TIN TỨC
icon bar

Khi Hà Thanh Vân tiếp tục “lên tiếng” và mời gọi trực tiếp “so găng”…

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-25 22:42:22
mail facebook google pos stwis
560 lượt xem

KỲ 4

(Mời click vào avatar trên đây để truy cập thư mục)
 

Khi TS Hà Thanh Vân tiếp tục “lên tiếng” và mời gọi trực tiếp “so găng”…


Sau phần đầu khiến giới văn chương phải xôn xao, TS Hà Thanh Vân tiếp tục “lên tiếng” bằng phần 2 – đáo để hơn, giàu dẫn chứng hơn, thuyết phục hơn lại không kém phần... khiêu khíchcool

Không chỉ phản biện lại các lập luận học thuật được cho là của nhà văn Uông Triều, tác giả còn mở rộng cuộc thảo luận sang nhiều tầng lý luận: từ “chiếm dụng văn hóa”, “giả giọng bản sắc”, đến “mô phỏng rẻ tiền” trong sáng tác. Đặc biệt, cụm từ “cultural ventriloquism” (giả giọng văn hóa) được TS Hà Thanh Vân vận dụng để chỉ ra nguy cơ truyện ngắn bị tiêu dùng như đạo cụ cảm xúc nếu thiếu trải nghiệm sống thực và chiều sâu văn hóa bản địa.

Khước từ tranh luận kiểu nặc danh hay mắng mỏ, đôi co trên mạng, bài viết còn đi xa hơn: đề xuất một cuộc “so găng học thuật” công khai tại Tòa soạn Tuần báo Văn nghệ, với đầy đủ các bên liên quan. Không giấu cá tính gai góc, tác giả tự gọi mình là “nhà phê bình cầm thú dễ thương” và hứa sẽ… mang thú bông theo nếu cần chụp ảnh cho vui.

Mời bạn cùng đọc phần 2 bài viết đang gây tranh cãi này – như một cách soi chiếu lại giới hạn và sức mạnh của phê bình trong thời đại đa diễn ngôn hôm nay:
 

“CÁI GÌ ĐÂY KỲ NÀY”: VỀ MỘT TRUYỆN NGẮN VỪA ĐOẠT GIẢI NHÌ CỦA BÁO VĂN NGHỆ (PHẦN 2)

TS HÀ THANH VÂN

Bài viết sau đây là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không nhân danh cho ai hay cơ quan, tổ chức nào để viết. Tôi tôn trọng mọi ý kiến trái chiều và không có ý định tranh luận lại.
 


 

GẶP NHAU VÀ TRANH LUẬN TẠI TÒA SOẠN BÁO VĂN NGHỆ, ĐƯỢC KHÔNG NÈ?

Đúng là bình thường thì tôi không trả lời những ý kiến tranh luận lại. Tôi có đến 5 cái áo pull có in dòng chữ tiếng Anh là “I disagree but I respect your right to be stupid”. Nghĩa tiếng Việt thì mọi người tự dịch. Thêm nữa, tôi lại càng không bao giờ trả lời những nick ẩn danh và những câu chửi đổng. Tôi vẫn tự hào là từ khi còn nhỏ tới giờ, tôi chưa thấy có CON NGƯỜI nào chửi tôi cả. Tôi thấy có một số nhà văn lên tiếng phản đối tôi. Nhưng một số nhà văn tên tuổi (có cả tuổi và tên) đều đã khôn ngoan và có kinh nghiệm khi phản đối thì không nêu đích danh tên Hà Thanh Vân. Chỉ là một số người mới tập tọe viết văn thì chưa biết mà tham gia liên minh oánh nhà phê bình “cầm thú” dễ thương này thôi và đưa ra những thông tin sai lệch về tôi với ý đồ phỉ báng tôi trên mạng xã hội. Tôi có đầy đủ những bằng chứng đó.

