- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Phan Ngọc Quang: Đọc bài thơ Thăm lại Khe Sanh
Phan Ngọc Quang: Đọc bài thơ Thăm lại Khe Sanh
BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
PHAN NGỌC QUANG
Tôi không rõ bài Thăm lại Khe Sanh của nhà thơ Nguyên Hùng đăng ở trang văn nghệ nào nhưng vào facebook của tác giả Trương Quang Thứ mới bắt gặp được bài thơ lục bát có 10 câu gọn ghẽ, xinh xắn này. Không quá lời khi nhà thơ họ Trương đưa ra lời trò chuyện với tác giả với nguyên văn: “Bài thơ Thăm lại Khe Sanh rất xúc động, anh ạ”. Tôi chỉ biết tác phẩm là kết quả của chuyến đi về nguồn mang tên Âm vang Trường Sơn do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức vào thượng tuần tháng 11 năm nay.
Nguyên Hùng ghi dấu mốc ra đời đứa con tinh thần của mình 10/11 có nghĩa là sau 3 ngày hành trình Âm vang Trường Sơn xuất phát. Không gian bài thơ được gói gọn trong một buổi chiều ở Khe Sanh khi anh thăm lại chiến trường cũ. Nhắc đến Khe Sanh là nhắc về địa danh mang trong mình một thời đạn lửa do quân thù lấy đây làm mục tiêu trọng điểm để hòng cắt đứt mạch máu đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1972 với chiến dịch Lam Sơn, mảnh đất này đã có tên gọi “đồi xay thịt” vì không có biết bao nhiêu người ngã xuống trong Mùa hè đỏ lửa bởi cuộc chiến cam go. Nhớ lại hồi đó khi vừa xong lớp 7, qua đài phát thanh lớp trẻ chúng tôi đã biết đến chiến dịch Anh Cả đỏ, Tia chớp nhiệt đới kinh hoàng. Cách xa Quảng Trị 200 km nhưng quê tôi cũng bị bon cày đạn xới nên năm 1972 học sinh lúc đó được đặc cách tốt nghiệp cấp 2. Người bạn thân nhất của tôi cũng không thể vào học cấp 3 vì cả gia đình bị bom vùi sâu trong lòng đất. Thế nhưng cũng trên mảnh đất này nhiều địa danh đã trở thành niềm tự hào của quân và dân nơi đây bởi những chiến thắng lừng lẫy như Cam Lộ, Phú Ngã, Làng Vây, suối La La, đồi Không Tên... hay tên người vang dội như Bùi Ngọc Đủ, Trần Minh Nghĩa... Chiến dịch Đường 9 Nam Lào chiến thắng đã trở thành câu trả lời mạnh hơn quả đấm thép làm cho quân địch sợ hãi, khiếp run. “Nghe trong ruột đất chiến tranh thét gào”, chỉ có những người thế hệ của tác giả mới hiểu được lời của đất đang thì thầm dưới chân mình như thế. Dù tác giả có tham gia trực tiếp chiến đấu hay không nhưng chiến dịch Mùa hè đỏ lửa tại mặt trận Khe Sanh qua cảm thức của anh tưởng như vẫn nóng rát theo chiều dài thời gian.
Hôm nay, nếu chạy xe dọc đường 9 để ngược lên Lao Bảo thì ta chỉ thấy màu xanh ngút ngàn của cuộc sống mới đã hồi sinh tròn nửa thế kỷ, ít ai nghĩ đến nơi đây là trận chiến địa sinh tử bởi những cuộc giằng co một mất một còn. Phải chăng Nguyên Hùng đã bắt gặp một mảnh bom còn sót lại hay ghé Làng Vây và sân bay Tà Cơn nhìn thấy các loại chiến xa mà anh đã viết được câu thơ đầy gan ruột đó. Đây không chỉ là tâm sự của con người mà còn là tâm sự của đất đai sau 50 năm vẫn quặn lòng vì tiếng súng. Nhưng thật ra, tiếng nói của đất cũng chính là tiếng lòng của con người bởi vì hơn ai hết, nhà thơ đã có một góc nhìn thật tinh tế.
Quê hương nơi nào cũng trải dài màu xanh thái bình nhưng có đến Khe Sanh mới thấy thẳm sâu bên trong màu xanh ấy là tiếng thầm thì của súng bom vẫn đêm đêm vọng về không dứt. Đất Khe Sanh lặng lẽ dấu nỗi đau chiến tranh trong ruột dù trời Hướng Hóa đã rợp cánh chim hòa bình. Có lẽ vì thế mà tác giả đã dùng từ “thét gào” rất đắc địa. Đúng là, chưa dễ lành đâu những vết thương chiến tranh bom đạn. Phải là một nhà thơ có sự nhận diện đúng về gương mặt cuộc chiến và đặc biệt là sự đồng điệu tâm hồn với vật vô tri vô giác như đất, núi, sông, Nguyên Hùng mới lắng nghe và thấu hiểu sâu như thế. Có hiểu đất nơi đây mới biết đất đang dấu mình những đợt sóng gầm về ký ức chiến tranh, lắng nghe được cả tiếng gào thét của thời gian quá vãng. Đến đây nghe một tiếng chim cũng giật mình tưởng tiếng đạn bom từ xưa vọng về trong chiều sâu ký ức. Câu thơ buồn trĩu nặng không chỉ được đặt trong không gian chiều tà mà còn day dứt lòng người bởi âm vang thao thức một thời hoa lửa Đường 9 - Khe Sanh.
Dọc theo Đường 9 – Nam Lào
Cành “cây nhiệt đới” níu cào cửa xe.
Mới đọc 2 câu thơ này có người nghĩ “cây nhiệt đới” là một loại cây rừng ở Hướng Hóa. Nếu thế câu thơ chỉ đơn thuần tả cảnh. Nhưng khi biết đây là một thiết bị điện tử ngày ấy của quân địch thả dọc được mòn để phát hiện sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến thì mới thấy độ liên tưởng tinh tế của nhà thơ. Bây giờ “cây nhiệt đới” chỉ có trong viện bảo tàng nhưng Nguyên Hùng vẫn cảm thấy còn có đâu đó trong núi rừng Khe Sanh. “Tên chỉ điểm” lợi hại này đã một thời là nỗi kinh hoàng của đường dây tiếp vận Trường Sơn vì không ít mục tiêu bị phát hiện. Nhìn cành khô vương quẹt vào xe mà anh đã có cảm nhận sâu về nỗi kinh hoàng mà chiến tranh đã để lại sau nửa thế kỷ. Khuôn mặt chiến tranh không còn nhưng bóng dáng của nó vẫn lẩn quất đâu đâu trong một thế hệ cầm súng khi thăm lại nơi xưa. Bài thơ không có nhiều từ đắt giá nhưng cùng với nhãn tự “thét gào” ở câu 2 và “níu cào” câu 4 thì có thể nhận diện được rất rõ “cửa sổ tâm hồn” của bài thơ này. Tưởng lên xe để đón gió hòa bình ai ngờ dư âm của chiến tranh vẫn còn bám đuổi mãi. Đó không chỉ là sự níu cào của “cành cây nhiệt đới” tinh ma mà đó là sự níu cào của nỗi đau rách da rách thịt mà chiến tranh cứ để lại.
Ông Lâm Hữu Đức, TP Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Thành ủy, nói về tác dụng của "cây nhiệt đới" trong dự án "Hàng rào điện tử McNamara" trước các nghệ sĩ trẻ Đoàn VNS TPHCM tham quan Bảo tàng sân bay Tà Cơn. Ảnh: N.H.
Đến làng Vây bỗng được nghe
“Lính tăng” trai gái múa xòe hát ca.
