- Truyện ký - Tản văn
- Hoa hậu - điệp viên Thu Trang (kỳ 2)
Hoa hậu - điệp viên Thu Trang (kỳ 2)
Truyện ký của Đinh Quang Tỉnh
KỲ II (3 kỳ)
Trở lại với Công Thị Nghĩa, sau khi rời khỏi nhà tù của thực dân, trong hoạt động bí mật, bà được sự dìu dắt và động viên của bà Nguyễn Thị Châu Sa và nhà báo Đỗ Duy Liên. Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, đỏi hỏi điệp viên phải trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề. Bà đã gấp rút hoàn thành một khóa đào tạo chính quy về báo chí để công khai hoạt động bằng nghề ký giả, chuyên viết về văn hóa - nghệ thuật với các bút danh: Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… nhiều bài viết của bà xuất hiện trên các báo: Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống…
Bà Thu Trang là một phụ nữ dũng cảm phi thường, bà đã chọn cả hai nghề nguy hiểm nhất để dấn thân vào công cuộc đấu tranh cách mạng, đó là nghề điệp viên - một trong những nghề bí ẩn và nguy hiểm nhất thế giới với tính chất hiểm nguy mà thậm chí "một đi không trở lại", Một nghề vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng. Thứ hai là nghề làm báo, đầy đam mê và cám dỗ, vất vả cả về thể lực, trí lực với trách nhiệm xã hội cao. Cái tâm của người làm báo chính là đạo đức nghề nghiệp. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà Thu Trang đã thâm nhập được vào cơ quan trọng yếu của chính quyền tay sai và tiếp xúc với nhiều quan chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nên đã khai thác được những tin tức quan trọng mà mọi hoạt động của bà vẫn che được mắt của bọn mật vụ.
Tình hình miền Nam lúc bấy giờ được sự trợ giúp mạnh mẽ của đế quốc Mỹ, Ngô Đình Diệm đã đẩy mạnh việc thanh toán những phe phái đối lập, tập trung mọi cố gắng để “tiêu diệt cộng sản”, với những đợt “tố cộng”, “dồn dân” vào ấp chiến lược. Với Luật 10-59, Diệm phát động nhiều chiến dịch quy mô lớn, kéo dài để khủng bố, tàn sát những người kháng chiến cũ. Chúng đã tìm mọi cách kìm kẹp, chia rẽ, khủng bố, đàn áp phong trào… đưa các đại diện học sinh, sinh viên ra xét xử, bắt bớ hàng trăm Đảng viên, Đoàn viên và quần chúng tích cực ở các trường Petrús Ký, Gia Long, Nguyễn Bá Tòng…Trong nhà tù, chúng dùng nhiều hình thức mua chuộc, tra tấn, đánh đập đối với học sinh, sinh viên. Nhiều thanh niên, học sinh đã dũng cảm kiên cường, giữ vững khí tiết không đầu hàng, phản bội dân tộc. Cả miền Nam chìm trong cảnh khủng bố, tang tóc. Hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị giam cầm, đày ải, giết hại dã man. Đây là cuộc chiến tranh đơn phương tàn bạo chống lại nhân dân miền Nam khiến cho Cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất, khó khăn to lớn. Tuy nhiên, bạo lực không thể dập tắt được tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đòi thực hiện Hiệp định Genève, chống lại chính sách chia cắt và đàn áp của chính quyền tay sai Mỹ ngày càng dâng cao, buộc Mỹ phải gia tăng mức độ can thiệp để giữ cho những “con bài” của mình không sụp đổ. Đế quốc Mỹ đổ tiền và vũ khí cho chính quyền Sài Gòn gấp rút xây dựng lực lượng quân sự để thực hiện “Chiến tranh đặc biệt” với công thức: Quân đội Sài Gòn + Vũ khí Mỹ + Cố vấn Mỹ + Viện trợ Mỹ = Thành công.
Để đập tan âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu, tiến tới trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cùng với sự phát triển vững mạnh của lực lương vũ trang và nhân dân toàn miền Nam; Đồng thời, để hỗ trợ cho lực lượng tình báo của ta đã trưởng thành và phát triển ở khắp các đô thị trọng yếu của miền Nam, nhiều chiến sỹ tình báo đã leo cao, luồn sâu vào bộ máy quan trọng của địch. Trung ương đã cử những cán bộ tình báo lỗi lạc, trực tiếp vào căn cứ để chỉ huy như Trần Quốc Hương (Mười Hương). Biệt phái hàng loạt các nhà tình báo chiến lược của ta được đào tạo bài bản từ nước ngoài trở về phục vụ chiến trường như Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) – Điệp viên hoàn hảo “Ký giả số 1 Việt Nam”, là người tình báo đầu tiên của ta sang học báo chí tại Mỹ. Từ Miền Bắc theo đường “di cư” vào có lưới của Đinh Thị Vân - Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng - lấy vợ cho chồng để rồi suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch. Bằng trí nhớ tuyệt vời, sự quan sát chính xác với chiếc máy ảnh Betri nhà nghề, bà là người vẽ bản đồ phòng ngự Nam vĩ tuyến 17; Phạm Ngọc Thảo - “Nhà tình báo cô độc”; Vũ Ngọc Nhạ - Người xây dựng cụm tình báo chiến lược A22; Hoàng Minh Đạo - Cha đẻ của ngành tình báo Việt Nam, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63 vân vân… Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc vĩ đại, ngành tình báo của ta đã lập được nhiều chiến công vô cùng to lớn có ý nghĩa quyết định về chiến lược và thành công về chiến thuật.
Tình hình Miền Nam Việt Nam trong những năm 1960 - 1965 đã bước sang giai đoạn mới. Ngô Đình Diệm dùng Luật 10-59 để đàn áp những người kháng chiến cũ rất khốc liệt, như tra tấn, cầm tù, thủ tiêu con số lên đến hàng chục vạn người… Nhưng lực lương cách mạng vẫn trụ vững và phát triển mạnh mẽ. Khởi đầu là một đợt tiến công quy mô lớn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà trong đó chính trị vẫn đóng vai trò chủ đạo, với phương châm "Ba mũi giáp công" (quân sự, chính trị, binh vận). Phong trào có tên là “Đồng khởi” mà khởi đầu xuất phát tại tỉnh Bến Tre, rồi phát triển ra nhiều tỉnh, thành trong toàn miền Nam. Đến cuối năm 1960, lực lượng Giải phóng đã kiểm soát được phần lớn nông thôn miền Nam.
Một sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, gồm nhiều đại diện các thành phần tôn giáo, tầng lớp xã hội, dân tộc khác nhau ở miền Nam Việt Nam. Ngày 15/2/1961, thành lập Quân Giải phóng miền Nam. Lực lượng của ta đã đủ mạnh để đánh thắng nơi nào là thành lập ngay "chính quyền cách mạng" ở nơi đó.
Trong khí thế tiến công của cách mạng, các chiến sĩ tình báo của nội thành Sài Gòn hoạt động như con thoi, khai thác được nhiều tin tức quan trọng gửi về căn cứ. Hoa hậu Thu Trang với tư cách nhà báo và là minh tinh màn bạc nổi tiếng; Bà đã có nhiều cơ hội để tiếp cận với giới thượng lưu và quan chức của chính phủ Sài Gòn, khai thác được nhiều thông tin cơ mật. Nhưng chẳng được bao lâu thì một “tai họa” đã ập đến - bà mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nên bà bị tẩy chay, uy tín bị sụp đổ hoàn toàn. Sự việc này đã đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp làm báo và làm điệp viên của Thu Trang. Bà đã quyết định bỏ lại tất cả để tìm đường đi nước ngoài, như một cuộc chạy trốn trong hổ thẹn để mong tìm được một cuộc sống mới.
HOA HẬU SÀI GÒN
Đầu năm 1955, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo của chính quyền miền Nam đã cùng họp bàn để tổ chức lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và cũng là của Việt Nam Cộng Hòa nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn.
Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin về cuộc thi hoa hậu là tin hót giật tít trên trang nhất các tờ báo ở Sài Gòn bấy giờ, một thành viên trong ban giám khảo giật mình trước nhan sắc của nhà báo Thu Trang vượt trội hẳn một số người đẹp đã đăng ký nên khuyên bà: "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Một số người có thẩm quyền trong ban tổ chức cũng thật tâm khuyên bà nên đăng ký, bà đã hồn nhiên đồng ý để làm thủ tục với tên Thu Trang. Mặc dù hoàn cảnh gia đình bà còn khó khăn, không có đủ tài chính để chuẩn bị như yêu cầu bắt buộc cho mỗi thí sinh. Được sự cảm thông giúp đỡ của những người quen nên chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một chiếc áo dài viền đăng ten màu vàng rất đẹp đã được may gấp để làm trang phục dự thi cho Thu Trang.
