TIN TỨC
icon bar

Về “Trăm khúc hát một chữ duyên” của nhà thơ Nguyên Hùng

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-13 17:36:12
mail facebook google pos stwis
528 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

PHỐ GIANG
(
Cảm nhận về tập thơ nhạc chọn lọc "Trăm khúc hát một chữ duyên")

Năm 2024 nhà thơ Nguyên Hùng xuất bản một lúc 2 tập sác liền: TRĂM KHÚC HÁT MỘT CHỮ DUYÊN và KÝ HOẠ THƠ. Cả hai tập thơ đều tạo được tiếng vang trên văn đàn và được đông đảo bạn đọc quan tâm. TRĂM KHÚC HÁT MỘT CHỮ DUYÊN là tập thơ – nhạc gồm 81 ca khúc của các nhạc sĩ phổ thơ anh.

Cho đến nay nhà thơ Nguyên Hùng đã xuất bản 8 tập thơ, tập đầu tiên vào năm 2007, các tập mới nhất vào năm 2024 và đã có hơn 100 bài thơ được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc trong đó có những nhạc sĩ danh tiếng. Thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc là điều bình thường ở trên thế giới cũng như ở nước ta từ xưa đến nay, nhưng có trên 100 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, ở nước ta chỉ đếm đầu ngón tay thôi. Mặt khác, quan trọng hơn, đáng chú ý hơn là số lượng bài hát phố thơ Nguyên Hùng được các ca sĩ chọn để biểu diễn, để đưa vào album ca nhạc của mình là khá nhiều; một số danh ca còn chọn để đặt tên cho album, cho liveshow của mình. Nhiều bài hát phổ thơ của Nguyên Hùng được Đài phát thanh, Đài Truyền hình Trung ương và các đài phát thanh truyền hình địa phương chọn tham gia các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, chương trình Đến với bài thơ hay, chương trình giới thiệu Tác giả - tác phẩm… Có nhiều bài thơ của nhà thơ Nguyên Hùng như Biển và em, Gửi dòng sông câu ví, Bến xưa, Cánh buồm tình ái, Chị Sáu cùng sống mãi với quê hương, Nhịp cầu cửa bể, Bài ca TV2… được nhiều nhạc sĩ cùng phổ nhạc. Nhiều bài hát phổ thơ Nguyên Hùng được cộng đồng rất yêu thích, một số clip khi ca sĩ đưa lên mạng xã hội có tới hàng triệu lượt xem; đến tham dự các cuộc vui, các buổi tụ tập của đoàn thể, cộng đồng nhiều lúc cũng được nghe các ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng. Khi về thăm quê, tôi thường bắt gặp các bà mẹ trẻ ru con, hay các cô gái vừa quét sân, quét ngõ vừa khe khẻ hát Bến xưa, Lời hẹn tình quê… Phải thừa nhận khá nhiều ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng được cộng đồng yêu thích và được phổ biến rộng rãi trong công chúng cả thành thị và nông thôn.

Ở nước ta từ xửa xưa thơ phú đã được yêu thích, được trai thanh nữ tú và bà con sử dụng trong các cuộc hát giao duyên, đối đáp với nhau với nhau trong lao động, trong các cuộc vui của công đồng. Bởi vậy, nhiều bài thơ của các cụ đồ nho đã trở thành những bài ca phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhiều bài được lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Đầu thế kỷ 20 tân nhạc xuất hiện, nhiều bài thơ hay cũng được các nhạc sĩ phổ nhạc và cho đến nay điều này trở nên khá phổ biến. Khi gặp thơ hay và có sự đồng cảm, nhiều nhạc sĩ liền chớp lấy bài thơ và ngay lập tức phổ thành ca khúc. Cũng có trường hợp chỉ dựa vào nội dung, tinh thần của bài thơ nhạc sĩ soạn lại lời cho phù hợp với ý định của mình. Trong trường hợp này thường các nhạc sĩ gọi là phỏng theo thơ của một nhà thơ nào đó. Sự kết hợp giữa nhà thơ và nhạc sĩ đã tạo ra nhiều ca khúc rất hay cả phần nhạc cũng như phần lời. 