Thật ra, tôi chỉ là một người bình thường, khiêm tốn và giản dị, không thích dính thị phi. Nhưng vì nhiều bạn bè, học trò hỏi thăm, nên kỳ này tôi phá lệ, vừa nói tiếp về truyện ngắn “Trăm Ngàn”, vừa nhân tiện trả lời thêm về một bài viết ẩn danh trên một cộng đồng viết văn xuôi.

Nhưng vừa rồi nick ẩn danh đó đã xuất hiện, được cho là chính nhà văn Uông Triều. Cảm ơn nhà văn đã lên tiếng bảo vệ học trò theo học lớp viết văn của mình. Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học trò của người thầy Uông Triều. Tuy nhiên, giá mà Ban Giám khảo giai đoạn sơ khảo và chung khảo có những bài viết hay ý kiến phát ngôn chính thức thì vẫn hay hơn, chứ không chỉ trả lời trên báo hay ẩn danh.

Nhân đây tôi đề nghị với sự hăng hái, nhiệt tình của nhà văn Uông Triều, cùng với sự kỳ công tổ chức giải của báo Văn nghệ, lại nhân dịp tôi đang ở miền Bắc, và tình hình văn học đang cũng có chút trầm lắng không sôi động, thì nên mở một cuộc tranh luận bàn tròn đối thoại ngay tại Tòa soạn báo Văn nghệ. Nếu chưa tổ chức kịp trong mấy ngày tới thì đầu tháng 8 này, tôi lại có chuyến công tác ở Hà Nội và sẵn sàng tham gia đối thoại. Thành phần thì tôi xin phép đề xuất có tôi là nhà phê bình “cầm thú” Hà Thanh Vân, tôi sẽ mang thú bông theo để chụp hình cho đẹp, mời nhà văn Uông Triều, mời tác giả Ngô Tú Ngân, mời một vị trong Ban Giám khảo và một vị trong Ban Tổ chức cuộc thi. Chúng ta sẽ tranh luận với nhau về truyện ngắn “Trăm Ngàn” nha. Tôi tin rằng mọi người đều vui vẻ đồng ý với ý kiến đề xuất của tôi về cuộc tranh luận công khai. Những ai quan tâm đến cuộc thi này và các giải thưởng cũng sẽ rất vui. Biết đâu cuộc thi lần sau nhờ thế sẽ đông vui xôm tụ hơn với nhiều tác giả hơn. Đây cũng là một hình thức quảng bá cho cuộc thi của báo Văn nghệ!
 

“TRĂM NGÀN” CÁCH ĐỌC, NHƯNG CŨNG KHÔNG THIẾU CÁCH ĐỌC SAI

Có một bài viết ẩn danh được cho là của nhà văn Uông Triều nhan đề “Trăm ngàn câu chữ - trăm ngàn cách đọc” để phản biện lại bài viết của tôi. Bài viết khá dài, tôi tóm tắt đại ý là bài viết của nhà văn Uông Triều có những luận điểm như sau:

Bài viết là một phản biện đối với một bài phê bình trước đó của tôi về truyện ngắn Trăm Ngàn. Uông Triều cho rằng bài phím nghiệp của tôi mang tính chất phòng vệ văn hóa và mắc nhiều lỗi cơ bản trong cách tiếp cận văn bản văn học.

1. Lỗi tiếp cận ngôn ngữ: Bài phê bình gốc đồng nhất từ vựng sáng tác với từ điển học và quy kết việc sử dụng từ như “mẹ”, “cu lơ”, “mùa hạn”… là sai chuẩn vùng miền, trong khi văn chương cho phép sự pha trộn ngôn ngữ nhằm phản ánh bản thể di động của nhân vật.

2. Lỗi đọc hiện thực sai lầm: Việc quy kết “tờ trăm ngàn chưa xuất hiện thời đó” hay “giấy căn cước” là lỗi vì áp đặt tính chính xác lịch sử vào một truyện ngắn mang tính biểu tượng và huyền ảo. Tên nhân vật “Trăm Ngàn” là một ẩn dụ xã hội, không phải thực chứng niên đại.

