cần được vỗ về, yêu thương và khen tặng chân thật; để họ có đủ "doping" phấn khích, vượt qua chính mình mà lập nên những kỷ lục mới, và dần hoàn thiện mình hơn. Lúc ấy, những cái chưa tốt sẽ không còn đất sống, những hạt mầm lương thiện sẽ sinh sôi, nẩy nở một cách xanh tốt. Tôi cho đó là con đường nhân văn, mà nhà thơ Nguyên Hùng đang hướng tới.

Vì thế, đọc "Ký họa thơ" 81 chân dung văn học của anh, tôi nghe như một có một mùa hợp tấu, một bản hòa âm tuyệt tác ghim vào lòng người thưởng ngoạn. Có 81 mắc xích, trong đó, mỗi mắc xích là một đoản ca nói về một nhân vật, sống và lớn lên trong sự nghiệp văn chương của nước nhà. Đọc và nghiền ngẫm, quả thực nhà thơ Nguyên Hùng có duyên lớn với các nhân tài, một "chữ duyên" mà không phải ai cũng có được. Nguyên Hùng là một kiểu như vậy, kiểu không lặp lại tiền bối, mà không hề kém phần sâu sắc. Mỗi câu, mỗi chữ là phên giậu của vùng lãnh thổ riêng biệt, và ý nghĩa của nó là "đế chế" cai quản vùng lãnh thổ đó. Khi làm công việc đam mê và phức tạp này, nhà thơ xứ Nghệ không hề nghĩ đơn giản. Nghĩa là anh phải dụng công rất nhiều, đòi hỏi phải có kiến thức và lập trường. Bởi khai quật tư liệu, tìm hiểu số phận lịch sử để sáng tác chuẩn xác về một nhà thơ, một văn nghệ sĩ lớn và sự nghiệp của họ, là không hề dễ. Tôi cho rằng anh rất dũng cảm, nếu không nói là "hơi liều" một chút. Nhưng không vào hang cọp làm sao bắt được hùm? Nếu có thể nói, tôi xin nói rằng có một chút liều, cộng với tài năng, nhà thơ Nguyên Hùng của chúng ta đã vẽ thật tài tình những chân dung không những bằng xương bằng thịt, mà còn vẽ rất đậm nét linh hồn của các bậc kỳ nhân trong làng văn chương nước ta. Tôi xin được nhấn mạnh ở điểm này, kẻo có người nghĩ đây chỉ là công việc "sắp đặt" tên các tác phẩm, rồi phóng tác ý tưởng của mình vào đó là xong. Không đâu, bằng tình yêu và sự tìm hiểu kỳ công của mình, nhà thơ Nguyên Hùng đã ký họa mỗi người trong muôn người, với nét phác họa rất riêng, không ai lẫn vào ai. Thi thoảng anh "bẻ ghi" là để thêm một góc nhìn hài hước. Có khi lợi dụng chất hài để nói về chất bi, nhằm tôn vinh những thiên tài gãy cánh. Đặc biệt, không dẵm chân người đi trước. Thật không ngoa khi tôi cho rằng, đây chính là nhân cách một người làm chân dung có tài, có tâm, và có đức.

Tôi có thể đan cử một vài thí dụ, khi nhà thơ viết về những nhân vật "cây đa cây đề" trong nền văn học Việt Nam như Nguyễn Bính: "Mười chín thầm mơ cô hái mơ/ Tương tư đã biết bấm khuy chờ"... Hai chữ "mơ", một của Nguyễn Bính, một của Nguyên Hùng làm nên điệp ngữ tuyệt diệu trong vùng thơ tình kỳ vĩ của nhà thơ lớn, khi "lỡ bước sang ngang"... Đến như Quang Dũng thì anh viết: "Đôi mắt người Sơn Tây thăm thẳm/ Thấy đâu cũng rừng biển quê hương". Tôi có tuổi trẻ mê thơ Quang Dũng và yêu nhất "Đôi mắt người Sơn Tây", nên sau này vinh hạnh được gặp nhà thơ Quang Dũng, khi ông vào Lâm Hà, Lâm Đồng thăm con gái. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt buồn thi sĩ mấy chục năm rồi, bây giờ đọc thơ Nguyên Hùng chợt thấy vô cùng thăm thẳm. Vâng, phải có kỷ niệm mới nhìn thấy cái sâu sắc làm ta bâng khuâng trong thơ Nguyên Hùng là vậy.

Và với nhà thơ Thu Bồn anh viết:"Trên những đám mây màu cánh vạc/ Anh làm người vắt sữa bầu trời". Hai câu thơ 14 chữ, Nguyên Hùng chỉ có ba chữ. Vậy mà đã sắp đặt được câu chuyện về một đời người "vắt sữa bầu trời", để làm nên những Trường ca bất tử như Bài ca chim Chơ-rao, Quê hương mặt trời vàng, Ba dan khát vv...