Cuộc thi Hoa hậu năm vào ngày 20/2/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn (Sài Gòn), thu hút sự quan tâm của rất nhiều cô gái xinh đẹp ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận ở miền Nam Việt Nam. Do quan niệm Á Đông vẫn còn khá nặng nề nên cuộc thi này không có phần thi áo tắm mà chỉ có phần thi váy dạ hội và tài năng, ứng xử. Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa đăng quang với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86 - 62 - 88 cm và nặng 53 kilogam. Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh và Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, sinh viên Đại học Cần Thơ.
Phần thưởng đặc biệt dành cho hoa hậu của cuộc thi mà Thu Trang được nhận sau khi đăng quang gồm: 1 vé máy bay đi Mỹ; 3 ngàn đồng tiền lúc bấy giờ (tương đương với 10 cây vàng), nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, và một chiếc mô tô Lambretta rất giá trị lúc bấy giờ, nên từ đó người ta gọi Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta”.
Thời gian sau khi đăng quang, Hoa hậu Thu trang được “trải thảm đỏ” mời chào tiệc tùng, gặp gỡ giao lưu… và có sức hút rất lớn với công chúng. Bà được giới nghệ sĩ, điện ảnh và người hâm mộ săn đón… Ngành phim ảnh miền Nam lúc bấy giờ không thể thiếu hình ảnh của diễn viên - Hoa hậu Thu Trang. Từ năm 1956, Thu Trang bắt đầu bước vào thế giới điện ảnh và tham gia đóng nhiều vai. Hồi ấy, để tuyên truyền cho chính sách “chống Cộng sản miền Bắc”, bộ phim "Chúng tôi muốn sống" (đạo diễn Vĩnh Noãn), do Cơ quan viện trợ Mỹ đài thọ đã mời Thu Trang đóng vai chính trong phim, nhưng bà đã từ chối. Để che mắt mật thám, bà đồng ý đóng một vai phụ là người nữ cán bộ Việt Minh.
Năm 1957, lần thứ hai Thu Trang được mời vào vai Kiều Nguyệt Nga trong bộ phim “Lục Vân Tiên”, chuyển thể từ áng thơ bất hủ của cụ Đồ Chiểu, do Tống Ngọc Hạp làm đạo diễn, ông là người vừa sáng tác nhạc phim, vừa tham gia diễn xuất. Ông cũng là một nhà báo, một tác giả nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật Điện ảnh non trẻ của miền Nam vào thập niên 1950.
Năm 1957, hoa hậu – diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem phim Lục Vân Tiên sang Nhật làm “hậu Kỳ” lồng tiếng và nhạc để hoàn thành bộ phim với những nét nhạc dịu dàng đầy màu sắc dân tộc. Bộ phim màu đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện với nữ diễn viên Thu Trang, hoa hậu Việt Nam 1955, đã được mời tham dự Đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ tư. Đây là một thành công lớn của nền điện ảnh miền Nam Việt Nam. Chuyến đi chỉ có 2 người là bà và đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Bà cũng không ngờ đó là bước khởi đầu của một cuộc tình oan trái. Sau chuyến đi, bà mang thai và nhận phải sự chỉ trích nặng nề của dư luận.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà có thổ lộ khá chi tiết về mối tình không lối thoát này, bà viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê sẽ dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn nên càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...) Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…) Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự việc như vậy".
Cuối năm 1957, một nhóm các nhà làm phim người Mỹ đến Việt Nam dự định thực hiện bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” dựa trên tiểu thuyết đang ăn khách lúc đó. Đạo diễn Mankiewicz đã nhắm cho Thu Trang vai diễn cô gái Việt trong phim nhưng bà từ chối gặp. Đồng nghĩa với việc bà đã từ chối một cơ hội quý để tìm đường đến Hollywood - Kinh đô điện ảnh nổi danh. Hollywood đại diện cho ngành giải trí và điện ảnh của Hoa Kỳ. Lúc này, bà chọn làm mẹ trong bình an. Sinh con xong, bà xin vào làm việc ở một công ty nước ngoài để tránh điều tiếng.
(*) Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu tham khảo: Sách “Một thời để nhớ”, Hồi ký của bà Thu Trang; Tư liệu phỏng vấn của Hoàng Phước đăng trên “Kịch Ảnh” năm 1957 và một số tư liệu của đồng nghiệp.
Kỳ 1: Mời đọc Ở ĐÂY
Mời đón xem Kỳ III và hết.
Bình luận