3. Ngôn ngữ và thi pháp: Ngôn ngữ truyện không “sến” hay “sáo rỗng” như bị quy kết mà mang tính ẩn dụ và chất chứa triết lý sống dân gian. Những câu như “sống một ngày trọn vẹn…” phản ánh triết lý nhân sinh miền Nam, không nên xem nhẹ.

4. Vấn đề ảnh hưởng văn học: Việc lối kể truyện gợi nhớ đến Nguyễn Ngọc Tư không đồng nghĩa với việc sao chép. Mọi nhà văn đều chịu ảnh hưởng, vấn đề là họ có kể được câu chuyện của riêng mình hay không. “Trăm Ngàn” đã làm được điều đó bằng một giọng kể riêng biệt, dịu dàng, không oán trách.

5. Lỗi phê bình cảm tính và thiếu hệ quy chiếu lý luận: Bài phê bình gốc không đưa ra khung lý thuyết rõ ràng, không phân tích biểu tượng hay cấu trúc truyện mà chỉ dựa vào cảm tính và mô tả bề mặt.

6. Vấn đề lớn hơn: Phê bình văn học cần tạo ra đối thoại học thuật và mở ra hiểu biết, không phải là công cụ để áp đặt chuẩn chính tả, vùng miền, hay thái độ cực đoan về bản sắc.
 

CÂU TRẢ LỜI THỨ NHẤT CỦA TÔI: HÃY ĐỌC LẠI EDWARD SAID

Bây giờ tôi đành phải trả lời thế này, dù rất không muốn dính thị phi tranh luận trên mạng, nên mới đề nghị tổ chức tranh luận công khai như đề xuất ở trên.

Như đã nói từ đầu, bài viết của tôi mới là Phần 1. Có nghĩa là tôi còn viết tiếp. Thế thì nhà văn Uông Triều nên chờ tôi viết hết rồi hãy viết bài phản biện. Đừng nên bộp chộp, nóng vội như thế!

Về luận điểm cho rằng tôi mắc lỗi tiếp cận ngôn ngữ. Tôi đề nghị nhà văn Uông Triều giải nghĩa thế nào là “bản thể di động” của nhân vật? Xin nhà văn đừng có nói là nhân vật theo gánh hát rong là bản thể di động nhé. Đừng bào chữa rằng vì nhân vật di động theo gánh hát, nên ngôn ngữ pha trộn, vì gánh hát ấy chỉ loanh quanh ở miền Tây. Tôi muốn hỏi thuật ngữ “bản thể di động” là ở đâu ra vậy?

Theo tôi biết chỉ có khái niệm “chủ thể lưu động” (mobile subjectivity). Trong triết học hậu cấu trúc và phê bình hậu hiện đại (Michel Foucault, Gilles Deleuze, Judith Butler…), chủ thể (subject) không còn được xem là cố định, toàn vẹn, thuần nhất, mà là liên tục được kiến tạo qua ngôn ngữ, không gian, lịch sử, và diễn ngôn, di động, phân mảnh, đa tầng, chịu tác động bởi bối cảnh và quyền lực.

Nhà văn Uông Triều đưa nhà nghiên cứu Phương Đông học Edward Said ra để nói rằng “Trong bài viết của tác giả Hà Thanh Vân đã cung cấp một ví dụ điển hình của thứ mà lý thuyết gia Edward Said từng gọi là “cultural defensiveness disguised as criticism”, một dạng phê bình phòng vệ bản sắc, thiếu chiều sâu phân tích và lệch chuẩn phương pháp.” (Trích nguyên văn).

Câu trích dẫn “cultural defensiveness disguised as criticism” gắn với tên tuổi Edward Said trong bài viết của nhà văn Uông Triều là diễn giải tinh thần tư tưởng của ông chứ không phải một trích dẫn nguyên văn. Edward Said không dùng cụm từ này một cách trực tiếp trong các tác phẩm của ông. Cách đây không lâu, chính tôi đã post cuốn sách “Đông phương luận” của Edward Said lên “Phê tê bốc” của tôi để mọi người tải về miễn phí. Còn ai muốn có thêm sách của Edward Said để tra cứu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt thì tôi xin sẵn sàng cung cấp.