Còn đây "con chim lửa" Phạm Tiến Duật, Nguyên Hùng "bẻ ghi" một tí cho thêm vị mặn nhân sinh: "Chiến tranh đi qua thơ một chặng đường/ Để lại nỗi buồn bên từng vòng trắng"...Tôi đã từng gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, và nói chuyện cùng ông khi Đoàn Văn Nghệ Lâm Đồng đi Tây Nguyên; và tại Buôn Ma Thuột nhiều người đã hỏi thân mật ông về chuyện "tai họa văn chương", Phạm Tiến Duật chỉ cười mà không nói. Lúc ấy tôi không hề biết câu chuyện "Vòng trắng" là gì, hôm nay Nguyên Hùng vẽ ra tôi mới thật sự thấm thía...

Đó là những nhà thơ quá vãng đã đi vào lịch sử, còn những người đang hiện diện mà tôi có dịp tiếp xúc thân tình thì sao? Nhà thơ Quang Chuyền như tôi biết, là con người hiền hòa đậm chất lục bát, Nguyên Hùng viết: "Lặng thầm là tính cách anh/ Thầm thì biển, nắng cũng lành giống mưa"...Quả thật, một thi sĩ lục bát, ăn nói nhẹ nhàng thi điệu hiện ra rất đáng mến. Tôi đã cùng ông cụng ly bên quán đời mấy nỗi nắng mưa, nên biết chất thơ này vô cùng tinh tế chạm vào hơi thơ Quang Chuyền của Thơ và Đời khát vọng. Đặc biệt với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Nguyên Hùng thả đôi câu thơ vô cùng sinh động: "Anh chấm bút vào sông Lam duyên nợ/ Dắt sông Hồng vào xứ Nghệ rong chơi"... Có thể nói, Nguyên Hùng thầm cảm ơn nhà thơ lớn Trần Mạnh Hảo đã châm bút vào Sông Lam quê anh, và làm nên một bài thơ được nhiều người đánh giá là bài thơ hay nhất về xứ Nghệ. Câu thơ Nguyên Hùng có thần thái của một người chủ nhà, đánh giá cao một người khách bước vào quê hương mình và để lại niềm tôn vinh, yêu quý nhân tài hào kiệt xứ sở linh địa của văn chương. Khi cùng hội cùng thuyền với chàng thi sĩ tài hoa Trương Nam Hương, thơ Nguyên Hùng bật lên tiếng gọi: "Sông Hương biết chảy theo vần/ Tài hoa đắm đuối hai làn mắt răm" (sách in sai hai lần mắt răm). Chảy theo câu thơ hay của Trương Nam Hương, Nguyên Hùng đã vớt lên bờ số phận "đa truân" của một thi sĩ đắm đuối vì thơ, đắm đuối "hai làn" thu thủy của mắt lá răm, tức chàng có hai người đẹp trong đời mình. Đối với văn xuôi, Nguyên Hùng vẫn thể hiện một tình yêu không phân biệt. Gặp "Kẻ sát nhân lương thiện" Lại Văn Long, với chồng "hồ sơ lửa" kỷ lục Việt Nam, nhà thơ phán đôi câu xanh rờn:"Biết Long, nhiều người ước/ Chỉ viết truyện bằng tay/ Ngàn trang chữ rồng bay/ Nhờ có người xoa nắn". Bốn câu thơ năm chữ, khi đọc mà chưa biết về Long, thì rất dễ hiểu lầm là khi Long vừa viết vừa có người xoa bóp (biết đâu là nàng chân dài nào đó). Tôi với Lại Văn Long là anh em đồng hương nên tôi hiểu, giữa thời đại này mà Long vẫn còn viết bằng tay, không quen gõ máy tính. Góc phòng anh chất đầy giấy A4 đã viết, mỗi chồng là một cuốn truyện hay tiểu thuyết. Oan nghiệt nhất là hai chữ "xoa nắn". Xoa ở đây, ý Nguyên Hùng khen ngợi nhà văn tài hoa, khi anh viết truyện ngắn đầu tiên "Kẻ sát nhân lương thiện" liền chiếm giải nhất báo Văn Nghệ năm (1990 - 1991). Có thể nói đây là tấm vé đưa Long vào Hội Nhà văn Việt Nam êm xuôi nhất, khi gia đình anh còn nghèo, còn vất vã áo cơm. Còn nắn là nắn gân, từ của chính trường, khi Long bị "tai nạn nghề nghiệp", dù nhỏ thôi nhưng cũng không lên chức được. Với nhà thơ sinh năm 1978 Lê Thiếu Nhơn, Nguyên Hùng chỉ thẳng tính cách: "Ghét yêu thẳng tuột trụi trần/ Lắm phen méo miệng, mặt nhăn vẫn cười". Rồi anh "bẻ ghi" cho thi vị: "Ngỡ rằng người Việt biết đùa/ Tình riêng ráng giữ, tình chùa ngó lơ/ Một thời cặp chị Ngọc Tư/ Cùng nhau sống chậm ninh nhừ... tản văn"... Để xác thực tôi đã hỏi Nhơn ngày xưa yêu một ni cô đúng không, Nhơn gật đầu xác nhận. Nhưng còn chữ "ninh nhừ" mới ghê gớm chứ! May là tôi biết chàng tài hoa là nhà LLPB văn học, nhà thơ, nhà văn đa tài, tôi hiểu tài năng của Nhơn viết rất giỏi tất cả các thể loại đã một thời "ninh nhừ". Ấn tượng nhất là Nhơn viết về "Những chuyện tình khó quên" của các văn nghệ sĩ nổi tiếng, lý giải hay như người trong cuộc, khiến người nghe bội phần thán phục. Riêng nhà thơ Lê Minh Quốc, Nguyên Hùng viết nghe rất sướng như sau: "Gái đẹp theo anh mọi nơi từng bước/ Đàn bà với anh như...sếp nữ báo nhà/ Họ đâu phải đất bên ngoài Tổ quốc/ E ngại gì mà không dám lân la...". Vì rằng, anh biết tỏng nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc có chuyện hơi éo le, 60 tuổi LMQ mới "có vợ". Câu thơ vừa hay vừa hài hước đúng chất người Quang Nam. Và nhờ "dám lân la" LMQ đã có con và anh viết về con rất hay, nói lên niềm yêu thương tha thiết của một người được làm cha, và dành hết hơi thở cuộc sống này cho vợ cho con... Và đặc biệt với nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà thơ Nguyên Hùng sáng tạo bốn câu kết rất hay:"Bảo kiếm và giai nhân không thể rời nhau/ Như tác phẩm của anh không xa rời lịch sử/ Từ rất trẻ đã gắn liền con chữ/ Khi trưởng thành khó tránh nghiệp quan văn". Vâng, nghe rất tiên tri phải không, nhưng thật ra vì hiểu nhau, nên thơ bật ra không kịp dừng lại. Chỉ có tác phẩm của Bùi Anh Tấn là "Bảo kiếm và giai nhân" thôi, nhà thơ của chúng ta đã xếp nhà văn họ Bùi vào hạng người "gắn liền với con chữ". Và anh dùng chữ "nghiệp" của nhà Phật để nói về con đường thăng tiến của nhà văn. Đúng vậy, văn chương là cái "nghiệp dĩ" mà mỗi người cầm bút khó thoát khỏi vòng phủ sóng của nó. Nhà văn Bùi Anh Tấn đã có những giải thưởng danh giá trên con đường sáng tạo của mình. Mới đây anh được bầu làm "giáo chủ" của những tiểu thuyết về người đồng tính...

