- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Bay về phía bão
Bay về phía bão
BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
BAY VỀ PHÍA BÃO
Cơn bão gần quần thảo ngoài khơi
Biển quê hương cong mình đón gió
Đất cháy khô phập phồng chờ mưa lũ
Những nụ cười phảng phất lo âu
Tôi bay về phía - bão - hẹn - nhau
Mang theo những buồn vui ấm lạnh
Lòng hồi hộp chờ phút giây hạ cánh
Phía sau lưng vương vít vệt khói chiều
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu
Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Phía mờ xa vọng tiếng cười trẻ nhỏ
Phía mong chờ - nơi ấy là em...
Tôi bay về giữa quê mẹ bình yên
Mặc bão dữ đang gầm gừ cửa biển
Khi đã hẹn có thể nào không đến
Bão giông nào cản được sóng - vì - nhau?
Cửa Hội, 17-7-2010
Nguyên Hùng
CẢM NHẬN KHI ĐỌC BÀI THƠ "BAY VỀ PHÍA BÃO"
Trần Đăng Vinh
Ngay từ tiêu đề của bài thơ ta đã thấy được một điều rất lạ: thường thì khi có bão, người ta sẽ tìm cách tránh bão, hay di tản đến vùng an toàn, đợi khi bão tan sẽ quay trở lại. Ấy vậy mà ở đây tác giả lại làm một điều ngược lại là tiến về nơi có bão mà không phải là đi mà là "bay". Phải chăng ở nơi có bão ấy có điều gì bí ẩn, cuốn hút tác giả?
Câu thơ đầu tiên đã chỉ ra ngay một sự thật: bão sắp đổ bộ vào vùng biển miền Trung - quê hương của ông. Vùng biển ấy lại "cong mình đón gió" . Tác giả không dùng từ chịu gió mà là đón gió, một động từ mang tính chủ động của người dân vùng quê suốt đời sống chung cùng bão lũ.
Ai đã từng là con dân vùng biển, là đứa con của dải đất miền Trung thì sẽ hiểu được cảm giác của người dân, nhất là với nhưng người dân vùng biển nơi đây. Nơi nắng khô cả giọt mồ hôi của những người lao động. Tác giả đã nhắc đến một sự thật đau lòng mà sống động:
Đất cháy khô phập phồng chờ mưa lũ.
Bão về, người dân biết sẽ có mưa tưới cho một vùng quê khô hạn, vậy mà sao "những nụ cười" vẫn "phảng phất lo âu". Đọc câu thơ nghe thắt nghẹn, đắng lòng.
Là người con của dải đất miền Trung, tác giả càng thấu đến tận cùng cái đắng lòng dẫu chỉ thoáng trong nụ cười cũng không qua khỏi con mắt tinh đời của ông, và ông đã bật lên câu thơ đó. Phải là người từng sống trong bão lũ, và hơn cả là tình yêu quê hương da diết thì mới có thể viết lên những vần thơ súc tích cô đọng này.
Vì lời hẹn với quê hay vì lời hẹn với người bạn tri âm lâu ngày xa cách mà ông can cường "bay về phía bão?" Ông "BAY VỀ PHÍA BÃO" khi trong ông cũng đang dữ dội bão lòng. Một cơn bão lòng giằng xé từ mọi phía, với đủ mọi cung bậc cảm xúc trào dâng để ông:
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu
Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Phía mờ xa vọng tiếng cười trẻ nhỏ
Phía mong chờ - nơi ấy là em...
Đọc khổ thơ này ta nhớ câu: "Thân này ví xẻ làm đôi...". Nhưng ở đây tác giả không còn ví xẻ làm đôi nữa mà là ông muốn chở che tất cả, yêu thương tất cả, làm tất cả vì những người thân yêu. Qua khổ thơ ta nhận biết tác giả là người sống nội tâm và nặng tình.
Đoạn cuối tác giả đưa ta về với thực tại: ông đang bay về nơi bão đến nhưng ông không coi đó là nơi nguy hiểm bởi đó là quê mẹ - nơi chôn rau cắt rốn của ông - quê mẹ thì sao có thể nguy hiểm được? Đó là nơi bình yên nhất của cuộc đời ông cũng như với mỗi chúng ta.
Tôi bay về giữa quê mẹ bình yên
và
Mặc bão dữ đang gầm gừ cửa biển
Câu thơ "Mặc bão dữ..." là một lời thách thức. Bão có lớn đến đâu, có ghê gớm dữ dội đến đâu thì cũng không sao ngăn được tác giả thực hiện một lời hẹn:
Khi đã hẹn có thể nào không đến
Bão giông nào cản được sóng - vì - nhau?
Đọc đầu đề tập thơ "BAY VỀ PHÍA BÃO" ta có cảm giác rằng đây là một con người ngạo mạn. Nhưng khi đọc hết bài thơ cùng tên ta hiểu ra rằng: tác giả là một người đằm thắm, nặng tình và rất trọng chữ tín.
Vâng, đúng vậy, không trọng chữ tín thì làm sao có thể:
Bão giông nào cản được sóng - vì - nhau?
HP, 13/7/2013 - T.Đ.V.
___________
Ảnh trong bài: Bìa sách do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thiết kế.