Thêm nữa, Edward Said, đặc biệt qua cuốn “Orientalism” (1978) (Đông phương luận), đã phê phán cách mà phương Tây kiến tạo bản sắc của phương Đông một cách cứng nhắc, phiến diện. Một số điểm cốt lõi trong quan điểm của ông:

- Văn hóa không tĩnh tại: Edward Said cho rằng mọi bản sắc văn hóa đều có tính lịch sử, có quá trình giao thoa, biến đổi, không nên bị “đóng khung” thành những bản thể thuần nhất.

- Phê bình mang tính thực dân nội tại: Ông cảnh báo rằng ngay cả những nhà phê bình trong nội bộ các nền văn hóa bị áp bức cũng có thể sao chép lại logic loại trừ, tự áp đặt sự “thuần chủng văn hóa” và “tự phòng vệ” bằng cách bài xích cái khác biệt.

- Cảnh giác với các hình thức phê bình thiên kiến: Ông kêu gọi phê bình học thuật cần đi sâu vào phân tích cấu trúc quyền lực, ngôn ngữ và lịch sử thay vì chỉ dừng lại ở việc bảo vệ bản sắc.

Việc nhà văn Uông Triều mang Edward Said ra nói là một hình thức ngụy biện, bởi vì Edward Said cảnh báo các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu phương Đông không nên đóng khung phương Đông, mà nên nhìn phương Đông trong quan hệ giao thoa, giao lưu và tiếp biến với phương Tây ở thời đại thực dân và hậu thực dân. Còn truyện ngắn “Trăm Ngàn” thì chẳng có liên quan gì đến lý thuyết của Edward Said cả. Có nghĩa là nói nôm na, nhà văn Uông Triều đang dùng một lý thuyết không liên quan để bào chữa cho cái dở, thiếu và yếu của truyện ngắn “Trăm Ngàn”. Hay nói một cách hình tượng, nhà văn Uông Triều đang mặc đồ đi hội thảo ở phòng ngủ! Đồng thời cũng mong nhà văn Uông Triều đọc kỹ thêm về Edward Said và các lý thuyết gia về văn học để tránh dùng thuật ngữ sai!

Thậm chí ngay cả quy chiếu lý thuyết của Edward Said vào thì ở đây, tôi thấy tôi làm đúng vì tôi đang đi vào phân tích vấn đề ngôn ngữ và lịch sử của truyện ngắn “Trăm Ngàn”. Không nên ngụy biện là tôi mắc lỗi từ điển học hay chính tả học. Và như Edward Said đã nói “mọi bản sắc văn hóa đều có tính lịch sử”, thì rõ ràng, “Trăm Ngàn” có thể hiện bản sắc văn hóa thật sự hay không? Hay là một dạng “giả văn hóa” như chính nhiều nhà lý luận về văn hóa và văn học đã cảnh báo. Tôi sẽ nói về tính “giả văn hóa” này.
 

MUỐN NÓI CHUYỆN LÝ THUYẾT À? DẠ THƯA CÓ NGAY!

Đọc truyện ngắn “Trăm Ngàn” của Ngô Tú Ngân thì có thể thấy tính “Cultural Ventriloquism” (Giả giọng văn hóa). Đây là cách gọi trong phê bình hậu thuộc địa. Khi nhà văn (thường là người ngoài) mạo danh, giả giọng hoặc tái hiện một cộng đồng văn hóa khác như thể chính họ thuộc về cộng đồng ấy, thì được gọi là “cultural ventriloquism” (giống như nói thay bằng giọng của người khác). Lối viết này thường bị phê phán vì mang tính chiếm dụng tiếng nói (appropriation) và miêu tả rập khuôn. Rõ ràng, Ngô Tú Ngân không hiểu về văn hóa miền Tây, nên mới dùng những hình ảnh quen thuộc như gánh hát, ghe xuồng và cả motif đứa con hoang đi tìm mẹ cũ kỹ... Nếu am hiểu văn hóa miền Tây, sẽ không thể viết như sau: “Đoàn này mà không có ổng lo chuyện cơm nước chắc chết đói hết, Thúy ngồi co ro trong cái áo choàng diễn vai hoàng hậu, nói vọng ra”. Đoàn cải lương dù là hát rong thì ở miền Tây rất được trân trọng. Các diễn viên yêu nghề, sống chết với nghề (dĩ nhiên cũng có những ngoại lệ không yêu nghề) và sẽ không ai dám mặc áo diễn ngoài đời mà che mưa che nắng như nhân vật Thúy này. Đó là điều cấm kỵ trong mọi đoàn hát!

Ở đây người đọc tinh tường thấy rõ tính “Cultural Appropriation” (Chiếm dụng văn hóa). Nếu nhà văn sử dụng biểu tượng, ngôn ngữ, giọng điệu… của một nền văn hóa khác mà không có trải nghiệm thực hay không hiểu rõ chiều sâu của nó, thì bị coi là chiếm dụng văn hóa. Trong trường hợp này, bản sắc văn hóa bị biến thành một đạo cụ (prop) để làm màu, để gây cảm xúc rẻ tiền, hoặc để phục vụ lối viết thị trường mưu lợi! Ở đoạn kết truyện ngắn, xuồng và ghe có sự lộn xộn. Làm sao hai phương tiện này đi chung với nhau trong một đoàn hát rong lang bạt được bởi vì tốc độ và kích thước khác hẳn nhau!

Tính chất “Essentialism / Simulacra’ (Bản sắc bản chất hóa / bản sắc mô phỏng) cũng thấy rõ trong truyện ngắn “Trăm Ngàn”. Nếu nhà văn cố gắng trình bày một “bản sắc” theo kiểu “người miền Tây thì phải thế này”, “phụ nữ Huế thì phải thế kia”…, thì họ đang “bản chất hóa” (essentialize) bản sắc, một điều bị phê bình gay gắt trong lý luận văn hóa đương đại. Rõ ràng, cuộc sống và xã hội người miền Tây có nhiều đề tài để khai thác, không nhất thiết cứ phải bám vào những motif cũ kỹ kiểu buồn bã, nghèo khổ, đoàn hát rong… Miền Tây không nên đóng khung vào kiểu “bản sắc hóa mô phỏng” như thế! Nếu bản sắc đó chỉ là bản sao của bản sao, không gắn với thực tế sống động mà chỉ là hình ảnh được tạo ra để tiêu dùng văn chương, đánh lừa khán giả không hiểu biết, thì ta gọi đó là “simulacrum” (thuật ngữ của Jean Baudrillard), tức mô phỏng một thứ vốn dĩ không còn thật nữa.

Thậm chí có thể thấy tính chất “Ethno-kitsch” (Bản sắc dân tộc kiểu rẻ tiền). Nói nôm na, đây là hiện tượng nhà văn hoặc nghệ sĩ dùng các biểu tượng văn hóa (áo bà ba, bánh chưng, câu hò, vè, tiếng gọi má, đứa con tìm mẹ…) một cách rập khuôn, lặp lại, không có chiều sâu, chỉ để gợi cảm xúc dễ dãi. Văn hóa lúc này trở thành một thứ "trang sức", "phông nền" chứ không còn là chiều sâu sống thực. Độc giả đọc truyện ngắn “Trăm Ngàn”, tôi xin hỏi, có ai thấy cảm xúc, buồn thương cho số phận của nhân vật “Trăm Ngàn” không, dù cuộc đời nhân vật rất bi thảm. Cả đời đi tìm mẹ, gia nhập đoàn hát rồi… ch.ết. Nhân vật này tồn tại có ý nghĩa gì không hay chỉ là một thứ trang sức rẻ tiền minh họa cho một số phận mà nhà văn muốn miêu tả, mà chẳng hiểu miêu tả để làm gì? Nhân vật này muốn độc giả thấy điều gì? Hay đọng lại sau khi đọc chỉ là cái tên nhân vật “Trăm Ngàn” lạ lạ?