Thơ thì luôn có hằng hà sa số trên văn đàn, vào thời buổi kỹ thuật số thịnh hành như ngày nay thì trên mạng xã hội cũng tràn ngập, nhưng được các nhạc sĩ chọn để phổ nhạc thì không dễ và không nhiều. Trước hết nội dung bài thơ phải tạo được sự đồng cảm của nhạc sĩ, sau đó mới đến các vấn đề khác. Bởi vậy, tôi nghĩ thơ Nguyên Hùng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc bởi thơ anh tạo được sự đồng cảm và gây cảm xúc mạnh mẽ với giới nhạc sĩ. Nhà thơ Nguyên Hùng thì khiêm tốn nói rằng là bởi cái DUYÊN, nhưng tôi thấy, từ phép biện chứng mà suy xét thì đều có căn nguyên của nó cả.

Tôi không biết nhà thơ Nguyên Hùng làm thơ từ bao giờ, nhưng chắc là anh làm thơ từ rất sớm, bởi tôi đã được đọc một số bài thơ của anh sáng tác thời anh đang còn là một sinh viên và biết anh bắt đầu viết nhiều từ đầu thế kỷ 21. Tôi quen biết, rồi trở nên thân thiết với anh từ đầu thế kỷ 21, khi chúng tôi cùng sinh hoạt ở Hội thơ Nghệ Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh và được tham gia trang Vneweblog.com, một trang mạng xã hội trực tuyến do anh làm chủ nhiệm, một địa chỉ thơ văn khá sôi nổi vào những năm đầu thế kỷ 21. Cũng nhờ vậy tôi đã được đọc khá nhiều thơ của anh. Tôi rất thích thơ anh.

Nhà thơ Nguyên Hùng viết khá chuyên cần và đều đặn. Anh viết với nhiều thể thơ, từ thơ Đường luật, cảc thể thơ truyền thống cho đến thơ mới. Dù viết ở thể thơ nào thì anh cũng rất quan tâm đến việc gieo vần và nhịp điệu. Vì vậy đọc thơ anh luôn thấy du dương, ngọt ngào, nhạc tính cao. Về ngôn từ, anh không thích dao to búa lớn mà chỉ thích dùng những từ bình dị nên thơ anh rất nhẹ nhàng nhưng dễ thấm. Về đề tài, thơ Nguyên Hùng đề cập khá rộng từ tình yêu đôi lứa, gia tộc, quê hương đất nước cho đến tình bè bạn, tình người, nhân tình thế thái, các anh hùng dân tộc, danh nhân; từ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cho đến chiếc cầu mới xây, một vùng đất mới phát triển... Trong thơ của anh luôn thể hiện rất rõ trách nhiệm của một công dân. Anh vui mừng khi đất nước ở thêm một tuyến đường, quê hương có thêm một chiếc cầu; anh luôn ca ngợi những điều tốt đẹp, những tấm lòng cao cả, nhưng cũng không tiếc lời lên án những việc làm tiêu cực, tham ô tham nhũng và anh luôn bày tỏ thái độ bức xúc, căm thù rõ rệt khi đất nước, biển đảo bị kẻ thù nhòm ngó, xâm lăng…

Tôi nghĩ, yếu tố trách nhiệm công dân và tình yêu dân tộc, quê hương đất nước trong thơ Nguyên Hùng là yếu tố đầu tiên tạo nên sự xúc động làm làm rung động trái tim các nhạc sĩ khi đọc thơ anh. Mặt khác, thơ Nguyên Hùng có ngôn từ rất đẹp, hình tượng truyền cảm, nhạc tính cao đã tạo nên sự đồng cảm, sự cộng hưởng của tấm lòng giữa nhạc sĩ và nhà thơ. Có lẽ chính những điều này đã tạo nên sự thu hút, sự chú ý của các nhạc sĩ khi đọc thơ Nguyên Hùng và rồi đi đến phổ nhạc thơ anh.

Sự đa dạng và phong phú về đề tài của thơ Nguyên Hùng cũng là yếu tố góp phần làm cho thơ anh được phổ nhạc nhiều thêm. Ngoài lĩnh vực tình yêu đôi lứa, anh cũng có rất nhiều bài thơ hay về những điều tốt đẹp khác đáng ngợi ca trong cuộc sống như các anh hùng lực lược vũ trang, anh hùng thời kỳ đổi mới, những tấm lòng nhân nghĩa, những niềm vui bình dị của một cô giáo, một bác sĩ, niềm tự hào của một miền quê… Nỗi niềm của anh, những hình tượng đẹp của đất nước, của dân tộc trong thơ anh đã được các nhạc sĩ đồng cảm, yêu thích và thế là các khúc về những đều anh ca ngợi lại được cộng đồng lưu truyền dưới hình thức một bài hát.

Không ít ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng nhìn chung được nhiều người yêu thích, được phổ phổ biến rộng rãi trong cộng đồng cả thành thị đến nông thôn; nhiều ca khúc còn được các ca sĩ chọn hát biểu diễn trước ông chúng, dựng MV, clips đưa lên mạng xã hội; được các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và các đài phát thanh truyền hình địa phương phát sóng. Đây là điều đáng mừng và thật đáng tự hào cho nhà thơ Nguyên Hùng và cũng rất đáng trân trọng đối với mỗi chúng ta.

Cả phần nhạc và phần lời đều rất quan trọng với một bài hát. Nếu chỉ có phần nhạc hay thôi ca khúc cũng không thu hút được sự yêu thích của công chúng. Ngược lại nếu chỉ có phần lời tạo nên sự xúc động thôi thì bài hát cũng không được nhiều người thích. Bởi vậy một bài hát được nhiều người yêu thích là phải có cả phần nhạc lẫn phần lời đều hay. Các ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phú Quang được cả giới trẻ lẫn người già yêu thích là bởi cả phần nhạc và phần lời ca đều rất hay. Cũng vậy, các bài hát phổ thơ Xuân Quỳnh như Thuyền và biển, Sóng,… của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được yêu thích từ thế hệ này đến thế hệ khác là nhờ cả nhạc lẫn lời đều tuyệt diệu. Bởi thế, phần lời trong các bài hát phổ thơ Nguyên Hùng góp phần quan trọng để bài hát bay xa và làm xao động mọi con tim của thính giả.

Một vấn đề hết sức quan trọng làm cho các bài hát phổ thơ Nguyên Hùng được nhiều người yêu thích là bởi nó nói lên được tiếng lòng của người hát cũng như người nghe, nhờ vậy tạo được sự đồng cảm của cả người hát lẫn người nghe. Nguyên Hùng rất giỏi trong việc dùng các hiện tượng của đất đất trời, sông biển để diễn đạt những vấn đề trừu tượng trong trong tình yêu, tình cảm và nội tâm con người cũng như việc nhân các hoá, thổi hồn vào các vật vô tri vô giác. Thí dụ, nói đến sự lớn lao bao la của tình yêu đôi lứa anh dùng hình tượng của biển: Em chỉ là giọt nhỏ/Giữa dòng đời lặng trôi/Mà trước em anh ngỡ/Trước muôn trùng biển khơi (Biển và em) hay Không gió thổi/biển làm gì có sóng/không có em anh đơn lẻ trên đơi (Cánh buồm tình ái). Anh viết về sự vất vả của cha anh: Đời cha không có tuổi xuân/Tay chài tay lưới, lạch gần luồng xa/Một mình cõng đủ cả nhà/Chục người cùng chú với bà, cha bơi (Nhớ cha) nhưng đó cũng là nỗi cực nhọc, cái vất vả của người dân xứ biển. Khi dự án cầu Cửa Hội được khởi công, anh đã rất vui mừng: Điều mơ ước bao đời nay đã đến/Một nhịp cầu thoả nỗi chờ mong (Nhịp cầu cửa bể). nhưng nỗi mừng vui của anh cũng là niềm vui của người dân Nghi Lộc, Nghi Xuân nói riêng và Nghệ An, Hà Tĩnh nói chung. Nhờ biết cách đưa vào hồn cốt của quê hương, dân tộc… mà dưới ngòi bút của anh từ chiếc cầu, một loài hoa, một cây cổ thụ, một con sông, một bến đò, một hòn đảo, một vùng đất đều rất sống động và rất đáng yêu. Đó là tiếng lòng của anh nhưng cũng trùng hợp với tiếng nói con tim, tình cảm, mong ước, niềm hân hoan, niềm tự hào của của cộng đồng.