Đấy, những bài thơ nhỏ bé là thế, nhưng mang nặng sự thành đạt, hay ít nhiều éo le, xa xót của một đời người. Tôi luôn nghĩ, 81 chân dung là 81 vùng cảm xúc. Nếu các họa sĩ vẽ biểu cảm bằng màu sắc, thì Nguyên Hùng vẽ bằng "cảm âm" của những con chữ. Nếu các nhạc sĩ phổ bằng giai điệu của cung dây, thì Nguyên Hùng phổ bằng nhịp điệu của các nơ-ron thần kinh trong hồn mình, mà chủ âm là nhịp điệu của trái tim yêu thương da diết, trọng vọng đối với những thi văn tài nước Việt.
 


 

Sẽ có người tò mò hỏi rằng: "Đây có phải là sáng tác văn học không?". Tôi xin trả lời rằng đây chính là phong cách sáng tác văn học, không những độc đáo mà còn là một nghệ thuật chơi chữ của người xưa rất thâm thúy. Điều tôi nhận được đầu tiên là thông điệp: "Hãy đọc sách của nhau". Vâng, đọc và sáng tác như Nguyên Hùng là một nét văn hóa để cảm thông, yêu thương và chia sẻ.

Cuối cùng thì chúng ta cũng thừa nhận rằng, nhà thơ Nguyên Hùng là người ký họa chân dung văn nghệ sĩ rất có tài, bởi công sức lao động không mệt mỏi. Những ngôn từ, những vần điệu rất Nguyên Hùng, là một lãnh thổ bất khả xâm phạm, trong đó "đế chế ý nghĩa" của nó dẫn dắt chúng ta đến với từng phận người được chọn, nghĩa là vẫn có cái tiêu chuẩn bất thành văn để lọt vào mắt xanh của vị chủ nhà Nguyên Hùng. Tôi chỉ là kẻ mạo muội góp đôi lời qua nét vẽ đa sắc của anh. Biết anh là người khiêm tốn, vẽ người chứ không vẽ mình, tôi vội tặng nhà thơ quý mến một "chân dung nho nhỏ" để kết thúc bài viết này:

NGUYÊN là linh khí non Hồng

HÙNG văn xứ Nghệ soi dòng sông Lam

"Cánh buồm thao thức" trời Nam

"Sóng không từ biển" dạo thầm khúc duyên...
 

(TP. Hồ Chí Minh, tháng 10/2024)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm