TIN TỨC
icon bar

Giếng sâu | Truyện ngắn Nguyễn Trường

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-31 13:33:05
mail facebook google pos stwis
3646 lượt xem

NGUYỄN TRƯỜNG

Mỗi lần đi làm đồng về, dù mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng, áo quần ướt đẫm như vừa dính mưa, Quảng vẫn ào ra giếng, múc vội gàu nước rồi cứ để khuôn mặt đầm đìa mồ hôi vục vào gàu nước, uống ừng ực, nước vào đến đâu biết đến đó. Anh cứ để dòng nước mát chảy lên mặt, lên cổ, lên áo, thật đã khát, thật khoan khoái!

Cả xóm Mới, duy nhất nhà Quảng có giếng, tìm được đúng mạch nước tốt, giếng lại xây bằng loại đá xanh - có lẽ trên đời này khó có cái giếng thứ hai xây bằng loại đá đặc biệt như thế - nên điều kỳ diệu đã đến, nước giếng trong, mát như nước dừa xiêm buổi sáng.

Hôm nay Quảng vừa thả gàu chạm mặt nước, chưa kịp kéo căng sợi dây thì anh nghe tiếng thằng Tí hớt hải chạy về:

- Chú Hòa về! Ba ơi chú Hòa về!

Sợi dây gàu bỗng tuột khỏi tay Quảng, rơi xuống lòng giếng làm nó lật nghiêng rồi chìm nghỉm.

Quảng lẩm bẩm:

- Chú ấy đã về?

Như để trả lời câu hỏi của Quảng, ngoài ngõ tiếng trẻ con, tiếng người lớn gọi nhau, hướng về nhà Hòa, cách nhà Quảng mấy nóc gia.

Quảng bỗng thấy xây xẩm mặt mày, khó thở, tim đập loạn nhịp, anh phải dựa ngực vào thành giếng để khỏi ngã chúi đầu vào lòng giếng. Lúc tỉnh lại, Quảng giật mình nhìn thấy người dưới nước, khuôn mặt méo mó, đôi mắt thất thần. Anh cứ đứng soi mình vào đáy giếng như soi vào chính nơi sâu thẳm trái tim mình.

***

Làng Chế nằm gần ngã ba sông, hợp lưu của con sông Mã và sông Hoạt. Nơi đây gần cửa biển, đất trũng thấp nên mạch ngầm có độ phèn cao, nước giếng có màu vàng như gạch cua, vừa chua vừa chát. Bao đời nay dân làng phải ra tận sông Mã xa đến hơn hai cây số gánh nước về dùng. Dòng sông Mã, đoạn chạy qua Lèn, đổ ra cửa Lạch Trường, ngoại trừ những ngày có lũ, còn quanh năm nước trong ngăn ngắt, ngọt như vừa ở trong nguồn chảy ra.

Thường buổi chiều, khi đã dịu nắng, người làng Chế lại í ới gọi nhau đi gánh nước. Đó là niềm vui bởi họ được ra bờ sông, hứng từng đợt gió mát lồng lộng thổi, nhìn dòng sông rộng, sóng nước nhấp nhô, thuyền bè tấp nập, tiếng leng keng khua cá của đám thuyền chài… Dưới bến sông, các bác nông dân sau một ngày làm lụng vất vả, lấm lem bùn đất đánh trâu xuống tắm. Bầy trâu cũng rất khoái được đằm mình trong làn nước mát. Chúng cũng biết ngụp lặn, chỉ nhô lên cặp sừng cong cong rồi bất ngờ trồi lên mặt nước, thở đánh khì, làm bắn hai cột nước trắng xóa ở hai lỗ mũi. Lũ trẻ con cởi phăng quần áo, trần truồng từ trên đê phóng mình lên cao rồi ôm chặt lấy hai chân, rơi tự do xuống dòng nước. Chúng bơi lội, té nhau, hò hét vang cả một khúc sông.

Chỉ có Liên là không cảm được cảnh thanh bình tươi đẹp của quê mình, bởi chị phải vất vả hơn những phụ nữ khác. Chỉ riêng chuyện gánh nước, mỗi ngày chị đã phải chạy đi chạy về hơn tám cây số. Ngược lại với Liên, Quảng thích nhìn Liên gánh nước. Đôi quang gánh cong cong nhịp nhàng theo bước chạy đẹp như múa. Đối với Quảng, ấn tượng nhất là lúc Liên vo cao hai ống quần, để lộ đôi chân thon dài, trắng ngọc ngà, rẽ nước bước xuống bến sông. Liên lội ra xa bờ, chỗ nước chảy, nước trong và sạch hơn. Liên nắm chặt đôi quang, nghiêng người, vảy nhẹ, hai chiếc nồi đất đã vục đầy nước. Liên nhẹ nhàng rẽ nước lên bờ, đôi chân trần lại xuất hiện, trắng lấp lóa dưới ánh nắng chiều. Cảnh lấy nước ấy đã đi vào tiềm thức của Quảng lâu lắm rồi, từ ngày Liên mới 15-16 tuổi. Nếu Quảng không có vợ sớm, chắc anh đã tỏ tình với Liên. Quảng đành phải nhìn Hòa, em ruột của mình yêu Liên, cưới Liên. Bây giờ Hòa đang ở chiến trường.

Thời gian dần trôi. Liên không còn mảnh mai như hồi thiếu nữ, nhưng chị lại có vẻ đẹp khác, đằm thắm hơn: Bộ ngực căng phồng, mông to và đôi chân chắc khỏe càng làm những đường cong trên người Liên rõ nét hơn, hấp dẫn hơn. Liên được trời phú cho sức khỏe tốt nên từ làn da, đến mái tóc cứ tươi mát, xanh non mơn mởn.

***

Quảng lững thững đi lên bến Hàn, cách bến tắm của lũ trẻ một đoạn, phía trên thượng nguồn. Bến Hàn là đoạn đê xung yếu, được kè bằng đá chống sạt lỡ. Dòng nước ở đây chảy xiết, bờ đê dốc đứng. Tuy nhiên lấy nước ở đây sạch hơn, nước trong hơn. Dạo này Quảng thấy Liên hay ra bến Hàn gánh nước, chắc là chỗ cũ bị trâu và lũ trẻ làm cho nước không còn sạch nữa. Quảng đã tính dặn Liên đừng ra bến Hàn lấy nước, nguy hiểm. Tuy chưa có dịp nói, nhưng hễ Liên lên bến Hàn là Quảng bám theo, anh lo cho Liên.

Bữa đó Liên ra bến Hàn muộn hơn mọi khi, nắng đã tắt, tuy vậy trời còn sáng. Sông Mã về mùa thu nước trong có thể nhìn thấy những đàn cá bơi lội tung tăng lấp lóa dưới đáy sông. Sau khi đặt quang gánh xuống, Liên vấn cao mái tóc, xắn quần quá gối, để lộ đôi chân trắng nuột, từ từ lội xuống nước. Chỗ này đá gập ghềnh, Liên không thể đi nhanh như dưới bến tắm thoai thoải bờ cát. Quảng giật mình thấy hai tay Liên chới với, chị té nhào làm bắn nước lên tung tóe. Dòng nước xiết nuốt chửng lấy Liên, kéo ra xa. Tay Liên đập loạn xạ trên mặt nước. Rõ ràng Liên không biết bơi. Nhanh như con báo đuổi theo con nai, Quảng nhảy ùm xuống sông, thoăn thoắt rẻ nước tiến về phía Liên. Anh kịp nắm được tay chị. Người chết đuối thường có phản xạ, vớ được gì liền nắm chặt lấy. Quảng bị Liên ôm chặt, còn dìm anh xuống. Nếu là người không có kinh nghiệm, rất dễ dẫn đến cảnh hai người cùng dìm nhau mà chết. Nhưng Quảng đâu phải tay vừa, anh bình tĩnh nhoi người lên mặt nước hít đầy không khí vào lồng ngực rồi ôm Liên lặn sâu xuống đáy sông. Liên không kịp chuẩn bị nên bị ngộp thở, không còn sức để ôm chặt lấy Quảng. Lúc đó Quảng mới đạp mạnh chân xuống đất, ôm gọn Liên phóng ngược lên mặt nước. Một tay cắp Liên, một tay anh bơi đưa Liên vào bờ.

Quảng vác ngược Liên lên vai, xóc đều làm nước từ trong dạ dày Liên ọc hết ra miệng. Liên vẫn còn bất tỉnh, phổi đã ngừng thở, có lẽ tim cũng đã ngừng đập. Quảng đã được học qua việc cấp cứu, hô hấp nhân tạo. Anh thực hành ngay bài học. Một tay Quảng banh mồm, tay kia bịt mũi nạn nhân, anh hít một hơi dài rồi thổi vào miệng nạn nhân. Sau đó anh để tay trái lên lồng ngực nạn nhân dùng trọng lực của cơ thể ấn xuống với tốc độ vừa phải, nhịp nhàng, làm cho tim của Liên đập trở lại. Hơi thở của Liên đã trở nên đều đều.

Liên mở mắt, người đầu tiên nhìn thấy là Quảng. Phải một lúc, khi Quảng dìu Liên ngồi dậy chị mới nhớ lại những gì vừa xảy ra. Liên e thẹn kéo lại chiếc quần xộc xệch, cài lại cúc áo vừa bị bật ra. Nghĩ đến trường hợp Quảng ôm mình, ấn tay lên ngực mình, Liên thấy hai má nóng bừng. Chị nhìn Quảng với ánh mắt dịu dàng xen lẫn lòng biết ơn.

***

Quảng đã thay đổi sở thích ngắm Liên xắn quần lội xuống bến sông múc nước. Anh ước ao giá như mình đào được cái giếng có nước ngọt thì đỡ vất vả cho Liên. Nhưng đào giếng ở đâu để có nước ngọt? Phủ Chế nằm ở trên gò đất cao cuối làng, có nhiều cây cối sum sê, phải chăng cây cối ở đây hút nước ngọt dưới tầng sâu nên tươi tốt?

Quảng rủ mấy bác nông dân ra phủ Chế nhằm chỗ cây cối tốt nhất đào sâu xuống. Quả nhiên có nước ngọt. Mọi người reo lên, còn Quảng nhảy choi choi như một đứa trẻ trước sự kiện kỳ lạ này.

Có nước là có sự sống, Quảng quyết định dời nhà ra phủ Chế. Anh còn rủ được hơn chục hộ khác ra đây dựng nhà. Bà con hăm hở theo anh vì địa thế nơi đây vừa cao ráo, thoáng mát lại vừa có nước ngọt. Mấy tháng sau, phủ Chế trở nên đông vui, trong số đó có nhà của mẹ con Liên.

Bữa đào giếng, Quảng đã “khảo cổ” được một lô một lốc tượng được tạc bằng đá xanh, có cả tượng ông Phủ. Nghe đâu cách đây bốn năm thế kỷ, ông Phủ có công với triều đình, được vua phong đất, cho lập phủ thờ. Hồi trước cải cách ruộng đất, phủ Chế thiêng lắm. Quảng nhớ rõ trong phủ thờ ba vị tiên thánh, nhị vị thánh bà, nhị vị đức ông và rất nhiều tương Phật. Riêng nhị vị đức ông đứng ngoài hiên, mỗi ông cầm một cây thanh long đao, uy nghi như Quan Công thời Tam Quốc. Trẻ con cưỡi trâu đi qua cổng phủ, phải tuột xuống đi bộ, nếu không sẽ bị ông Phủ hành tội. Cuộc cách mạng long trời lở đất năm 1954-1955 diễn ra, người ta thể hiện tinh thần đoạn tuyệt với quá khứ phong kiến bằng cách phá tan những nơi thờ cúng, đền chùa, miếu mão. Bắt đầu từ Nghè trước, phe Văn, phủ Chế, cuối cùng là đình làng.

Những pho tượng bằng đá xanh gợi cho Quảng việc xây giếng. Loại đá này tốt, có đến muôn đời nước cũng không ăn mòn được. Ôi, Phật cũng được làm từ đá, thì nay hãy trở về với đá!

Nhiều năm về sau, người làng Chế vẫn còn kể lại cảnh Quảng vung búa tạ phang vào đầu các bức tượng. Bữa đó sau hai nhát búa tạ bổ xuống đầu ông Phủ tóe lửa, tượng vẫn không hề sứt mẻ, Quảng bỏ búa, chắp tay trước ngực khấn:

- Xin lỗi các ông. Nếu để các ông nằm lăn lóc ở đây rồi người ta sẽ làm ô uế các ông mất. Hãy để tôi đưa các ông xuống giếng, các ông vừa yên thân vừa được tắm mát quanh năm.

Khấn xong, với cánh tay rắn chắc, Quảng vung búa, lấy hết sức bình sinh đập vào đầu ông Phủ. “Choang”, một tiếng nổ khô khốc, bức tượng bỗng vỡ ra thành nhiều mảnh.

***

Từ ngày được xây bằng đá xanh, giếng nhà Quảng vừa đẹp vừa cho nước trong hơn, ngọt mát hơn. Giếng trở thành điểm đến của bà con xóm Mới. Mọi người rất phấn khởi, khen Quảng không tiếc lời. Liên lại thấy hành động của Quảng có cái gì đó không ổn, chị cứ lo lo…

Chiều nào cũng vậy, sau khi múc nước từ giếng lên, đổ tràn bể nước nhà mình, Quảng lại xách nước sang đổ đầy hai chum nhà Liên. Nhờ có Quảng, Liên cũng đỡ vất vả hơn. Hoàn cảnh của nhà Liên làm Quảng cứ phải quan tâm. Chồng thì cứ đi xa biền biệt, mấy năm rồi chẳng nhận được tin tức gì. Nhiều lúc Quảng bắt gặp Liên khóc, nhất là khi trong làng có người hy sinh, làng làm lễ truy điệu. Nhiều đêm Liên mơ thấy Hòa về, nhìn chị, không nói gì. Liên nhào đến thì Hòa lại lùi ra xa rồi biến mất. Liên kể về giấc mơ của mình, nhiều người nói, đó là điềm gở.

Quả đúng như giấc mơ của Liên, nửa năm sau tin Hòa hy sinh đã bay về xã, sau đó là giấy báo tử, rồi người ta làm lễ truy điệu. Những ngày đó nếu không có Quảng, chẳng biết Liên sẽ sống ra sao.

Trai tráng trong làng hết đợt này đến đợt khác ra mặt trận. Làng chỉ còn lại toàn đàn bà, ông bà già và trẻ con. Nếu không có bố hy sinh ở Điện Biên Phủ, em trai đang ở mặt trận, rồi hy sinh, chắc Quảng cũng không có mặt ở làng. Quảng trở thành “mì chính cánh” trong con mắt chị em phụ nữ. Tuy nhiên, Quảng không để ý đến ai ngoài Liên. Liên ở vào lứa tuổi ngoài hai mươi, cái tuổi tràn đầy sinh lực. Lấy chồng mà có được gần chồng mấy đêm. Nhiều hôm Liên thấy thật cô đơn. Chị xao xuyến khi nghĩ đến vòng tay của một người đàn ông. Mà trong làng có còn ai là đàn ông ngoài mấy ông già đã hết hơi, đã lẩm cẩm. Chỉ còn có Quảng. Chồng Liên lại rất giống Quảng. Nhiều lúc nhìn Quảng xách nước, lạch bạch chạy từ giếng về, Liên cứ ngỡ đó là Hòa.

Chiều hôm ấy, sau khi đổ xong hai thùng nước vào chum nhà Liên, Quảng ngẩng lên gặp Liên đang tắm trong cái nhà tắm mà chính anh đã dựng cho Liên. Nhưng vì lâu ngày những tấm phên nứa đã mục hở mấy lỗ, Quảng nhìn thấy thấp thoáng mảng da thịt trắng nõn nường của Liên. Đầu óc Quảng quay cuồng như vừa uống một ly rượu mạnh.

- Anh Quảng lấy hộ em chiếc khăn…

Tiếng Liên có gì không bình thường.

Quảng chạy lại dây phơi, giật vội chiếc khăn. Anh tính ném chiếc khăn vào phòng tắm cho Liên thì như một định mệnh, cơn gió lớn ào đến làm bật tung cánh cửa phòng tắm. Quảng sững sờ nhìn thấy Liên vội ôm lấy bộ ngực trần ngồi thụt xuống. Quảng bước vào phòng tắm như một người mộng du…

***

Chuyện của Quảng và Liên trở thành đề tài bàn tán trong làng ngoài xóm. Vợ Quảng là người biết chuyện sau cùng. Nhưng chị cũng không dám làm to chuyện, dẫu sao cũng là chuyện trong nhà. Cái thai trong bụng Liên lớn dần làm cho gia đình Quảng không thể “đóng cửa bảo nhau” được nữa. Đó là mối nhục của gia đình, dòng họ…

Năm 1967, máy bay Mỹ ra miền Bắc đánh phá rất ác liệt. Các địa phương đều có đội dân quân trực chiến bắn máy bay khi chúng sà xuống thấp. Đội dân quân của Quảng được trang bị hai khẩu 12 ly 7 và mười khẩu súng trường. Đội dân quân đã đánh mấy trận với máy bay Mỹ. Quân Mỹ cũng phát hiện ra trên núi Thạch Quỳ có lực lượng phòng không nên gọi máy bay đến ném bom. Lửa bùng lên, tiếng bom nổ long trời, khói trùm lên mù mịt, khét lẹt, tiếng máy bay xé gió, tiếng rít của đạn rốc-két… Nhiều người bỏ chạy vào hầm trú ẩn. Chỉ có Quảng vẫn hiên ngang tì vai vào báng súng, nhằm thẳng vào máy bay Mỹ nã đạn.

Tinh thần chiến đấu của Quảng được nêu gương cho các địa phương khác trong tỉnh học tập. Chỉ Liên hiểu thật hành động của Quảng. Nếu anh hy sinh trong chiến đấu, may ra mới gột rửa được vết nhơ trong gia đình.

Quảng không né tránh bom đạn, thì bom đạn lại né tránh anh. Anh muốn chết mà trời cứ bắt phải sống, sống để đối diện với những sai lầm của chính mình.

***

Hòa quả là người từng trải - qua lửa đạn sống chết trở về có khác. Hàng xóm không nghe thấy vợ chồng Hòa cãi nhau. Ngày anh về, bà con đến thăm, chỉ thấy anh cười rất tươi. Cuộc chiến ngoài mặt trận mới là việc lớn, đáng để kể, còn chuyện của Liên chỉ là “chuyện nhỏ”. Người ta thấy anh đối xử với đứa con “cải thiện thêm” của Liên rất nhân ái. Nhưng hình như mặt nước lặng sóng chưa chắc không có sóng ngầm dưới đáy sâu. Hoàn cảnh của Hòa buộc anh phải xử sự như vậy, anh không thể la mắng vợ, càng không thể bỏ vợ vì dù sao để xảy ra chuyện động trời đó lại chính là anh trai mình. Dư luận trong làng cứ xì xào, người ta đoán già đoán non và chờ đợi điều gì đó sẽ xảy ra.

Điều đó đã xảy ra thật! Cả xóm Mới xôn xao đổ dồn đến giếng nhà Quảng. Một người đàn ông đưa từ đáy giếng lên thi thể người đàn bà. Người ta xốc nước, làm hô hấp nhân tạo nhưng đã quá muộn, Liên không thể sống lại như lần chị chết đuối năm xưa.

Cái giếng duy nhất ở xóm Mới không còn ai dám đến lấy nước nữa. Không lâu sau, nước bỗng trở màu gạch cua.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Mùa xuân của làng | Bút ký của Nguyễn Trường
Bài đăng Văn nghệ số Tết dương lịch (số 1, ngày 7/1/2023)
Xem thêm
Đồi Phượng Hoàng | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Đồi Phượng Hoàng - truyện đăng Văn nghệ số 37+38
Xem thêm
Những tay chơi Hà Thành
Ký của TS Hoàng Quỳnh Anh
Xem thêm
Quà tặng tương lai | Truyện ngắn Nguyễn Trường
Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017
Xem thêm