Viết về tình yêu, Nguyên Hùng đã đưa vào thơ được mọi giai đoạn, mọi cung bậc của tình tình yêu, từ thuở còn là học sinh cho đến lúc già lão; từ sự khát khao cho đến sự đắm đuối khi bên nhau, cả sự mong chờ khắc khoải khi phả xa nhau và cả nỗi buồn không thể đong đếm được khi không còn được bên nhau. Đọc lời thơ: Đường xưa xanh mộng ướ/Đôi chân bước nhẹ thênh/Bầu trời xanh ngọc biếc/Tóc em trôi bồng bềnh//Đường xưa thơm hương cỏ/Bước chân em thật mềm/Phượng hồng xoè ô đỏ/Làm khung trời dịu êm (Đường xưa ao trắng) thì chẳng cô cậu học sinh trung học nào không thích, chẳng trái tim bạn trẻ nào không lâng lâng xao xuyến; Biển triệu năm cứ xanh/Mây triệu năm cứ bạc/Nghìn năm em và anh/Yêu mãi hoài vẫn khát (Ngàn năm em và anh), hoặc Nhớ nhau không kể là đâu/Bãi Trước anh đợi, Bãi Sau em chờ/Nhớ nhau như sóng nhớ bờ/ Như thuyền nhớ biển đợi giờ gió lên (Hai khúc nhớ) – một tình yêu thật sâu sắc, thật đằm thắm… Còn rất nhiều, nhiều lắm trên các ca khúc trong tập sách thơ – nhạc TRĂM KHÚC HÁT MỘT CHỮ DUYÊN của anh mà trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này không thể trích dẫn hết được.

Một điều rất thú vị ở một số ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng mà tôi rất thích là trong một ca khúc nhưng vừa nói lên được cả tình yêu thương quê hương đất nước và cả tình lứa đôi. Nguyên Hùng rất khéo lồng các kỷ niệm xưa của đôi lứa với quê hương xứ sở với nỗi nhớ ngọt ngào da diết người mình yêu, mãnh đất mình từng sống làm cho ta càng thêm yêu, thêm gắn kết với quê hương xứ sở. Tiếng sóng thầm thì thao thức bờ xa/Lời hẹn tuổi thơ ủ xanh nhẫn cỏ//… Anh và em trôi dạt mấy góc trời/Nhưng tình quê đâu thể cạn vơi/Như sông quê sóng không thôi dào dạt (Tìm em ngược dòng sông nhớ). Trong lời hát của các ca khúc Bến xưa, Lời hẹn tình quê, Gửi dòng sông câu vi… và bao ca khúc nữa đều có một sự hoà quyện tuyệt vời giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu xứ sở quê hương. Tôi nghĩ, chính điều này đã làm cho nhiều ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng được cộng đồng tâm đắc, được các ca sĩ chọn để biểu diễn trước công chúng và các đài Phát thanh truyền hình lên sóng.

Thơ hay thì nhiều lắm, nhưng có thơ được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc thì không nhiều và có nhiều ca khúc được cộng đồng yêu thích và sống mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác thi lại càng hiếm hoi. Chúc mừng nhà thơ Nguyên Hùng và hy vọng anh còn tiếp tục sản xuất được nhiều bài thơ hay để ĐỜI có thêm những khúc hát bất tử.

Tp. Hồ chí Minh đầu tháng 9/202
P.G.



Nhà thơ Phố Giang phát biểu ban đầu về “Ký họa thơ”:


"Mảnh ghép" PHỐ GIANG trong tập 102 MẢNH GHÉP VĂN NHÂN, Nxb Hội Nhà văn, 2017:

 

Một số hình ảnh nhà thơ Phố Giang với bạn bè Nghệ Tĩnh tại TPHCM:

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm
Đọc Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà thơ Trần Kim Dung
Xem thêm