Phải đến 2 khổ thơ tiếp này, sự ám ảnh của chiến tranh mới được làm mờ. Làng Vây nằm trên đồi cao bên hông đường 9 từ xa đã thấy một chiến xa nằm ngủ tưởng như không bao giờ biết tỉnh giấc. 2 khổ đầu tuy không phải bức hình chết nhưng phải chờ đến khổ 3 mới nghe được lời thơ cất tiếng bởi các âm thanh rộn rã. Đó là lời của bài hát vui chiến thắng một thời vang dội như: Nghe tiếng pháo Khe Sanh, Tiếng hát trên đường quê hương, Con suối La La, Tiếng đàn Ta Lư... ngất ngây đất trời.
Năm nay hành trình “Âm vang Trường Sơn” về với Khe Sanh vô cùng ý nghĩa sau nửa thế kỷ đứng từ hiện tại oai phong để nhìn về quá khứ oai hùng. Có cái mất đi nhưng có những cái mãi trường tồn không những đáng tự hào mà còn ngưỡng vọng. “Đạn bom ngày ấy đã xa/ Máu xương đồng đội, thịt da hóa trầm”. Tưởng như đến đây tác giả mới rứt ra khỏi được dư ba cuộc chiến. Thắp nén nhang lên từng mộ chí, nhà thơ nghe thoảng mùi trầm lan tỏa khắp nơi. Mùi hương đó không chỉ chưng cất từ trầm quý mà còn tỏa khói vinh quang từ những vong linh của người đã khuất bởi màu cờ giải phóng. Như nhà thơ Tố Hữu từng ngợi ca: “Máu của các anh không uổng/ Sẽ tan trên đồng ruộng Việt Nam”. Dù nằm sâu trong lòng đất mẹ nhưng các anh đã mãn nguyện vì góp xương máu mình làm nên hình hài non sông vẹn tròn. Trong con mắt nhà thơ, máu xương, thịt da đồng đội đã hóa thành bảo vật của quốc gia vô giá. Cảm ơn Nguyên Hùng đã nói hộ lòng tôi và của hàng triệu triệu người con đất Việt khi cúi đầu nhớ về những anh hùng chỉ còn lại tên trên bia mộ. Ghi công ơn liệt sĩ, trả nghĩa nhớ nguồn bằng một câu thơ cũng thật quý biết bao.
Chỉ còn bóng mẹ lặng câm
Ngước nhìn mai nở âm thầm trước sân.
Dòng cảm xúc như bị chùng xuống khi đọc tiếp 2 câu cuối. Đã nhắc người chiến sĩ thì không thể không nhắc đến những người mẹ đã sinh ra anh. Cả khổ thơ vẫn không hề có một câu đối thoại nên dòng thơ cứ lặng lẽ im lìm trôi. Câu thơ không hề kể lể nhiều nhưng đọc đến đây mới thấy nỗi đau vẫn cứ day dứt khôn nguôi. Nỗi đau càng nhân gấp bội khi soi chiếu vào những trái tim người mẹ. Câu thơ gợi một không gian hoàng hôn buồn không rõ mặt người không một lời lên tiếng nhưng bao trùm lên trên đó là nỗi đau đoạn trường của những bà mẹ mất con vì hạnh phúc cho người khác. Nhà thơ đã đứng ở một góc nhìn khác sâu thẳm hơn để thấy được nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng dám hiến dâng những núm ruột yêu thương của mình mong chờ ngày thống nhất. Kết thơ buồn nhưng không bi lụy vì đó là hình ảnh mẹ già “Ngước nhìn mai nở âm thầm trước sân”. Thiên nhiên, hoa cỏ như đồng cảm với lòng người, dù nở hoa xinh nhưng cây mai vẫn lặng lẽ âm thầm như bóng mẹ đứng bên cạnh. Mẹ bớt cô đơn hơn vì hoa vẫn nở khi mỗi mùa, niềm hy vọng cuộc đời vẫn thắp sáng trên những nụ hoa vàng như lửa. Đó cũng là sắc vàng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được nhà thơ tô đậm dưới ngòi bút lạc quan của mình.
P. N.Q.
Đến Làng Vây bỗng được nghe
“Lính tăng” trai gái múa xòe hát ca.
Mời đọc bài liên quan: Một bài thơ, hai bài bình sâu sắc