Thêm nữa, tôi không tin rằng nhà văn có thể sáng tác bất chấp chính tả. Tôi cũng không tin rằng “Trăm Ngàn” là một truyện ngắn hậu hiện đại bởi lẽ, đọc truyện này không hề thấy một dấu hiệu gì của hậu hiện đại cả. Tôi cũng sẽ tiếp tục nói về ý kiến này của nhà văn Uông Triều ở Phần 3 vì Phần 2 dài quá rồi. Giờ tôi còn phải học hành nữa chứ!

Mời đọc: 


Rất mong tiếp tục nhận được nhiều bài viết, ý kiến phản biện hoặc góc nhìn học thuật liên quan đến truyện ngắn Trăm Ngàn cũng như các vấn đề văn học khác theo địa chỉ email: khoa7073@gmail.comChúng tôi sẽ ưu tiên chọn đăng trên Văn chương TP. Hồ Chí Minh những bài viết có tinh thần xây dựng, tên tuổi rõ ràng và có giá trị học thuật.

Bài viết liên quan

Xem thêm
"Nhà là nơi có tình thương”
Bài viết được chia sẻ trên Facebook cá nhân của nhà thơ Lê Gia Hoài.
Xem thêm
Lạc giữa truyện ngắn “Trăm Ngàn”
Đọc truyện ngắn Trăm Ngàn, chúng ta luôn có một trạng thái bất an. Cứ phải véo vào tay xem mình có còn tĩnh trí nữa không, bởi ta có cảm giác như đang bị lạc trôi – lạc về địa lý, lạc về vùng miền, lạc về thời đại.
Xem thêm
Trăm ngàn câu chữ – trăm ngàn cách đọc
Một bài viết phản biển ý kiến của TS Hà Thanh Vân về truyện ngắn Trăm Ngàn.
Xem thêm
Hốc chọ - Trường ca thấm đẫm hồn quê xứ Nghệ
Nguồn: Nghệ An Cuối Tuần, số 15/6/2025.
Xem thêm
Những vết thương không khép – Một góc nhìn từ “Dọc đường máu”
Thơ Vương Cường không chỉ là hồi ức, mà còn là lời nhắc nhớ, để chúng ta không quên những trang sử bi tráng của dân tộc. Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu chùm 5 bài thơ rút từ tác phẩm này.
Xem thêm
Luẩn quẩn giữa yêu và đau
Anh nói về niềm tin, em nói về hoài nghi/ hai phía nối dài trên định mệnh ta đi
Xem thêm
Vũ Quần Phương với thơ hay
Trong số những nhà thơ kể trên, thì Vũ Quần Phương là người viết nhiều lời bình hơn cả, ở đây có bình tác giả, bình tập thơ và đặc biệt là bình các bài thơ hay, như là một đơn vị cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng thơ.
Xem thêm
Một phía của đời - Giữa hữu hạn và vô hạn
Về tập thơ Một Phía của Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Đặc sắc của Khuất Quang Thụy
Bài viết của Nguyên An và thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
Một phía nhìn từ nhiều phía
Vừa mới sáng nay, tôi tình cờ đọc được bài viết “Một phía nhìn từ nhiều phía” của Dương Kỳ Anh trên website báo Văn nghệ Công an, thì cách đây chục phút lại đọc được tin dữ qua FB nhà thơ Hữu Việt về sự qua đời thật đột ngột của nhà thơ, cựu TBT báo Tiền Phong.
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Tấn Phát - người tìm lại tình đời
Bài viết về tiểu thuyết “Hoàng hôn lóng lánh”
Xem thêm
Nhịp cầu kết nối – Khi Nguyễn Trường dẫn lối độc giả
Bài đăng website Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống
Xem thêm